Giận rồi thương

0:00 / 0:00
0:00
GN - Bà thu dọn vài bộ quần áo, ít thuốc vẫn dùng hàng ngày bỏ hết vào trong chiếc túi nhỏ. Bà ngồi thừ ra giường nhìn chồng. Nhìn sao thấy ghét. Lão đã ngủ. Vừa ngủ vừa lảm nhảm nói mơ.

Trong mơ lão cũng cằn nhằn, cũng chửi vợ nữa mới bực chứ. Mà bà có làm gì để lão chửi đã đành, đằng này… Đã mấy lần bà định bỏ đi. Đi đâu cho khuất mắt nhưng lại ngại xóm làng người ta dị nghị, vợ chồng già còn đốc chứng. Đã ăn đời ở kiếp với nhau, sắp xuống lỗ rồi còn giận hờn gì nữa. Ừ thì cũng giận hờn gì, nhưng cứ ở để nghe lão lè nhè, chửi rủa trong những cơn say, bà sắp không chịu nổi rồi.

Lần này nhất định bà sẽ đi. Đi cho bõ tức. Để mặc lão sống một mình cho biết từ trước đến nay ai là người bên cạnh quan tâm lão, để xem lão có thể chửi ai trong những cơn say. Bà giận, sao lão có thể càng ngày càng bệ rạc, tồi tệ đến như thế cơ chứ. Đến ngay cả mấy đứa con cũng chán bố nó, ít khi về nhà. Có về chúng cũng tránh những bữa cơm. Bởi cứ ngồi ăn cơm là nghe lão lải nhải chuyện này chuyện nọ, mắng đứa này đứa kia. Lâu lắm rồi, nay chúng mới ở lại ăn cơm với bà.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bà đưa tay chấm nhẹ giọt nước mắt ngân ngấn bên khóe mắt rồi lại thở dài. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bà đi rồi, ai bên cạnh lo cho lão những lúc say. Một mình lão chắc buồn lắm.

- Mẹ cứ định ở mãi với bố thế này sao? Mẹ lên ở với chúng con đi, ở đây để suốt ngày nghe bố chửi à?

- Ăn bữa cơm cùng bố mất ngon. Một miếng cơm kèm một miếng chửi, nuốt sao được.

Sau bữa cơm, mấy đứa con mỗi đứa một ý như vậy. Chung quy chỉ vì chuyện lão cứ ăn cơm là uống rượu, cứ uống rượu là lè nhè, rồi nói dai, rồi chửi. Con cái ngồi ăn, lão chỉ mặt từng đứa chửi. Đứa thì lão nói vô dụng, làm việc gì cũng không nên thân, làm đâu lụi đó; đứa thì lão bảo mặt lúc nào cũng xị ra như cái bánh đa ngâm nước; đứa lão kêu là ù lì, im như bồ đựng thóc. Chúng nghe mãi khó chịu, bỏ bát đứng dậy hết, lão cũng chửi. Lão chửi chúng mất dạy. Bố còn ngồi ăn mà con đã đứng dậy. Láo. Láo cả lũ. Rồi lão quay sang mắng vợ. Lão bảo bà không biết dạy con. Rằng bà dung túng cho chúng nó. Rồi lão điên lên quật cái bát đang cầm trên tay xuống nhà vỡ cái “choang”. Tiếng kêu khô khốc của mảnh sành hòa với tiếng lão chửi méo mó bởi rượu khiến cả nhà hoảng hốt:

- Cu…út, cút hết cho tao. Chúng mày cu…út hết đi. Từ nay ông cấm cửa. Không đứa nào được xuống đây nữa, nghe… nghe… không!

Bữa cơm dang dở. Mấy đứa cháu đang nô đùa thấy ông như vậy thì im thin thít, không đứa nào dám hé răng. Chúng len lén nhìn. Bữa nay ông lạ quá. Mọi lần không say rượu ông sẽ chơi với chúng, kiệu thằng em nhỏ nhất trên vai rồi mấy ông cháu đi chơi quanh xóm, có khi ra vườn tìm bắt mấy tổ chim, hoặc ông đi cho cá ăn. Ông sẽ chỉ cho chúng con nào là cá trắm, con nào là cá chép. Cá trôi mắt đỏ, cá rói khi ăn nổi cả lên mặt ao lao xao. Đôi cá chuối bơi sát bờ chầm chậm dắt lũ con theo… “Cá chuối đắm đuối vì con”. Ông bảo vậy. Bọn chúng ngơ ngác không hiểu, ông giải thích đại khái, tức là cá chuối làm tất cả vì đàn con của chúng, sống chết cũng phải bảo vệ con. Lũ cháu “à”. Kiểu như ông bà ngày xưa vất vả làm việc để nuôi các con phải không? Ông vừa nhổ mấy bụi cỏ ven bờ ném xuống ao cho bọn cá trắm vừa nói: Đúng rồi. Bây giờ chẳng những vì con mà còn vì cháu nữa.

Bà đang ngồi nghĩ mông lung bỗng giật mình khi nghe lão hằn học: Mẹ con chúng mày suốt ngày thì thà thì thào với nhau… Tưởng tao không biết chứ gì… Nhà này còn có nóc nhá… Vớ vẩn ông diệt hết. Im được một lúc lão bỗng bật khóc như con nít rồi lại cười khục khục trong miệng. Bà nhìn mà thấy ngứa mắt.

- Đồ nát rượu. Tôi sẽ đi khỏi cái nhà này xem ông còn chửi ai được nữa.

Bà nghiến răng nói vậy rồi bỏ đi. Lão vẫn ngủ, vẫn mơ, lâu lâu lại cười. Lúc đó tám giờ tối.

*

Lão mò dậy uống nước khi thấy cổ họng khô rang. Chuông đồng hồ đánh ba tiếng. Nhìn sang giường bên cạnh không thấy vợ đâu, lão lẩm bẩm: lại ra vườn sờ lần rồi. Ngủ chả ngủ, cứ nửa đêm gà gáy đã đi lần mò, như ma. Lão quay lại giường ngủ tiếp.

Tiếng gà gáy ran lên phía đống rơm đầu hồi làm lão thức giấc. Lão ngáp dài, vươn vai rồi bước xuống giường. Bụng lão sôi lên òng ọc, cồn cào. Lão vừa đẩy cửa ra ngoài, vừa cất tiếng gọi:

- Bà nó ơi, làm cho tôi bát mì nhá.

Không nghe tiếng trả lời. Lão đi đánh răng rửa mặt rồi càu nhàu:

- Mới sáng ra đã đi đâu không biết. Hay lại sang ngồi lê với mẹ con cái Ngoan?

Lão nghĩ vậy, đứng ở mé vườn, quay sang nhà Ngoan gọi lớn:

- Bà Lành ơi! Bà Lành!

- Bà không sang nhà cháu đâu, ông ạ! Có tiếng đáp lại.

Quái lạ, không sang đó thì mụ đi đâu sớm thế. Cơm nước bữa sáng không chuẩn bị. Lợn gà thì chưa cho ăn để nó kêu inh lên. Lão vừa xúc ống bơ thóc rải ra bạt sân phía bờ ao cho gà ăn vừa lầm rầm trách vợ. Rồi lão xách bao cám ra chuồng cho mấy con lợn ăn. Mặt trời đã lấp ló lên cao, ánh nắng nhảy nhót từng giọt trải xuống vàng cả mặt ao. Lũ cá quen giờ ăn, thấy bóng lão là ngoi lên mặt nước, đớp đớp. Mồ hôi lão rịn ra trên trán, chân tay lão hơi run. Lão cố hất cho cá ít rau muống đã cắt từ chiều qua còn để trên bờ rồi đi vào nhà. Kiếm cái gì ăn đã chứ đói hoa cả mắt rồi. Lão vào bếp, xúc vội bát cơm nguội, chan tí mắm. Lão lùa nhanh vài đũa vào miệng. Nghẹn. Lão trợn mắt, rướn cao cổ, đưa tay lên vuốt ngực. Khi cái bụng đỡ cồn cào, lão mới nhớ ra là mình chưa rót rượu. Bữa ăn nào lão cũng phải có cốc rượu, cơm mới ngon. Lão vừa rót rượu vừa lầm bầm chửi vợ.

Lão bê bát cơm, cốc rượu ra chiếc bàn đá ngoài sân ngồi. Vừa định tợp hớp rượu lão nhìn thấy tờ giấy đặt dưới bát điếu thuốc lào. Lão tò mò cầm lên, nheo mắt nhẩm đọc vài dòng chữ nguệch ngoạc: Tôi không ở với ông được nữa. Tôi về ở với con, để ông muốn làm gì thì làm, muốn uống bao nhiêu rượu thì uống. Lão ngẩn ra vài giây rồi bực tức vo tờ giấy ném bộp xuống sân, làu bàu:

- Vẽ chuyện, đi thì đi. Ông đây cần cóc gì. Không có mẹ con bà tôi chết chắc.

Lão ăn hết bát cơm, uống hết cốc rượu rồi đứng dậy, với tay lấy cái mũ cối treo trên tường rồi đi ra vườn. Lão phải trồng mấy cây chuối con cho xong. Chiều qua đang trồng dở thì tối sụp xuống mất, lại còn cơm nước cho bọn con cháu chúng về kẻo muộn.

Trưa. Lão nghỉ sớm, vào nấu cơm. Một mình cũng phải tươm chứ. Bà muốn ở với đứa nào thì ở, một mình lão càng thoải mái. Lão cắm cơm một bữa ăn hai. Chiều khỏi bận. Câu thêm con cá. Nửa nấu riêu chua. Nửa đem chiên. Cá rô phi to chiên cháy vỏ, bên ngoài da thì giòn, bên trong thịt chắc ngọt, ngồi nhấm rượu lai rai ngon hết sảy. Lão vừa nghĩ vừa suýt nước miếng. Hì hụi nấu nướng rồi lại cho bọn lợn ăn. Xong bữa cơm trưa cũng quá mười hai giờ. Lão đi ngủ. Định bụng chợp mắt một tí rồi dậy làm mà đánh vèo cái đã ba giờ chiều. Bứng tỉa nốt mấy cây chuối con ra trồng, ngày mai còn làm việc khác.

Tối. Lão ngồi được vào mâm cơm cũng gần tám giờ. Một mâm, một bát, một người. Tự nhiên lão thấy chán chán, buồn buồn. Lão đưa cốc rượu lên miệng uống một hơi. Hết nửa. Lão lè nhè. Vừa lè nhè, vừa chỉ tay về phía đối diện, chỗ mọi ngày vợ lão vẫn ngồi. Lão cứ vừa nói, vừa uống. Hết lại rót thêm. Uống đến lúc buồn ngủ, lão khật khưỡng mò vào giường. Chả biết lúc đó mấy giờ đêm.

*

Bà đi bộ ba cây số đến nhà con trai lớn. Bà bực dọc bảo không thể chịu được ông ấy nữa. Cô con dâu vui vẻ:

- Mẹ cứ ở đây với tụi con. Con nói thật, mẹ chịu được, chứ chồng con mà vậy á, con bỏ quách lâu rồi.

- Chỉ được cái ăn nói hàm hồ! - Con trai bà nhìn vợ mắng - Mẹ cứ để bố con ở một mình một thời gian đi. Miệng gần tai, bố chửi bố nghe.

Bà buồn buồn:

- Nói thì nói vậy, chứ vợ chồng còn có cái nghĩa. Chẳng gì cũng sống với nhau gần hết đời rồi. Chỉ tại ông ấy cứ rượu vào là lè nhè, nói năng võ biền chứ bình thường vẫn chăm chỉ làm lụng, nghĩ cho vợ con lắm.

Bà ở lại với con trai cả. Tối đó mấy đứa con kéo nhau đến chơi, cùng nấu ăn. Đang chuyện vui, đứa cháu lớn chợt nói:

- Không biết giờ ông ăn cơm chưa nhỉ?

Không khí chùng lại. Bà ngóng ra ngoài sân. Đêm không trăng, không sao, tối om om.

Bà ở với con được hai ngày thì nóng ruột. Cứ đi lại thấp thỏm. Chẳng biết lão ở nhà thế nào? Có nấu cơm nấu nước ăn uống cho đàng hoàng không? Có uống rượu say bét nhè không? Sáng ngày thứ ba, người con trai vừa dậy đã thấy bà ngồi sẵn ở bậc cửa, bên cạnh là túi quần áo.

- Anh chở mẹ về nhà xem sao. Mẹ sốt ruột quá.

- Ôi dào. Mẹ cứ kệ bố con đi.

- Không, ngộ nhỡ ông ấy rượu say. Quanh nhà toàn ao chuôm.

*

Bà về đến đầu ngõ đã nghe tiếng lợn réo ầm ĩ, lũ gà chạy đầy cả vào trong sân. Nhìn vào nhà, mâm bát nằm khô rang, đĩa rau muống luộc chắc bị con mèo ăn, vài cọng vương ra chiếu. Lão nằm ngay cạnh mâm, co quắp.

- Ông ơi, ông!

- Bố!

- Chắc ông ấy bị trúng gió rồi.

Anh con trai bế thốc lão lên giường.

- Lạnh, lạnh quá! Lão rên lên hừ hừ.

Bà vội đi lấy dầu xoa hai bên thái dương, lòng bàn tay bàn chân cho lão. Đắp cho lão chiếc chăn. Dọn dẹp xong mâm bát, bà bảo anh con trai đi cho đàn gà, mấy con lợn ăn. Còn bà, đi nấu cho lão bát cháo ăn cho nóng. Rõ khổ, chắc tại một mình ăn uống không đâu lại còn uống rượu nữa nên mới ra nông nỗi.

Bà bưng bát cháo lên, hơi nóng bốc ra nghi ngút. Lão gượng ngồi dậy, húp soạt soạt. Bỗng lão nhắm mắt lại rùng mình. Bà vội hỏi:

- Sao vậy, nóng quá à ông?

- Không phải! Từ nay tôi sẽ không uống rượu nữa.

Bà rưng rưng nhìn lão. Anh con trai đang lau dọn chỗ rượu lão làm đổ ra nhà, nghe vậy thì chen vào:

- Rượu vào vừa hại sức khỏe, vừa lục đục gia đình. Nên bỏ bố ạ.

Lão nhìn con gật đầu, hiền khô.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày