Giáo sư Lê Mạnh Thát với bộ "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" tái bản và bổ chú

3 tập Lịch sử Phật giáo Việt Nam của tác giả Lê Mạnh Thát được tái bản, bổ chú nhiều thông tin cập nhật qua quá trình nghiên cứu, điền dã.
3 tập Lịch sử Phật giáo Việt Nam của tác giả Lê Mạnh Thát được tái bản, bổ chú nhiều thông tin cập nhật qua quá trình nghiên cứu, điền dã.
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Kể từ thời điểm lần đầu ra mắt công chúng cho đến nay, sau 24 năm với 3 lần ấn hành - mới nhất là tháng 11-2023, công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam của GS.Lê Mạnh Thát vẫn còn mang một sức hút rất lớn đối với học giới và công chúng quan tâm.

Quá trình du nhập và phát triển của đạo Phật song hành cùng những thăng trầm thịnh suy của lịch sử dân tộc. Chính vì thế, để hiểu được lịch sử dân tộc, cũng cần hiểu được lịch sử đạo Phật. Từ nền tảng đó, năm 1999, GS.Lê Mạnh Thát đã cho ra đời tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam nhằm cung cấp một phương tiện cho “việc tìm hiểu lịch sử dân tộc ta”. Lần xuất bản này do NXB.Tổng Hợp TP.HCM cấp phép.

Đến năm 2006, Viện Nghiên cứu Phật học VN tổ chức ấn hành lại tác phẩm, tiếp tục tạo nên sức hút lớn đối với số đông. Lần tái bản mới nhất của tác phẩm được thực hiện vào tháng 11-2023 đánh dấu “sự trở lại” sau một thời gian dài vắng bóng của tác phẩm Lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Cũng cần nói thêm, trong thời gian gần 20 năm kể từ ấn bản được Viện Nghiên cứu Phật học VN thực hiện cho đến nay, một thời gian dài, bộ sách gần như tuyệt bản mặc dù nhu cầu tham khảo, tìm đọc của công chúng vẫn rất lớn. Đó cũng là lý do trong khoảng thời gian này, những người muốn đọc buộc phải sử dụng các bản photocopy hoặc tìm mua những bản sách in “chui” trên thị trường.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1232 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1232 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Lịch sử Phật giáo Việt Nam của GS.Lê Mạnh Thát được đánh giá là một công trình đồ sộ, đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu lịch sử phát triển của Phật giáo trong bối cảnh lớn lao hơn đó là tiến trình dựng nước và giữ nước của người Việt. Kể từ thời điểm ra đời, công trình này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ giới học giả, nghiên cứu cũng như được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong rất nhiều công trình nghiên cứu, giảng dạy trong các trường Phật học tại Việt Nam.

Bộ sách gồm 3 tập, trình bày những nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên thời kỳ Hùng Vương cho đến thời Trần Thánh Tông (1278). Trong đó, theo tự thuật của GS.Lê Mạnh Thát trong phần giới thiệu sách năm 1999, phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong công trình này là phương pháp lịch sử tổng hợp, sử dụng tư liệu từ nhiều bộ môn khoa học khác nhau.

Điều này được thể hiện rõ nét ở phần lớn nội dung sách, trong đó, tác giả đã dựa trên một nguồn tư liệu đồ sộ, từ các di liệu của Phật giáo cho đến nguồn sử liệu phong phú bgồm các văn bản chánh sử lẫn dã sử của Việt Nam được thu tập qua các thời đại, trong đó các tác phẩm khá quen thuộc như: Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt sử lược,… Dựa trên nền tảng tư liệu, tác giả đã phân tích, kiến giải về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử Phật giáo Việt Nam với các gương mặt nổi bật, những sự kiện, hiện tượng có tác động đến tiến trình truyền bá của Phật giáo ở nước ta.

Đặc biệt công trình của GS.Lê Mạnh Thát cũng dành một phần lớn nội dung nghiên cứu về sự du nhập và phát triển của đạo Phật trên lãnh thổ của người Việt từ thời Hùng Vương cho đến hết thời Bắc thuộc - một giai đoạn có khá ít công trình nghiên cứu liên quan về đạo Phật.

Cũng theo quan điểm của GS.Lê Mạnh Thát, lịch sử phát triển của Phật giáo Việt Nam có thể chia thành 5 thời kỳ lớn:

- Thời kỳ thứ nhất: từ khởi nguyên cho đến khi Lý Bôn xưng đế, lập nước Vạn Xuân.

- Thời kỳ thứ hai: từ thời Lý Nam Đế đến thời Lý Thái Tông.

- Thời kỳ thứ ba: từ đời Lý Thánh Tông đến Trần Thánh Tông.

- Thời kỳ thứ tư: từ vua Trần Nhân Tông đến chúa Nguyễn Phúc Thái.

- Thời kỳ thứ năm: từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu đến khi vua Bảo Đại thoái vị năm 1945.

Công trình Lịch sử Phật giáo Việt Nam hiện tại dừng lại ở thời vua Trần Thánh Tông - cột mốc đánh dấu một giai kỳ cực thịnh của Phật giáo Việt Nam với sự chuẩn bị ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử với những gương mặt sáng chói mà hơn hết là Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Như vậy, theo sự phân kỳ được GS.Lê Mạnh Thát đưa ra, công trình nghiên cứu này chỉ mới đi được hơn một nửa đoạn đường. Với lần tái bản và bổ sung nhiều chi tiết mới, chỉnh sửa về nội dung, hy vọng trong thời gian sắp tới, đoạn đường tiếp theo của lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ được thực hiện một cách trọn vẹn để đưa tới một cái nhìn hoàn chỉnh nhất về hành trình đầy thăng trầm và gắn bó mật thiết của Phật giáo và dân tộc Việt Nam.

Về “đạo sống” Phật giáo dưới thời Trần*

GS.Lê Mạnh Thát

GS.Lê Mạnh Thát

Ta đã thấy quan điểm tùy tục được diễn giải về mặt chính trị với vua Trần Thái Tông. Không chỉ thế, quan điểm ấy cũng được diễn giải như một đạo sống với tư tưởng hòa quang đồng trần của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Người Phật giáo của thời đại này tìm sự giác ngộ của mình ở cuộc đời bụi bặm của trần thế. Đây rõ ràng là kết tinh của cả một quá trình vận động và hình thành hệ tư tưởng thế sự. Hệ tư tưởng ấy xác định cuộc sống giác ngộ chính là cuộc sống bụi bặm ở trần thế.

(…) Tại nước ta, trong quá trình vận động và phát triển của bản thân Phật giáo, đến giai đoạn Phật giáo chúng ta bàn ở đây, hệ tư tưởng chung của giai đoạn này là xác lập cho được một đạo sống Phật giáo mới trong một đất nước Đại Việt đang vận động và phát triển để trở thành một quốc gia hùng cường.

Vai trò của Phật giáo trong giai đoạn này do thế phải tự đặt cho mình nhiệm vụ là tạo một cơ sở lý luận tương đối ổn định để Phật giáo có thể tiếp tục phát triển, đồng thời đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của lịch sử Việt Nam. Từ đó, hơn bất cứ thời kỳ nào, tính nhập thế tích cực của Phật giáo trong giai đoạn ấy là hết sức rõ ràng. Tính tích cực nhập thế đây phải coi là xu thế chung và có nét đặc trưng của riêng nó, mà ta không thể lẫn lộn với những giai đoạn Phật giáo khác.

***

Ngày trước vào giai đoạn Phật giáo tham gia vào sự nghiệp vận động độc lập cho dân tộc, thì chủ trương của Định Không là phải làm cho đất nước có chủ quyền để Phật pháp được long thịnh. Đến giai đoạn này, yêu cầu để Phật pháp được long thịnh là phải “hỗn tục hòa quang”, là phải lăn lộn vào đời sống trần tục, đem ánh sáng hòa vào trong đời sống ấy để cho đời sống ấy càng thêm sáng tươi. Cho nên, Tuệ Trung đã cố gắng biến chủ trương tùy tục của Thường Chiếu và quan điểm tại quang tại trần của Trường Nguyên thành một đạo sống, chuẩn bị cho sự ra đời một nền Phật giáo mới dưới bàn tay của Trúc Lâm Điều Ngự Trần Nhân Tông.

Trích Lịch sử Phật giáo Việt Nam - GS.Lê Mạnh Thát (*tựa của Giác Ngộ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày