Giếng chùa

GN - Nóng. Những cơn gió tuyệt nhiên không còn lại chút hơi nước nào; cái nắng hanh hao, khô nẻ đã về đậu trên vòm xà cừ rắc đầy bụi ở đầu phố.

Khát. Và chợt thấy thèm quá, một chút gì mát lạnh lúc này. Thế là đâm ra nhớ, lan man ngược về tận đẩu, tận đâu. Nhớ khúc sông mềm mại uốn vòng qua vai làng mà nhớ đi, nhớ khoảng sân rộng mát nhà bà nội, bình yên dưới chân một vạt đồi thâm thấp đầy cỏ gấu và sim mua hoang dại mà nhớ lại… Nhà bà ở tận cuối làng, thêm độ vài chục bước chân nữa là tới ngay chùa làng nằm ở mé chân đồi.

gieng chua.jpg


Giếng chùa ở cuối sân, kề ngay bên gốc đại cổ thụ - Ảnh minh họa

Chùa cũ, nhỏ, ẩn trong một vùng lá xanh ngăn ngắt. Mùa này, ngọc lan chắc là chưa trổ búp, chỉ có những cánh hoa đại trắng ngà, lác đác rụng xuống sân chùa. Thoảng trong không khí một mùi hương dịu ngọt, lẫn vào điểm nhặt tiếng chim và phảng phất trầm nhang một buổi trưa tịch lặng.

Giếng chùa ở cuối sân, kề ngay bên gốc đại cổ thụ. Dạo còn đi học, cứ mỗi lần nghỉ hè, về quê là thể nào cô cũng lại sang bên ấy. Ra giếng, nhẹ thả chiếc gàu, thật cẩn thận để tránh va vào đám rêu xanh óng mịn trên lớp đá ong già cũ. Rồi lần nào cũng vậy, vừa chậm rãi kéo gầu, vừa nghe hơi mát dịu dàng tỏa lên từ lòng giếng sâu hun hút. Rồi chẳng khi nào khác, khỏa lên mặt một vốc nước, khoan khoái đón lấy sự trong trẻo, mát lạnh tràn qua da thịt, vỗ về, làm bừng lên một cảm giác lạ kỳ…

Sao mà nhớ, mà thèm đến thế. Những tháng ngày xưa cũ. Những cảm giác mơ hồ mà rõ ràng, hiển hiện. Thả hồn, buông mọi giác quan, đắm mình trong nguồn nước trong veo đã lọc qua bao lớp cỏ cây, đất đá, đã giao hòa cùng nắng gió, khí trời của những ngày mây trắng bay qua, của những đêm mù sương giăng kín. Uống trọn, hít thở đến tận cùng, cái vị ngọt lành, thanh khiết và cả “mùi” không gian lồng lộng, an nhiên chốn cửa thiền…

Lại nhớ đến cả cái giếng chùa Đồi Mai của “Vang bóng một thời”, cái giếng mà ông cụ Sáu ròng rã mười năm trời “không đi đâu xa được, là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà” (*). Ôi chao, cái công phu của vị khách phong lưu khổ lụy vì những ấm trà Tàu. Và cũng chẳng thể ngờ, cái nguồn mạch thiên nhiên nơi cô tịch ấy lại có thể tác tạo và nuôi dưỡng bền lâu những sinh thú kỳ diệu ở đời!

Nhiều lúc, cô cũng thấy mình lạ. Chẳng phải thân hạc phong trần, ruổi rong đường gió bụi bay. Lại càng không bao giờ có thể hiểu đến mức sùng bái trà để một đôi lần thử đắm mình trong thú vui tao nhã ấy. Chỉ là một điểm nhỏ trong hằng hà những ký ức tản mác, vụn vặt… Ấy thế mà chưa một lần lãng quên. Mỗi lúc nhớ về ngôi nhà của bà nội, về một thời thơ ấu, hình ảnh cái giếng chùa làng lại luôn hiện ra. Và dường như có cả đâu đây tiếng chuông đồng văng vẳng vào mỗi sáng tinh sương hay những đêm khuya vắng, lẫn trong tiếng kinh, tiếng kệ rì rầm…

Chợt nhận ra! Có những thanh khiết, mộc mạc đã ẩn thật sâu vào một nơi khuất nẻo. Lặng lẽ. Từng chút một. Tích tụ lại, góp thành một thứ “của để dành” mang theo suốt đời người. Để đến một lúc nào đó, những hồi niệm ấy sẽ bừng dậy, rồi lại lắng sâu, sẽ khiến mình đằm dịu hơn trong khói bụi mưu sinh nhòa mịt, dẫu chỉ là một thoáng…

Lam Bình

________________

(*) Trích “Những chiếc ấm đất” (Vang bóng một thời - Nguyễn Tuân)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày