Giới tử Tỳ-kheo-ni đắc giới giữa hai bộ Tăng?

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1154 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1154 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GN - Sau khi Giác Ngộ số 1146 đăng tải bài viết “Một số vấn đề trong truyền thọ giới Tỷ-kheo-ni hiện nay”, tòa soạn nhận được một số phản hồi từ chư tôn đức ở trong và ngoài nước, bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề này.

Trong tinh thần mong muốn hiểu đúng để làm đúng - như Hòa thượng Thích Minh Thông, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương đã từng nêu trên Giác Ngộ trước đây, xin giới thiệu một trong những ý kiến liên quan, từ lớp Hoằng Luật Huệ Nghiêm.

Tăng pháp yết-ma được phân chia thành ba loại cơ bản: 44 pháp thuộc về Đơn bạch, 78 pháp thuộc về Bạch nhị và 39 pháp thuộc về Bạch tứ. Tổng cộng có 161 pháp yết-ma. Đây không phải là con số cố định, mà chỉ mang tính chất ước lệ; tùy thuộc vào mức độ khinh - trọng của Tăng sự, các pháp yết-ma được áp dụng một cách linh hoạt, dựa trên các nguyên lý cơ bản của từng loại yết-ma, để tương xứng với đối tượng yết-ma hướng đến.

Đa số các pháp yết-ma là Bất cộng pháp, nghĩa là được thực hiện riêng biệt theo từng bộ Tăng. Tuy nhiên, căn cứ vào luật Tứ-phần san phồn bổ khuyết Hành sự sao, quyển thượng, chương 5. Bàn chung về yết-ma, giữa Tăng và Ni có hai Tăng sự được thực hiện chung (gọi là Cộng pháp): Truyền giới Cụ túc cho Tỳ-kheo-ni và tác pháp sám tội Tăng-tàn (trao pháp Ma-na-đỏa và xuất tội) cho Tỳ-kheo-ni.

Mỗi đàn truyền giới đều có tính đặc thù riêng, nhất là đàn Tỳ-kheo-ni. Bởi vì, giới tử thọ giới Tỳ-kheo-ni phải trải qua hai giai đoạn thọ giới (Bản pháp yết-ma và Chánh pháp yết-ma) thì giới thể vô biểu mới phát sinh. Đương nhiên, cần phải hội đủ ba điều kiện: Giới sư thanh tịnh; Đàn tràng trang nghiêm (Hình thức tổ chức trang nghiêm và kết Cương giới như pháp); Giới tử phát tâm dõng mãnh cầu thọ giới pháp.

Đối với đàn truyền giới Tỳ-kheo-ni, sau khi giới tử được Hội đồng Thập sư Ni truyền Bản pháp yết-ma, trong ngày, Giới sư Ni phải dẫn các giới tử qua Đại tăng cầu xin Chánh pháp yết-ma.

Để làm sáng tỏ vấn đề cần bàn luận, người viết sẽ trích dẫn và phân tích cụ thể các văn Luật liên quan đến việc truyền thọ giới Tỳ-kheo-ni như sau:

- Một trong Bát kỉnh pháp mà Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã chấp nhận để trở thành một Tỳ-kheo-ni đó là Thức-xoa học giới hai năm, phải qua Đại tăng cầu xin Chánh pháp yết-ma, hay nói cách khác là giới tử Tỳ-kheo-ni đắc giới giữa hai bộ Tăng1. Nguyên tắc này được quy định đầy đủ trong Cūlavagga, phần chú thích về nghi truyền thọ giới pháp, giới tử phải đến thọ giới với Tỳ-kheo-ni Tăng trước, rồi mới đến Tỳ-kheo Tăng cầu xin Chánh pháp, mỗi bên đều thực hiện theo thể thức là một đề nghị, ba thông bạch và xác nhận2.

- Hành sự sao ghi chép về việc truyền giới Tỳ-kheo-ni tại Trung Quốc: Đời Tống, năm Nguyên Gia thứ 7 (430), ngài Cầu-na-bạt-ma người nước Kế-tân đến Dương Châu dịch kinh Thiện giới. Sau đó có tám Tỳ-kheo-ni nước Sư-tử đến thưa: “Đất Tống chưa có Tỳ-kheo-ni thì sao thọ giới giữa hai bộ?”. Ngài Cầu-na-bạt-ma hứa khả sẽ truyền giới lại cho Tỳ-kheo-ni, nhưng phải chờ các Tỳ-kheo-ni ở Tây-Vực đến cho đủ túc số. Sau đó, ngài thị tịch. Đến năm Nguyên Gia thứ 10 (433), ngài Tăng-già-bạt-ma (Chúng Khải) đến Dương Châu; Tỳ-kheo-ni là Thiết-sách-la cùng hai người ở nước Sư-tử đến, đã đủ túc số 10 vị, nên thỉnh ngài Tăng-già-bạt-ma truyền giới Tỳ-kheo-ni giữa hai bộ Tăng.

- Luật Ngũ-phần, chương VIII. Pháp Tỳ-kheo-ni: “Hòa thượng, A-xà-lê phải tập hợp đủ 10 Tỳ-kheo-ni đến trước Tỳ-kheo Tăng, ở trước thầy yết-ma một khoảng không xa, quỳ gối cầu xin giới pháp”. Nếu như, khi truyền Chánh pháp yết-ma mà không có sự hiện diện của Hội đồng Thập sư Ni thì đâu nhất thiết phải tập hợp đủ 10 vị Tỳ-kheo-ni. Vậy chỉ cần hai hoặc ba vị đưa giới tử qua Đại tăng là được. Nhưng căn cứ vào văn Luật thì hai bộ Tăng phải đủ số lượng, nghĩa là túc số lúc truyền Chánh pháp phải đủ 20 người. (Luật Tứ-phần Tỳ-kheo-ni sao của ngài Đạo Tuyên, quyển thượng, chương 10. Giới Cụ túc cũng giải thích rõ vấn đề này).

- Yết-ma Chỉ nam và luật Ma-ha Tăng-kỳ đều ghi: “Ni thọ Đại giới, hai bộ Tăng phải đủ số 20 vị”.

- Căn bản Thuyết nhất thiết Hữu bộ Bách nhất yết-ma, quyển 2, Thọ giới Bí-sô-ni: Hai bộ Tăng-già phải tập hợp đầy đủ. Bí-sô Tăng ít nhất mười người, Bí-sô-ni ít nhất mười hai người. Giới tử vào đảnh lễ hai bộ chúng, thầy yết-ma Tăng hỏi giới tử về các già-nạn, rồi tác pháp Bạch tứ yết-ma: “Hai bộ Tăng-già lắng nghe!...”.

- Hành sự saoTứ-phần Tỳ-kheo-ni sao cũng giải thích thêm về cách sắp đặt vị trí chỗ ngồi của hai bộ Tăng lúc truyền Chánh pháp yết-ma: “Giữa hai bộ chúng, trải hai tấm chiếu chừa khoảng giữa hai hoặc ba thước, sao cho khi dang tay vừa chạm vào nhau, rồi tác pháp”.

Tóm lại, từ những căn cứ nêu trên, việc truyền giới Tỳ-kheo-ni phải trải qua hai giai đoạn: Bản pháp yết-ma do Hội đồng Thập sư Ni đảm trách và Chánh pháp yết-ma do Đại tăng đảm trách, nhưng phải được tác pháp giữa hai bộ Tăng.

Giai đoạn truyền Bản pháp yết-ma chỉ là duyên thọ giới, giới thể chưa phát sinh. Giới tử Tỳ-kheo-ni chỉ đắc giới khi truyền Chánh pháp yết-ma, nghĩa là tác pháp Bạch tứ yết-ma có sự hiện diện của cả hai bộ Tăng, bấy giờ căn bản nghiệp đạo mới thành tựu, giới tử Tỳ-kheo-ni mới phát sinh giới thể vô biểu.

Mục đích tổ chức Giới đàn là giới tử đắc giới. Cho nên, khi đăng đàn truyền thọ giới pháp, Giới sư cần tuân thủ các nguyên tắc của yết-ma truyền giới, để Tăng sự không phạm vào bảy Phi tướng yết-ma, khiến cho việc tác pháp không thành tựu. Nếu như tác pháp yết-ma truyền giới không thành tựu thì giới tử không thể nào đắc giới được.

Vì vậy, am tường Luật tạng và thông suốt các pháp yết-ma là bổn phận của Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni không thể xao lãng.

-----------------------------------

1 Vin. II, 255: Dve vassāni chasu dhammesu sikkhita-sikkhāya sikkhāmānāya ubhatosanghe upasampadā pariyestabbā.

2 V.II, 272-74 (Giải thích: Bản pháp yết-ma được thực hiện bởi Tỳ-kheo-ni Tăng, vì giới tử cần được hướng dẫn và trả lời những câu hỏi liên quan đến chướng ngại cho việc thọ giới Tỳ-kheo-ni, trong đó có những vấn đề về giới tính, các bệnh liên quan đến phụ nữ,…, để tránh trường hợp khiến giới tử xấu hổ nên Đức Phật đã giao Bản pháp yết-ma để Tỳ-kheo-ni Tăng phụ trách. Sau đó, mới đưa các giới tử qua Đại tăng cầu xin Chánh pháp)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.
Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa, sáng 21-11

Thanh Hóa: Ban Trị sự Phật giáo tỉnh khởi công xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa

GNO - Thực hiện cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 22-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sáng 21-11, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Thanh Hóa đã làm Lễ khởi công, trao kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo tại H.Quan Hóa.

Thông tin hàng ngày