Góc an nhiên: Màu của hy vọng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ở nhà nhiều, đôi lúc, không hẳn là một trải nghiệm dễ chịu...

Khi tin tức về việc thành phố quyết định thực hiện giãn cách xã hội xuất hiện trên các mặt báo, chỉ ít lâu sau đó thôi, trên Facebook bắt đầu xuất hiện vô vàn những lời cảm thán. Hai tuần không quá dài, nhưng hai tuần phải ở yên trong nhà, hạn chế ra đường, thay đổi hàng loạt những thói quen thường nhật là một việc không dễ chịu chút nào với nhiều người, trong đó có tôi.

Ngoài những công việc chuyển đổi sang hình thức “work from home”, việc lấp đầy khoảng thời gian trống trong một ngày đối với một người vốn đã quen la cà, dịch chuyển là cả vấn đề… nan giải. Dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp lại mọi thứ, tạo ra những trật tự khác cho không gian sống vốn dĩ chật hẹp của mình để thoải mái hơn trong gần nửa tháng sắp tới. Rồi gì nữa? Tranh thủ những giờ cuối trước khi giãn cách, tôi chạy ra vựa mua thêm vài cái cây bổ sung vào khu vườn còi cọc trên sân thượng nhà mình. Chăm sóc cây cối cũng là một việc thú vị, một thứ thú vị phần nào xa xỉ giữa thành phố tấc đất tấc vàng này.

Chăm sóc cho cây cối cũng đồng thời là một trải nghiệm đặc biệt. Ngồi ngắm những chồi non mới bật lên từ đất, chiếc lá đung đưa trong gió, thảng hoặc là tiếng chim rúc rích vọng từ đâu tới trong cái nắng đầu hè,… Tự nhiên bao giờ cũng có sự dịu dàng và sức an ủi tâm hồn hơn hết thảy. Chẳng vậy mà những lúc con người mệt mỏi, chán nản hay bị những áp lực của đời sống hiện đại đẩy tới ngưỡng cuối của sự chịu đựng, họ lại có xu hướng trốn lánh vào thiên nhiên, để những sinh thể lặng im, tràn đầy sức sống ôm ấp lấy mình.

Nhưng với cây cối không chỉ có vậy. Những ngày ở nhà, chăm sóc cho những cái cây, tôi nhận được nhiều bài học hơn từ chúng. Một cây dương xỉ yếu ớt, bạc đi vì nắng lúc phải đứng riêng một góc lại trở nên xanh tốt, mượt mà trở lại khi nép dưới bóng của những cái cây lớn hơn. Một cây hoa lài lúc nào cũng lại muốn vươn mình ra phía cái nắng rực rỡ mà cây dương xỉ ái ngại,…

Những cây lớn cũng dường như xanh tốt hơn khi phần gốc được bao phủ bởi những cây nhỏ, phần đất quanh gốc chúng cũng bớt sự khô cằn,… Nhìn cách sống nương vào nhau ấy của những cái cây, tôi ngoái lại nhìn cách mà con người đang nương nhau qua thời trắc trở. Đại dịch ập đến, mang theo nỗi sợ hãi, nhưng cũng giúp ta nhận ra tình người dường như chưa bao giờ thiếu vắng. Người khá giả, có điều kiện tìm cách giúp đỡ những phận đời yếu thế và nghèo khổ hơn bằng những “siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”; những cư dân trong con hẻm nào đó chia sẻ với nhau bó rau hay cái trứng, hỏi thăm nhau, cười với nhau bằng mắt một cái (vì cái miệng bị khẩu trang che mất tiêu rồi) trong khi chịu chung cảnh phong tỏa vì “dính” dịch;… Họ cũng như những cái cây lẫn vào nhau, cây này cho cây kia bóng mát để xanh hơn, cây kia giúp cây nọ phủ gốc để lớn hơn, để rồi sau chót tất cả đều cùng rợp mát cho đời.

*

Buổi chiều, tôi tỉa bớt những nhánh còi cọc của cây mai chỉ thiên trong vườn, vô tình trong số cành ấy có một bông hoa đậu lại. Tiếc của, tôi bèn đem bông hoa ấy cắm vào chiếc ly, đặt trên một góc bàn làm việc. Bông hoa vô danh, nằm trong mớ cành xương xẩu, lẫn trong đám cây rậm rì, nhiều ngày đi qua tôi chẳng hề để ý, ấy vậy mà lại trở nên đẹp khó tả khi đứng một mình. Cái đẹp khiến tôi liên tưởng tới tinh thần “wabi” trong văn hóa Nhật. Cành hoa sống được 2 ngày trong chiếc ly nhỏ của tôi. Lúc mới vào chỗ sống mới, nó phần nào ủ rũ, ấy vậy mà sáng hôm sau, khi thức giấc, tôi đã thấy nó vươn lên mạnh mẽ. Rồi trưa hôm đó, đóa hoa lìa cành, rơi xuống mặt bàn, yên ắng. Cái chết của bông hoa cũng đẹp như sự sống của chính nó. Đóa hoa nhỏ dạy tôi bài học về sự vô thường, cũng dạy tôi bài học về sự sống. Cành hoa đã sống bằng tất cả sức lực và vẻ đẹp của nó, để đến khi chết, nó cũng tạo ra một cái chết đẹp nhất cho riêng mình. Đóa hoa rụng xuống, cành vẫn còn mang những chiếc lá và một nụ hoa bé xíu khác tràn trề sức sống. Bất giác tôi tin, cái nụ bé xíu và những chiếc lá rồi sẽ sống tiếp một đời thật đẹp trước khi lìa cành, như đóa hoa kia. Và tôi dường như tìm ra thêm ở chúng ý nghĩa của niềm hy vọng.

Cũng trưa hôm ấy, tôi đọc báo và thấy mẩu tin về việc một cô hoa hậu vừa đột ngột lìa đời. Cô còn rất trẻ, rất đẹp và có học thức. Mở Facebook, tôi thấy rất nhiều lời tiếc thương cô, trong số đó có cả những người bạn của cô mà tôi quen. Họ không phải đơn thuần tiếc thương một người đẹp đã qua đời, mà là tiếc thương một con người luôn cố gắng sống đẹp, nuôi dưỡng cho mình một tâm hồn đẹp. Một tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp sẽ còn sống lâu hơn sự sống của một con người. Tôi tin vậy.

*

Chị nhắn tin hỏi tôi: “Có sợ không?”. Tôi sợ chứ. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên hành tinh này, cắt ngang sự sống của những mảnh đời có khi chỉ vừa mới bắt đầu. Những ngày này, quanh nhà tôi là những F1, F2, là những com hẻm giăng dây, rào chắn, tôi sợ chứ. Nhưng tôi vẫn hy vọng. Rồi đại dịch sẽ qua đi, rồi cuộc sống vẫn tiếp diễn, rồi người ta sẽ biết cách yêu thương và san sẻ với nhau hơn sau cơn khó ngặt. Chị nói với tôi rằng chị thấy những ngày này người ta trồng cây nhiều hơn, chụp hình cỏ cây, núi đồi… đăng Facebook nhiều hơn nữa. À đó, tôi còn hy vọng sau đại dịch, người ta còn biết nương tay hơn với tự nhiên, tìm cách chăm sóc và chữa lành lại vết thương của tự nhiên, phần sự sống mà bao năm con người đã bạo tàn hủy hoại. Tôi viết lại đây những câu thơ của Lưu Quang Vũ mà chắc hẳn nhiều người cũng rất thích:

Con chim sẻ của phố ta

Đừng buồn nữa nhá

Bác thợ mộc nói sai rồi

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa

Tại sao cây táo lại nở hoa

Sao rãnh nước trong veo đến thế?

Cuộc đời của chúng ta là để hy vọng chứ, đúng không?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày