GNO - Theo tin từ Làng Mai (Pháp), GS Trịnh Xuân Thuận sẽ có hai buổi trình bày về Khoa học và Phật học tại khóa tu 21 ngày tại đây.
Chư Ni Làng Mai trong nụ cười an vui, thảnh thơi - Ảnh: L.M
Theo đó, từ ngày 1 đến ngày 21-6, tại Làng Mai sẽ có khóa tu ba tuần lễ cho các nhà khoa học và Phật học, với chủ đề “Nhà Khoa học nắm tay nhà Phật học”. Trong khóa tu này, GS Trịnh Xuân Thuận sẽ trình bày vào ngày 3 và 4-6, tại xóm Thượng và xóm Mới Làng Mai.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận (ảnh) sinh ở Hà Nội ngày 20-8-1948. Ông rời Hà Nội năm 6 tuổi. Gia đình cư trú ở Sài Gòn. Ông được học ở đó cho đến khi đậu tú tài (1966) tại trường Jean Jacques Rousseau. Sau một năm học tại trường Ecole Polytechnique ở Lausanne, ông đã theo học tại các trường Đại học nổi tiếng bên Hoa Kỳ: Trường California Institute of Technology (Caltech) và Trường Đại học Princeton. Năm 1974, ông đậu bằng tiến sĩ vật lý học thiên thể (astrophysics) dưới sự chỉ dạy của Giáo sư Lyman Spitzer, người đã sáng tạo ra viễn vọng kính Hubble và một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong lĩnh vực vật lý môi trường vũ trụ (interstellar space) và vật lý plasma. Từ 1976 ông dạy vật lý học thiên thể tại Trường Đại học Virginia ở Charlotteville. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý thiên thể ở Paris và cộng tác với các nhà khoa học Pháp. Ông vừa hoạt động tại Pháp vừa hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông nổi tiếng thế giới về lĩnh vực vật lý ngoài thiên hà (extragalactic physics), và là tác giả của trên 200 bài viết về sự cấu tạo của các thiên hà, nhất là các thiên hà lùn (dwarf galaxies) và về sự tổng hợp giữa các yếu tố nhẹ trong hiện tượng Big Bang. Năm 2004, với viễn vọng kính Hubble ông đã khám phá ra được lần đầu tiên thiên hà trẻ nhất (I Zwicky 18) của vũ trụ vào thời điểm đó. Ông là tác giả nhiều sách về khoa học cho đại chúng. Tổ chức UNESCO đã trao cho ông giải thưởng Kalinga năm 2009, vì tài năng đại chúng hóa khoa học ấy. Tại trường đại học Virginia, ông có dạy một lớp gọi là: “Thiên văn học cho các nhà thơ” (astronomy for poets). |