GNO - Với sự hiện diện của hàng trăm lễ hội lớn nhỏ, tháng Giêng được xem là khoảng thời gian mang đậm chất văn hóa cổ truyền dân tộc. Ngoài việc tham gia vào trò chơi dân gian của các lễ hội, việc lên chùa lễ Phật cũng là hoạt động thu hút đông đảo Phật tử và những người chịu ảnh hưởng của Phật giáo. Tuy nhiên, những năm qua, nét đẹp văn hóa tâm linh này đã bị “biến thể”, làm xấu đi hình ảnh của những giá trị văn hóa.
Cảnh du khách thập phương chen chúc với khói hương mù mịt, xả rác bừa bãi, ngắt hoa bẻ cành trong khuôn viên nơi thờ tự, cảnh buôn bán bát nháo, người ăn xin lê lết, dịch vụ bói toán, xin xăm tràn lan đã không còn xa lạ. Đáng nói hơn, như một vài tờ báo đã đưa tin, một số người lên chùa “mặc cả” - nhét tiền vào tượng Phật hoặc để vương vãi xung quanh, trên đĩa trái cây hay đặt cạnh nhang đèn.
Đi chùa, không dạy con trẻ lạy Phật, mà dạy con trèo lên tượng, xoa xoa tượng rồi để lên đầu, lên bụng mình như thế này thì phước đâu không thấy, chỉ thấy một hình ảnh không đẹp mà thôi - Ảnh: H.P.L.T
Mặt trái của cúng sao giải hạn sẽ là chúng ta ỷ lại vào việc cúng sao đồng nghĩa với đã giải hạn (nghĩa là quả đắng kia không thành) là một cách nghĩ trái khoáy (vì không theo luật nhân quả, không theo lời dạy của Phật: Tội từ tâm khởi đem tâm sám/ Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu. Đương nhiên, sám hối chính là bỏ ác, làm lành). Nếu cái cách nghĩ cúng sao là đã giải hạn như trên tồn tại thì người ta có thể thả ga làm bậy để hàng năm cứ tới tháng Giêng là cúng sao giải hạn, giống như đi “xin tội” vậy, đâu có được! |
1. Chúng ta lên chùa, lễ Phật, cầu an, mong phúc lành và may mắn sẽ đến cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, không ít người quên đi khái niệm nhân quả trong giáo lý Đức Phật. Muốn gặt quả ngọt thì phải gieo nhân lành. Muốn thân tâm thanh tịnh thì phải giũ sạch mọi phiền não, bỏ đi cái tham, sân, si trong ý-khẩu-thân mới đúng. Lòng luôn ước mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc nhưng lại gieo hạt đắng vào chính vườn tâm của mình là nghịch lý. Thử hỏi, mầm cay đắng làm sao cho quả ngọt thơm?
Đức Phật từ bi muốn đưa chúng sanh thoát khỏi bể khổ chứ Người cần đâu tiền bạc hay những vật chất phù du. Trong suy nghĩ, chúng ta còn bị tam độc tham, sân, si vây bũa nên nghĩ rằng, có cúng tiền thì mới đủ chứng minh lòng thành và ước nguyện mới được Người ban phát. Sai rồi! Phật tại tâm. Người không ở cõi xa xôi nào cả mà gần bên ta, trong tâm ta. Tâm thanh tịnh, nghĩ điều lành, làm điều tốt thì mình sẽ tự xây lâu đài công đức cho bản thân mình.
2. Việc thứ hai mà chúng ta phải nói tới đó là hành động chen lấn lẫn nhau. Có bao giờ chúng ta nghĩ về loài kiến nhỏ bé kia. Chúng dù là loài vật nhưng luôn đi theo hàng theo lối. Chen chúc, xô đẩy nào để làm gì. Ai cũng muốn mình “trước” và “được” hơn người khác. Cầu bình an nhưng lại mang theo cái tâm “so sánh” hơn thua nhau. Với người, chẳng có ích lợi gì. Với mình, cũng chẳng “được” nhiều hơn ai!
Có lẽ, nhiều người nghĩ rằng, ngắt hoa, bẻ cành để “xin lộc” cho một năm mới có tiền tài, làm ăn khấm khá. Thật ra, từ lộc trong phúc lộc và lộc trong chồi lộc là hai từ cùng âm khác nghĩa. Về mặt khoa học, cây xanh giúp không khí trong lành hơn nhờ hấp thụ khí cacbonic và thải khí oxi trong quá trình quang hợp. Ngoài ra, cây xanh cũng tạo nên nét đẹp thẩm mỹ cho những công trình kiến trúc nói chung cũng như đền, chùa nói riêng. Ấy vậy mà vẫn có người phải ngắt hoa bẻ cành cho bằng được để đem lộc đầu năm về nhà!
Một vấn nạn cũng khá nhức nhối đó là ý thức giữ gìn môi trường sạch đẹp. Chúng ta cùng với vạn vật trên trái đất này cùng tồn tại trong một mối quan hệ tương hỗ. Vứt một cái rác ra ngoài một cách tùy tiện tức là đã tự tay hủy hoại môi trường sống của chính mình. Huống chi, nơi cửa Phật trang nghiêm, họ lại làm điều đó.
Gần đây là vấn đề “cúng sao giải hạn” ở các chùa. Đây không phải là chuyện mới mẻ nhưng cũng chẳng phải là việc cũ. Như trên đã nói, mầm đắng không cho quả ngọt, Nhân nào thì Quả đó. Cách tốt nhất để giải hạn có lẽ là việc thay đổi suy nghĩ, hành động của bản thân. Hành thiện thì tích phước, làm điều tốt thì gặp may mắn. Không một phép mầu nào có thể thay đổi luật nhân quả mà chỉ có chính bản thân con người ta tự thay đổi được cái quả của mình. Việc cúng sao chỉ là thể hiện ước mong tránh được quả “đắng” mà mình đã tạo. Và đó cũng là cách giúp chúng ta yên tâm hơn trong cuộc sống.
Và tất nhiên, mặt trái của nó sẽ là chúng ta ỷ lại vào việc cúng sao đồng nghĩa với đã giải hạn (nghĩa là quả đắng kia không thành) là một cách nghĩ trái khoáy (vì không theo luật nhân quả, không theo lời dạy của Phật: Tội từ tâm khởi đem tâm sám/ Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu. Đương nhiên, sám hối chính là bỏ ác, làm lành). Nếu cái cách nghĩ cúng sao là đã giải hạn như trên tồn tại thì người ta có thể thả ga làm bậy để hàng năm cứ tới tháng Giêng là cúng sao giải hạn, giống như đi “xin tội” vậy, đâu có được!
3. Thiết nghĩ, văn hóa tâm linh - một thứ văn hóa phi vật thể rất đỗi thiêng liêng, cần được giữ gìn những tinh hoa vốn có. Nên nhớ rằng, chúng ta thường xuyên đi chùa, lễ Phật, niệm Phật là giúp tâm ta luôn nhớ tới lời dạy của Người để mà làm theo - làm điều thiện, gieo nhân lành. Và đã gọi là văn hóa thì cách nghĩ, nhận thức về Phật pháp phải đúng, phải đẹp. Mỗi hành động, việc làm phải phù hợp với những chuẩn mực xã hội ngầm đặt ra cũng như tuân theo giáo lý mà Đức Phật đã dạy.
Tôi đã từng nghe câu: “Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa/ Niệm Phật một niệm phước sanh vô lượng”. Niệm Phật và lạy Phật để chỉ lời nói và hành động hướng đến với sự giác ngộ, tìm về với thiện căn trong mỗi con người. Vậy là từ trong suy nghĩ, lời nói lẫn hành động, con người ta đều phải hướng đến những mục đích tốt đẹp. Có như vậy, tâm chúng ta mới hết phiền não, làm việc, học tập một cách hiệu quả hơn, cuộc sống sẽ hạnh phúc hơn từ cái gốc căn bản đó.
Hãy đón nhận sự bình an và may mắn từ chính suy nghĩ và việc làm đúng của chúng ta. Và mong rằng, nét đẹp trong văn hóa tâm linh sẽ được chúng ta gìn giữ, trau chuốt nhiều hơn.
Tâm Thanh
_____
>> Xem thêm: Cúng sao giải hạn ll Trước sự bát nháo của lễ hội... ll Lễ phải có nghi, hội phải vui tươi! ll Giá mà... ll Thương bàn tay Phật ll Khi niềm tin bị đánh cắp ll