Gương hạnh Thầy tôi

0:00 / 0:00
0:00
GNO - ... Hôm nay, nhân ngày húy kỵ của Thầy chúng tôi là cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, chúng ta làm lễ long trọng cúng dường Hòa thượng. Điều này thể hiện lòng hiếu kính, tri ân công đức ngài đã dạy dỗ chúng ta tu hành.

Tất cả những bậc tiên đức đều là người mộ đạo, vì thương xót chúng sanh mà đem hết khả năng và sức lực của mình, hướng dẫn chỉ dạy người tu hành. Với tâm tha thiết như vậy, nên các ngài làm việc không biết mệt nhọc, không hề chán nản. Dù ở hoàn cảnh nào, các ngài cũng cố gắng làm hết khả năng của mình, để người sau thấy được con đường, biết được hướng đi mà tiến đến nơi an lành tự tại.

Hòa thượng Thích Thanh Từ bên di ảnh cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa trong ngày lễ húy kỵ

Hòa thượng Thích Thanh Từ bên di ảnh cố Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa trong ngày lễ húy kỵ

Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây:

Thứ nhất là phải cố gắng học theo những hạnh đức cao đẹp của các bậc thầy đi trước để trở thành người hay người tốt.

Thứ hai là noi theo chí nguyện cao cả quý báu của quý ngài, để thấy đường lối tu hành và đạt phần nào kết quả như người xưa mong mỏi. Nếu chúng ta không biết tiếp nối, thì đành bỏ mặc những việc người trước đã làm hay sao? Đó là vô trách nhiệm. Tăng Ni, Phật tử phải thấy rõ những tấm gương, ý chí và bản nguyện của người đi trước, cố gắng làm theo. Vì không thể một đời mà có thể làm tròn bản nguyện của người xuất gia.

Các bậc thầy chỉ là người gầy dựng, hướng dẫn người sau; người sau lại tiếp tục hướng dẫn người sau nữa. Trên con đường người trước đã khai mở và dọn dẹp, cần có người tiếp nối mới có thể thành công. Cho nên, nối tiếp chí nguyện của người đi trước là một việc làm tối quan trọng của hàng đệ tử.

Dù mến đạo thương thầy nhưng không nối được chí nguyện của thầy thì không có lợi ích gì. Chư tổ luôn luôn dạy phải "truyền đăng tục diệm", tức là mồi đèn nối đuốc. Ngọn đuốc của người xưa đã thắp lên cháy rực, chúng ta không thể để cho nó lụi tàn. Người trước là một ngọn đuốc, một cây đèn, thì chúng ta phải là trăm ngàn ngọn đuốc, trăm ngàn cây đèn sáng rực, để làm lợi ích cho nhiều người.

Thế gian là chốn mê lầm, biết bao chúng sanh vì mê lầm mà tạo khổ đau cho người, nhưng lại không biết sai lầm của chính mình. Phải nhờ ngọn đuốc chánh pháp soi sáng thì họ mới biết được. Từ đó, chúng sanh thương xót, cứu giúp lẫn nhau, cùng đưa nhau ra khỏi cảnh khốn khổ đau thương này. Cho nên, ngọn đuốc chánh pháp rất thiết yếu trong cuộc đời. Chúng ta phải thắp sáng lên để mọi người thấy được lối đi, không còn lầm lẫn, không còn giẫm đạp lên nhau trong khu rừng mê ám đó nữa. Bổn phận này quá lớn, người tu sĩ không thể thiếu sót.

Thứ ba là phải nhớ rằng công ơn huấn dục, chỉ dạy tu hành của các bậc thầy lớn lao vô kể. Nếu không có sự chỉ dạy đó thì chẳng những đời này mà vô số kiếp nữa, chúng ta cứ mãi lăn lộn trong biển khổ sanh tử, không thể ngoi đầu lên được. Người đi trước đã chỉ ra cho chúng ta thấy biết lối thoát khỏi khổ đau. Công ơn ấy không biết làm sao đền đáp cho vừa. Cho nên, chúng ta phải cố gắng chỉ dạy, giúp đỡ và hướng dẫn người sau đi đúng con đường chánh pháp, để họ thoát khỏi mê lầm.

Những lời Phật dạy đã giúp chúng ta thức tỉnh mê lầm. Trong kinh lại nói rằng muốn đền ơn chư Phật là đền ơn không đền, nghĩa là không thể đền ơn Phật bằng cách cúng dường, cất chùa... Tại sao vậy? Vì như thế không nối tiếp được chí nguyện truyền đăng tục diệm.

Như tôi muốn đền ơn Thầy tôi, mà chẳng có gì để đền. Lúc Thầy tôi còn sinh tiền, tôi là một học tăng nghèo, không có gì để cúng dường. Tôi chỉ biết cố gắng học và hành những điều Thầy dạy cho thật kỹ, thật rõ, để sau này chỉ dạy cho người khác. Học theo chí nguyện của Thầy, tôi cố gắng đóng góp sức mình cho Phật pháp được tốt đẹp để Thầy an lòng, dù Thầy không còn có mặt trên cõi đời này nữa.

Tóm lại, nhớ ơn người đi trước không có nghĩa là tổ chức cúng kiến linh đình. Không phải chúng ta cất chùa to, làm lễ lớn là đền ơn. Sự phô trương đó không có ý nghĩa gì hết. Chúng ta phải làm sao cho chí nguyện của người trước luôn được tiếp nối, luôn được sáng tỏ, để người sau trông vào mà biết đường đi thoát khỏi đau khổ. Ghi nhớ và cố gắng thực hiện lời dạy của thầy, đó mới là biết ơn thầy.

Chúng ta không thể trông đợi những người không biết ơn, không có ý chí, không có bản nguyện làm được lợi ích gì cho đạo. Chúng ta chỉ có thể trông đợi ở những người có ý chí, biết nhớ ơn những bậc tiền bối, mới đóng góp được chút ít công lao cho nền đạo pháp...

(Trích)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.
Ảnh minh họa

Làm sao đưa Phật pháp đến với tuổi trẻ?

GNO - Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các chương trình chánh niệm tại trường học có thể giúp ích, đặc biệt là ở các cộng đồng nghèo, nơi học sinh phải đối mặt với mức độ căng thẳng cao hơn.

Thông tin hàng ngày