Tình thương là linh dược

Hòa thượng Thích Thanh Từ, vị thiền sư chủ trương phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện ngài là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN
Hòa thượng Thích Thanh Từ, vị thiền sư chủ trương phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, hiện ngài là Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN
0:00 / 0:00
0:00
GN - Tình thương là cây linh dược trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Chúng ta nhận thức được giá trị tuyệt vời của nó thì hãy vun bồi cho nó phát triển sum suê. 

Nếu không biết điều này, vô tình hay cố ý ta phá hoại cây linh dược tàn lụi, đây là một mất mát lớn lao của nhân loại, không có gì bù đắp được.

Với con mắt của Phật giáo, muốn nuôi dưỡng tình thương cho được sanh sôi nảy nở mãi, chúng ta phải dùng con mắt trí tuệ thấy rõ thân phận của con người. Sở dĩ chúng ta khép chặt cửa tình thương là bị tham lam, cuồng nộ, si mê thôi thúc che đậy. Một khi con mắt trí tuệ mở sáng rồi thì ba thứ độc ấy bị yếu thế. Từ đó cánh cửa tình thương mở rộng thênh thang.

Làm sao chúng ta mở sáng mắt trí tuệ? Trước nhất hãy quán sát mạng người sống được bao lâu? Thật không có gì bảo đảm và cố định. Chúng ta đang sống ở phút giây này thì biết mình đang sống, qua phút giây khác chưa biết sẽ ra sao. Biết bao sự chết chóc đang chờ chực sẵn bên mình và mọi người chung quanh. Bước đi sẩy chân cũng có thể té chết. Lái xe sơ ý cũng có thể bị đụng chết. Ngồi phi cơ hỏng máy cũng rơi chết. Một mạch máu não vỡ cũng chết. Quả tim ngừng đập cũng chết v.v...

Bởi thế, Phật bảo mạng người sống trong hơi thở. Đã biết mạng sống là bất định, là vô thường, không có tí gì bảo đảm, tại sao chúng ta không thương yêu nhau, đùm bọc nhau trong những giờ phút còn được sống với nhau? Tham lam thù hận để làm gì, cho ai, khi mạng sống của mình rất mỏng manh, rất tạm bợ? Tại sao chúng ta không xí xóa cho nhau, không hòa thuận với nhau để có được những phút giây sống an lành vui vẻ? Chính nhờ thấy rõ mạng sống của mình chợt còn chợt mất mà lòng tham lam thù hận tan biến dần, lòng thương nhân loại cùng chung số phận như mình càng rộng mở.

Thứ đến, chúng ta quán sát xem từ khi mở mắt chào đời đến phút giây hiện tại này, trong khoảng thời gian đó đời sống của chúng ta có hoàn toàn an ổn không? Chắc chắn ai cũng trả lời rằng không. Bao nhiêu năm qua, đời sống của mọi người đã từng trải qua bao nỗi gian truân, bao lần đau khổ. Nào là thân thể bệnh hoạn, gặp cảnh bất như ý, làm ăn thất bại... làm sao kể cho hết. Đời sống đã khổ như thế, tại sao chúng ta không thương yêu, không thông cảm, cùng chia sớt nỗi khổ cho nhau, lại ôm thù chuốc hận làm gì? Đã cùng chung thân phận đau khổ như nhau, chúng ta nên khuyên bảo an ủi để làm vơi cạn đôi phần đau khổ cho nhau. Đây là hoa tình thương đang chớm nở trong lòng người.

Cuối cùng chúng ta hãy quán sát những người trước và những người đồng thời với mình, có ai hoàn toàn hạnh phúc không? Những người trước chúng ta, có người một thời nổi tiếng hào hoa phong nhã, đến nay chỉ còn thân tàn ma dại; có người một thuở oanh liệt hào hùng, nhưng hiện nay là kẻ phế nhân; có người trước kia thừa tiền lắm của, nay chỉ là kẻ bần hàn... Đến những người sống đồng thời với ta, có người đã từ giã mình đi về thế giới bên kia; có người đang bị bán thân nằm trên giường bệnh; có kẻ làm ăn không đủ sống; có người thừa của nhưng con cái lại hư hỏng... Những người trước và đương thời với mình, có ai dám bảo rằng đời tôi hoàn toàn hạnh phúc.

Cuộc đời đã không hạnh phúc thì say mê nó để làm gì? Tại sao chúng ta không đánh thức nhau lay tỉnh nhau, đừng để cạm bẫy của cuộc đời lừa dối. Hạnh phúc của người đời chỉ là cái bóng mờ trước mắt, càng đuổi bắt càng thêm nhọc nhằn, rốt cuộc chẳng được gì. Vì tranh nhau đuổi bắt hạnh phúc ảo hóa ấy, nên con người phải va chạm nhau, nảy sanh oán hờn thù địch, tạo thành chuỗi khổ đau vô tận. Chúng ta xét kỹ, thấy rõ rồi cố gắng đánh thức, kêu gọi nhau hãy dừng lại, đừng đuổi bắt vô ích. Đây là tình thương chân thật phát xuất từ đáy lòng của người hiểu đạo.

Qua ba phần quán sát trên khiến chúng ta mở sáng mắt trí tuệ, từ đây dấy khởi tình thương chân thật. Chính tình thương không giới hạn này, mới mở ra tâm rộng lớn của con người. Nhờ trí tuệ và tình thương chân thật soi rọi, ba thứ độc tham sân si dần dần lui bước. Cội nguồn tình thương này không bao giờ khô cạn, nó là những mạch ngầm luôn tuôn chảy trong lòng muôn loài, nhưng vì con người chưa biết cách khơi dậy, nên nó chưa thể làm tươi nhuận cuộc đời. Bây giờ muốn có trí tuệ và lòng từ bi, chúng ta phải có những phút giây an tĩnh, ngồi lại quán sát tận tường, đừng để suốt ngày chôn mình trên bàn giấy, trong cơ xưởng, tối lại dán mắt trên màn ảnh ti-vi, thì trí tuệ không có cơ hội phát triển.

Ảnh tác giả

Tình thương chân thật vô điều kiện, không giới hạn, nhà Phật gọi là tâm từ bi. Tâm từ bi này nhờ trí tuệ thúc đẩy mới đủ sức đập tan cánh cửa bản ngã ích kỷ hẹp hòi. Người sẵn tâm từ bi thì khi mình được ăn ngon nhớ đến kẻ đói khát, mình thành công thương người thất bại, mình vui sướng nhớ kẻ khổ đau, mình giàu sang nghĩ đến kẻ nghèo khó...

Hòa thượng Thích Thanh Từ

Một bà Phật tử dẫn đứa cháu ngoại khoảng 13 tuổi lên tu viện Chơn Không thăm chúng tôi. Gặp lúc chư tăng xẻ mít chín, nhằm loại mít ngon nhất vườn chùa để dùng trong nửa giờ nghỉ công tác, thầy tri khách chia hai bà cháu một phần khiêm nhường dùng lấy thảo. Hai bà cháu dùng độ mười múi mít, còn lại một phần ba, bà bảo cháu: “Bà cháu mình nhường một phần ba này cho người ăn xin”. Thằng bé đang ăn ngon miệng đành phải dừng tay. Bà đi tìm một bao nylon rửa sạch, lột từng múi mít bỏ vào bao, xong xuôi cột lại để vào túi xách. Vài giờ sau, hai bà cháu từ giã chúng tôi xuống núi. Tới chợ, bà tìm những người ăn xin tặng mít cho họ xong, mới lên xe về.

Mấy múi mít thật không có giá trị bao nhiêu, nhưng khi đang ăn ngon miệng, mà nhớ đến những người hành khất, không được nếm món ăn này, hai bà cháu liền nhường phần cho quý vị ấy. Thật là tấm lòng vàng ngọc, một tình thương cao đẹp ở thế gian này ít có. Thử nghĩ nếu tất cả chúng ta đều có một tình thương vô hạn như bà thì xã hội đang nghèo khó của mình sẽ giảm khổ đau biết mấy. Mong rằng nhân loại sẽ được nhiều người luôn nhớ đến những kẻ khổ đau, chia cơm sẻ áo với họ, khiến hành tinh chúng ta trở thành cõi Cực lạc trong hiện tại và mai sau.

Tình thương chân thật vô điều kiện, không giới hạn, nhà Phật gọi là tâm từ bi. Tâm từ bi này nhờ trí tuệ thúc đẩy mới đủ sức đập tan cánh cửa bản ngã ích kỷ hẹp hòi. Người sẵn tâm từ bi thì khi mình được ăn ngon nhớ đến kẻ đói khát, mình thành công thương người thất bại, mình vui sướng nhớ kẻ khổ đau, mình giàu sang nghĩ đến kẻ nghèo khó... do đó mà dứt được tâm ích kỷ ngạo mạn.

Nhân loại đang đau khổ lắm rồi, chúng ta không thể dang tay cứu vớt hết được, ít ra cũng đừng chồng chất khổ đau thêm, khiến quá sức chịu đựng của con người. Nhân loại hãy cùng nhau thức tỉnh cơn ngủ mê, đừng chạy theo tham lam cuồng nộ, đừng gieo rắc đau khổ cho nhau nữa. Hạnh phúc không bao giờ có nơi con người ích kỷ tham lam. Hạnh phúc không bao giờ có ở con người si mê cuồng nộ. Hạnh phúc chỉ có với những người luôn chan rải tình thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày