Hà Nội: Triển lãm nhiếp ảnh Phật giáo

Hà Nội: Triển lãm nhiếp ảnh Phật giáo

Đến dự khai mạc có TT. Thích Bảo Nghiêm - Trưởng BTS THPG Hà Nội; TT. Thích Minh Thiện, TT. Thích Tấn Đạt - Phó ban Hoằng pháp Trung ương; TT. Thích Minh Hiền - Trưởng ban Văn hóa THPG Hà Nội cùng đông đảo nghệ sĩ nhiếp ảnh và phóng viên báo chí. 

Các Phật tử trong CLB Nhiếp ảnh Viên Minh - đạo tràng Chân Tịnh Hà Nội và một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước đã đem đến trưng bày tại triển lãm 130 bức ảnh màu và đen trắng chụp một số ngôi chùa Hà Nội.

trienlam_01.jpg
trienlam_03.jpg

Triển lãm ảnh đã được nhiều người thưởng lãm ví như những trang sử ghi dấu ấn của Thăng Long - Hà Nội, với bố cục chặt chẽ nhằm nêu bật chủ đề, các tác phẩm đã giới thiệu được nhiều ngôi chùa về lịch sử, nghệ thuật kiến trúc, các pho tượng đặc sắc… Những bức ảnh đen trắng đã làm tôn thêm nét cổ xưa của những pho tượng Quán Âm, để lại dấu ấn nghìn năm trong tâm trí người xem, đặc biệt trong các tác phẩm nhiếp ảnh: Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm ở chùa Lý Triều Quốc Sư  (ảnh của Thanh Hải); Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Chân Tiên (ảnh của Phật tử Lưu Tuấn); Tượng Phật Chuẩn Đề (ảnh của Quang Bảo).

trienlam_05.jpg
trienlam_06.jpg

Với tác phẩm Quần Long Vũ Hội của tác giả Huy Khang, ta được chiêm bái một màn trình diễn sống động của hơn chục đầu rồng cùng vươn lên từ những mái đao chùa như khúc hoan ca của đất trời giữa trùng điệp núi non trong màn sương phủ mờ thăm thẳm. Chiêm ngưỡng bức ảnh Toàn cảnh Thiên Trù của Phật tử Hồng Vân, từ trên cao nhìn xuống, những công trình kiến trúc ở chùa Hương tiếp nối nhau hàng hàng lớp lớp  như một cấm thành ngủ yên giữa rừng sâu núi thẳm. TT Thích Minh Hiền nhận định: “Được chụp từ trái tim của các Phật tử nên các bức ảnh như toả ra ánh sáng đạo vàng, thấm đẫm Thiền vị, đạo vị, không khô cứng đơn điệu, truyền tải được sự linh thiêng và sâu lắng của Phật pháp. Mỗi tác phẩm nhiếp ảnh trong triển lãm như một đoá sen mà các Phật tử trân trọng dâng lên cúng dàng chư Phật”.

trienlam_11.jpg
trienlam_12.jpg
trienlam_13.jpg
trienlam_15.jpg

TT. Thích Bảo Nghiêm ghi nhận: “Trong Đại lễ Phật giáo Vesak năm 2008, cũng tại đây, Đại đức Thích Minh Hiền cũng đã tổ chức cuộc triển lãm mang tên “Tuyết và hoa”, đã được đánh giá cao là những bức ảnh nghệ thuật có chiều sâu tâm hồn. Và giờ đây, chúng ta lại được thưởng lãm những bức ảnh nghệ thuật với đề tài Phật giáo dưới những con mắt và ống kính của các nhà nhiếp ảnh, chụp ở nhiều góc độ khác nhau, ở những thời gian khác nhau. Tôi tin chắc rằng bất cứ ai khi xem những tấm ảnh này cũng sẽ cảm nhận được sự tri ân tổ tiên chúng ta bao đời đã đổ biết bao mồ hôi nước mắt, thậm chí cả xương mái mới có được những công trình kiến trúc nghệ thuật mà hôm nay chúng ta có diễm phúc được chiêm ngưỡng. Những năm gần đây, nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật Phật giáo đã được tổ chức tại thủ đô đã thực sự gây được tiếng vang. Và chúng tôi mong muốn các triển lãm mỹ thuật Phật giáo ngày càng được tổ chức nhiều hơn, để hội hoạ Phật giáo phát triển thành dòng chảy nghệ thuật mạnh mẽ”.

trienlam_16.jpg

Cũng tại lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật, TT. Thích Minh Hiền đã khai quang tấm ảnh Lễ rước long vị tám vị vua triều LýCung nghinh lịch đại chư vị Tổ sư từ Bắc Ninh về Hà Nội. Đây là lễ rước long trọng và quy mô nhất của Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay diễn ra vào sáng ngày 27-7-2010 vừa qua. Với 16 xe hoa, cùng với hơn 50 xe ô tô con, xe ca đi hộ tống, đoàn rước dài cả cây số như vậy, việc chụp được những tấm ảnh thu được toàn cảnh đoàn rước là vô cùng khó. Chính vì thế, Ban Tổ chức Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã dành một cuộc thi chụp ảnh về lễ rước này. Các tấm ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên nghiệp và không chuyên được gửi về Ban Tổ chức ngay sau khi đám rước kết thúc, Ban Tổ chức chọn ra tấm ảnh đẹp nhất đem in khổ rộng kích thước 1,5m x 1 m và công bố tại lễ khai mạc triển lãm mỹ thuật. Khi TT. Thích Minh Hiền mở tấm vải che ra, tất thảy mọi người đều kinh ngạc trước một hình ảnh vô cùng kỳ vĩ. Dẫu biết là hoàn toàn không có sự sắp đặt, nhưng bức ảnh như một đồ hình Mạn đà la (hình vẽ biểu thị vũ trụ trong cái nhìn của Phật giáo Mật tông). Bức ảnh như một đồ thị đăng đối 2 bên nhờ một công trình kiến trúc - đó chính là cầu Chương Dương, mà cây cầu chính là một trục tâm linh chia đôi tấm ảnh. Dòng sông Hồng tạo thành đường ngang như trục hoành. Đường tròn của cây cầu vượt dẫn lên cầu Chương Dương bỗng thành một chiếc bánh xe chuyển Pháp luân mà đoàn xe rước chạy vòng quanh đó. Toàn bộ 16 xe hoa hiện hết lên đồ thị ảnh tạo thành một cảnh tượng hùng tráng. Một hình tượng đáng kinh ngạc, là ở trung tâm của bức ảnh, trên đỉnh vòng tròn bánh xe chuyển Pháp luân là một đôi rồng thời Lý chầu vào biểu tượng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Phía trên có một cột nâng cao chiếc đồng hồ, đang chỉ vào con số 9h30 - đó chính là thông số ghi dấu thời khắc tác giả chụp được tấm ảnh.

 Phật tử Quang Bảo - tác giả của tấm ảnh được chọn chia sẻ: “Khi biết được Ban Tổ chức sẽ chấm và trao giải cho bức ảnh nào ghi lại đẹp nhất hình ảnh về lễ rước long vị các vị vua nhà Lý, thì từ nhiều ngày trước khi diễn ra lễ rước, hàng chục nghệ sĩ nhiếp ảnh đã đi khảo sát con đường rước từ Bắc Ninh về Hà Nội để tìm ra các góc chụp đẹp nhất, để đón lõng sẵn lễ rước trước khi diễn ra. Tôi đã đi ngược theo lộ trình mà đoàn rước sẽ đi qua để tìm điểm ngắm, khi đến cầu Chương Dương, tôi thấy rằng nơi này sẽ có ảnh đẹp, nhưng phải đứng từ trên cao mới có thể lấy được toàn cảnh. Nhìn thấy gần đó có khách sạn cao 8 tầng, thế là tôi đến đặt vấn đề với ban quản lý khách sạn cho phép được lên lầu để chụp ảnh. Nhưng họ hẹn là khi nào chụp ảnh thì mới được lên. Vậy là, chờ đến 9h15 sáng ngày 27/7, tôi mới lên được sân thượng của toà khách sạn, và lúc này mới thấy rằng mình chọn địa điểm thật chính xác. Khi nhìn xuống, thấy hình tượng đôi rồng dưới chân cầu Chương Dương - đó chính là những tác phẩm hội hoạ nằm trên “Con đường gốm sứ Hà Nội” mới được hoàn thành cách đây chưa lâu, tôi vô cùng xúc động, cảm giác như được trời cho một cơ duyên khi có được. Khi những chiếc kim của đồng hồ phía trên đôi rồng chỉ gần đến con số 9h30, thì đoàn xe hoa rước long vị hiện ra trước mắt, lớn dần và chầm chậm tiến về. Đợi khi chiếc xe hoa đầu tiên đi gần hết đường tròn của cây cầu, cũng là lúc chiếc xe hoa cuối cùng hiện ra trên cầu. Và tôi bấm máy, tất thảy chỉ chụp có khoảng 5 tấm thì cảnh tượng hoàn mỹ nhất ấy đã đi qua rồi. Một tấm ảnh bị hỏng, còn lại 5 tấm, và chọn ra được tấm ảnh này là tâm đắc nhất”. TT. Thích Minh Hiền bày tỏ, khi nảy ra ý định tổ chức cuộc thi này, tôi nghĩ rằng khó hy vọng có được bức ảnh lấy được toàn cảnh đoàn xe hoa trong lễ rước. Nhưng, tấm ảnh đã vượt hẳn điều mong đợi, không chỉ có đủ 16 xe hoa mà còn tạo ra cảnh tượng tuyệt đẹp, thấm đẫm Phật pháp.                                    

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày