“Hái lộc đầu xuân” theo tinh thần nhà Phật

GNO - Hái lộc đầu xuân là sự biểu lộ một tâm trạng lạc quan, hưng phấn trong ngày đầu xuân mới. Tâm trạng này là hoàn toàn tự nhiên, hòa nhịp với sức sống bừng lên của vạn vật lúc xuân về.

Ngày Tết là sự khởi đầu của một năm mới, trong cái khoảnh khắc ấy ai cũng gửi gắm nhiều điều mong ước. Đó là điều cần thiết để tạo một luồng sinh khí mới để phấn đấu gặt hái thành công trong cuộc sống.

Không biết tục hái lộc có từ khi nào nhưng chắc hẳn nó xuất phát từ ước mơ bao đời của dân tộc, muốn được no, ấm, của cải sung túc. Người đi hái lộc quan niệm rằng: “lộc phải là nhành to mới tốt và phải bẻ được ở chùa mới thiêng”.

tet-hai-loc-xuan.jpg

Hái lộc đầu xuân - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Do vậy, cứ vào lúc giao thừa mọi người lại “đua nhau” ra các cơ sở thờ tự như đình, chùa, miếu, phủ... để “ra sức” hái những chồi non đang ươm mầm trên thân cây hoặc thậm chí còn bẻ cả những cành cây to. Với tâm ý là mong muốn năm mới có thêm nhiều tài lộc thông qua việc hái lộc đầu xuân này.

Nhưng theo tinh thần của đạo Phật, tất cả những lộc xuân ấy không phải là có ý mang phước lộc đến cho mọi người mà nó có ý nghĩa quan trọng hơn rất nhiều. Tức là việc hái lộc này có ý nhắc nhở và mong muốn mọi người hãy làm việc thiện, tu dưỡng tinh thần, tránh xa những việc ác... Tinh tấn tu tập, thực hành hạnh bố thí, nhẫn nhục; hoặc ăn chay, niệm Phật, sống chân thật, không nói dối...

Hơn nữa, mọi người đi hái lộc trong khoảnh khắc giao thừa là phải dựa trên tinh thần nhân quả, tức là “gieo gì gặt nấy”. Giá trị cao cả mà ông cha chúng ta đã gởi gắm qua nét đẹp hái lộc đầu xuân muốn nói với chúng ta rằng: “Những may mắn, những quả phúc và cả niềm hỷ lạc mà ta gặt hái được phải xuất phát từ bản tâm, từ hành động, từ lời nói và ý nghĩ thiện lành mà chúng ta đã gây tạo”.

Đất trời đổi mới, vạn vật chuyển mình và tâm thức con người trong sáng, đã gột tẩy mọi ưu phiền, buông xả mọi cừu oán… thì chính giờ phút ấy, quả phúc chúng ta đã gieo trồng cũng hội đủ nhân duyên mà kết thành quả vậy”.

Thật vậy, qua hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng sự giáo hóa của đạo Phật, người Việt đã đúc kết thành những câu tục ngữ mang tính chất luân lý đạo đức cộng đồng chứ không chỉ là tín ngưỡng trong phạm vi một tôn giáo.

Chẳng hạn, khi ta nói “ở hiền gặp lành” hay “gieo gió gặt bão” thì đó không chỉ là quan điểm nhân quả của đạo Phật, mà đó là những điều mọi người Việt đều thừa nhận, kể cả những người theo các tôn giáo khác.

Nếu thừa nhận rằng “gieo gió gặt bão”, thì cách tốt nhất để tránh “bão” chính là đừng gieo “gió”. Những cơn “bão” như tai nạn, bệnh tật, xui xẻo... đều được hình thành từ những luồng “gió” bất thiện mà chúng ta đã gieo. Khi mọi người cố tìm cách biết trước chúng để tránh né, sự mong muốn của mình là hoàn toàn không hợp lý.

Người Phật tử tin vào nhân quả, quyết định rằng mọi việc tốt xấu trong cuộc sống đều chịu sự chi phối bởi nghiệp lực gây ra do những hành vi của chính mình. Một người làm điều ác thì chắc chắn không thể thoát khỏi nghiệp ác, càng không thể nhờ vào việc biết trước mà tránh né.

Cách ứng xử tích cực nhất là dũng cảm đối mặt với nghiệp ác của mình đã tạo và tự mình hối cải không bao giờ làm điều ác nữa. Có như vậy, cách tốt nhất để hóa giải những điều ác đã làm chính là phải làm nhiều việc thiện hơn và thận trọng không tái phạm vào những điều ác.

Tất nhiên là điều này đòi hỏi những nỗ lực tự thân rất lớn trong việc phục thiện, hoàn toàn không dễ dàng như việc chuẩn bị một ít lễ vật, tiền bạc để tìm thầy bói toán, xin xăm, đoán quẻ, rồi làm theo lời thầy dạy, cúng vái linh tinh...

Trong khi đó, chúng ta đang nhận thức được hậu quả khó lường từ việc hủy hoại môi trường thì chúng ta lại mạnh tay phá đi những cây xanh đang tươi tốt. Chỉ vì lòng mong muốn “ngu muội”, rằng sẽ nghinh đón được tài lộc về nhà mình trong năm mới.

Như vậy, mỗi chúng ta đều có khao khát, mong mỏi những điều tốt đẹp. Lộc xuân cũng vậy, nó sẽ mang đến cho ta một sức mạnh tinh thần, khuyến khích ta thực hiện những điều lành, mà những điều lành thì tự nó đã là điều kiện tối cần thiết để mang đến cho ta những sự tốt đẹp về cả vật chất lẫn tinh thần. Chứ không phải hái lộc xuân để đáp ứng lòng tham về tài lộc, phú quý đang phát khởi trong mỗi người.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày