Hạnh phúc giản đơn trong mùa Phật đản

GNO - Ngày 10-4 âm lịch, tại tịnh thất Bảo Liên Hoa (Làng dân tộc Chơ Ro, ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai), lễ Phật Đản và khóa tu “Kết duyên Phật pháp" dành cho 150 người khiếm thị và người khuyết tật định kỳ hàng tháng đã được tổ chức.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1205 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1205 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Được tắm Phật là niềm vui lớn

Vào ngày này, đạo tràng khiếm thị và khuyết tật đến rất sớm, 7 giờ sáng tất cả đã có mặt tại tịnh thất dường như đông đủ. Họ cho biết rằng, cả đoàn nhắn với nhau đi sớm hơn mọi khi vì ai cũng mong được niệm Phật, tụng kinh mừng Khánh đản và được tắm Phật nhân ngày Phật đản sanh.

Từ lúc bắt đầu vào khóa niệm Phật tu tập, gương mặt mọi người đã phấn khởi. Đến khi chuẩn bị bước vào lễ chính thức, họ càng hào hứng hơn. Khi nghe những em nhỏ lành lặn nói “tượng Phật đẹp quá, bông hoa chỗ tắm Đức Phật đẹp quá”, họ với theo hỏi về màu sắc của các bông hoa, có bao nhiêu tượng và có đông người.

Trước khi bắt đầu cử hành lễ Phật đản, khi Sư cô Thích nữ Huyền Thanh - người khai mở tịnh thất Bảo Liên Hoa hỏi: “Mọi người biết hôm nay ngày gì không?”. Tất cả đã đồng thanh trả lời rất to: “Dạ, là ngày lễ Phật đản, là ngày được tắm Phật”.

Giây phút chờ đợi nhất của mọi người là được tắm Phật nên ai cũng mong ngóng mình tới lượt. Khi đến lượt mình rồi, các cô chú, anh chị khiếm thị được Sư cô nắm tay, hướng dẫn múc từng gáo nước tắm lên kim thân Đức Phật, trên gương mặt mọi người đều hiện rõ nét mặt vui tươi và phấn khởi. Có nhiều anh chị khi tắm Phật xong, nắm lấy tay Sư cô nói: “Con vui quá Sư cô ơi, vì hôm nay con được tắm Phật, dù con không thấy đường nhưng con rất vui”. Trong giây phút đó cả Sư cô và người xung quanh ai nghe cũng hoan hỷ.

Xúc động hơn, vào ngày đặc biệt này, các cô chú, anh chị khiếm thị phát tâm phóng sanh, mỗi người đóng 10 ngàn, 20 ngàn, có người 50 ngàn đồng gửi Sư cô thực hiện việc lành này. Họ trân trọng gọi đó là “quà sinh nhật tặng Đức Phật”. Với nhiều người số tiền này không đáng là bao nhưng với người khiếm thị, đó là số tiền rất lớn mà họ chắt chiu, để dành rất lâu mới có được.

Niềm vui tu học của đạo tràng

Đây là năm thứ 6 Sư cô Huyền Thanh mở ra khóa tu cho người khiếm thị, tu tập định kỳ mỗi tháng một ngày, chỉ có thời gian dịch Covid-19 bùng phát thì khóa tu gián đoạn.

Nói về lý do khai mở khóa tu cho những hoàn cảnh đặc biệt này, Sư cô Huyền Thanh cho biết: “Có nhiều hoàn cảnh cô bác lớn tuổi, có cả những em trẻ tuổi nói họ bế tắc muốn tự tử vì họ mù, họ nghĩ họ là gánh nặng cho người thân và trong họ cũng có nhiều nỗi đau khi bị đối xử phân biệt bởi chính người thân trong gia đình. Từ đó, tôi phát tâm và mong muốn ở khóa tu, đạo tràng này họ tu học, để chuyển hóa nghiệp chướng, hướng đến niềm vui sống an lạc mỗi ngày”.

150 người khiếm thị và người khuyết tật tham gia khóa tu hàng tháng tại tịnh thất Bảo Liên Hoa, ai cũng có hoàn cảnh đặc biệt riêng nhưng đến với khóa tu, ai cũng tìm được cho mình niềm hạnh phúc. Như lời một chị khiếm thị xin được giấu tên chia sẻ: “Hôm nay được tắm Phật là niềm sung sướng rất lớn. Mình mù nhưng mà vẫn được tắm Phật như bao người Phật tử khác, mình đến chùa nên cảm nhận được niềm vui không còn bi xa lánh, và vui nhất là được tham gia Phật sự. Mình tuy mù bằng đôi mắt nhưng đến với Phật mình đã có ánh sáng từ tâm”.

Và kết quả vui nhất mà Sư cô Huyền Thanh nhận được, theo lời Sư cô chia sẻ: “Có nhiều người nói, Sư cô ơi trước đây con rất buồn chán trong cuộc sống, con thu mình vào bóng tối nhưng từ khi con tu, con thay đổi, con nhìn đời bằng cái tâm sáng, con sống an vui hơn và háo hức đến ngày tham gia khóa tu, để sửa lỗi, bòn phước và muốn làm gì đó giúp ích cho cuộc đời”.

Bằng tình yêu thương, Sư cô Huyền Thanh đã kết nên những nụ cười hạnh phúc cho người khiếm thị và khuyết tật đến với Sư cô Huyền Thanh, đến với tịnh thất này như thế.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sư bà Diệu Không

Giáo sư Cao Huy Thuần viết về Sư bà Diệu Không

GNO - Mỗi lần nghĩ đến Sư bà Diệu Không, tôi lại liên tưởng đến bà Gotami, di mẫu của Đức Phật, vừa là mẹ nuôi vừa là Ni thánh. Tôi biết, nếu Sư bà đang ở đâu đó mà nghe tôi nói thế này, Sư bà sẽ quở tôi là phạm thượng. Nhưng tôi đành chịu tội bất kính vì nhiều lý do.
Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày