Hành trình chia sẻ

Suất cơm 5 ngàn đồng giúp người nghèo yên tâm mưu sinh
Suất cơm 5 ngàn đồng giúp người nghèo yên tâm mưu sinh
0:00 / 0:00
0:00
GN - Ở một vùng ngoại ô của thành phố nhỏ Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), quán cơm chay Thiện Tâm đã và đang trở thành điểm đến của những người khó khăn.

Ở đó, họ được phục vụ, chia sẻ như những vị khách bình thường, cũng như được ăn những bữa cơm đảm bảo vệ sinh, đầy đủ dinh dưỡng.

Cơm chay “5K”

Ở nhiều thành phố lớn, việc thi thoảng bắt gặp những quán cơm từ thiện với giá 1 ngàn, 2 ngàn, hay 5 ngàn đồng đã là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, tại các địa phương khác, đặc biệt những nơi mà điều kiện còn khó khăn về mọi mặt, vẫn có những con người sẵn sàng san sẻ thành quả lao động của mình tới những người kém may mắn hơn.

Quán cơm chay từ thiện dành cho người nghèo của chị Đào Thị Tùng Linh là một hình mẫu như vậy. Quán cơm chay có cái tên Thiện Tâm “5K” nằm tại KP.6, Mỹ Thành (xã Hòa Thắng, Phú Hòa, Phú Yên) phục vụ hàng trăm suất cơm cho người nghèo vào 6 ngày trong tuần với giá chỉ 5.000 đồng/suất.

Quán cơm chay Thiện Tâm “5K” của chị Đào Thị Tùng Linh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc

Quán cơm chay Thiện Tâm “5K” của chị Đào Thị Tùng Linh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc

Giữa nhịp sống hối hả, quán cơm chay với suất ăn có giá chỉ 5 ngàn đồng như vậy thực sự đã mang lại hơi ấm nghĩa tình cho những người lao động, người thu nhập thấp tại địa phương này. Đó cũng là nguồn động viên tích cực giúp người nghèo giảm bớt gánh nặng mưu sinh, tiếp thêm tinh thần để họ vượt qua trắc trở.

Được mở ra với mong muốn giúp đỡ cho các bệnh nhân, người lao động nghèo tại địa phương, sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, quán cơm chay Thiện Tâm “5K” của chị Đào Thị Tùng Linh đã trở thành một địa chỉ quen thuộc với nhiều người kém may mắn. Chị Linh cho biết, tại quán cơm của chị, mọi người được phục vụ như những vị khách bình thường như ở mọi quán cơm khác, được ăn những bữa cơm đảm bảo vệ sinh và đầy đủ chất dinh dưỡng.

“Nhiều người nghèo biết đến quán cơm 5 ngàn đồng nên đến ăn, sau khi mua và được phục vụ cơm, có người cứ khăng khăng đòi đúng cơm 5 ngàn vì thấy quá nhiều đồ ăn trong suất cơm đó. Chúng tôi phải giải thích và cam đoan không phải trả thêm tiền thì mọi người mới ăn và còn bảo chúng tôi lần sau bán cơm với rau là được rồi, nhiều đồ ăn như thế này làm sao bù lỗ”, chị Linh chia sẻ.

Tại quán cơm này, mỗi ngày chị Linh và những người cùng tham gia đã cố gắng nấu tới 10 món để đảm bảo thực đơn đa dạng, thêm nhiều sự lựa chọn cho mọi người. Chị Linh cũng cho biết thêm, kể từ khi bắt đầu hoạt động đến nay, quán Thiện Tâm đã phục vụ gần 10 ngàn suất cơm trợ giá cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Tính ra trung bình, mỗi ngày, chị Linh nấu tới gần 300 suất cơm chay để phục vụ mọi người.

Bà Nguyễn Thị Thu (SN 1964, trú tại xã Hòa Thắng, Phú Hòa, Phú Yên) là một vị khách thường xuyên tại quán cơm Thiện Tâm chia sẻ, vì gia đình khó khăn, chồng bà lại bệnh tật nên thường xuyên phải vào bệnh viện. Mỗi lần đưa chồng nhập viện, bà Thu lại tìm đến quán cơm từ thiện của chị Linh.

“Lần đầu vào quán ăn cơm, thấy 5 ngàn mà đầy đủ thức ăn, mà đồ ăn lại rất nhiều nên tui cứ nghĩ họ lấy nhầm không dám ăn. Sau các cô, chú giải thích là cơm hỗ trợ người nghèo tui mới yên tâm. Biết hoàn cảnh của tui nghèo khó, nhiều lần đến mua cơm các cô ở quán còn không lấy tiền”, bà Thu xúc động nói.

Những người cho đi

Vừa trò chuyện vừa luôn tay chuẩn bị món ăn để kịp phục vụ những khách vào giờ trưa, bà Chín, một tình nguyện viên ở quán cho biết, dù bản thân có công việc mưu sinh hàng ngày, nhưng sáng nào bà cũng tranh thủ đến quán cơm để cùng những người khác đi chợ, nấu ăn. Bà Chín cũng như các tình nguyện viên phụ giúp nấu ăn ở đây luôn cảm thấy vui vẻ bởi góp được một phần công sức cho hoạt động đầy ý nghĩa này.

“Việc nhà, việc đồng áng dù khá bận rộn nhưng tôi cố gắng sắp xếp để đến phụ giúp việc nấu nướng tại quán cơm. Với tôi và những người ở đây, mỗi ngày làm một việc tốt, giúp được thêm một người nghèo là có thêm được niềm vui”, bà Chín chia sẻ.

Thức ăn ở quán cơm Thiện Tâm

Thức ăn ở quán cơm Thiện Tâm

Những ngày đầu thành lập, quán cơm Thiện Tâm chỉ bán vào trưa các thứ Hai, Năm, Bảy. Tuy nhiên, do nhu cầu của những người lao động, công nhân các khu công nghiệp tại đây như công nhân xưởng hạt điều, công nhân làng chổi Mỹ Thành…, quán cơm đã mở rộng ra tất cả các buổi trưa trong tuần (trừ thứ Bảy, Chủ nhật).

Đặc biệt, vào các ngày rằm, mồng một hàng tháng, quán bán tới 1.000 suất/buổi sáng, còn buổi chiều tặng miễn phí từ 500 đến 700 suất. Vào những ngày lễ lớn, số lượng suất cơm mà quán Thiện Tâm phục vụ có khi lên tới hơn 2.000 suất mỗi ngày.

Chi phí để duy trì hoạt động của quán cơm Thiện Tâm chủ yếu dựa vào sự vận động đóng góp từ cộng đồng, bên cạnh tiền túi của chị Linh bỏ ra. Không ít tiểu thương các chợ khu vực xung quanh đã hỗ trợ tặng rau củ để tiếp tục duy trì quán cơm chay 5 ngàn đồng. Ngưỡng mộ tấm lòng của chị Linh, nhiều người sau khi biết đến quán cũng không ngần ngại giúp đỡ, chung tay.

Cũng như nhiều người khác, khi mở những quán cơm chay từ thiện, chị Linh mong góp một chút sức nhỏ của mình giúp những người nghèo, những người khó khăn vượt qua được nghịch cảnh. Năm ngàn đồng đối với nhiều người có lẽ đó chỉ là vài đồng bạc lẻ, nhưng 5 ngàn có thể đổi lấy một phần cơm ngon với những người nghèo, các cô chú bán vé số... là điều thực sự rất đáng trân trọng.

Chị Linh và những người bạn hiểu điều đó nên luôn mong muốn đồng hành cùng những cảnh đời như vậy, hỗ trợ phần nào để cuộc sống của họ đỡ vất vả, đóng góp công sức của mình để làm vơi đi những nỗi bất hạnh trong đời.

Bên cạnh đó, những mô hình như quán cơm Thiện Tâm còn giúp lan tỏa rộng rãi thông điệp ý nghĩa về tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt. Ở đó, mỗi ngày, những người có đủ điều kiện, sức lực hơn cùng nhau chung tay san sẻ, vun vén để niềm vui, sự lạc quan luôn luôn tràn đầy.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày