Hiểu đúng về nhân duyên quá khứ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

Hỏi: Tôi là nam, đầu năm nay, khi tôi vào chỗ làm mới thì có một bạn nữ đồng nghiệp có biểu hiện nhìn thấy tôi là thích ngay. Sau đó, rất nhiều lần tôi bắt gặp ánh mắt bạn ấy nhìn tôi và bạn đã chủ động làm quen. Tôi chưa hiểu về mối nhân duyên này, liệu bạn nữ này kiếp trước có duyên gì với tôi chăng? Nếu có duyên tại sao tôi không thích bạn ấy ngay từ đầu? Theo quan điểm Phật giáo, các nhân duyên kiểu này có thể tạo ra tương lai tốt đẹp không?

(NGUYÊN NGHĨA, nghiavan…@gmail.com)

Bạn Nguyên Nghĩa thân mến!

Chuyện vừa gặp một người xa lạ liền có cảm tình, như đã quen nhau từ trước thường hay xảy ra. Không chỉ nam nữ khác giới (về sau có thể dẫn đến tình yêu), mà hai người đồng giới (về sau làm bạn thân) hoặc hai người có khoảng cách lớn về tuổi tác (về sau họ xem nhau như cha/chú/con/cháu trong nhà) đều có ấn tượng mạnh, thiện cảm ngay khi vừa gặp mặt.

Đạo Phật gọi trường hợp này là họ có nhân duyên với nhau. Có nhân duyên là cách nói chung, nhân duyên này có thể được hình thành trong quá khứ xa (kiếp trước) hay quá khứ gần (kiếp này). Có điều không ai có thể biết chính xác về nhân duyên kiếp trước (trừ các bậc Thánh A-la-hán trở lên) nên bàn luận về việc này chỉ có tính khái quát, tương đối mà thôi.

Trong tình yêu nam nữ, trường hợp “tiếng sét ái tình” là dấu hiệu khá rõ ràng về mối nhân duyên liên hệ tình cảm của hai người trong kiếp trước. Bởi vừa gặp nhau thì cả hai đều nhận ra đây là một nửa của đời mình và nhanh chóng thuộc về nhau. Còn lại đa số là gặp nhau lần đầu chỉ có chút ấn tượng hoặc cảm tình, một thời gian sau hội đủ nhân duyên thì tình cảm của họ mới phát triển thành tình yêu, bạn thân hoặc kết nghĩa như gia đình ruột thịt.

Bạn nữ đồng nghiệp vừa gặp bạn đã có cảm tình có thể do nhân duyên kiếp trước, và cũng có thể do nhân duyên hiện tại, kiếp này. Luận về nhân duyên kiếp trước thì như đã đề cập, gặp nhau liền có ấn tượng, cảm tình. Tuy nhiên, khả năng cao là do nhân duyên hiện tại.

Mỗi người thường khái quát một hình mẫu lý tưởng cho tương lai tình cảm của mình. Khi họ gặp người có nhiều nét tương đồng với hình mẫu thì ngay lập tức rung động, cảm thấy thân quen. Việc này hoàn toàn mang tính chủ quan nên đối tượng không cảm nhận được cũng là điều dể hiểu. Một số người lớn tuổi mong ước có con cái như này hoặc như kia. Đến khi gặp một bạn trẻ có những nét tương đồng thì có thiện cảm và xem như con cháu trong nhà. Những trường hợp này không có gì liên quan đến kiếp trước mà chỉ là quy luật tâm lý bình thường của đời sống hiện tại.

Vấn đề theo quan điểm Phật giáo, “Các nhân duyên kiểu này có thể tạo ra tương lai tốt đẹp không?”. Để trả lời câu hỏi này, bạn cần tìm hiểu sâu hơn về nghiệp cũ và nghiệp mới. Lấy thời điểm hiện tại làm mốc thì những nghiệp đã xảy ra trong quá khứ gần hay xa đều là nghiệp cũ. Nghiệp cũ là nền tảng để thúc đẩy sự hình thành và phát triển các nghiệp mới. Nghiệp cũ có tính thụ động, còn nghiệp mới mang tính chủ động.

Phật giáo coi trọng sự chủ động trong quá trình tạo ra nghiệp mới (tỉnh thức để chuyển nghiệp), không hề phó mặc thân phận cho nghiệp cũ chi phối (như thuyết định mệnh). Vì thế, dù nghiệp cũ có tốt đẹp, gặp nhau có cảm tình, thương quý nhau liền nhưng không biết nuôi dưỡng và phát triển nghiệp mới tích cực và tốt đẹp thì thực tiễn vẫn không vui như ý.

Hai bạn nam nữ vừa gặp nhau đã có rung động, cảm tình (nhờ nghiệp cũ) chỉ là một lợi thế, là bước khởi đầu thuận lợi để tình cảm tiến xa. Còn tình yêu và hạnh phúc hôn nhân trong tương lai là do nghiệp mới quyết định. Trên nền tảng lợi thế có sẵn, các bạn cần tiếp tục phát huy hơn nữa các nghiệp mới tích cực để kiến thiết hiện tại và tương lai tốt đẹp hơn.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày