Bồ-tát Quán Thế Âm - huyền thoại và lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Dù vẫn giữ niềm tin vào năng lực cứu độ của Bồ-tát Quán Thế Âm cũng như cõi giới hóa đạo của Ngài ở đâu đó trong mười phương pháp giới vô tận, nhiều khi tôi vẫn nghĩ Bồ-tát là nhân vật huyền thoại, không thể tìm gặp trong thế giới này.
Bích họa Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara, Padmapani) trong động Ajanta, thế kỷ V, Ấn Độ
Bích họa Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokitesvara, Padmapani) trong động Ajanta, thế kỷ V, Ấn Độ

GNO - Từ nhỏ tôi đã có niềm tin vào Bồ-tát Quán Thế Âm. Những lúc gian khó hay gặp nạn tôi thường niệm danh hiệu Ngài, cầu xin Bồ-tát gia hộ và cảm nhận được từ bi, che chở, an ủi rất nhiều. Khi lớn lên, tìm hiểu lịch sử các vị Phật, Bồ-tát và Thánh tăng, tôi phát hiện ra Bồ-tát Quán Thế Âm không phải nhân vật lịch sử như Đức Phật Thích Ca từng tu học, giác ngộ và hoằng pháp ở Ấn Độ.

Dù vẫn giữ niềm tin vào năng lực cứu độ của Bồ-tát Quán Thế Âm cũng như cõi giới hóa đạo của Ngài ở đâu đó trong mười phương pháp giới vô tận, nhiều khi tôi vẫn nghĩ Bồ-tát là nhân vật huyền thoại, không thể tìm gặp trong thế giới này. Lúc khác tôi lại nghĩ, Bồ-tát thường thị hiện cứu giúp chúng sinh nên đủ duyên thì sẽ gặp trong những hóa thân. Tôi cũng khá phân vân giữa lịch sử và huyền thoại khi nghĩ về Bồ-tát cùng các liên hệ với Ngài. Rất mong được quý Báo sẻ chia.

(HUYỀN LAM, nglhuyen…@gmail.com)

Bạn Huyền Lam thân mến!

Quán Thế Âm là vị Bồ-tát lớn theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền. Kinh điển Phật giáo Nam truyền không ghi nhận về Bồ-tát này. Dĩ nhiên, Bồ-tát Quán Thế Âm không phải nhân vật lịch sử như Đức Phật Thích Ca. Vậy phải chăng Bồ-tát là nhân vật huyền thoại? Phật giáo Bắc truyền quan niệm rằng chư Phật, chư Đại Bồ-tát hiện hữu trong mười phương, ba đời trong pháp giới vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.

Mỗi Ngài đều có pháp thân, báo thân và ứng hóa thân. Tùy vào nhân duyên mà các Ngài ứng hóa thân tương ứng để phương tiện cứu độ. Bồ-tát Quán Thế Âm được Phật Thích Ca giới thiệu, nhân loại biết đến Ngài qua các kinh điển Đại thừa. Chúng sinh thấy biết hữu hạn, trí tuệ của Phật và thì vô hạn. Đức Phật thì đã giới thiệu, giúp kết duyên lành với Bồ-tát, còn tin hay không là quyền của chúng ta. Thành ra, trong hiểu biết của loài người, nghĩ rằng Bồ-tát là nhân vật phi lịch sử hay huyền thoại cũng không có gì sai.

Nói về ứng hóa thân của Phật và Bồ-tát là năng lực bất khả tư nghì của các Ngài. Bồ-tát Quán Thế Âm thường lắng nghe tiếng kêu cứu của thế gian rồi tìm cách cứu độ. Biết đâu rằng, những người ngang qua cuộc đời mình, giúp đỡ mình lúc nguy nan nhất chính là hóa thân Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài như có như không, như thực như huyễn, chỉ có những người có nhân duyên sâu dày với Bồ-tát mới có thể cảm nhận và tin tưởng sâu sắc về sự hiện hữu của Ngài.

Mặt khác, Bồ-tát Quán Thế Âm là biểu trưng của tình thương, che chở và cứu giúp, gọi là từ bi. Khi trong ta có từ bi, vậy là Bồ-tát đang có mặt trong ta, ta chính là một phần hóa thân của Bồ-tát. Ngài còn biểu trưng cho hạnh lắng nghe. Nghe tiếng đau khổ, lo toan, sợ hãi… của mọi người và mọi loài. Ai cũng có niềm đau và nỗi khổ riêng. Nghe rồi thấu hiểu, từ đó giảm bớt bực bội, giận hờn, ganh ghét để thay bằng yêu thương, tha thứ, cảm thông. Nhờ lắng nghe mà mình và người đều bớt khổ. Không chỉ nghe bên ngoài mà còn hướng vào bên trong, lắng nghe chính mình. Mấy ai biết rõ tâm mình. Biết tâm chính là dấu hiệu của trưởng thành. Biết tâm mang đến cơ hội làm chủ tâm nhiều hơn, có thể hóa giải hành vi xấu ác khi còn trong tư tưởng.

Lắng nghe sâu hơn nữa, đến tận cùng tâm tưởng, nơi lưu xuất sự nghe sẽ ngộ ra tự tánh. Bấy giờ Bồ-tát hiện hữu, không trong không ngoài, không một cũng không khác với mình, đồng thể nhập tánh nghe để yêu thương và cứu giúp. Ngay đây, lịch sử hay huyền thoại đều rơi rụng, tuệ giác rạng ngời, tâm đong đầy yêu thương vô cùng tận, tùy duyên phụng hiến cho đời.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày