Hiểu đúng về tội trộm cắp của thường trụ

GN - HỎI: Lúc còn nhỏ, vì dại dột không hiểu biết nên tôi đã lên chùa tạo các lỗi sau: Vì rất mê hoa sen nên tôi đã lấy cắp hoa sen dâng cúng trên bàn Phật (lúc ấy tôi không hề biết hành vi ấy là mang tội). Lúc khác, nhân thấy hạt sen trong hồ sen của chùa đã khô, tôi liền khởi tâm lấy cắp mấy hạt sen này mang về nhà trồng (lúc này tôi cũng đã khá lớn, có ý thức về hành vi lấy cắp của mình). Khi đã lớn, tôi đi chùa cùng mẹ, cúng trái cây xong mẹ tôi bảo xin lộc Phật mang vài trái cây về nhà. Tôi cũng xin lộc đem mấy trái cây về. Xin hỏi, có phải tôi đã phạm vào tội ăn cắp của thường trụ và không thể sám hối đúng không? Tôi thật sự rất lo và chưa biết nên phải làm gì?

(CÁT LƯỢNG, ncl012345678910@gmail.com)

anh minhhoa.jpg


Lộc chùa - Ảnh minh họa

ĐÁP:

Bạn Cát Lượng thân mến!

Vật thường trụ có nghĩa tổng quan là tài sản, vật dụng của chúng Tăng. Vì vật thường trụ là của chúng Tăng nên nếu ai cố tình trộm cắp, mua bán, chiếm đoạt vật thường trụ làm của riêng thì phạm tội rất nặng. Sở dĩ trộm cắp vật thường trụ dù lớn hay nhỏ cũng phạm tội nặng vì đó là tài sản chung của chúng Tăng trong mười phương, tận hư không, biến pháp giới, nên mức độ liên lụy của nó rất rộng lớn vô cùng vô tận.

Trên cơ sở lý luận này, không ít kinh luận (Phật giáo Bắc truyền) đã khái quát thành: “Trộm cắp đồ vật của Tam bảo, dù một cây kim, một sợi chỉ, một cọng cỏ, một khúc cây đều phải đọa địa ngục A-tỳ”; “Nếu có chúng sanh trộm cắp tài vật, lúa gạo, đồ ăn thức uống, y phục của thường trụ, cho đến một vật không cho mà lấy; kẻ đó phải đọa địa ngục Vô gián trong ngàn vạn ức kiếp, không lúc nào mong ra khỏi được” (Kinh Địa Tạng); “Trộm cắp đồ vật của Tam bảo, tội ấy lớn hơn tội giết tám vạn bốn ngàn cha mẹ” (Kinh Quán Phật tam muội); “Tội trộm cắp tài vật của chúng Tăng ngang với tội ngũ nghịch” (Kinh Đại tập).

Điều đáng lưu ý khi đọc những đoạn kinh này là, những người có nguy cơ cao để phạm giới trộm cắp vật thường trụ lại là trụ trì, thủ quỹ, thủ khố, Tăng Ni và Phật tử thân thiết trong chùa viện, còn người ngoài thì rất ít. Nếu y kinh để hiểu nghĩa thì phải chăng những Tăng Ni ở trong chùa dễ phạm giới này nhất và khả năng bị đọa lạc cao nhất? Và chùa viện (nơi có vật thường trụ) có nguy cơ biến thành nơi nguy hiểm vì chỉ cần lơ đễnh, mất chánh niệm, khởi tham si thôi thì có nguy cơ mắc tội nặng? Vậy nên chăng có một cách hiểu khác “ý tại ngôn ngoại” về vấn đề này, đó là sự cường điệu cần thiết của những nhà kiết tập kinh điển về sau để cảnh tỉnh tham ái của những người có trách nhiệm quản lý chùa viện. Nhất là trong bối cảnh sự cúng cấp hộ trì của Phật tử ngày càng nhiều mà người tu hướng đến và thành tựu ly tham ngày càng ít.

Hiện có rất nhiều người đến chùa vì vô tình, vì chưa hiểu biết phạm lỗi lấy những vật nhỏ nhặt như hoa trái mà không xin để rồi về sau đọc-nghe được các đoạn kinh này đã trở nên vô cùng bức xúc, lo sợ hậu quả của tội báo. Trong khi, để cấu thành việc phạm giới của giới trộm cắp (trộm cắp tài sản của cá nhân hay tập thể có giá trị lên đến 5 tiền - tương đương với việc bị tử hình của pháp luật nước sở tại), phạm trọng tội thế thì không thể sám hối, bị đọa lạc vào ác đạo. Còn vi phạm trộm cắp mà dưới định mức nói trên chỉ bị khuyết giới (giới bị sút kém), giới thể không mất, có thể sám hối phục thiện bình thường.

Đối với vấn đề của bạn, thuở nhỏ vì mông muội nên lấy trộm sen cúng Phật. Việc này tuy có tổn phước nhưng Phật cũng tha thứ, nhà chùa cũng thông cảm mà hoan hỷ. Khi bạn lớn hơn, ý thức được hành vi lấy trộm, tuy nhiên vật đó khá nhỏ nhặt, chỉ là những hạt sen khô ngoài hồ; là vật của Tam bảo nói chung nhưng không xếp vào vật thường trụ của chúng Tăng. Còn việc cúng Phật xong rồi xin một ít lộc Phật mang về dùng cho có phước là phong tục của một số vùng miền. Việc này bạn đã có xin Phật nên cũng không phạm lỗi lấy của thường trụ.

Do đó, xét nhiều phương diện bạn chỉ khuyết giới mà không mắc trọng tội lấy trộm vật thường trụ nên chỉ cần thành tâm sám hối là hết tội. Sau khi sám hối xong, biết rõ vật thường trụ rồi thì nguyện không lấy nếu chưa xin phép, đồng thời phát tâm cúng dường Tam bảo để vun bồi công đức, phước báo và không có gì phải lo lắng nữa!

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

[Video] Lần đầu tiên tổ chức Khoá bồi dưỡng thiết kế truyền thông hướng đến Đại lễ Vesak LHQ 2025

GNO -  Khóa bồi dưỡng diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 21 đến 23-11-2024; với nội dung: Thiết lập truyền thông vào tổ chức sự kiện (Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Square Võ Thành Trung và ông Nguyễn Huy, Giám đốc sáng tạo thuộc Tập đoàn Square đảm trách chia sẻ); Thiết kế đồ họa, nguyên lý và ứng dụng cơ bản...
Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

Vài nét về lịch sử Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni

NSGN - Tăng đoàn Tỷ-kheo-ni được thành lập vào thời Đức Phật và tồn tại cho đến ngày nay. Trong nhiều thế kỷ, những phụ nữ xuất gia đã thực hành, chứng ngộ và giữ gìn lời dạy của Đức Phật, không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mà còn cho xã hội nơi họ sinh sống.

Thông tin hàng ngày