Hiếu là lẽ sống

GNO - Khi người phụ nữ biết mình có mang, thiên chức làm mẹ bắt đầu. Tình cảm mẹ con được thiết lập ngay từ lúc ấy. Dù mẹ có gầy đi, xanh xao, mất vẻ tươi mát của tuổi thanh xuân, nhưng khi con cựa quậy, mẹ quên hết mọi nỗi khổ, sung sướng thấy rõ mầm sống của con ngày một lớn lên trong lòng mẹ.
Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan Phật lịch 2568

Bài đăng trên giai phẩm Giác Ngộ Vu lan Phật lịch 2568

Con hoàn toàn thuộc về mẹ, con là của riêng mẹ, không một ai khác có thể dự phần vào sự liên hệ mầu nhiệm này - dù là cha hay người thân nào. Các thành viên trong gia đình đều thương yêu chăm sóc mẹ, nhưng tham gia vào quá trình phát triển của con thì chỉ có hai mẹ con. Con nhỏ nhoi yếu đuối trong bụng mẹ, mẹ bảo bọc con trong pháo đài thiên nhiên êm ái và vững chắc, tránh mọi tác nhân có thể làm hại con. Chỉ có ý nghĩ phải bảo vệ con bằng mọi giá, mẹ đã đủ sức mạnh vượt qua bao nhiêu trở ngại về tâm sinh lý, từng ngày từng giờ cẩn trọng chuẩn bị cho cuộc vượt cạn cô đơn.

Thật kỳ diệu khi một con người mới ra đời, nguyên vẹn tinh khôi, lạ lẫm vô cùng mà cũng xiết bao thân thiết. Cơ thể con hoạt động độc lập với cơ thể mẹ khi cuống rốn bị cắt lìa, nhưng con vẫn là một với mẹ vì phải nhờ có mẹ để phát triển về thể chất lẫn tinh thần. Chẳng phải nhờ vòng tay ôm âu yếm, nhờ dòng sữa ngọt ngào mà mẹ đã nuôi con lớn lên từng ngày đó sao? Chẳng phải nhờ lời hò ru ca dao đưa con vào giấc ngủ ngon, mà tình tự dân tộc thẩm thấu dần vào tâm hồn non trẻ của con, từ khi con mở mắt chào đời?

Ngày đầu tiên đi học, cũng bàn tay mẹ dắt con đến trường. Con nhớ mãi cái cảm giác trơ trọi khi mẹ rời tay con, để một mình con lủi thủi ôm cặp vào lớp. Chỉ xa mẹ một buổi học, sao con đau thắt lòng quá đỗi!

Có lần con bịnh nặng, đầu đang nóng bừng nặng trịch, bỗng nhẹ tênh khi bàn tay mẹ mát dịu sờ lên trán. Miệng con khô đắng mà vẫn thấy ngọt ngào từng muỗng nước cam mẹ bón cho. Và bệnh con bỗng nhiên biến mất như có phép lạ. Chao ôi là tình mẫu tử thiêng liêng, có thể làm bệnh tật tiêu tan nhanh đến thế!

Ngày con xin phép xuất gia, cha một mực “không là không”. Chỉ có mẹ hiểu tâm nguyện của con, chí hướng của con, và cả sự cương quyết của con nữa, nên khuyên con kiên nhẫn để mẹ từ từ tác động với cha. Những lời nói dịu dàng đầy đủ lý lẽ của mẹ có sức thuyết phục gấp trăm lần những thủ thuật con làm mình làm mẩy. Và cuối cùng, cha đã chấp thuận gửi gắm con cho vị Thầy khả kính.

Lạy song thân ba lạy trước khi xuống tóc, từ đây con không còn là con riêng của cha mẹ, mà là của tất cả chúng sanh. Tình thương dành cho cha mẹ và người thân nay xin trải rộng bình đẳng cho muôn loài. “Cát ái” chỉ là cắt đứt sợi dây ràng buộc của tình cảm chiếm hữu, không có nghĩa con không còn thương cha mẹ mà trái lại, tình thương ấy được nhân rộng, được tôn vinh, được thăng hoa lên một bình diện cao hơn. Cha mẹ đã có lòng kính tin Tam bảo, đã là những Phật tử thuần thành, nếu thấy con tu hành có kết quả sẽ càng tinh tấn trên đường đạo; nhờ vậy, được biết bao lợi ích trong đời này và cả những đời sau.

Năm tháng trôi qua như thoi đưa. Mẹ đã thuận thế vô thường theo Phật, thành người thiên cổ. Cha già như chuối chín cây, vẫn còn đôi mắt sáng để nhìn đời. Ánh mắt cha dõi theo suốt chặng dài cuộc đời con, từ lúc ấu thơ đến tuổi trưởng thành. Chỉ cần nhìn vào mắt cha, tự khắc con thầm nhủ mình phải làm gì, nói gì. Khi mẹ còn sinh tiền, lúc con bịnh hoạn ốm đau, ánh mắt thương xót âu yếm của mẹ đã làm vơi nhiều nỗi khổ ở thân con.

Lạy song thân ba lạy trước khi xuống tóc, từ đây con không còn là con riêng của cha mẹ, mà là của tất cả chúng sanh. Tình thương dành cho cha mẹ và người thân nay xin trải rộng bình đẳng cho muôn loài. “Cát ái” chỉ là cắt đứt sợi dây ràng buộc của tình cảm chiếm hữu, không có nghĩa con không còn thương cha mẹ mà trái lại, tình thương ấy được nhân rộng, được tôn vinh, được thăng hoa lên một bình diện cao hơn.

Nhớ nhất là ánh mắt mẹ rạng ngời trong ngày con xuất gia, bởi vì mẹ tin con được bao bọc trong hào quang của chư Phật, và con đường con đã chọn là con đường sáng mà người đủ thắng duyên mới có thể dự phần. Từ lúc mẹ được xuất gia gieo duyên cuối đời, là lúc mẹ được sống trong biển tình thương vô tận của Đức Từ Phụ Bổn Sư. Đó là hạnh phúc bất tận vô giá, khác hẳn thứ hạnh phúc tạm bợ mong manh đời thường. Mẹ và con tuy ở xa nhau hàng trăm cây số, nhưng sự ngăn cách không gian chẳng làm trở ngại cho sự thiết lập truyền thông từ tâm tưởng.

Giờ đây, tuy mẹ chẳng còn hiện diện giữa cõi đời giả tạm, thì mẹ vẫn luôn có mặt, luôn bàng bạc trong từng đám mây, từng giọt nắng, từng chiếc lá; và nhất là vẫn luôn hiện hữu trong từng tế bào của cơ thể con. Con là sự tiếp nối của cha mẹ, cũng như những học trò con hôm nay đang là sự tiếp nối của con. Chúng ta chưa bao giờ, và sẽ mãi mãi không bao giờ vắng thiếu trong cuộc đời này, chỉ thể hiện bằng hình thức này hay hình thức khác.

Giờ đây con muốn được tâm sự với cha, người cha kính yêu của con. Có lẽ, đây là lần đầu con thưa chuyện cùng cha bằng tất cả tấm lòng. Không phải vì con không thương cha, không muốn gần gũi cha, mà trái lại, lúc nào con cũng hướng về cha, dõi theo cha như hoa hướng dương bao giờ cũng quay về phía mặt trời.

Con không gần gũi cha theo cách biểu hiện tình cảm thông thường, nhất là khi con đã đủ lớn để ý thức rằng mình là con trai trong gia đình. Mà theo truyền thống phương Đông, nhất là trong tộc hệ ta, thì nam giới phải cứng rắn, phải là cột trụ vững chắc cho gia đình, không được “nhi nữ thường tình”. Bằng sự nghiêm khắc đối với người khác và với cả tự thân, cha đã giáo dục chúng con thành những người vững chãi tự tin, khắc kỷ và phục thiện. Những đức tính quý báu ấy đã giúp chúng con vượt qua nhiều gian nan thử thách trong cuộc đời.

Hình ảnh đậm nét nhất của cha trong ký ức chúng con là hình ảnh một người công chức luôn bận bịu với công việc, mệt mỏi đăm chiêu và không thích bị quấy rầy. Còn thấy gì không vừa ý, cha nhìn thẳng vào mắt chúng con bằng ánh mắt nghiêm nghị, mà lúc ấy con nghĩ là “không chút thiện cảm”. Với ánh mắt lạnh lẽo ấy, tình cảm con như đóng băng lại. Con không thấy có mối liên hệ nào, không có một tình thương nào giữa cha và con đậm đà như sách vở thường mô tả; cho nên con chỉ thấy thoải mái khi cha đi làm, lúc đó con mới thật là mình với đủ trò nghịch ngợm vô tư, vì con biết mẹ không bao giờ mách lại với cha những lỗi lầm con gây ra. Thậm chí có lúc con còn mong cha cứ thường xuyên xa nhà.

Đến khi trưởng thành khôn lớn, càng về sau con mới biết lòng cha thương con thật vô bờ bến. Cha thương nhưng không cho con biết, vì muốn uốn nắn con có khí chất mạnh mẽ, không ủy mị nhu nhược như những đứa con được cưng chìu. Cha thương nhưng nghĩ về tương lai xa, con phải tự mình chèo chống con thuyền đời của chính mình vươn khơi, nên chuẩn bị tư lương cho con ngay từ thuở ấu thơ. Trên tất cả, cha thương con rạt rào mà kín đáo, nên dù các con hiểu lầm xa lánh, cha cũng không bận lòng, chỉ cốt sao cho các con đầy đủ vốn liếng tri thức, tư cách đạo đức và ý chí cần thiết để bước vào đời, trở thành người hữu dụng sau này. Tuổi trưởng thành biết suy nghĩ phán đoán chín chắn, con càng hiểu rõ lòng cha bao la dường nào.

Con thật hạnh phúc khi có cha và mẹ trên đời, những người đã ban cho con hình hài, nuôi dưỡng dạy dỗ con và giúp con cảm nhận sâu sắc thế nào là tình thương vô vị lợi. Nhờ sống trong tình thương ấy của cha mẹ, nhờ được giáo dục rằng thương yêu chăm sóc người khác là một nhu cầu tinh thần thiết yếu, con đã thực tập thông cảm và giúp đỡ người khó khổ hơn mình. Bàn tay con lúc ấy nhỏ nhắn, nhưng đã biết đặt vào bàn tay người ăn xin món tiền quà sáng, biết dắt tay một bà lão qua đường... Tự thâm tâm con thấy vui khi mình làm một việc có ích cho người, không hiểu rằng đó là bước đầu thực tập theo tinh thần ban vui cứu khổ của nhà Phật.

Ngày xưa, Nho gia đặt nặng hai chữ TrungHiếu, trong đó Hiếu được xem là phẩm chất hàng đầu. Con chết trước cha mẹ, dù vì lý do gì, hoặc không có người nối dõi, đều bị chê trách là bất hiếu. Đứa trẻ được giáo dục về đạo đức làm người ngay từ thời thơ ấu, khi đến trường lớp được nhắc nhở trau dồi nên thấm sâu vào tiềm thức, trở thành bổn phận thiêng liêng. Sự thể hiện lòng hiếu kính đối với song thân càng rõ rệt khi hoàn cảnh còn nhiều vất vả khó khăn. “Nhà nghèo mới hay con thảo, nước loạn mới biết tôi trung” (Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần).

Trong thời đại hiện nay, khi văn minh vật chất ngày càng tăng tiến thì nền văn minh tinh thần lại có xu hướng thụt lùi. Một số bộ phận thanh thiếu niên ham mê lối sống hưởng thụ trụy lạc, đua đòi theo đám bạn bè hư hỏng. Cha mẹ hàng ngày bận bịu sinh kế, cứ ngỡ thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất của con là đã làm tròn trách nhiệm, mọi việc học tập và rèn luyện đạo đức, kỹ năng đều giao khoán cho nhà trường. Đứa con cứ ngỡ cha mẹ có bổn phận lo cho mình đầy đủ, không biết rằng để có được đồng tiền ấy, cha mẹ đã chắt chiu dành dụm như thế nào.

Lối sống ích kỷ coi trọng bản thân mình và vô ơn đối với cha mẹ trở nên phổ biến, đến nỗi có người oán trách cha mẹ không biết làm giàu khiến mình phải thua kém bạn bè. Thậm tệ hơn, có người cho rằng mình chỉ là hậu quả của một phút bồng bột của cha và mẹ, chứ bản thân họ đâu mong muốn mình ra đời. Từ đó, sợi dây tình cảm gia đình trở nên quá đỗi mong manh, đứa con không có tình thương đối với cha mẹ. Đạo làm con không được nhắc nhở đề cao trong gia đình và nhà trường, thì làm sao nói đến đạo đức con người?

Trong đạo Phật, chữ hiếu được xem trọng nhất trong mọi hạnh lành, là căn bản của đạo đức, là nấc thang đầu tiên của lộ trình tâm linh. Truyền thống Vu lan báo hiếu bắt đầu từ thời Đức Phật còn tại thế, trải qua mấy ngàn năm vẫn còn tươi nhuận và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, không phân biệt trình độ giai cấp, tín ngưỡng. Bởi vì, không ai không có cha mẹ, không nhờ cha mẹ mà sinh ra, tồn tại và trưởng thành.

Tương ưng bộ kinh kể chuyện tiền thân của Thiên chủ Đế thích, vua cõi trời Đao-lợi. Lúc còn thân người, ngài chấp trì giới luật nghiêm túc và một lòng hiếu dưỡng mẹ cha, nên sau khi mạng chung thác sanh về cõi nước tốt đẹp. Trong kinh có bài kệ như sau: Ai hiếu dưỡng mẹ cha/ Kính trọng bậc Sư trưởng/ Nói những lời nhu hòa/ Từ bỏ lời hai lưỡi/ Chế ngự lòng gian tham/ Làm một người chân thực/ Nhiếp phục mọi sân hận/ Với một người như thế/ Chư thiên Tam thập tam/ Gọi là bậc cao quý.

Bài kệ trên xưng tụng những người có hiếu với cha mẹ và kính trọng bậc Sư trưởng, cùng làm những việc thiện lành, chế ngự được tham lam sân hận, lại dùng ái ngữ trong giao tiếp với người khác. Với đầy đủ đức tính quý báu - mà hiếu dưỡng đứng đầu - người ấy được chư thiên cõi trời ba mươi ba (Đao-lợi) tôn xưng là bậc cao quý.

Trong đạo Phật, chữ hiếu được xem trọng nhất trong mọi hạnh lành, là căn bản của đạo đức, là nấc thang đầu tiên của lộ trình tâm linh. Truyền thống Vu lan báo hiếu bắt đầu từ thời Đức Phật còn tại thế, trải qua mấy ngàn năm vẫn còn tươi nhuận và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc ta, không phân biệt trình độ giai cấp, tín ngưỡng. Bởi vì, không ai không có cha mẹ, không nhờ cha mẹ mà sinh ra, tồn tại và trưởng thành. “Nhân vi vạn vật tối linh, con người đứng đầu muôn loài muôn vật, không chỉ nhờ trí khôn mà còn tư cách đạo đức làm người, trong đó đạo hiếu đứng đầu trong muôn hạnh. Cho nên có thể nói, hiếu là tiêu chuẩn quyết định giá trị của con người, là điều kiện hàng đầu phân biệt loài người với mọi loài vật khác.

Một thi sĩ có hai câu thơ rất hay: Tôi không khóc khi áo cài hoa trắng/ Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười. Bằng cái nhìn quán chiếu sâu sắc vào hoa, thi sĩ thấy hiện hữu rất nhiều yếu tố không phải hoa. Các yếu tố không phải hoa, khi đủ duyên tập hợp lại thành hoa: đất, nước, hạt giống, ánh sáng mặt trời... Thân ta cũng thế, tập hợp bởi tứ đại, thần thức và các chủng tử nghiệp huân tập từ nhiều kiếp, cũng tập hợp bởi những yếu tố di truyền từ cha mẹ, tổ tiên. Nhìn bằng cặp mắt vô tướng, ta biết các pháp chỉ biến đổi trên hình tướng, còn bản thể vô tướng thì không đến không đi, không sinh không diệt, đồng một thể tánh Như Lai “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ (Không từ đâu đến cũng không đi về đâu). Và vì biết cha mẹ, tổ tiên ta luôn hiện hữu trong ta, nên ta không còn cảm giác mất mát khi nhìn đóa hoa trắng mình đang cài trên ngực áo.

Ngay trong thân ta có đủ mặt ông bà tổ tiên, nên chính tự thân là một đền thờ. Nếu ở đền thờ bên ngoài, ta phải luôn quét dọn sạch sẽ, thờ phụng trang nghiêm, thì đối với đền thờ bên trong, ta cũng cần chăm sóc theo tinh thần khoa học và đạo học.

Về khoa học, ta không sử dụng những loại thuốc hoặc các sản phẩm có độc tố làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tâm trí, kể cả những phim ảnh, sách báo mang tính chất bạo động kích thích dục vọng và căm thù. Ta không chạy theo thị hiếu tầm thường, đua đòi trác táng làm suy giảm đời sống tinh thần; cũng không ăn uống quá độ khiến cơ thể sinh nhiều bệnh tật.

Về đạo đức học, ta lo giữ gìn nề nếp gia phong, rèn luyện thân tâm trở thành người hữu dụng để làm rạng danh dòng tộc. Là Phật tử, ngoài việc làm một công dân tốt sống theo hiến pháp và pháp luật, ta còn phải giữ nghiêm năm giới cấm. Những vị tu sĩ công phu miên mật, tinh tấn tu hành, chuyển hóa thân tâm là những người có cơ hội đền ơn cha mẹ một cách tích cực nhất, vì một người tu hành đắc đạo cha mẹ được sanh thiên.

Trong buổi lễ thế phát xuất gia, vị Bổn sư cho ta lạy cha mẹ ba lạy trước khi xuống tóc. Lạy thứ nhất trả ơn cha mẹ tạo dựng nên hình hài, lạy thứ hai trả ơn dưỡng dục và lạy thứ ba đền ơn cha mẹ cho phép xuất gia. Sau này, người tu sĩ không lạy cha mẹ nữa vì giữ giới nhiều hơn và công đức lớn hơn cha mẹ, sợ các Người tổn phước. Người tu hành chân chính có năng lực tu trì nên có uy tín đối với gia đình, có thể hướng dẫn cha mẹ và thân quyến tu theo Chánh pháp, góp phần Phật hóa gia đình một cách hữu hiệu. Sự trả hiếu ấy mới thiết thực và trọn vẹn.

Báo hiếu cha mẹ không chỉ khi cha mẹ còn sống, mà cả khi cha mẹ đã qua đời, như bố thí, phóng sanh hoặc các pháp lành khác để hồi hướng cho cha mẹ. Không những lo cho cha mẹ đời này, mà người con còn phải nghĩ đến cha mẹ nhiều đời. Không những đến ngày Vu lan mới nhắc nhở về ơn sinh thành dưỡng dục, mà mỗi người con đều phải mang nặng nghĩa tình không lúc nào quên. Người sống không có hiếu đạo, người ấy xem như đã chết, vì chưa sống đúng theo đạo đức làm người. Có thể nói, hiếu đạo là lẽ sống của tất cả mọi người, không phân biệt hoàn cảnh sắc tộc, không phân biệt giai cấp tôn giáo. Và, còn cơ hội để đáp đền ơn sinh dưỡng là đại phước cho những ai muốn sống trọn nghĩa người!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Giải tỏa oan ức

GNO - Tất cả chúng ta sống trên cuộc đời này, ai cũng có nỗi lo, nỗi khổ, nhất là cảm giác bị oan ức là nỗi khổ lớn. Oan ức là những điều mình không làm mà bị người khác đổ lỗi, nên mình cảm thấy ức lòng, đau khổ. Muốn giải tỏa nỗi oan ức này, chúng ta làm cách nào.

Thông tin hàng ngày