Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1243 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1243 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Nghiêm khắc mà từ bi, tín thuận mà sáng suốt, thầy trò đầy đủ đạo tình mà luôn thấm nhuần thiền vị, đồng đạo thì thiết thân mà chẳng vị tình. Từ bi và trí tuệ luôn sáng tỏ trong tâm người học Phật để soi sáng, trợ duyên cho nhau tu học và làm Phật sự. Muốn được vậy, mỗi người cần nương theo Luật tạng để biết vai trò, vị trí, trách nhiệm, bổn phận của mình. Giác Ngộ xin giới thiệu bài phân tích vấn đề này đến độc giả.

*

Có người hỏi rằng: Vì sao gọi thầy mình là Hòa thượng và A-xà-lê?

Trả lời: Do trong tiếng Hán không có từ ngữ thích hợp hoặc tương đương để diễn đạt, nên căn cứ vào nội hàm của từ ngữ để dịch ra.

Trong Thiện kiến luật nêu: “Vô tội mà chỉ ra được tội và quở trách thì gọi là thầy của ta; do cùng ở trong thiện pháp mà dạy dỗ khiến cho hiểu biết thì đó là bậc A-xà-lê của ta”.1

Vô tội mà chỉ ra được tội là chỉ cho người đệ tử tu tập, bên ngoài dường như hoàn toàn thanh tịnh, không có lỗi lầm gì, nhưng dưới con mắt của vị thầy có đủ đức độ, có thể phát hiện ra người đệ tử ấy vẫn còn tồn tại những sai lầm. Thầy tức là thân giáo sư, còn gọi là Hòa thượng. Thiện kiến luật nêu: Hòa thượng nghĩa là người thông hiểu giáo lý, biết rất rõ những quy định của giới luật, có đủ khả năng tùy thời mà điều chỉnh những ngôn ngữ và hành vi của người đệ tử, khiến cho người đệ tử ít phạm tội hoặc không phạm tội. A-xà-lê nghĩa là Giáo thụ sư, người có thể dạy dỗ đệ tử về uy nghi phép tắc…, khiến cho người đệ tử biết được thế nào là thiện pháp, đồng thời hướng dẫn người đệ tử tu tập.

Trách nhiệm của một vị Hòa thượng, một mặt là hiểu rõ về những quy định khai-giá-trì-phạm của giới luật, mặt khác là luôn luôn chú ý quan sát những hành vi và ngôn ngữ của người đệ tử, nếu đúng như pháp thì kịp thời động viên khích lệ, còn không đúng như pháp thì có phương pháp ngăn chặn bằng cách phê bình và dạy dỗ.

Trong Luận và Truyện nêu: “Hòa thượng là tiếng nước ngoài, tiếng Hán có nghĩa là người chỉ ra việc phạm tội và không có tội, đó gọi là Hòa thượng”.2

Luận ở đây chính là Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, còn Truyện thì đại đa số các nhà chú thích cho rằng, đó là Pháp Hiển truyện. Trong hai bộ đó nêu: Hòa thượng là tiếng nước ngoài, nghĩa là người có khả năng thấy được những hành vi và ngôn ngữ của người đệ tử có tội hay không có tội, tức là có phạm giới hay không phạm giới, người ấy gọi là Hòa thượng. Trách nhiệm của một vị Hòa thượng, một mặt là hiểu rõ về những quy định khai-giá-trì-phạm của giới luật, mặt khác là luôn luôn chú ý quan sát những hành vi và ngôn ngữ của người đệ tử, nếu đúng như pháp thì kịp thời động viên khích lệ, còn không đúng như pháp thì có phương pháp ngăn chặn bằng cách phê bình và dạy dỗ.

Tứ phần luật nêu: “Trong pháp khuyên răn của đệ tử đối với Hòa thượng cũng giống như vậy.”3

Trong Tứ phần luật đề cập: Hòa thượng ắt phải hiểu rõ hành vi ngôn ngữ của người đệ tử có đúng như pháp hay không, có phạm tội hay không, đồng thời phải kịp thời dạy dỗ uốn nắn. Ngược lại, nếu như Hòa thượng không đủ khả năng hoặc không răn dạy được thì người đệ tử phải nên từ bỏ mà ra đi, bởi vị thầy đó sẽ không giúp gì cho người đệ tử. Trong Luật nêu ra năm trường hợp người đệ tử nên từ bỏ Hòa thượng:

Người đệ tử như pháp tu hành nhưng Hòa thượng không biết.

Người đệ tử không như pháp tu hành, Hòa thượng vẫn không biết.

Người đệ tử phạm giới, Hòa thượng không quở trách, uốn nắn.

Người đệ tử không phạm giới, Hòa thượng cũng không biết.

Người đệ tử phạm giới nhưng đã sám hối, Hòa thượng vẫn không biết.

Gặp một trong năm trường hợp như trên, hiển nhiên vị Hòa thượng đó không quan tâm dạy dỗ, hoặc không có khả năng dạy dỗ đệ tử, nên vị ấy không đủ tư cách làm thầy. Đã như vậy, việc nương tựa vào Hòa thượng để tiến tu đạo nghiệp chẳng có tác dụng gì, người đệ tử nên tìm vị minh sư khác để y chỉ.

Luật nhị thập nhị minh liễu luận nêu: “Ưu-ba-đà-ha dịch là nương học, do nương vào người này để học về ba môn giới, định và tuệ, người đó chính là Hòa thượng, nhưng do ngôn ngữ khác nhau nên có cách gọi khác mà thôi”4. Hòa thượng được dịch từ tiếng Phạn Upādhyāya (dịch âm là Ưu-ba-đà-ha hoặc Ổ-ba-đà-da), nghĩa là nương học, tức là y chỉ vào thầy để học về giới, định và tuệ. Đây là cách căn cứ vào nội hàm của từ ngữ để dịch ra. Sở dĩ có những bất đồng về tên gọi như vậy là bởi sự khác nhau về ngôn ngữ.

“Tương truyền rằng: Hòa thượng có nghĩa là lực sinh (đạo lực của người đệ tử do Hòa thượng mà thành tựu); A-xà-lê nghĩa là chính hạnh (hướng dẫn chính hạnh cho đệ tử). Hai nghĩa trên không xuất phát từ kinh luận”.

Ý nghĩa của Hòa thượng là lực sinh được truyền dạy này, tức nói đạo lực của người đệ tử được sinh khởi là do sự hướng dẫn tu tập của Hòa thượng. Còn ý nghĩa A-xà-lê là chính hạnh, tức là người thầy uốn nắn những hành vi, ngôn ngữ của người đệ tử. Theo nội hàm của ngôn ngữ thì cơ bản ý nghĩa là trùng khớp nhau. Tuy nhiên Luật sư Đạo Tuyên (596-667) đã chỉ ra, hai cách giải thích trên hoàn toàn không có trong kinh luận. “Trong Tạp A-hàm chép, ngoại đạo cũng gọi thầy mình là Hòa thượng”.

Căn cứ vào sự ghi chép trong Tạp A-hàm kinh thì thấy được, những người ngoại đạo cũng thường gọi vị thầy của mình là Hòa thượng. Như vậy, cách xưng hô này hoàn toàn không phải chỉ riêng Phật giáo mới có.

Đệ tử: Người học sau mình thì gọi là đệ; sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy, gọi là tử.

Từ “đệ tử” được hình thành từ hai tầng nghĩa: theo thầy để tu học thì gọi là đệ; những hiểu biết về Phật pháp đều do thầy hướng dẫn và dạy dỗ mà có, gọi là tử. Cho nên, đệ tử là người nương tựa vào thầy để tu học, hoàn toàn nhờ vào thầy dạy dỗ mà có được hiểu biết về Phật pháp. Do mối quan hệ giữa thầy trò như thế, nên người đệ tử phải xem người thầy của mình như người anh, như người cha, phải biết cung kính, phải biết hầu hạ và vâng lời, cho nên tiếng Hán gọi là sư phụ. “Sự hiểu biết của họ là nhờ mình chỉ dạy” cũng tức là nói “giới thân huệ mạng của người đệ tử được phát sinh cũng từ người thầy”, tức là do Hòa thượng truyền trao mà đắc được giới thể.

----------------------------

1 Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 1. Đại chính tạng, tập 24, tr.681a.

2 Thiện kiến luật Tỳ-bà-sa, quyển 17. Đại chính tạng, tập 24, tr.792c.

3 Tứ phần luật, quyển 59. Đại chính tạng, tập 22, tr.1004b.

4 Luật nhị thập nhị minh liễu luận, quyển 1. Đại chính tạng, tập 24, tr.672a.

Thích Quảng Đại dịch

(Trích dịch từ Vấn đề giáo dục Tăng-già, tác giả Thích Tế Quần, Nxb Đại Thiên, Đài Bắc, 2023)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày