Tứ Y - Tứ thánh chủng trong giới đàn truyền giới

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GN - Luật Phật quy định, và hiện nay áp dụng, sau khi bạch tứ yết-ma thành tựu, tức là sau khi giới thể Cụ túc đã thành tựu trên giới tử, thì truyền tứ khí (bốn giới trọng Ba-la-di) cho Tỷ-kheo hoặc bát khí cho Tỷ-kheo ni, và truyền Tứ y (bốn chỗ nương tựa cho đời sống xuất gia) chung cho cả Tăng-Ni.

Tùy theo mỗi truyền thống Luật tạng, thứ tự nói về tứ khí và tứ y có khác nhau. Có khi thì tứ khí nói trước, có khi thì tứ y nói trước. Riêng luật Tứ phần 1 mà Phật giáo Bắc truyền ở xứ ta áp dụng thì tứ khí nói trước, tứ y nói sau.

Tứ y là gì? Là 4 chỗ nương tựa căn bản cho đời sống phạm hạnh, vị Tỷ-kheo y theo đây mà xuất gia, thọ giới Cụ túc, thành phẩm chất Tỷ-kheo. Bao gồm:

1- Tỷ-kheo sống y trên y phấn tảo (y thô xấu được kết từ vải vụn bị vứt bỏ).

2- Tỷ-kheo sống y trên sự khất thực (xin ăn hàng ngày).

3- Tỷ-kheo sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ (ở dưới gốc cây).

4- Tỷ-kheo sống y nơi các loại thuốc hủ lạn dược (những loại thuốc bào chế đơn giản, rẻ tiền).

Tứ y còn gọi là tứ Thánh chủng, tức là 4 hạt giống của bậc Thánh, “có công năng sinh ra chủng tử Thánh trong mỗi chúng sinh” (Phật Quang đại tự điển).

Tăng đoàn nguyên thủy sống dựa trên việc khất thực, bốn vật dụng thiết yếu là y phục, thức ăn, chỗ ở, thuốc men đều do nơi khất thực mà có, không có việc tư hữu. Khi Tăng đoàn hưng thịnh, các cư sĩ tại gia phát tâm hộ trì chúng Tăng nhiều hơn, điều gì họ xin phép mà Thế Tôn thấy hợp lý thì Ngài đồng ý bằng cách im lặng.

Cho nên, trong tứ y có sự “khai”: Sống y trên y phấn tảo, nhưng cho phép thọ dụng y do thí chủ cúng dường, y đã được cắt rọc hay hoại sắc. Sống y trên sự khất thực nhưng cho phép đi thọ thực nếu được Tăng sai, hay thí chủ cung cấp các bữa ăn định kỳ mỗi nửa tháng (ngày mồng một, mồng tám, ngày rằm), hoặc các bữa ăn thường của Tăng, hay được thí chủ mời. Sống y nơi gốc cây mà ngủ nghỉ, nhưng nếu được cúng một căn phòng riêng, một ngôi nhà nóc nhọn, căn phòng nhỏ, một hang đá, hay hai căn phòng có chung một cửa. Sống y trên các loại thuốc hủ lạn, nhưng được thọ dụng nếu đó là tô, sinh tô (được chế biến từ sữa), dầu ăn, đường phèn và mật2.

Ba loại đầu: y phục, ăn, ở, giúp điều phục bằng lối sống thiểu dục tri túc; còn thuốc hủ lạn thì giúp đoạn phiền não. Tứ Thánh chủng nhằm tạo sự hoan hỷ trong tu tập Thánh đạo, dẫn đến chứng Thánh quả3. Nguyên nhân Phật chế ra tứ Thánh chủng là nhằm mục đích để đoạn các ác dục đối với y phục, ăn, ở, thuốc men của một vị Tỷ-kheo4, từ đó mà các thiện hữu lậu và vô lậu phát sinh bởi lực tăng thượng do biết đủ với bất cứ điều gì trong tứ Thánh chủng5.

Như vậy, tứ Thánh chủng rất quan trọng trong đời sống một Tỷ-kheo ngay từ khi mới bắt đầu xuất gia. Chính sự quan trọng đó mà Đề-bà-đạt-đa mới căn cứ theo đây để đề ra 5 pháp và dễ dàng lôi kéo những Tỷ-kheo trẻ đi theo để hình thành Tăng đoàn mới6. Đề-bà-đạt-đa đã đẩy tứ Thánh chủng đến cực đoan, đánh vào tâm lý chung của các vị Tỷ-kheo hữu học, trong khi tinh thần của Phật là trung đạo cùng với giải thoát.

Ngày nay, đời sống xã hội khác xa thời Đức Phật, nhưng cần phải hiểu được tinh thần tứ Thánh chủng trong đời sống Tỷ-kheo, vấn đề ăn mặc ở của một Tỷ-kheo cần làm sao đó để đúng với tinh thần thiểu dục tri túc, và phù hợp với mức sống của xã hội, nhằm đoạn trừ phiền não, đạt cứu cánh Niết-bàn trong đời này.

Tinh thần này phải luôn được nhắc nhở để nuôi dưỡng và tăng trưởng hạt giống Thánh trong mỗi cá nhân Tỷ-kheo. Lúc thọ giới là lúc tâm tư Tỷ-kheo thanh tịnh nhất, vừa đắc giới cũng giống như bình sạch vừa chứa đựng cam lộ vậy, nên việc nhắc đến tứ Thánh chủng trong giới đàn như là 4 căn bản của đời sống của Tỷ-kheo, nương đây mà xuất gia, mà thọ Cụ túc, và đắc Thánh quả, là một điều vô cùng cần thiết.

Thế nhưng ngày nay một số giới đàn thay tứ y, tứ Thánh chủng này thành “bốn điều nên làm”: “Từ đây cho đến suốt đời, bị mắng không được mắng lại. Bị giận không được giận lại. Bị người đùa giỡn, không được đùa giỡn lại. Phiền giận khởi lên, phải nhiếp tâm, không chống trả lại”.

Chúng ta dễ thấy 4 điều này không có liên hệ gì mấy đến tứ Thánh chủng. Nói sai thì không sai, nhưng thật sự nó khác xa về ý nghĩa tu tập đoạn tận phiền não của tứ Thánh chủng. Và không biết việc thay thế bốn điều này được căn cứ vào đâu? Và khi thay thế như vậy, đã có sự so sánh đến giá trị đích thực giữa tứ Thánh chủng và 4 điều cần làm đó hay chưa?

Bất kể một điều luật nào Đức Phật quy định, không phải chỉ có mỗi mặt là “tùy phạm tùy chế”, mà sẽ bao gồm ba yếu tố: Một là về mặt Thánh đạo (triết lý giải thoát), hai là về mặt tâm lý, ba là về mặt quan hệ xã hội. Cho nên không dễ để hiểu hết được một điều luật nào đó. Có thể một người giỏi về các duyên khởi Phật chế giới, giỏi về mặt xã hội học để hiểu vấn đề quan hệ của Tỷ-kheo với xã hội, hoặc giỏi về mặt tâm lý bên trong điều luật đó, nhưng về mặt Thánh đạo thì không phải người nào cũng có thể hiểu hết ý của Đức Phật.

Biện luận cho việc thay tứ Thánh chủng thành 4 điều nên làm ở trong Đại giới đàn, nhiều người cho rằng, tứ Thánh chủng (tứ y) chẳng còn phù hợp với xã hội ngày nay, Tỷ-kheo không còn mặc y phấn tảo, không còn ngủ gốc cây, không còn đi khất thực, không còn uống thuốc hủ lạn. Vì vậy mà cần thay thế vào 4 điều nên làm đó để nhắc nhở Tỷ-kheo.

Điều này khiến liên tưởng đến việc kết tập kinh điển lần đầu tiên sau khi Đức Phật nhập diệt được 100 ngày, được ghi lại trong Luật tạng: Khi A-nan nói Đức Phật cho phép bỏ các điều giới nhỏ nhặt, nhưng lại không biết điều nào là nhỏ nhặt, do đó, ngài Đại Ca-diếp nói với các Tỷ-kheo: “Từ đây về sau, nên cùng nhau lập ước chế: ‘Nếu trước đây, những gì Đức Phật không chế cấm thì nay không nên chế cấm. Trước đây những gì Đức Phật chế cấm thì nay không nên hủy bỏ. Nên tùy thuận học tập những gì mà Đức Phật đã quy định”7.

Tỷ-kheo ba y, một bát, vân du khắp thiên hạ để giáo hóa, thọ nhận cúng phẩm của thế gian, như vậy thì ngay từ lúc thành tựu giới thể Tỷ-kheo, phải chăng cần được nhắc lại tứ y để Tỷ-kheo xác định lại lý tưởng xuất gia của mình và để trưởng dưỡng thánh chủng trong tự thân.

Có những điều tưởng chừng như nhỏ nhưng lại có thể là một vấn đề lớn, nhất là trong tu tập giải thoát. Một ngọn lửa nhỏ có thể đốt cháy cả một khu rừng, một tội lỗi nhỏ của người thiếu trí cũng có thể đọa vào địa ngục8. Nên hay không việc thống nhất một cách thức truyền thọ giới pháp ở một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời như nước ta? Có lẽ đó cũng là điều trăn trở của nhiều thế hệ Tăng Ni ở Việt Nam vậy.

----------------------------

1 Đại tạng, T1428, 四分律. Xem thêm: Thích Đỗng Minh (dịch) (2010), Luật Tứ phần, Thích Nguyên Chứng, & Thích Đức Thắng (hiệu đính và chú thích).

2 Yết-ma yếu chỉ, Thích Trí Thủ (2011), Thích Đỗng Minh, & Thích Tuệ Sỹ (đồng biên tập)

3 Tập dị môn túc luận, quyển 6; Đại Tỳ-bà-sa luận, quyển 181; Câu xá luận, quyển 22.

4 Tứ phần luật, quyển 35, quyển 48.

5 A-tỳ-đạt-ma Tập dị môn túc luận, Tuệ Sỹ, & Nguyên An (dịch việt) (2020).

6 Tứ phần luật, quyển 46. Tham chiếu Ngũ phần, quyển 25, Phá Tăng pháp; Thập tụng, quyển 36, Tạp tụng-Điều-đạt sự.

7 Tứ phần luật, quyển 54,

8 Chư pháp tập yếu kinh: “如一微細火,則能燒諸物,愚夫罪少許,亦墮於地獄”

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày