Vấn đề túc số Tăng trong giới đàn truyền giới Cụ túc

Ảnh: Báo Giác Ngộ
Ảnh: Báo Giác Ngộ
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đạo Phật khởi nguyên tại Ấn Độ, sau đó lần lượt phân phái và được truyền bá rộng rãi tại châu Á và khắp thế giới như hiện nay.

Truyền thống sinh hoạt của Tăng đoàn vì thế cũng có chút khác biệt giữa các bộ phái và chịu ảnh hưởng ít nhiều tùy theo điều kiện lịch sử, địa lý, văn hóa khu vực lãnh thổ mà Tăng đoàn hành hoạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cho sự có mặt của nhiều bộ Luật trong Phật giáo. Tuy nhiên sự sai khác giữa các truyền thống Luật tạng chỉ là những chi tiết nhỏ nhặt, còn về mặt nền tảng cơ bản thì không hề có sự thay đổi. Nhìn vào Giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa, hay các pháp yết-ma được hành trì trong mỗi bộ Luật sẽ dễ dàng nhận ra điều đó.

Phật giáo Việt Nam, kể từ khi các cao tăng chấn hưng Phật giáo vào những năm đầu của thế kỷ XX, việc tổ chức Đại giới đàn, truyền thọ giới pháp Cụ túc là vấn đề được đặc biệt quan tâm chấn chỉnh của thế hệ Tăng-già đương thời. Phật giáo Việt Nam hiện nay đa phần theo truyền thống Bắc tông, sử dụng bộ Luật Tứ phần. Quan sát các Đại giới đàn của Phật giáo Bắc tông hiện nay ở Việt Nam và đối chiếu vào bổn Luật1, người viết xin được đề cập đến vấn đề túc số Tăng trong giới đàn truyền Cụ túc giới.

Giới Cụ túc, tiếng Phạn là Upasampāda, Hán -具足戒- dịch là Cận viên, Cụ thọ, Viên cụ... có nghĩa là sự thành tựu trọn vẹn, hoặc là bước lên chỗ cao (tu lên bậc trên). Luận Câu xá giải thích, giới Tỷ-kheo sở dĩ được gọi là Cụ túc, vì nó thể hiện trọn vẹn đời sống của một Thánh giả A-la-hán. Còn các loại khác của Thanh văn không được gọi Cụ túc, vì chúng chỉ mô phỏng một đời sống cao thượng của A-la-hán2.

Các nhà giải thích Luật của phái Tỳ-bà-sa (Nhất thiết hữu bộ), nêu ra mười trường hợp đắc giới Cụ túc3: 1, Tự nhiên đắc giới; 2, Kiến đế đắc giới; 3, Thiện lai Tỷ-kheo; 4, Do xác nhận Phật là Đại sư; 5, Do khéo trả lời; 6, Do thọ Bát kỉnh pháp; 7, Do gửi đại diện; 8, Do người thứ năm là người trì Luật; 9, Thọ với Tăng gồm mười vị Tỷ-kheo; 10, Tam ngữ đắc giới.

Bảy trường hợp đầu là những trường hợp hy hữu. Còn lại ba trường hợp sau, các bộ phái xem đó là truyền thừa chính thức. Riêng về Tam ngữ đắc giới thì chỉ áp dụng lúc Phật còn tại thế, và trước lúc Phật quy định bạch tứ yết-ma khi thọ Cụ túc, tức là trước lúc quy định về trường hợp thứ 8 và thứ 9.

Để đắc giới, về hình thức, cần phải hội đủ các yếu tố: tư cách người thọ giới, tư cách giới sư, hành sự của Tăng hợp pháp (tức là yết-ma như pháp).

Để yết-ma như pháp cần hội đủ các điều kiện: Giới thành tựu, tức điều kiện giới trường; Sự thành tựu, tức giới tử không có các trường hợp trở ngại; Tăng thành tựu, tức Tăng phải đủ túc số; Yết-ma thành tựu, tức bạch tứ yết-ma đúng pháp4.

Túc số Tăng trong bạch tứ yết-ma truyền giới Cụ túc là 10 vị Tỷ-kheo ở những nơi có thể tập họp Tăng đủ số 10 người. Ở những vùng biên cương, không thể tập họp được Tăng đủ 10 người thì chỉ cần 5 người, trong đó có ít nhất một người thông suốt Luật. Như vậy có thể hiểu, ở những vùng biên cương, số lượng Tăng ít, thì có thể được cho phép truyền thọ giới với túc số Tăng 5 vị.

Hiển nhiên thời Phật tại thế, việc từ trú xứ này đến trú xứ khác rất khó khăn, việc tập hợp Tăng khá trở ngại do các điều kiện khách quan cũng như chủ quan. Ví dụ, trú xứ này muốn tổ chức truyền giới Cụ túc nhưng không đủ 10 vị Tỷ-kheo, phải đến trú xứ khác thỉnh cầu, nếu cho khoảng cách giữa 2 trú xứ là vài do-tuần (1 do-tuần khoảng 10km5), đi bộ sẽ mất vài ngày, rồi Tăng từ trú xứ được thỉnh cầu lại đi đến trú xứ này để tác pháp thì mất thêm rất nhiều thời gian, hoặc dễ xảy ra các nạn sự, thậm chí không đảm bảo được sự an toàn dọc đường, chưa kể là đến trú xứ khác chưa chắc đã gặp được Tỷ-kheo ở đó, vì thời bấy giờ không có phương tiện thông tin liên lạc để báo trước, trong khi Tỷ-kheo thì thường “du hóa trong nhân gian”. Vì vậy mà Phật mở ra sự đặc cách túc số 5 vị Tăng truyền giới mà bản thể Tỷ-kheo của giới tử vẫn thành tựu.

Ngày nay, việc di chuyển từ trú xứ này đến trú xứ khác không còn thật sự khó khăn nữa, nhất là việc đi lại trong một đất nước thì vô cùng đơn giản, chỉ cần vài tiếng đồng hồ đi xe, hoặc đi tàu lửa, máy bay, … thì đã đến các địa phương cách xa vài trăm hoặc vài ngàn cây số. Vấn đề cầu thỉnh Tăng từ đó cũng dễ hơn rất nhiều.

Việc tổ chức Đại giới đàn hiện nay, theo quy định của Hiến chương Giáo hội, tập trung Tăng theo địa giới của tỉnh, một tỉnh được hiểu như là một trú xứ của Tăng. Thế nhưng một số tỉnh thành vẫn áp dụng việc truyền giới với túc số Tăng là 5 vị, với lý do là vì tỉnh đó không đủ 10 vị Tỷ-kheo đủ tư cách làm giới sư, hoặc là Tăng ở đó không có đủ túc số 10 vị, thậm chí đó là những tỉnh thành trung tâm, đô thị.

Chúng ta dễ dàng nhận thấy một nghịch lý ở đây, trong khi các buổi lễ hành chánh của Phật giáo tỉnh đó, dù xa xôi như thế nào thì ở hàng ghế chứng minh vẫn trên 10 vị tôn túc, như vậy có nghĩa ở đó vẫn cầu thỉnh được Tăng từ trú xứ khác đến. Vậy thì sao trong việc truyền giới Cụ túc lại đưa lý do là trú xứ không đủ túc số 10 vị Tăng? Đây là một vấn đề cần được chư tôn đức và các giới tử quan tâm.

Bàn rộng thêm vấn đề túc số Tăng trong giới đàn. Hiện nay, các giới đàn truyền Cụ túc giới ở Việt Nam thường có thêm các vị Dẫn thỉnh và các vị Giám đàn. Mục đích vị Dẫn thỉnh là để hướng dẫn các giới tử lặp lại cách nói để tránh việc lộn xộn, các vị Giám đàn thì nhằm tạo thêm không khí trang nghiêm cho đàn tràng. Tuy nhiên cần phải hiểu những người này không nằm trong túc số Tăng truyền giới, dù Luật nói 10 vị là túc số tối thiểu, nhiều hơn cũng không trái luật.

Giới trường truyền Cụ túc giới thường là chánh điện của chùa. Nếu những vị này ngồi chung trong một giới trường, mà họ lại không được kể trong túc số Tăng truyền giới, tức không dự vào các pháp yết-ma lúc đó, thì dẫn đến việc hình thành hai bộ Tăng trong một giới trường, như vậy yết-ma sẽ phi pháp vì có sự biệt chúng. Đây là một điểm rất tế nhị. Nhưng nếu để vị trí của họ bên ngoài giới trường, tức ngoài chánh điện thì việc dẫn thỉnh cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Cho nên vấn đề sắp xếp vị trí của những vị này cũng cần phải được lưu tâm. Trường hợp nếu sắp xếp họ ngồi chung trong giới trường, thì các vị này phải ngồi yên một chỗ và phát tâm tùy hỷ, không được đứng hay qua lại trong lúc Tăng yết-ma.

Tăng-già là mạng mạch của Phật pháp, tức sự tồn tại của Tăng chính là sinh mạng của Phật pháp, bởi lẽ Tăng tồn tại thì Chánh pháp của Phật giảng dạy còn có người tu chứng và hoằng truyền, do đó mà Chánh pháp vẫn luôn được duy trì giữa thế gian. Tăng tồn tại chính là bản thể của Tăng được thành tựu. Bản thể Tăng được thành tựu chính là các vị Tỷ-kheo đắc giới như pháp. Để đắc giới như pháp thì ngoại trừ các vị Thánh giả vô học đã chứng đắc Thánh quả, số còn lại phải do yết-ma như pháp. Để yết-ma được như pháp thì phải hiểu và thông suốt Luật. Vì vậy, thọ giới, học giới, trì giới là bổn phận của một vị Tỷ-kheo cần phải được vẹn toàn. Chánh pháp thịnh hay suy, cũng do đây mà quyết định vậy.

--------------

1 Đại tạng (T1428, 四分律). Xem thêm: Thích Đỗng Minh (dịch) (2010). Luật Tứ phần. Thích Nguyên Chứng, & Thích Đức Thắng (hiệu đính và chú thích). Nxb Phương Đông; 2 Thích Trí Thủ (2011). Yết-ma yếu chỉ. Thích Đỗng Minh, Thích Tuệ Sỹ (đồng biên tập). Nxb Phương Đông, tr.122; 3 Sđd, tr.127; 4 Sđd, tr.139; 5 Cách tính do-tuần, xem: Hồ Đắc Túc (2021). Những bước chân ngắn dài. Nxb Hồng Đức.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày