Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trả lời phỏng vấn nhân Hội nghị thường niên của GHPGVN

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên - Ảnh: Đăng Huy
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên - Ảnh: Đăng Huy
0:00 / 0:00
0:00

GN - Hội nghị thường niên kỳ 5 là một sự kiện quan trọng trong năm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) diễn ra giữa nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời trước thềm đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện nhiệm kỳ 2021-2026, tiến tới đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố. Nhân sự kiện này, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ.

Thông tin về ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung trọng tâm hội nghị của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội nghị thường niên của GHPGVN kỳ 5 - khóa VIII, Hòa thượng cho biết:

- Hội nghị lần này cũng mang tính thường kỳ, mỗi năm Phật giáo chúng ta có hai kỳ họp quan trọng là Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hội nghị Hội đồng Trị sự mở rộng. Hội nghị thường niên kỳ 5 - khóa VIII (diễn ra vào ngày 16 và 18-1-2021) sẽ đánh giá hoạt động Phật sự ở các lĩnh vực năm 2020 về những mặt làm được, những mặt còn hạn chế, để từ đó định hướng, thảo luận, thống nhất cho chương trình hoạt động Phật sự năm 2021 của GHPGVN. Đặc biệt, nội dung quan trọng trong hội nghị lần này sẽ thảo luận, thông qua kế hoạch mà Ban Thư ký Hội đồng Trị sự đã trình về tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập GHPGVN (7-11-1981 – 7-11-2021). Đây được xem là kế hoạch tương đối quy mô với nhiều chương trình, hoạt động như: hội thảo, tuyên truyền, thuyết giảng, triển lãm, các cuộc thi nghệ thuật, văn nghệ, sáng tác các thể loại tác phẩm, văn học, văn hóa và nhiều chương trình khác chào mừng lễ kỷ niệm “40 năm Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Hội nhập và phát triển cùng đất nước” sẽ được tổ chức rộng khắp tại các cấp Giáo hội.

Nội dung quan trọng nữa tại hội nghị thường niên, Ban Thư ký sẽ triển khai về công tác tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện nhiệm kỳ 2021-2026, tiền đề để chuẩn bị cho đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh thành và tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027.

Năm 2020 vừa qua có thể nói là năm đầy biến động của cả thế giới - trong đó có Việt Nam, nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhìn lại các hoạt động Phật sự của Giáo hội các cấp trên toàn quốc, là vị giáo phẩm đứng đầu Hội đồng Trị sự - cơ quan điều hành mọi hoạt động của GHPGVN, Hòa thượng đánh giá như thế nào về hoạt động Phật sự của Giáo hội? Có mô hình, sáng tạo nào cần được biểu dương, bạch Hòa thượng?

- Phải nói rằng năm 2020, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu phải hứng chịu những biến động lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, GHPGVN cũng không ngoại lệ. Nhưng, điều quan trọng là GHPGVN đã chủ trương chủ động thực hiện chương trình kép. Đó là chúng ta luôn tuân thủ nghiêm túc chỉ thị về phòng chống Covid-19 của Chính phủ, của các bộ ngành và địa phương; được nhà nước, các bộ, ngành đánh giá rất cao công tác này của Giáo hội. Đến thời điểm này, chúng ta chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào làm ảnh hưởng đến tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong giới Phật giáo. Trong thời gian khó khăn phải “giãn cách xã hội”, Giáo hội đã kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn, vừa đáp ứng được chỉ đạo của Chính phủ, của các bộ, ban, ngành chức năng về phòng chống Covid-19, vừa khuyến khích Tăng Ni, Phật tử sinh hoạt tu học trong phạm vi cho phép. Một số hoạt động, mô hình được khuyến khích đó là hoạt động an sinh xã hội, Phật giáo đã chung tay đóng góp chăm lo cho người nghèo, người yếu thế; GHPGVN đã khuyến khích tổ chức các loại hình hoạt động qua hình thức online như: Tổ chức Đại lễ Phật đản, cầu nguyện, thuyết giảng… Chúng ta đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động Phật sự thông qua hình thức trực tuyến.

Vừa qua, GHPGVN cũng đã thiết lập được hai văn phòng điện tử tại Văn phòng I – chùa Quán Sứ (Hà Nội) và Văn phòng II - thiền viện Quảng Đức (TP.HCM) nhằm tổ chức các buổi họp trực tuyến, kết nối giữa chư tôn đức Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự các tỉnh, thành, để chỉ đạo, điều hành hoạt động Phật sự. Sắp tới, GHPGVN cũng sẽ từng bước tiến hành thiết lập văn phòng điện tử tại các Ban Trị sự tỉnh, thành để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt Giáo hội trong thời kỳ công nghệ 4.0.

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự tặng bức tranh đồng chữ "Tâm" đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong lễ kỷ niệm 45 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên - Ảnh: Bảo Toàn

Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự tặng bức tranh đồng chữ "Tâm" đến Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, trong lễ kỷ niệm 45 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên - Ảnh: Bảo Toàn

GHPGVN đã có kế hoạch về quy hoạch nhân sự được đặt ra từ nhiệm kỳ trước nhằm đào tạo nguồn nhân lực mang tính kế thừa cho Giáo hội, tuy nhiên, thực tế khi đi vào thực hiện, chúng ta chưa có quy chế ràng buộc cụ thể. Bước đầu, trong kế hoạch quy hoạch, đào tạo nhân sự cho Giáo hội, chúng ta chủ yếu khuyến khích Tăng Ni thuyên chuyển đến phục vụ, hoạt động Phật sự ở những vùng xa, vùng sâu trên tinh thần tự nguyện.

- Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Vừa qua, một số Ban Trị sự đã tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội, Hòa thượng đánh giá như thế nào về sự kiện này?

- Một số Ban Trị sự GHPGVN tỉnh thành đã tổ chức hội nghị giữa nhiệm kỳ để đánh giá các mặt hoạt động của Giáo hội, đồng thời bổ sung nhân sự giữa nhiệm kỳ để ổn định, đáp ứng kịp thời nhu cầu Phật sự tại địa phương; nhìn chung các Ban Trị sự tỉnh, thành đã đi vào nề nếp, ổn định, hoạt động Phật sự đạt hiệu quả.

Năm 2021 cũng là năm sẽ diễn ra đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện nhiệm kỳ 2021-2026, tiến tới đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh, thành phố. Tại TP.HCM hiện đã có một số quận, huyện đăng ký đại hội diễn ra trước Tết Tân Sửu, Hòa thượng có lưu ý gì về công tác tổ chức Đại hội, đặc biệt là nhân sự?

- Vừa qua, chúng tôi đã ký, ban hành Thông tư số 205/TT-HĐTS về hướng dẫn tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận, huyện, thị xã, thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, đến Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố. Thông tư này cũng như các kỳ đại hội trước hướng dẫn một số nội dung, quy định về độ tuổi, tiêu chuẩn nhân sự tham gia Ban Trị sự, các thủ tục về tổ chức đại hội…, đặc biệt thông tư có quy định “Trong trường hợp đặc biệt khó khăn về nhân sự, Ban Trị sự tỉnh báo cáo bằng văn bản với Hội đồng Trị sự để được chỉ đạo và hướng dẫn”.

Chuẩn bị cho vấn đề này, chúng tôi cũng ký, ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổ chức đại hội đại biểu Phật giáo cấp quận huyện do Hòa thượng Thích Thiện Pháp, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, đồng Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự cùng làm Trưởng ban; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự làm Phó Trưởng ban Thường trực; các vị Phó Trưởng ban và Ủy viên của Ban Chỉ đạo. Mục đích của Ban Chỉ đạo này nhằm hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp đại hội cấp quận huyện có vấn đề khó khăn mà Ban Thường trực Ban Trị sự cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, thành đó không thể giải quyết, tháo gỡ thì sẽ trình lên Ban Chỉ đạo Trung ương để kịp thời hỗ trợ, đem lại sự ổn định cho Giáo hội địa phương.

Bìa Báo Giác Ngộ đăng tải bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Bìa Báo Giác Ngộ đăng tải bài phỏng vấn Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN

Năm nay GHPGVN kỷ niệm 40 năm hình thành, phát triển và hội nhập (1981-2021), Giáo hội có nguồn nhân lực trẻ rất dồi dào, tuy nhiên có hiện tượng Tăng Ni trẻ tập trung các tỉnh, thành phố khá đông trong khi đó ở các huyện vùng cao, vùng xa lại thiếu, nhân sự mỏng. Ý kiến của Hòa thượng về vấn đề này như thế nào, bạch Hòa thượng?

- Thực ra, GHPGVN đã có kế hoạch về quy hoạch nhân sự được đặt ra từ nhiệm kỳ trước nhằm đào tạo nguồn nhân lực mang tính kế thừa cho Giáo hội, tuy nhiên, thực tế khi đi vào thực hiện, chúng ta chưa có quy chế ràng buộc cụ thể. Bước đầu, trong kế hoạch quy hoạch, đào tạo nhân sự cho Giáo hội, chúng ta chủ yếu khuyến khích Tăng Ni thuyên chuyển đến phục vụ, hoạt động Phật sự ở những vùng xa, vùng sâu trên tinh thần tự nguyện.

Trung ương Giáo hội xác định vấn đề quy hoạch nhân sự là rất quan trọng nên thời gian tới, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ thảo luận cụ thể về vấn đề này, có thể sẽ lựa chọn, đào tạo để đưa những tu sĩ trẻ, có năng lực bố trí về những vùng xa, vùng sâu, hải đảo, những nơi còn thiếu vắng hình ảnh Phật giáo để vừa xây dựng nhân sự kế thừa vừa để Tăng Ni trẻ có cơ hội rèn luyện, phục vụ cho Giáo hội.

Trước thềm Tết Tân Sửu - năm 2021, Hòa thượng có gửi gắm nào đến chư Tăng Ni, Phật tử, đặc biệt là các Tăng Ni trẻ?

- Tết cổ truyền là niềm vui chung của cả dân tộc, tuy nhiên đến thời điểm này đất nước chúng ta vẫn còn tiềm ẩn những nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh nên cần phải đề cao cảnh giác, nâng cao tinh thần phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, Tăng Ni, Phật tử trong niềm vui xuân đón Tết cổ truyền nhưng cũng phải cố gắng giữ gìn trên tinh thần tỉnh giác. Tại các cơ sở tự viện tổ chức đón xuân cần phải đảm bảo các điều kiện về dụng cụ y tế để phòng chống dịch bệnh, góp phần cho xã hội ổn định và phát triển. Đặc biệt, chúng ta cần phát huy tinh thần từ bi của người con Phật trong công tác từ thiện, chia sẻ đến những người có hoàn cảnh khó khăn để tất cả đều có một mùa xuân ấm no, hạnh phúc.

Chúng tôi luôn nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử cần tỉnh giác trong đời sống tu tập, sinh hoạt Phật sự; đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đối mặt với vô vàn thách thức. Bởi thế, Tăng Ni, Phật tử luôn tỉnh thức và có trí tuệ để làm chủ thân tâm, cố gắng phát huy những mặt tốt đẹp, nhằm đem lại sự an tịnh cho tự thân, cho tổ chức cũng như cộng đồng xã hội.

Chân thành tri ân Hòa thượng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của báo Giác Ngộ!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày