Hòa thượng Thích Hải Ấn trả lời phỏng vấn trước thềm hội thảo khoa học về Tổ sư Liễu Quán

Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” - Ảnh: Quảng Điền
Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” - Ảnh: Quảng Điền
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Còn 2 ngày nữa, Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” sẽ chính thức được khai mạc. Đây là hoạt động được giới nghiên cứu Phật giáo và văn hóa dân tộc quan tâm.

Mọi công tác tổ chức cho Hội thảo đang được khẩn trương hoàn tất. Trước thềm khai mạc Hội thảo, Hòa thượng Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Trưởng ban Tổ chức đã có những chia sẻ với Báo Giác Ngộ về Hội thảo. Hòa thượng cho biết:

- Về mặt tổ chức, tính cho đến hiện tại, mọi công việc gần như đã hoàn tất hơn 90%, chỉ còn việc kiểm tra, chỉnh đốn lại các khâu để Hội thảo được hoàn chỉnh hơn. Trong đó, quan trọng nhất là công tác tổ chức cho hội thảo chính diễn ra trong 2 ngày với lễ khai mạc và 3 diễn đàn thảo luận của các đại biểu, học giả, nhà nghiên cứu,… tại cơ sở II Học viện Phật giáo VN tại Huế.

* Điểm trọng tâm của Hội thảo lần này là gì, thưa Hòa thượng?

- Quan trọng nhất vẫn là Hội thảo khoa học diễn ra trong 2 ngày 31-12-2023 và 1-1-2024. Bên cạnh đó, các hoạt động phụ trợ cũng đóng vai trò không nhỏ trong chuỗi hoạt động của toàn chương trình Hội thảo lần này.

Trong đó, có triển lãm tư liệu đặc biệt quan trọng mang tên Bảo đạc trường minh tại cơ sở I Học viện (chùa Hồng Đức) mang tính chất giới thiệu, bổ sung về mặt tư liệu, học thuật cho hội thảo và triển lãm Hoàn gia lý của các họa sĩ Phật tử, mang tâm thành hướng về tưởng niệm Tổ sư.

Ngoài ra, lễ tảo tháp Tổ sư Liễu Quán là hoạt động mang tính chất tâm linh, một sinh hoạt đặc biệt của Phật giáo cố đô mang tinh thần báo ân với vị Tổ sư khai sáng thiền phái. Hoạt động này đã được Tăng Ni, Phật tử xứ Huế duy trì qua khoảng 60, 70 năm và ngày càng được hoàn chỉnh hơn.

Đây là dịp để quy tụ con cháu Thiền phái Liễu Quán từ muôn nơi về bên Tổ, còn năm nay, hội thảo được tổ chức cùng dịp, quy tụ học giả, nhân sĩ trí thức nhằm đưa ra cái nhìn toàn diện về cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán và sự truyền thừa, phát triển của thiền phái mang tên ngài.

Hội trường Hoa Sen thuộc Học viện Phật giáo VN tại Huế, nơi sẽ diễn ra phiên khai mạc và bế mạc Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển”

Hội trường Hoa Sen thuộc Học viện Phật giáo VN tại Huế, nơi sẽ diễn ra phiên khai mạc và bế mạc Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển”

* Được biết, hội thảo lần này có một quá trình chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng về mọi mặt, trong thời gian dài. Hòa thượng chia sẻ thêm về điều này?

- Kế hoạch tổ chức Hội thảo đã được đặt ra cách đây nhiều năm, nhưng vì tình hình khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mọi việc đành phải tạm gác lại. Tuy nhiên, trong thời gian đó, chúng tôi đã tổ chức các chuyến đi thực tế, điền dã để thu thập thêm tư liệu về Tổ.

Trong những chuyến đi này, khi đi về các địa phương có tự viện, di tích liên quan đến cuộc đời, đạo nghiệp của Tổ sư Liễu Quán tại các địa phương mới thấy được sức sống, sự lan tỏa của thiền phái đến tận miền Nam. Có những ngôi chùa còn lại các tư liệu rất quý liên quan đến thiền phái.

Đó là công tác nổi bật chuẩn bị cho Hội thảo đem lại kết quả tích cực liên quan tới di sản của thiền phái Liễu Quán.

* Với cương vị Trưởng ban Tổ chức, Hòa thượng có kỳ vọng gì về Hội thảo lần này?

- Chúng tôi có kỳ vọng rất lớn đối với Hội thảo lần này, đặc biệt nhấn mạnh vào việc thừa kế di sản của chư Tổ để lại. Bên cạnh đó, việc tổ chức Hội thảo còn giúp cho tất cả con cháu của Tổ sư Liễu Quán thấy được ánh sáng của dòng phái lan tỏa ra. Cuối cùng, đây là cơ hội giúp cho tất cả Phật tử thấy được thiền phái Liễu Quán hình thành và phát triển như thế nào, làm cho ánh sáng của Đức Tổ sư lan tỏa rộng lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Năm thứ quý giá ở đời

GNO - Theo Thế Tôn, có những thứ tuy quý giá nhưng dễ tìm, dễ được và có những thứ không khó tìm nhưng rất khó được. Khó được vì hiện hữu trước mắt mà không có tuệ giác để trân quý, chưa hội đủ nhân duyên để nhận ra đó là những báu vật ở đời.

Thông tin hàng ngày