Hòa thượng Thích Lệ Trang: “Một Tăng sĩ sống có kỷ cương là chất keo sơn nối kết và hòa hợp"

Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Là một Tăng sĩ, tôi có duyên may được sinh ra và lớn lên trong môi trường Phật giáo, từ sự giáo dục của quý Hòa thượng bảo ban, hình ảnh của các ngài luôn là thần tượng cao đẹp trong lòng Tăng sĩ chúng tôi trên bước đường tu học.

Vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng ở tuệ giác anh minh lãnh đạo của các ngài, chư tôn Trưởng lão Hội đồng Chứng minh, Đức Quyền Pháp chủ; cùng với tài đức song toàn của Hòa thượng Chủ tịch và chư tôn đức trong Hội đồng Trị sự lãnh đạo, bao giờ cũng là khuôn vàng thước ngọc cho các thế hệ Tăng Ni trẻ chúng tôi quy ngưỡng và học tập.

Khi nhận định và thấy rõ phương hướng của mình rồi, việc cần làm trước tiên là ta phải biết “khắc kỷ phục lễ”, đặt mình vào quỹ đạo tu học, như Tổ Quy Sơn đã dạy: “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức”; bên trong phải luôn ghi nhớ, cẩn trọng những gì mình nói, mình làm và mình nghĩ sao cho phù hợp với hình tướng viên đảnh phương bào của người xuất gia; bên ngoài phải biết thi ân bố đức, chia sẻ những tri thức và lòng từ của mình đến với mọi người, mọi loài. Biết kính trọng các vị tài đức, phải cung thỉnh, tiến cử các vị ấy vào ngôi vị xứng đáng để họ có cơ duyên trang nghiêm Giáo hội và cống hiến cho Phật giáo những tinh hoa của tuệ giác.

Và nếu được tham gia công tác trong Giáo hội, vị Tăng sĩ phải sống có kỷ cương, vì kỷ cương chính là chất keo sơn để nối kết, hòa hợp. Một tập thể mà có liên kết và hòa hợp thì Giáo hội sẽ phát triển vững mạnh. Kỷ cương chính là Giới luật, Giáo luật và Pháp luật. Giới luật để trang nghiêm tự thân, Giáo luật để tịnh hóa đoàn thể và Pháp luật để ổn định xã hội. Cho nên, dù tham gia ở ban ngành nào ta phải xem đó là dịp để ta được phụng sự chúng sanh, cúng dường chư Phật. Có như thế, ta mới đền đáp được ân sâu của thầy tổ, các ngài đã dày công giáo dưỡng cho ta được “thành nhân chi mỹ”.

Hiện tại, Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh thành đã lần lượt kiện toàn nhân sự, đó chính là những nhân tố tích cực, để đóng góp cho Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX (2022-2027) này được thành tựu viên mãn. Chúng tôi tin tưởng rằng với sự đồng tâm hiệp lực của các thế hệ Tăng Ni và các vị cư sĩ hộ pháp sẽ đem lại kết quả như ý kiết tường, cống hiến cho nhân quần xã hội, giữ gìn được nét đẹp bao đời mà cha ông chúng ta đã cống hiến và đồng hành cùng dân tộc. Đúng với phương châm của Giáo hội đã đề ra: “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Đây chính là mơ ước của tự thân tôi và cũng là ước vọng chung của cộng đồng Tăng Ni và đồng bào Phật tử.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày