Hòa thượng Thích Lệ Trang trả lời các câu hỏi thường gặp về sống và chết

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Trong mùa An cư Phật lịch 2567, đáp ứng yêu cầu của Tăng Ni và Phật tử, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ T.Ư đã có các buổi chia sẻ về nghi lễ Phật giáo miền Nam, tại Việt Nam Quốc Tự vào chiều Chủ nhật hàng tuần.

Sau mỗi buổi chia sẻ là phần Vấn đáp giữa thính chúng và Hòa thượng. Giác Ngộ trích một số câu hỏi và trả lời, phiên tả để giới thiệu cùng bạn đọc, về những vấn đề rất đời thường mà không phải lúc nào chúng ta cũng thông suốt.

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan 2023 - Mỹ thuật: Tống Viết Diễn

* Con có làm lễ trai tăng ở một ngôi chùa được sự chứng minh của 60 vị thầy, không biết như vậy mẹ con có được về Tây phương chưa ạ? Nếu có đủ tài vật con có thể cúng dường thêm lần nữa được không?

- Hòa thượng Thích Lệ Trang: Cúng dường là nhờ năng lượng thanh tịnh của đại chúng hộ niệm. Đây là việc tốt, và chúng ta cúng dường để tạo thắng duyên phước đức. Thực ra, ngay lúc sinh thời, nhìn vào đời sống có thể biết được khi mất, người thân của mình sẽ đi về đâu.

Còn nếu bảo nhờ cúng dường mới về được cảnh giới an lành, vậy những người không đủ điều kiện để cúng thì sao? Vậy phải biết rằng cúng và siêu là hai điều khác nhau. Mặc dầu việc cúng sẽ tạo công đức hồi hướng cho mẹ, thân bằng quyến thuộc, nhưng nếu bảo cúng rồi sẽ siêu được là điều không ai dám chắc chắn.

Có thể ngày xưa mẹ mình chưa biết bố thí, nay vì thương mẹ nên ta vì mẹ mà cúng dường, bố thí; hoặc khi xưa mẹ đã bố thí, bây giờ vì nhớ mẹ, ta làm vì muốn tìm lại hình ảnh của mẹ trong những việc làm khi xưa. Tạo điều kiện cho các thầy yên tâm tu học là một việc phước đức. Tạo được bao nhiêu phước đức, chúng ta hồi hướng - gửi tặng đến mẹ. Chúng ta hiến tặng sự cúng dường, còn mẹ chúng ta ở cảnh giới nào thì còn tùy theo phước nghiệp của bà.

Như Tôn giả Mục Kiền Liên khi xưa vâng lời Phật dạy, sớt bát cúng dường, vì mẹ mà bố thí bởi ngày xưa mẹ Ngài không bố thí, vì mẹ mà sám hối bởi ngày xưa bà làm ác. Chư Tăng cũng vì lòng hiếu của Tôn giả Mục Kiền Liên mà thọ dụng. Ngay trong giây phút ấy, đạo lực lan tỏa trong pháp giới, tác động đến thần thức của bà Thanh Đề.

Bấy giờ, bà đang khổ đau và nghĩ đến con mình nên giao cảm đón nhận được năng lượng, qua đó làm bà chợt thức tỉnh, thấy được nguyên nhân khổ đau xuất phát từ tánh bỏn sẻn, tham lam, ích kỷ. Khi bà thay đổi nhận thức, thần thức bà sinh về cõi trời. Nếu bà không thay đổi, không tùy hỷ thì cũng không thể sinh về cõi trời.

Cho nên, có nhiều việc chúng ta không thể làm thay mẹ. Khi cúng dường, bố thí, chúng ta hồi hướng cho mẹ - đó là nghĩa là tình, còn mẹ có siêu được hay không lại là một việc khác. Có thể cũng nhân việc làm của chúng ta mà mẹ tùy hỷ phát tâm cúng dường và bà đã siêu thoát.

* Thưa Thầy, có nên đắp mền Quang minh cho người thân khi họ qua đời không?

- Hòa thượng Thích Lệ Trang: Ở trong Hiển mật viên thông Thành Phật Tâm yếu có nói về mật chú Tỳ-lô-giá-na quán đảnh chân ngôn. Nếu xương cốt, da thịt của người đã mất được tiếp chạm với năng lực gia trì trong mật chú này sẽ giúp tác động tới thần thức của hương linh để họ nương theo đó phát tâm tu tập, chuyển hóa và thoát khỏi cảnh giới khổ đau.

Vì vậy, trong cuốn Hiển mật viên thông có dạy việc gia trì, in mật chú này vào vải hoặc giấy. Tại tổ đình Hội Phước của chúng tôi, ngày xưa, các cụ Tổ khắc mật chú này lên bảng gỗ, sau đó từ bảng gỗ in ra giấy, một tấm để mặt, một tấm để thân, kèm lời dặn là phải gia trì trên đó. Nếu ra cửa hàng mua, hoặc để nhà đòn họ sắm sẵn mang tới thì đó chỉ là miếng giấy, vải thường mà thôi!

Trong Hiển mật viên thông không đề cập đến vấn đề chôn mà chỉ nói đến việc gia trì, đắp lên thi hài cho đến khi liệm thì đem đốt, lấy tro đó để lại trong áo quan. Ngày nay, chúng ta thấy người ta thường đắp luôn lên thi hài và khâm liệm. Điều này không sao. Vì người xưa vốn cẩn trọng, đối với những văn bản có ghi danh hiệu chư Phật, tên tổ tiên, đọc xong phải hóa đi. Tuy nhiên, tôi xin nhắc lại điều quan trọng đó là tấm mền phải được gia trì tức là có sự trì niệm.

Hồi tôi học ở chùa Đông Hưng, Sư cụ Hành Trụ biết ở Hội Phước có bản in, sư cụ mới dạy tôi rằng: “Con đem về nói sư phụ in vào miếng vải này cho sư ông, để sư ông treo trong phòng, mỗi ngày trì niệm. Mình trì niệm cho mình, mai mốt mình mất đệ tử phủ cho mình”. Vì vậy, đắp hay không đắp tùy quan niệm.

Tương tự như việc chúng ta gửi sự cầu nguyện của chúng ta theo tiếng chuông. Bởi trên thân chuông có khắc kinh kệ. Khi chúng ta trì tụng, cầu nguyện, tiếng chuông đó mang tải thông điệp giải thoát đến khắp mọi nơi. Những ai có duyên lắng tâm thanh tịnh, năng lượng từ tiếng chuông cũng tác động và giúp họ chuyển hóa. Cho nên vấn đề ở đây không phải được hay không được, mà quan trọng là nếu sử dụng thì phải có sự gia trì.

* Thưa Thầy, với người thân qua đời, vì phải chờ con cái ở nước ngoài về nhìn thấy mặt lần cuối, do đó phải tiêm hóa chất để chờ con cháu về đông đủ. Việc tiêm hóa chất như vậy với người đã mất có nên hay không?

- Hòa thượng Thích Lệ Trang: Đây là việc nên cân nhắc trước khi quyết định. Ở nước ngoài, người ta xử lý tử thi rất khoa học. Tôi được biết các chuyên viên trong lĩnh vực này sẽ lấy hết lục phủ ngũ tạng của người đã mất, sau đó trang điểm để nhìn như bình thường. Nhưng Việt Nam mình chưa làm được điều đó.

Tôi thấy ở các nhà hòm ở ta khi tiêm phoóc-môn rồi liệm, để chỗ kiếng cho người thân từ phương xa về nhìn lần cuối; và qua thực tế cho biết việc đó đôi khi khiến tử thi biến dạng. Tại sao vì một nhu cầu của mình, dù mang danh nghĩa là tình thương, mà phải hành hạ thân thể của chính cha mẹ mình ở giờ phút cuối như vậy?

Cho nên, theo tôi, nếu có thăm thì về thăm ngay, còn không thì thôi. Khi chết, cứ thuận theo nguyên tắc tự nhiên: người qua đời thì lo tẩn liệm để con cháu không phải nhìn thấy sự hoại tử thân xác người thân của mình. Nhiều khi vì sự chờ đợi mà chúng ta lại vô tình làm cho thể xác người thân lúc thần thức chưa rời đi hẳn phải chịu đau nhức.

Nhân đây, tôi cũng xin nói rõ một vấn đề đó là con người sau khi tắt thở, thân thể lạnh dần rồi cứng lại. Nhưng sau 8 tiếng, tử thi mềm đi, đó là lúc chuẩn bị hoại tử. Chúng ta đừng cả tin rằng khi thấy tử thi mềm đi liền xác quyết rằng người đó vãng sanh rồi. Vãng sanh không phải chỉ đơn giản như vậy! Không phải tử thi mềm đi là vãng sanh mà phải xem lại thử người đó lúc sanh tiền tu tập như thế nào?

Đừng có nói giống như trường hợp ông Trương Thiện Hòa, đến giờ phút cuối cùng tướng địa ngục hiện ra, niệm mười tiếng tức khắc vãng sanh. Đó là trường hợp đặc biệt, chứ không phải phổ biến! Bởi suốt đời ông không được nghe pháp, không được thấy. Đến cuối cùng ông mới có duyên được nghe pháp và ông phát nguyện liền nên mới được đới nghiệp vãng sanh. Còn bây giờ chúng ta lúc minh mẫn, có cơ hội được nghe, được thấy Phật pháp nhưng không để tâm, rồi đợi đến lúc đó mười tiếng thì đi về… Bình Hưng Hòa thôi chứ đi đâu được!

Có người hỏi tôi: “Ông tu ông liệu đời sau có thành Phật không?”. Tôi trả lời: “Làm sao biết được! Tuy không biết đời sau có thành Phật hay không, nhưng tôi biết được giờ phút này tôi chưa thành quỷ!”. Cho nên, điều quan trọng nhất là trong đời sống hàng ngày, chúng ta có chế tác được chất liệu làm nên Tịnh độ hay không. Chúng ta có lý tưởng về Tịnh độ hay không. Phải hết sức cẩn trọng, đừng vin vào đới nghiệp vãng sanh rồi vô tình đạp đổ giáo nghĩa. Phật có nói, có nguyện điều đó nhưng không phải dựa trên đó rồi cứ làm bừa và cho rằng làm là sẽ được.

* Thưa Thầy, khi người thân (cha/ mẹ) mất, một số người trong gia đình muốn xả tang sớm có được không ạ?

- Hòa thượng Thích Lệ Trang: Trong Hiếu kinh, Khổng Tử có dạy làm con thờ cha mẹ phải có 5 điều:

Một là, cư trí kỳ kính: Ở chung với cha mẹ, phải biết cung kính rằng đó là người sinh thành ra mình. Khác với con vật cứ thảy nắm lúa ra là giành nhau mổ, con người có cái ngon phải biết dâng cha mẹ, có cái quý dâng cúng thầy tổ. Đó là thể hiện tấm lòng.

Hai là, dưỡng trí kỳ lạc: được phụng dưỡng cha mẹ lúc sinh tiền đó là điều hạnh phúc nhất, đừng để cha mẹ qua đời mới “làm cỗ tế ruồi”.

Thứ ba, bệnh trí kỳ ưu: Khi trái gió trở trời thì phải quan tâm cha mẹ.

Thứ tư, tang trí kỳ ai: Khi cha mẹ qua đời thì phải thương tiếc. Cho nên tang nghi là lễ của người sống đối với người chết.

Và, thứ năm, tế trí kỳ nghiêm: Sau khi cha mẹ qua đời, thì phải tế bái uy nghi nghiêm trang.

Việc tang lễ cho cha mẹ luôn là việc hệ trọng đối với mỗi người con. Sau tang lễ, nhiều người vì thương nhớ cha mẹ mà cư tang. Người xưa khi cư tang, râu không cạo, tóc không cắt, không ăn đũa son chén kiểu, không mặc gấm vóc lụa là, không dự tiệc hỷ, cưới hỏi, sinh nhật, giữ canh cánh sự thương tiếc đó suốt 3 năm như vậy gọi là tang khốc.

Vì vậy, trước khi cư tang, người xưa thường cạo râu, cắt tóc để 3 năm không có cạo nữa. Đó là một cách đối phó. Cho nên, theo nghi thức ngày xưa, trước khi cư tang, người ta đọc: “thế phát thanh la”, nghĩa là rải lá trầu rồi cắt tóc. Thiết nghĩ, đối với những nghi thức là thuần phong mỹ tục, mang thông điệp nhân văn thì chúng ta nên duy trì, còn hủ tục thì nên chuyển đổi.

Ví dụ ở vùng Chợ Đệm ngày xưa, nay là Bình Chánh, người ta có tập tục âm táng, đi chôn giữa đêm, không phải coi ngày coi giờ gì cả. Vì ban đêm nên phải đốt đèn, đốt đuốc để soi đường đi. Chúng ta bây giờ lại diễn rằng do âm là tối nên phải đốt đèn nhưng thực ra, người xưa đốt đèn là do để thấy đường mà đi.

Bây giờ ở giữa thành phố, đất chật người đông, xe cộ dập dìu, không có rơm, lại dùng bó nhang kết lại để đốt. Xe tang chạy có cây nhang đằng trước, bao nhiêu tàn tro bay ra gây ảnh hưởng đến những người đi xe khác khiến họ phiền não. Vậy thì chúng ta giữ những tập tục đó liệu có còn phù hợp với xã hội thời nay hay không?

Nếu tuân theo truyền thống thì khi để tang, chúng ta vẫn mang đai rơm, mũ bạc, mặc vải bố-ma. Ngày nay, nếu thấy không tiện, hoặc không có điều kiện thì chúng ta chỉ cần chít một cái khăn là đủ. Dù không có điều kiện để tang theo lối xưa, nhưng chúng ta chỉ cần chít một cái khăn cũng thấy hạnh phúc rồi, nếu hiểu được tại sao cư tang. Cư tang tức là chúng ta mặc áo, mang khăn với một màu sắc như vậy nhằm nhắc nhở đến sự mất mát mà chúng ta không thể tìm lại trong cuộc đời này.

Tang là ký hiệu để nhắc nhở. Thầy tôi nuôi tôi từ nhỏ, cho nên tất cả những gì có được đều do thầy nuôi dạy. Là đệ tử cũng như con cái nên lúc thầy mất, tôi cư tang mà đến giờ cũng chưa xả tang nữa. Tại vì khi lễ tang thầy tôi thì quý thầy tới cúng, sau tuần thất thì tôi ở chùa tự cúng. Vậy chẳng lẽ lúc xả tang, tôi quay lại tự sái tôi? Cái tang đó đến giờ tôi vẫn giữ.

Xả là một hình thức tháo khăn áo cư tang ra như để tự nhủ từ nay chúng ta trở lại sinh hoạt bình thường, chứ không phải xả tang là nhẹ nhàng, còn không xả tang là sẽ khó khăn, nặng nề. Nhiều khi chúng ta cứ bị hình thức, lễ nghi trói buộc mà thực tâm lại không hiểu, từ đó đâm ra lo sợ rồi né tránh.

Mong rằng, tất cả chúng ta, nhất là những người Phật tử hãy tìm hiểu để có những ứng xử phù hợp trong đời sống, để có lợi lạc thực sự và giữ gìn truyền thống một cách đúng nghĩa, vì có hiểu biết mới phân biệt đâu là văn hóa nên duy trì, đâu là hủ tục cần loại bỏ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày