Hòa thượng Thích Minh Thông (Khánh Hòa): "Kế thừa và phát huy truyền thống Phật giáo xứ Trầm hương"

Hòa thượng Thích Minh Thông cùng các Tăng sinh Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa
Hòa thượng Thích Minh Thông cùng các Tăng sinh Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khánh Hòa là quê hương của Bồ-tát Thích Quảng Đức, từng được biết đến với Phật học viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang, một thời là trung tâm đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1965-1975.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh lần thứ VII diễn ra vào ngày 26 và 27-7-2022, Giác Ngộ đã có cuộc trò chuyện với Hòa thượng Thích Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa, Trưởng ban Tổ chức Đại hội. Nói về dấu ấn của Phật giáo Khánh Hòa trong thời gian qua, Hòa thượng chia sẻ:

- Với Phật giáo Khánh Hòa, trước hết chúng tôi không quên được những mất mát lớn gần đây, đó là sự viên tịch của nhiều bậc tôn túc trưởng thượng, trong đó có Hòa thượng Thích Ngộ Tánh, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà. Chính điều đó ít nhiều đem đến cho chúng tôi cảm giác “rừng thiền thưa thớt” ở vùng đất từng là trụ xứ của nhiều vị Hòa thượng niên trưởng như Khánh Hòa.

Tuy nhiên, Phật sự vẫn được tiếp nối trong tinh thần kế thừa truyền thống và trách nhiệm với tương lai. Một trong những việc quan trọng là chúng tôi từng bước ổn định và hoàn thiện việc dạy và học nội trú của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa sau khi chuyển trường từ chùa Long Sơn và Ni viện Diệu Quang giữa đô thị chật hẹp ra hai cơ sở mới tại thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương (dành cho Tăng) và chùa Kim Sơn (dành cho Ni). Tại các cơ sở mới này, trường được tổ chức theo mô hình Phật học viện truyền thống phù hợp với việc vừa học vừa tu của người xuất gia mà chư vị tiền bối đã từng thực hiện một cách hiệu quả.

Hòa thượng Thích Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa

Hòa thượng Thích Minh Thông, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Quyền Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa

* Nói tới Khánh Hòa, chắc chắn không thể không nhắc tới Phật học viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang. Đây có thể nói là một mô hình đã đào tạo nên những thế hệ lãnh đạo Phật giáo qua các thời kỳ lịch sử. Là một trong những người miền Nam từng học và sau đó làm Phật sự tại xứ Trầm hương, Hòa thượng có trăn trở gì về hướng kế thừa truyền thống này?

- Qua chia sẻ và kinh nghiệm thực tế, chúng ta thấy hiển nhiên rằng những ai đã từng được đào tạo trong các môi trường giáo dục đặc thù của Phật giáo như Phật học viện Trung phần Hải Đức - Nha Trang, các Phật học đường tại cố đô Huế hay miền Nam nói chung… khi ra làm việc, đều có chí hướng phụng sự và kỹ năng của một người hướng dẫn tôn giáo, làm việc đạo.

Tôi đặc biệt trăn trở về lĩnh vực giáo dục, đào tạo của Phật giáo. Trước đây chúng ta có hệ thống Trường Bồ Đề trực tiếp tham gia giáo dục cộng đồng xã hội, bên cạnh môi trường đào tạo đặc thù là Phật học viện dành cho người xuất gia. Nay chỉ còn các trường Phật học, từ trung cấp đến học viện, số lượng tốt nghiệp tăng rất nhiều so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm và cần điều chỉnh để phù hợp với hướng phát triển thực tế của Phật giáo ở nước ta.

Cũng trong chiều hướng ấy, chúng tôi cùng một số vị tôn túc, huynh đệ luôn luôn nặng lòng ưu tư làm sao kế thừa và phát huy truyền thống giáo dục Phật giáo, nhất là việc đào tạo Tăng Ni, vốn là thế mạnh ở Khánh Hòa này ở trong giai đoạn hiện tại.

Về điều kiện cơ sở vật chất, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ngoại hộ của Phật tử, chúng tôi đã xây dựng cơ sở ổn định cho Trường Trung cấp Phật học, đồng thời nhận lại phần đất của Trường Bồ Đề cũ bên cạnh chùa Long Sơn… Do đó, chúng tôi cũng đã nghĩ tới việc xin Giáo hội được mở mô hình đào tạo hệ cao đẳng chuyên khoa, đi sâu vào việc học và dịch thuật Kinh, Luật, Luận, như đã từng có ở Phật học viện Hải Đức trước đây.

Chúng tôi nghĩ điều quan trọng hiện nay không phải là chúng ta mở trường cho thật nhiều, đào tạo số lượng thật đông, mà là cần chú trọng chất lượng đào tạo và những giá trị thiết thực mà chúng ta đem đến cho Tăng Ni trong các trường Phật học. Chúng ta cũng cần quan tâm hơn nữa việc bồi dưỡng nguồn nhân lực sau khi được đào tạo ở các trường Phật học như họ đang làm gì và ở đâu, có chỗ làm việc và có năng lực làm việc hay không, để từ đó có sự điều chỉnh nội dung đào tạo một cách căn bản và thiết thực.

Chúng ta cần đào tạo có mục tiêu và điều chỉnh mục tiêu ấy căn cứ trên kết quả đào tạo cũng như năng lực thực tế của nhân sự sau khi tốt nghiệp các trường Phật học, tránh bớt hình thức và danh nghĩa liên thông mà chúng tôi thấy rộ lên gần đây ở các trường trung cấp với các học viện Phật giáo.

Mong rằng hướng đi này của Phật giáo Khánh Hòa sẽ được sự quan tâm và ủng hộ của Trung ương Giáo hội để sớm thực hiện. Đây không phải là điều mới mẻ, mà chỉ nỗ lực kế thừa và phát huy truyền thống Phật giáo trong hiện tại, góp phần trang nghiêm Giáo hội.

* Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, đào tạo Tăng Ni là truyền thống, theo Hòa thượng, đặc thù của Phật giáo Khánh Hòa còn có những gì?

Khánh Hòa, một tỉnh có 2 thành phố (Nha Trang, Cam Ranh), 1 thị xã, 3 huyện đồng bằng, 2 huyện miền núi và 1 huyện hải đảo, tổng diện tích 5.258 km2, dân số khoảng 1.250.000 người, gồm 32 dân tộc, có 379 chùa chính thức và 19 chùa mới được Giáo hội công nhận. Có 1.500 Tăng Ni; số lượng tín đồ chiếm 2/3 dân số trong tỉnh.

Hiện trên huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa có 9 ngôi chùa trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Song Tử Tây, Phan Vinh, Sinh Tồn, Sơn Ca, Đá Tây A, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông.

- Khánh Hòa ngoài các huyện miền núi, còn có một đặc điểm địa lý là nơi có huyện đảo Trường Sa, trên đó đến nay đã có 9 ngôi chùa đã được phục hồi, xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, đồng thời là những cột mốc tâm linh của Tổ quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa cũng được giao việc điều động, bổ nhiệm chư Tăng trụ trì, làm công việc hướng dẫn, thực hành tâm linh, tín ngưỡng trên các ngôi chùa thiêng liêng này.

Chúng tôi cũng đã liên kết chặt chẽ với các cơ quan chức năng để đảm bảo trên các ngôi chùa luôn có chư Tăng luân phiên trách nhiệm trụ trì, đại diện cho Giáo hội để hướng dẫn sự tu học, thực hành lễ nghi tôn giáo, để mỗi một ngôi chùa trên đảo giữa biển đảo Trường Sa luôn đầy sinh khí và ổn định.

Đó là đặc thù, là trách nhiệm thiêng liêng mà Tổ quốc đã giao phó cho tỉnh Khánh Hòa, bên cạnh các hoạt động phổ biến như các tỉnh, thành phố khác.

* Hòa thượng có gửi gắm gì đến Tăng Ni, Phật tử tỉnh nhà và những người quan tâm tới Phật giáo Khánh Hòa trong dịp này?

- Con người là yếu tố quyết định mọi sự ổn định và phát triển. Trong thời gian qua chúng ta đã chịu nhiều sự mất mát, đó là sự viên tịch của các bậc lớn trong thiền lâm của Khánh Hòa, nên trách nhiệm của chúng ta là cùng đoàn kết và nỗ lực hướng tới mục tiêu chung nhằm kế thừa truyền thống của Phật giáo xứ sở, nhất là truyền thống về giáo dục và đào tạo Tăng Ni.

Tăng Ni thật học thật tu, có lý tưởng thì chắc chắn mọi sự tạp nham sẽ bị loại trừ, như mặt trời lên thì bóng tối sẽ tự biến đi nhường chỗ cho ánh sáng. Do đó, tôi mong tất cả chúng ta, nhất là những vị được giao phó trách nhiệm trong Giáo hội, cùng nhau làm cho được việc này. Có vậy mới xứng đáng tiếp nối tiền nhân, kế thừa tinh thần của xứ sở quê hương Bồ-tát Thích Quảng Đức và nhiều vị Thánh tử đạo đã hy sinh tánh mạng của mình cho sự trường tồn của đạo pháp, là nơi từng có môi trường đào tạo Tăng tài, cống hiến nguồn nhân lực lãnh đạo cho Giáo hội, đặc biệt là ở các tỉnh thành miền Trung và miền Nam.

* Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).

Thông tin hàng ngày