Hòa thượng Thích Nhật Quang trả lời phỏng vấn về Đại giới đàn Thiện Hoa Phật lịch 2565

Hòa thượng Thích Nhật Quang thưa trình với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ
Hòa thượng Thích Nhật Quang thưa trình với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ
0:00 / 0:00
0:00
GN - Đại giới đàn Thiện Hoa do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tổ chức, từ ngày 15 đến 20-4-2022 (rằm đến 20-3-Nhâm Dần), tại thiền viện Thường Chiếu (Tăng) và thiền viện Linh Chiếu (Ni), thuộc xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1147 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1147 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Chia sẻ với báo Giác Ngộ về ý nghĩa của tôn hiệu và công việc đặc thù của sự kiện này, Hòa thượng Thích Nhật Quang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai, Trưởng ban Tổ chức cho biết:

- Có hai nhân duyên quan trọng để Ban Tổ chức chúng tôi chọn tôn hiệu Thiện Hoa để đặt cho đại giới đàn lần này của Phật giáo Đồng Nai. Trước hết, việc chọn tôn hiệu nhằm tưởng nhớ đến công đức của cố Đại lão Hòa thượng thượng Thiện hạ Hoa, một bậc cao tăng Việt Nam thời hiện đại. Cuộc đời và đạo nghiệp của ngài gắn liền với sự thịnh suy của Phật pháp và dân tộc. Ngoài việc là bậc tùng lâm thạch trụ của Phật giáo nước nhà qua các thời kỳ lịch sử, ngài còn là một nhà văn hóa, giáo dục Phật giáo, bậc thầy lớn đào tạo nên những danh tăng Việt Nam. Cho nên, gương hạnh của Hòa thượng là một bài học vô cùng quý báu để thế hệ Tăng Ni ngày nay noi theo tu hành. Đó là lý do thứ nhất mà chúng tôi chọn tôn hiệu của Hòa thượng định danh cho đại giới đàn lần này.

Kế nữa, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ, Tông chủ thiền phái Trúc Lâm Việt Nam là trưởng tử của cố Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hoa. Từ công đức pháp hóa của thầy Tổ, ngài đã thành tựu được sự nghiệp tâm linh cao quý, khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, vốn là một dòng thiền mang bản sắc Việt, đã được chư Tổ Việt Nam sáng lập, truyền trì và nối nắm mãi đến hôm nay, đem lại lợi lạc lớn lao cho đạo pháp và dân tộc nước nhà.

Năm nay Hòa thượng đã 99 tuổi, đang an trú tại tổ đình thiền viện Thường Chiếu. Với công đức tu hành và giáo hóa Tăng Ni tứ chúng, Hòa thượng đã được Giáo hội suy tôn ngôi vị Phó Pháp chủ GHPGVN, là bậc đại tông sư của thiền phái Trúc Lâm nói riêng và là vị danh tăng có công lớn trong việc giáo dục cũng như hoằng pháp đối với Phật giáo Việt Nam nói chung. Ngài là người khơi dậy mạch nguồn Thiền tông, để từ đó sức sống thiền lan tỏa khắp ba miền, khai mở tâm trí cho đồng bào Phật tử nước nhà.

Chúng tôi nghĩ đó là một trong những cách để thành kính tưởng niệm công đức lớn lao của hai bậc Thầy, là những tấm gương sáng cho Tăng Ni Phật tử noi theo tu học.

* Được biết hai điểm truyền giới chính của đại giới đàn lần này là thiền viện Thường Chiếu cho đàn giới Tăng và Linh Chiếu cho đàn giới Ni, việc tổ chức tại hai địa điểm này được bố trí ra sao, thưa Hòa thượng?

- Trong suốt thời gian qua, kể từ trước Tết Nhâm Dần (2022), tại thiền viện Thường Chiếu, chư Tăng đã cùng nhau sửa sang một số hạng mục, cơ sở, cảnh quan… phục vụ cho đại giới đàn. Nhìn thấy chư huynh đệ làm việc trong tinh thần hoan hỷ, nhiệt thành, cởi mở và nhất là hòa hợp, không nề hà nhọc nhằn để đại giới đàn được thành công tốt đẹp, chúng tôi hết sức vui mừng, trân quý tấm lòng và công sức của chư Tăng Ni.

Thiền viện Thường Chiếu là giới trường Tăng. Lễ trường, giới trường, cầu giới đường, sám hối đường, cổng đại giới đàn, liêu phòng cho chư giới sư, giám khảo, quản giới tử, giới tử Tỳ-kheo và Sa-di, các khu vực trai soạn, trai đường, khu vực vệ sinh v.v… dần dần được hình thành. Tất cả đều trang nghiêm, thuận tiện cho sinh hoạt giới đàn.

Thiền viện Linh Chiếu là giới trường Ni. Tại đây công tác chuẩn bị cũng được thực hiện song song với bên Tăng. Giới trường, lễ nghi đường, giảng đường… đều tươm tất, đầy đủ. Tuệ Tĩnh đường được chỉnh trang gọn gàng, làm khu vực nghỉ ngơi cho giới tử. Đồng thời Ni trưởng trụ trì đã cho dựng thêm nhà giới tử tại khu vực thiền đường, nhà vòm cho quý Phật tử về công quả, lắp bồn nước, trải nhựa đường, tỉa cây, cắt cỏ, sắp xếp cảnh trí già-lam ngày càng trang nghiêm.

Trải qua nhiều cuộc họp, Ban Tổ chức, Ban Kiến đàn đã thống nhất sơ đồ tổ chức, phân công công tác cụ thể cho các tiểu ban. Tất cả mọi việc đang được từng bước tiến hành và ngày càng hoàn chỉnh. Đến thời điểm này, công tác tổ chức chuẩn bị cho Đại giới đàn Thiện Hoa đã tương đối hoàn tất, sẵn sàng cho việc cung nghinh chư tôn đức giới sư và giới tử, đàn tín thập phương về tham dự.

* So với các đại giới đàn trước đây do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Đồng Nai tổ chức, đại giới đàn lần này có những điểm khác biệt nào về ý nghĩa, hình thức không, thưa Hòa thượng?

- Về ý nghĩa, chúng tôi đã trình bày ở trên. Vì để tưởng nhớ đến ân huấn dụ của các bậc thầy, hướng về tương lai của Giáo hội, chúng tôi nguyện dốc hết tâm sức, kiến tạo đại giới đàn cầu nguyện cho Phật pháp trường tồn nơi đời, Giáo hội phát triển bền vững trang nghiêm, Hòa thượng ân sư cửu trụ nơi đời, lợi lạc quần sanh, đồng cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhân dân an lạc, đại dịch Covid-19 chóng tiêu trừ. Toàn bộ kinh phí tổ chức đại giới đàn lần này do Tăng Ni Phật tử thiền phái Trúc Lâm, đạo tràng thiền viện Thường Chiếu cúng dường.

Về hình thức, đại giới đàn lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, vì vậy, Ban Tổ chức đại giới đàn dành riêng 2 ngày để giới tử xét nghiệm nhanh Covid-19 trước khi nhập giới trường. Việc này để đảm bảo công tác phòng dịch và an toàn sức khỏe cho cộng đồng. Cũng vì thế mà thời gian diễn ra đại giới đàn kéo dài đến 6 ngày, thay vì 5 ngày như dự tính ban đầu.

Còn lại, tất cả hình thức trang trí cho các khu vực sinh hoạt của đại giới đàn, đều được chư Tăng Ni trong Ban Trị sự cũng như thiền phái Trúc Lâm tổ chức chu đáo, đầy đủ, thuận lợi cho chư giới sư và giới tử trong suốt thời gian diễn ra đại giới đàn, tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Bộ Y tế đề nghị, khuyến cáo.

* Hòa thượng có lời nhắn nhủ và sách tấn đến các các vị có tâm nguyện trở thành giới tử tại Đại giới đàn Thiện Hoa sắp tới?

- Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, các giới tử phải giữ gìn sức khỏe thật tốt, để có thể thành tựu được tâm nguyện cần cầu giới pháp cao quý của Phật. Đối với giới tử, điều quan trọng nhất là sự chân thành tha thiết cầu thọ giới pháp để thăng tiến trong đời sống tâm linh. Có chân thành thì con đường Phật đạo mới suôn sẻ, trở ngại nào cũng vượt qua. Nếu không có chân thành thì dù thọ giới cũng khó đắc giới, trên bước đường tu tập cũng dễ bỏ cuộc. Do vậy, tôi mong những giới tử thọ giới tại Đại giới đàn Thiện Hoa đều có được sự tha thiết, chân thành cầu giới pháp của Phật.

Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh nữa là sau khi thọ giới rồi, mỗi giới tử đắc giới càng phải ý thức trách nhiệm hơn về đời tu của mình. Cố gắng hoàn chỉnh cung cách của người tu là đầy đủ trí tuệ và đạo đức. Nếu đi ngược lại lời Phật dạy thì e rằng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chúng ta không thành tựu. Nên nhớ hàng Tăng sĩ phải nghĩ đến việc phụng sự cho Đạo pháp và Giáo hội, xứng đáng là điểm tựa tâm linh cho tín đồ Phật tử noi theo tu tập. Nếu buông lung, làm lui sụt niềm tin của người Phật tử đối với đạo pháp thì rất đáng trách.

Có công mài sắt có ngày nên kim. Việc tu học, giữ giới cũng vậy, phải mài luyện từng ngày. Nếu mài một bữa mà nghỉ đến ba bốn bữa thì không thể thành tựu. Không một thành quả nào mà chẳng bắt đầu từ sự lao nhọc khó khăn. Bổn phận của người xuất gia là thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh, trên đền đáp bốn ân, dưới cứu khổ muôn loài. Nhiệm vụ ấy lớn lao vô cùng. Nếu không lo tu hành, không phát nguyện làm lợi ích chúng sanh thì chừng nào mới tròn bản nguyện?

Cho nên, tôi mong các giới tử phải cố gắng, nắm vững pháp tu, siêng năng hành trì, giữ gìn giới luật nghiêm cẩn. Tương lai Giáo hội tùy thuộc vào sự hành trì giới luật của quý vị. Mong quý vị không cô phụ sự ủy thác của tiền nhân, xứng đáng là người đệ tử Phật nối nắm mạng mạch của Phật pháp, nhiêu ích vô lượng chúng hữu tình, đền ân Phật tổ.

Ảnh tác giả

Sau khi thọ giới rồi, mỗi giới tử đắc giới càng phải ý thức trách nhiệm hơn về đời tu của mình. Cố gắng hoàn chỉnh cung cách của người tu là đầy đủ trí tuệ và đạo đức. Nếu đi ngược lại lời Phật dạy thì e rằng sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của chúng ta không thành tựu. Nên nhớ hàng Tăng sĩ phải nghĩ đến việc phụng sự cho Đạo pháp và Giáo hội, xứng đáng là điểm tựa tâm linh cho tín đồ Phật tử noi theo tu tập. Nếu buông lung, làm lui sụt niềm tin của người Phật tử đối với đạo pháp thì rất đáng trách.

Hòa thượng Thích Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày