Học nghe những lời nói thật

Sự việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng đã làm dậy sóng dư luận trong những ngày qua - Ảnh: TTO
Sự việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Đàm Vĩnh Hưng đã làm dậy sóng dư luận trong những ngày qua - Ảnh: TTO

GN - Ông bà mình có câu “Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng”. Những điều thật lòng, những góp ý chân thành, nhận xét thẳng thắn… đôi khi dễ làm cho người ta bị sốc. Ngoài cách nói “thiếu lựa lời” thì bản chất của những góp ý thẳng bao giờ cũng dễ chạm vào lòng tự ái, dễ làm người ta cảm thấy “đau” vì nó vốn là sự thật nhưng lại được bao bọc bởi những xu nịnh, những lời có cánh, không thật lâu nay.

Chính vì nghe quá nhiều lời không thật (có cánh) làm cho người ta bị nghiện, bị đánh lừa, ru ngủ trong thứ ảo giác không thật, đến khi nghe lời thật thì sẽ khó mà chấp nhận được.

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao vụ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nhận xét về các ca sĩ thuộc hàng được cho là “top” về độ nổi tiếng của Việt Nam như Mỹ Tâm, Thanh Lam, Đàm Vĩnh Hưng… và càng trở nên xôn xao hơn khi Đàm Vĩnh Hưng “phản pháo” lại những lời nhận xét được xem là “thật bụng” nhưng “khó nghe” của vị nhạc sĩ 73 tuổi này.

Đàm Vĩnh Hưng phản ứng bằng cách ra… “tâm thư” và kết luận nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là “ngụy quân tử” khi đưa ra những lời nhận xét mang tính cá nhân đầy gai góc đó. Các báo dậy sóng với những lời bình luận nghiêng về hướng chê bai cái “tầm” và cái “tâm” của Đàm Vĩnh Hưng, rằng đó là thái độ “hỗn xược” (như lời ca sĩ Ánh Tuyết chia sẻ).

Nói lại cho rõ với báo chí, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bộc bạch, đó đơn thuần là những nhận xét cá nhân của ông khi được hỏi về các ca sĩ nổi tiếng hiện nay (nhân đây, nhiều người đã gút lại là nổi tiếng chưa hẳn đi kèm với tài năng). Thế nhưng người nghe là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã không thể chịu nổi và vội “lớn tiếng” đưa ra “tâm thư” một cách thiếu nhẫn nhịn, không chút bình tĩnh, càng không được như ca sĩ Mỹ Tâm (người cũng “được” nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê gần như... toàn tập). Trong khi Đàm Vĩnh Hưng gọi vị nhạc sĩ tiền bối là “ngụy quân tử” thì Mỹ Tâm lại bình tĩnh trả lời báo chí: “Chú (nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - NV) cũng giống như cha mẹ mình, chú nói thì mình phải nghe chứ nói lại sao được…”.

Rõ ràng, nếu có khả năng lắng nghe và nghe được những điều khó nghe (chưa biết đúng hay chưa) thì ta sẽ có thể giữ lại trong mình niềm an lạc, không bị “mất giá” trước mọi người. Chính vì thế mà dân gian mới có câu “Giận quá mất khôn”, đồng thời cũng có câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”; mất khôn nên ta nói mà như hét, rồi vì thế mà xé toạc nhiều mối quan hệ, làm mình mất đi ít nhiều sự tôn trọng nơi người khác. Cụ thể là, những ngày qua có một lượng người không nhỏ cho biết sẽ không chọn nhạc do Đàm Vĩnh Hưng hát để nghe. Sân giận có sức công phá ghê gớm, có khả năng “đốt” tiêu tan những điều tốt đẹp mình đã tạo trước đó nhất.

Trong cuộc sống, sự khôn ngoan không phải chỉ là nghệ thuật nhẫn nhịn, đè nén, mà chính là thấu hiểu bên trong lời nói của ai đó dù là thật hay không thật thì cũng đều đáng thương, đáng quý, cũng là cơ hội để mình nhìn lại hoặc là cơ hội cho mình rèn luyện đạo tâm thêm vững chãi, kiên cố… Nên, mình phải cảm ơn những “thiện tri thức” đã giúp mình từ những lời “khó nghe” mới phải!

L.Đ.L

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày