Học ra học - Chơi ra chơi

Học ra học - Chơi ra chơi

GN - Cận kề mùa thi, nhiều học sinh, sinh viên than thở và đau đầu về chuyện học hành của mình. Mà hình như không chỉ mùa thi, gần suốt năm học lúc nào cũng nghe các bạn than thở. Nhưng quan sát cách mà các bạn học tập, chúng tôi thấy lẽ ra có thể làm tốt hơn…

Đầu tiên, các bạn trẻ có nỗi khổ là bị nhồi nhét học nhiều quá. Học chương trình chính khóa đã dày đặc thời gian, sách giáo khoa thì dồn nén quá tải. Lại còn học thêm suốt tuần, sáng chiều vừa bước khỏi cổng trường đã lập tức vô lớp học thêm, coi như mỗi ngày đều làm việc 3 ca. Chưa hết, sau khi học thêm, về nhà ăn uống tắm rửa xong, lại phải giải quyết bài học, bài tập cho ngày hôm sau, chẳng phải 4 ca là gì? Người lớn còn chịu không xuể cường độ làm việc như thế, huống chi các bạn như những cây non về thể lực lẫn trí lực, làm sao kham cho nổi.

Thử nhìn các ông bố bà mẹ, tan sở về còn có thể ngồi đọc báo, hoặc vừa nấu bếp vừa xem tivi, ít ra cũng thay đổi hoạt động, cân bằng lại trí não và cơ thể. Còn những đứa trẻ suốt 4 ca toàn là “học”, và ngồi mãi trên bàn học, cơ thể lẫn trí não đều tiếp xúc với một hoạt động xuyên suốt nên dễ sinh bão hòa, mệt mỏi, chán nản, và chắc chắn dễ sinh bệnh do máu huyết không lưu thông.

Thêm nữa, có một thực tế, nhiều phụ huynh chạy theo thành tích mà bắt con cái học quá nhiều. Có lẽ ước mơ đời họ không thành nên bắt con phải hoàn tất giùm họ. Dĩ nhiên, ai cũng muốn “con hơn cha là nhà có phúc”, nhưng vẫn phải quan tâm đến yếu tố di truyền, thể lực, trí lực, sở thích, năng khiếu của đứa trẻ nữa chứ. Tôi quen biết nhiều người bạn, dù con họ đã học giỏi rồi nhưng họ cứ nhất định muốn con đứng nhất nhì trong lớp, vừa sụt một điểm đã la ré lên. Cho nên đứa nhỏ phải học thêm suốt tuần, không còn thời gian giải trí, vận động gì cả. Khi tranh thủ được chút xíu thời gian dĩ nhiên chỉ biết chơi game cho lẹ. Đọc sách càng là xa xỉ. Ngoại khóa lại càng không.

Cho nên, nói học giỏi chỉ căn cứ trên điểm số chứ không phải kiến thức thật trong đầu các bạn trẻ. Và lạ thay, thấy điểm số thì cao nhưng hỏi các bạn trẻ có khả năng, có môn học gì nổi bật thì ngay chính các bạn và phụ huynh cũng không trả lời được. Tất cả đều cào bằng, đều chạy theo điểm, không có cơ hội phát triển cái điểm mạnh thực sự trong bản thân mỗi người, thí dụ thích văn chương viết lách, thích mày mò cơ khí máy móc, hoặc nấu ăn, buôn bán, dạy học… Thành ra, khi làm hồ sơ thi đại học, phụ huynh lẫn bạn trẻ đều vò đầu bứt tóc cố tìm cho ra một ngành mà mình ưng ý, hoặc mình có hy vọng nhất. Tìm có khi không ra, rốt cuộc ghi đại ngành nào thấy “hot” nhất, rồi khi vào học thấy không phù hợp. Bỏ thì uổng, không bỏ thì ngán, cứ lê lết cho hết mấy năm đại học, trở thành một sinh viên làng nhàng. Cái học như thế thật là tiếc công, tiếc tiền bạc cha mẹ đầu tư, tiếc tuổi xuân trôi qua lãng phí.

Chưa kể, khi học quá nhiều mà thiếu thời gian sinh hoạt khác, lại đưa đến những kỹ năng giải quyết, ứng xử trong cuộc sống cũng kém cỏi theo. Kỹ năng cũng là một yếu tố quan trọng không kém tấm bằng cấp khi các bạn đi làm việc hoặc có gia đình, giải quyết chuyện cả đời mình. Đâu có cha mẹ, thầy cô, người thân nào sống mãi hoặc kề cận mãi bên các bạn mà giải quyết cho bao nhiêu sự việc, sự cố của đời bạn, cho nên ai càng kém kỹ năng sống thì càng khổ sở sau này.

Như vậy, học nhiều nhưng rốt cuộc chỉ là con vẹt nhai lại những kiến thức, không tiếp thu bao nhiêu, học xong quên ngay, không ứng dụng được, không giải quyết được công việc… Đó là những hệ lụy mà tất cả dư luận đều thấy, và thương xót cho thế hệ trẻ của chúng ta.

Nhưng làm gì để thay đổi điều ấy? Khó lắm, vì nó dính tới cả một cơ chế giáo dục phi lý của xã hội, không thể một sớm một chiều mà làm ngay được. Nhưng, cũng không có nghĩa là chúng ta không thể tự thân vận động để tự cứu mình. Không tự cứu mình thì mình sẽ bị dìm chết trong cái biển học không chất lượng, và sau này cũng không thể ra đời hoạt động gì được. Xin thử gợi ý vài cách để các bạn “vượt qua sợ hãi” để ham học, học tốt hơn một chút.

Thứ nhất, xin phụ huynh bớt thời gian bắt các bạn trẻ học thêm, bớt đòi hỏi điểm số, thứ hạng. Dù nhà trường và thầy cô có chạy theo thành tích, nhưng con mình thì mình bảo vệ, chỉ cho nó học hết sức nó mà thôi. Tận nhân lực là đủ. Con ếch không thể thổi bằng con bò để rồi vỡ bụng mà chết. Chỉ cần nó tận sức, dù chỉ đủ 5 điểm để vừa ngưỡng lên lớp thì cũng nên bằng lòng. Có khi điểm 5 đó đổi lại bằng những môn khác chất lượng hơn. Kinh nghiệm riêng tôi, ngày trước, con tôi mạnh về văn sử địa và không thích toán lý hóa, nên tôi chỉ yêu cầu con vừa đủ điểm lên lớp cho toán lý hóa, còn lại cho nó thời gian đọc sách, xem sử, xem phim tài liệu du lịch mở mang kiến thức địa lý… Mới lớp 9 mà nó có thể đọc Mạc Ngôn, Giã Bình Ao dễ dàng. Sau này, nó viết lách rất tốt, là thế mạnh để đi làm kiếm tiền. Và tất cả các mùa hè, tôi đều không cho học thêm, mà dẫn về quê, thăm chùa, thăm những người nghèo khổ, làm từ thiện… Trái tim nó biết yêu thương, chia sẻ. Vậy là đủ. Phát triển kiến thức, tài năng đi đôi với phát triển nhân cách thì đó mới là một sự giáo dục tử tế. Và người làm cha mẹ mới thực sự an tâm về “sản phẩm” mà mình đã tạo ra cho cuộc đời.

Thứ hai, khi các bạn trẻ ngồi vào bàn học, hoặc khi đi chơi, xin hãy giữ chánh niệm. Nghĩa là học ra học, chơi ra chơi, đừng nhập nhằng, bối rối. Đa số khi học thì lơ là, cứ nhấp nhổm mong tới giờ ra chơi, giờ nghỉ, ngồi ngó mông lung ra cửa sổ, hoặc ghi chép bậy bạ trong sổ tay, hoặc bấm điện thoại giải sầu… Thầy cô giảng 10 phần, các bạn chỉ tiếp thu có 2, 3 phần, khi về nhà lại mất thời gian lúi húi soạn bài lại, vất vả và bực bội. Tại sao không tận dụng toàn bộ thời gian trên lớp để ghi nhớ bài học? Bạn có 4 tiếng đồng hồ trên lớp, mà bạn chỉ sử dụng chừng 2 tiếng, phí mất phân nửa. Về nhà lại phải mất 2 tiếng để bù đắp, vị chi bạn đã mất 6 tiếng. Ngày trước, tôi đi học, thường cố gắng học thuộc từ 50-70% bài học tại lớp, khi về ký túc xá tôi có dư thời gian để làm con mọt sách, đọc và viết tha hồ, và cuối tuần tôi đều đi xem phim không hề lo lắng, thậm chí mùa thi tôi cũng ngủ đủ giấc, không bao giờ lọ mọ thức dậy nửa đêm và ngáp dài ngáp vắn như các bạn cùng phòng. Chỉ bằng cách tôi chăm chú nghe giảng, biết cách ghi chép khoa học, thậm chí biết vẽ biểu đồ để tổng kết từng bài, từng chương, thì bài học đã nhẹ đi hơn 50%. Cho nên, khi vô lớp tôi thường chọn hàng ghế đầu để ngồi học, vì có khả năng tập trung cao hơn, không thích trốn dưới “xóm nhà lá” bên dưới, là nơi dễ lơ là, dễ nói chuyện riêng. Tập trung cao độ, có thể gọi là chánh niệm.

Còn khi đi chơi, tôi buông bỏ hết mọi việc, tận hưởng niềm vui, và quan sát mọi thứ trong quá trình tiếp xúc. Nhờ vậy tôi vui 100% và nạp vô đầu nhiều kiến thức mà trong trường không hề có. Hoặc ngược lại, nhờ quan sát mà tôi có thể đối chiếu kiến thức trong trường với thực tế sinh động. Những buổi đi chơi tôi cũng chánh niệm như thế, chơi là chơi, thoải mái, xả stress.

Nhưng các bạn trẻ thì ngược lại, mỗi lần đi chơi thì cũng đi, nhưng có lúc tự dưng ngồi rầu rĩ nhớ tới bài học, hoặc ngồi bàn chuyện bài vở, lo lắng, than van… Bảo ra sinh hoạt thì co rúm người, hoặc chỉ ngồi nhìn lấy lệ. Các bạn đi chơi như thế cũng bằng không, thiếu sức trẻ, thiếu tận hưởng, thiếu kỹ năng. Xin hãy chơi trong chánh niệm, vì lúc này bạn cũng đâu có học được mà lại lo việc học. Còn khi học thì bạn đâu có chơi được, mà cứ muốn ra chơi. Giờ nào việc nấy là giải pháp hiệu quả nhất.

Khi ta đã chọn việc nào (hoặc không phải chọn, mà là bị đặt trong một thời khóa biểu nhất định) thì ta phải dứt khoát với nó. Dứt khoát tập trung, dứt khoát yêu thích, dứt khoát tận hưởng, dứt khoát tiếp thu. Bởi giây phút ấy chỉ có ta và nó, không thể có cái khác chen vào, thì ta có lăng xăng cũng vô ích. Làm xong việc này, tuần tự đến việc khác, lo gì. Khi bạn chơi thoải mái xong, bạn sẽ ngồi vào bàn học rất hiệu quả. Khi bạn đã học tập trung, chu đáo, bạn sẽ nhẹ nhàng vứt sách mà đi chơi. Cứ vậy, chánh niệm cho ta một cách sống và cách học tốt hơn, khỏe khoắn thân tâm.

Đừng đợi đến mùa thi rồi mới học và chơi trong chánh niệm, xin hãy chánh niệm suốt năm, suốt tháng như vậy. Bạn sẽ thấy mình tự cứu được mình giữa bộn bề áp lực. Giảm áp lực được 10%, 20%, 30% vẫn hơn bạn gánh đủ 100%, phải không nào?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày