Học trò nghèo đỗ hai trường Đại học

GN - Con đường dẫn về huyện Nông Sơn (Quảng Nam) những ngày này khó khăn, gập ghềnh vì đang làm dang dở, bụi bay mù mịt. Đường dẫn tới nhà tân sinh viên Tăng Quang Tú ở Hố Môn (thuộc thôn Trung Nam, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) càng khó hơn vì lên xuống vài dốc đứng. Đó là vùng đồi núi, nơi “kinh tế mới” được Nhà nước lập ra để di dời những hộ dân nằm trong vùng trũng, dễ bị ngập lụt của xã Quế Trung về đó định cư.>>Cô học trò chịu thương chịu khó>>Cô Phật tử "ốc tiêu" đỗ Đại học cả hai khối
anh 3 Tang Quang Thang, bai Tan Khoi.JPG
Tăng Quang Tú tiếp nối truyền thống học của gia đình,
vừa đỗ 2 trường Đại học trong mùa tuyển sinh 2014 - Ảnh: Tấn Khôi

“Những năm đầu mới về không điện, không đường, khó khăn dữ lắm. Nhưng, cơn lụt lớn năm 1998 làm trôi mất nhà cửa nên tôi và cả nhà phải về đây nương náu...”, ông Tăng Văn Cai, một cựu chiến binh cần mẫn, ba của Quang Tú chia sẻ.

Khó khăn bộn bề, khi bệnh tật vây bủa vợ và chính mình, ông bà vẫn quyết không để con thất học. Đói cái bụng, thiếu cái mặc có thể chịu được chứ thiếu cái chữ để con cái được rộng đường tương lai ông bà không chịu được. Nên, dù ở nơi heo hút, cách trở nhưng ông Cai luôn động viên con mình học, học cho giỏi. Kết quả là ba đứa con đầu của ông gồm Tăng Quyết Thắng, Tăng Thị Thanh Tuyền, Tăng Thị Út Trinh đều đỗ đại học, người Bách khoa, hai người Kinh tế ở Đà Nẵng.

Đến mùa tuyển sinh 2014, gia đình ông Cai nhận thêm tin vui, cậu út Tăng Quang Tú cũng đỗ đại học, không những một mà tới hai trường gồm Đại học Bách khoa Đà Nẵng (ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông) và Đại học Sư phạm Đà Nẵng (ngành Công nghệ sinh học), cả hai khối A và B Tú đều đạt 21,5 điểm (kể cả điểm ưu tiên).

“Mừng thì có mừng, nhưng lo cũng không ít mô”, ông Cai nói khi chúng tôi đến, vì “tiền vay cho thằng lớn học Bách khoa trả còn chưa xong, hai đứa giữa còn học...”. Ông chỉ ra phía trước nhà, mớ củi được ông và Tú đốn về, nghề mưu sinh của gia đình, công việc mà Tú phụ ba má làm lụng để có thể học, nuôi ước mơ, tiếp nối anh chị mình, rồi nói: “Thằng Tú lo học và biết lo phụ giúp hai vợ chồng già của tui lắm”.

Ngoài giờ học một buổi ở trường, hiếm thấy Tú đi chơi, vì cứ cặm cụi làm miết. Hàng xóm, thầy cô Trường Trung học phổ thông Nông Sơn - nơi Tú gắn bó 3 năm phổ thông nghe tin Tú đỗ hai trường đại học đều vui mừng, và cũng đều lo về những tháng ngày sắp tới, bước ngoặt vào đời của chàng tân sinh viên chắc sẽ khó khăn bội phần vì gia đình nghèo, cha mẹ bệnh đau hoài, anh chị mình còn lo học hành...

Thầy Nguyễn Ngọc Sáng, Hiệu phó Trường Trung học phổ thông chia sẻ: “Tú là học trò ngoan, hiền, có chí hướng học tập rõ ràng, là một học trò mà tôi rất quý”. Thầy nói: “Mong Tú sẽ vững vàng trong khó khăn, để có thể học được và học nhiều bài học hay từ khó khăn của mình”.

Chúng tôi chúc mừng, khuyến khích Tú cố gắng đi học, đừng có lo quá mà bỏ hay sẽ ảnh hưởng tới việc học, nhưng quả thật chúng tôi cũng lo thay cho em khi thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Gần 5 năm Bách khoa, ngôi trường em chọn học chắc cũng nhiều chông chênh, lên xuống mịt mù như con đường dẫn vào trung tâm huyện Nông Sơn trong những ngày đang thi công này...

Tấn Khôi

Cùng bạn đọc:

Nhân dịp năm học mới vừa khai giảng, số báo GN 762 (ra ngày 19-9) dành trọn trang Phật giáo - Tuổi trẻ để gửi tới bạn đọc chân dung của những học sinh, tân sinh viên vượt khó, với ước mơ đẹp tới trường. Nhưng, con đường sắp tới của các bạn ít nhiều chông chênh vì hoàn cảnh khó khăn, với ước mong nhận được sự chung tay tiếp sức từ nhiều cánh tay, nhiều tấm lòng gần xa…

Chia sẻ dành cho bạn Tăng Quang Tú, bạn đọc gửi về Ban TTXH Báo Giác Ngộ, số 85 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP.HCM - ĐT: 08 39304 620.


PG-TT

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày