NSGN - Giới thiệu
“Tôi không bao giờ dám khinh thường các vị, vì tất cả các vị chắc chắn sẽ thành Phật”. Với những lời này, Bồ-tát Thường Bất Khinh đi vào trong dân chúng, nỗ lực thức tỉnh khả tính giác ngộ nơi họ. Thế nhưng ngài gặp phải sự chống đối và phỉ báng, cả bằng ngôn từ lẫn hành vi.
Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Bồ-tát vẫn kiên trì việc thực hành thể hiện sự kính trọng của mình đối với mọi người. Cuối cùng ngài đạt được giác ngộ, không chỉ cho riêng mình mà cũng dẫn dắt mọi người mà ngài gặp đến bến bờ giải thoát.
Ảnh minh họa
Khi chúng ta sống trong xã hội nơi sự bất dung và phỉ báng lẫn nhau đang gia tăng, hành xử của Bồ-tát Thường Bất Khinh, như được mô tả trong kinh Pháp hoa, cung cấp một hướng dẫn cụ thể cho đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể phát triển nhân tính như thế nào trong một xã hội đang ngày càng thiếu nhân tính? Chúng ta có thể phản ứng và chuyển đổi môi trường thù địch bằng cách nào? Phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh” trong kinh Pháp hoa soi sáng những câu hỏi quan trọng này.
Trọng tâm của việc thực hành Phật đạo
Phẩm thứ hai mươi của kinh Pháp hoa, có tên “Bồ-tát Thường Bất Khinh”, là thuộc phần kết của kinh Pháp hoa, được biết như là phần “phó chúc”. Các kinh sách thường được giải thích gồm có ba phần: phần tựa, phần khai thị và phần phó chúc. Phần tựa là phần giới thiệu, ở đó lý do thuyết giảng kinh được làm sáng tỏ. Phần khai thị thảo luận về nội dung chính của kinh. Phần phó chúc, là phần kết, giải thích những lợi ích của kinh và khuyến khích việc truyền bá kinh. Phần phó chúc của kinh Pháp hoa được cho là bắt đầu với nửa sau của phẩm “Phân biệt công đức” (phẩm 17) và đến hết phẩm cuối là “Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát” (phẩm 28), phẩm được xem như là phần kết của kinh Pháp hoa.
Một phần của phần phó chúc, phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh”, giải thích cả lợi ích có được từ việc truyền bá kinh Pháp hoa và quả báo không tốt đến với những ai phỉ báng người hành trì kinh này. Ý nghĩa của phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh”, tuy nhiên, không chỉ nằm nơi sự liên hệ mật thiết của nó với phần phó chúc của kinh.
Sự miêu tả của kinh về thái độ và hành xử của Bồ-tát Thường Bất Khinh ở trong phẩm này được xem như hình mẫu cho những hành giả của kinh Pháp hoa. Tinh thần và hành động của ngài tiêu biểu cho điều cốt tủy của kinh: chủ nghĩa nhân đạo được dựa trên sự kính trọng tuyệt đối phẩm giá vốn có của con người.
Bồ-tát Thường Bất Khinh là ai?
Sau đây là phần tóm tắt về phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh”: Trong đời quá khứ xa xưa, khi giáo pháp của Phật Oai Âm Vương đang bắt đầu bước vào thời kỳ biến mất, có một vị Bồ-tát xuất hiện và thực hành giáo pháp của Đức Phật này. Đồng thời, dân chúng cũng thực hành Phật pháp, nhưng họ không thấy được mục đích và ý nghĩa chân thực của Phật pháp. Thêm nữa, bấy giờ “các Tỳ-kheo tăng thượng mạn có rất nhiều thế lực”. Vị Bồ-tát đó, không bị ảnh hưởng bởi những trường hợp này, tin tưởng vững chắc rằng mọi người đều có Phật tính. Vì vậy, bất cứ khi nào nhìn thấy người khác, ngài nói với họ rằng: “Tôi kính trọng ngài sâu sắc và không bao giờ dám khinh thường ngài. Vì sao?
Bởi vì ngài đang thực hành Bồ-tát đạo và sẽ thành Phật”. Bởi vì Bồ-tát luôn lặp đi lặp lại những lời này, người ta đã gọi ngài là “Thường Bất Khinh”.
Người ta giận dữ và phỉ báng ngài, nói rằng “Vị Tỳ-kheo vô trí này ở đâu đến, tự tin nói rằng ông ta không khinh khi chúng ta, và còn thọ ký cho chúng ta sẽ thành Phật? Chúng ta không cần những lời thọ ký hão huyền đó!” Một số người khác thì “lấy gậy và gạch đá đánh đập và ném ông”. Nhưng Bồ-tát Thường Bất Khinh không từ bỏ sự thực hành của mình và đạt được giác ngộ, đắc được công đức lục căn thanh tịnh. Còn những người nhục mạ ngài thì đọa vào địa ngục Vô gián. Và sau khi thọ tội xong, họ cuối cùng gặp lại Bồ-tát Thường Bất Khinh, được ngài giáo hóa và chứng đắc Phật quả.
Thực hành lòng nhân trong cõi đời thực
Những tình huống xoay quanh Bồ-tát Thường Bất Khinh là tương tự với những tình huống hiện này của chúng ta ở một vài khía cạnh. Thêm nữa, những tư tưởng và hành động của Bồ-tát đem đến cho chúng ta những hiểu biết có ý nghĩa về cách chúng ta có thể thực hành Phật giáo ngày hôm nay. Tôi muốn thảo luận chín điểm then chốt liên quan đến vấn đề này.
1. Trong một thời đại quyền lực tôn giáo bị lạm dụng, thực hành Chánh pháp có nghĩa là thẳng thắn nói sự thật
Một lý do tại sao phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh” hữu ích như một hướng dẫn đối với sự tu tập ngày nay của chúng ta là rằng những tình huống ở đó Bồ-tát thực hành là tương tự với những tình huống của chúng ta. Bản kinh mô tả thời điểm câu chuyện xảy ra là như sau: “Khi Đức Oai Âm Vương Như Lai tối sơ đã diệt độ và sau thời Chánh pháp biến mất, trong thời Tượng pháp, hàng Tỳ-kheo tăng thượng mạn có rất nhiều thế lực”.
Đó là một thời điểm rất lâu sau Đức Phật diệt độ; đó là một thời kỳ hỗn mang đối với giáo pháp Phật giáo. Lời dạy chân thực của Đức Phật bị làm cho lu mờ, và thay vào đó, người ta thực hành một “Pháp tương tự”, tức là một Phật giáo hình thức và thiên về nghi lễ cúng kiếng. Bản kinh giải thích rằng chính “những Tỳ-kheo tăng thượng mạn” góp phần làm suy tàn Phật giáo. Không biết về mục đích và ý nghĩa chân thực của Phật giáo và bị thao túng bởi quyền lực tôn giáo, quần chúng không thể nắm bắt được cái cốt tủy của việc thực hành Phật pháp và sự tận tâm của họ không có kết quả. Trong một thời kỳ suy thoái và hỗn mang như vậy, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã xuất hiện và tuyên bố chân lý rốt ráo của Phật giáo - sự hiện hữu của Phật tính bên trong mọi người, và đó là phẩm giá bình đẳng của tất cả mọi người.
2. Danh phận được xác định bằng hành động
Tên thật của Bồ-tát Thường Bất Khinh không được biết. Tên của ngài là một cái tên giễu mà người ta cố gán cho ngài bởi vì ngài luôn lặp đi lặp lại câu “Tôi không bao giờ dám khinh thường các vị, vì tất cả các vị chắc chắn sẽ thành Phật!”. Tên của ngài có ý nghĩa ở đây. Trong kinh Pháp hoa, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi đại chúng: “Vì lý do gì mà vị ấy có tên là Thường Bất Khinh?”. Tên của chúng ta xác định chúng ta.
Ở đây bản kinh cho thấy rằng nhân dạng của một hành giả kinh Pháp hoa được xác quyết bằng chính những việc làm của người đó. Điều này phù hợp với truyền thống Phật giáo là luôn nhấn mạnh vào hành động của chúng ta, chứ không phải vào địa vị hay tài sản của ta, những điều thường được coi là cốt tủy trong việc xác định danh phận chúng ta.
Một trong các bài kệ của kinh Pháp cú viết rằng: “Ðược gọi Bà-la-môn/ Không vì đầu bện tóc/ Không gia đình, dòng tộc/ Ai thật chân, chánh, tịnh/ Mới là Bà-la-môn.” Một Bà-la-môn là thành viên của đẳng cấp cao nhất trong những người Hindu. Các Bà-la-môn được xem như là giai cấp quyền quý nhất của xã hội Ấn Độ.
Thông điệp của Đức Phật ở đây là rằng, một người trở thành cao quý không phải vì địa vị hay hình ảnh, mà bằng chính việc làm của người ấy. Tương tự, nếu chúng ta muốn đồng nhất chúng ta với Bồ-tát Thường Bất Khinh, chúng ta chỉ có thể hành động theo cùng cách như vậy: thừa nhận và kính trọng Phật tính ở trong tất cả mọi người. Những suy nghĩ, ngôn từ và hành vi của chúng ta quyết định chúng ta là ai. Sau hết, những gì chúng ta xem là “tự ngã” thì không có gì khác hơn sự tổng hợp những nghiệp tích lũy của chúng ta. Và nghiệp có nghĩa là “hành vi” - những suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta.
Do đó, chúng ta về cơ bản tự do định hình nên danh phận của mình chính xác theo cách chúng ta muốn. Việc thực hành Phật pháp của chúng ta đưa ra một phương tiện mạnh mẽ cho việc tạo nên và xác định chúng ta. Chúng ta đề cập đến tiến trình mà ngang qua đó chúng ta thực hiện điều này như là cuộc “cách mạng con người” của chúng ta.
3. Mục đích của việc thực hành đạt đến quả vị Phật
Tại sao chúng ta thực hành Phật pháp? Những câu hỏi đơn giản nhất thường là quan trọng nhất và khó trả lời nhất. Khi Bồ-tát Thường Bất Khinh xuất hiện vào thời kỳ “Tượng pháp” của Đức Phật Oai Âm Vương, mặc dù Phật giáo được biết rộng rãi, quần chúng hoàn toàn không biết ý nghĩa đích thực của việc thực hành Phật giáo. Sự mù mờ của quần chúng về Phật giáo được biểu thị bằng nhận xét của họ đối với Bồ-tát: “Vị Tỳ-kheo vô trí này ở đâu đến, tự tin nói rằng ông ta không khinh khi chúng ta, lại còn thọ ký cho chúng ta sẽ thành Phật? Chúng ta không cần những lời thọ ký hão huyền đó!”. Phản ứng của họ là vô minh trong ý nghĩa rằng chúng là trái ngược với mục đích Phật giáo.
Quần chúng bị mê hoặc bởi tầng lớp Tăng lữ quyền uy để tin rằng họ cứ thực hành mà không cần giác ngộ. Tùy thuộc vào quyền lực tôn giáo, do đó, trở thành mục đích của họ. Đó là trạng thái thực hành Phật giáo quen thuộc. Chúng ta thực hành Phật giáo để khai mở chúng ta thành những vị Phật. Khi quần chúng trở nên mù mờ về ý nghĩa nền tảng này của Phật giáo, họ chắc chắn rơi vào một trạng thái nô lệ tinh thần.
Từ một cách nhìn, việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh là để giải thoát con người ra khỏi sự mê mờ ấy và thức tỉnh cho họ biết mục đích chân thật của Phật giáo. Kinh Pháp hoa dạy chúng ta rằng ở vào một thời kỳ hỗn mang, chúng ta trước hết phải làm sáng tỏ những gì mà những Phật tử chắc hẳn sẽ hỏi khi họ bắt đầu thực hành: Tại sao tôi thực hành? Không trả lời được câu hỏi này một cách đúng đắn, sự thực hành của chúng ta sẽ trở thành điều mà ngài Nhật Liên mô tả là “một sự hành xác đớn đau vô cùng tận”.
4. Kính trọng người khác là một phương tiện khai mở Phật tính của chúng ta
Từ những hành động của Bồ-tát Thường Bất Khinh, chúng ta tìm thấy chìa khóa để nhận ra hạnh phúc của chính mình. Bồ-tát chứng minh rằng nếu chúng ta muốn thấy Phật tính của chúng ta và khai mở nó, chúng ta cũng phải thấy nó ở nơi đời sống của người khác. Không có chuyện là đạt lấy giác ngộ cho riêng mình trong khi không nhìn thấy khả tính như vậy ở nơi người khác.
Về điều này, ngài Nhật Liên, thông qua sự loại suy khéo léo, giải thích: “Có một sự đồng nhất căn bản của ta và người. Do đó khi Bồ-tát Thường Bất Khinh cung kính lạy bốn chúng, Phật tính ở trong bốn chúng tăng thượng mạn cúi lạy lại Bồ-tát Thường Bất Khinh. Điều này giống như cách khi một người cúi đầu trước một cái gương, hình ảnh phản chiếu trong cái gương cúi đầu trở lại”.
Nếu thái độ của chúng ta là “tôi sẽ đối xử với mọi người đúng đắn với điều kiện mọi người đối xử với tôi đúng đắn”, thì có nhiều khả năng chúng ta sẽ đánh mất sự kính trọng và chân thực của chúng ta và đẩy người khác ra xa. Hay có thể nói rằng một thái độ như vậy tự nó là nguyên nhân cho việc thất kính và nghi ngờ lẫn nhau. Ngược lại, nếu chúng ta cố gắng nhìn thấy vị Phật nơi người khác, chúng ta sẽ thấy một sự thay đổi đặc biệt nơi đời sống của chúng ta và cả nơi đời sống của người khác. Thực hiện trước việc kính trọng những người xung quanh ta vì Phật tính của họ là đem lại ích lợi hỗ tương. Trong ý nghĩa này, Bồ-tát Thường Bất Khinh thực hành sự cung kính không chỉ vì lợi ích của người khác, mà cũng vì lợi ích của chính mình.
Tin vào Phật tính - của chính chúng ta và người khác - là điều khó khăn. Đây là tại sao hành động của Bồ-tát Thường Bất Khinh là quá cao cả và hy hữu. Nhưng đồng thời, việc thực hành là ở bên trong tầm tay của bất cứ ai. Mọi người có thể tôn trọng người khác; điều chắc chắn không khó như bay lên trên một hội chúng và trèo lên trên một ngôi tháp đồ sộ lơ lửng giữa không trung - những hành động được mô tả ở nơi khác trong kinh. Không giống như những việc làm này, việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh là có thể đối với tất cả chúng ta.
Trong ý nghĩa này, ngài Nhật Liên giải thích: “để tin rằng Phật tính tồn tại bên trong loài người là điều khó khăn nhất - khó như tin rằng lửa tồn tại trong nước hay nước ở trong lửa. Bồ-tát Thường Bất Khinh nhìn thấy Phật trong mọi người ngài gặp, và Thái tử Tất-đạt-đa là người đã thành Phật. Những tấm gương này giúp bạn có niềm tin.”
Những gì có thể khiến chúng ta hành động theo cách mà Bồ-tát Thường Bất Khinh đã làm, ngài Nhật Liên dạy ở đây, là không có gì khác hơn niềm tin của chúng ta vào tính phổ quát của Phật tính. Và để tiếp tục công việc của chúng ta, chúng ta cần niềm tin mạnh mẽ - mạnh mẽ đủ để không thoái chí bởi những phản ứng nông nổi từ người khác. Bất cứ khi nào chúng ta nhận ra và kính trọng Phật tính của người khác, quả vị Phật của họ đang đảnh lễ trở lại, bất chấp bề ngoài họ đang phản đối chúng ta. Do đó ngài Nhật Liên khuyên chúng ta cần có can đam để chính chúng ta thực hành trước, chứ không chờ đợi một cách vô ích hình ảnh ở trong tấm gương cúi lạy trước.
5. Bao dung thật sự xuất phát từ niềm tin vào nhân tính
Bồ-tát Thường Bất Khinh, bất chấp sự phỉ báng gay gắt mà ngài phải chịu, không hề tức giận hay từ bỏ việc thực hành của mình. Bản kinh mô tả sự kiên nhẫn của ngài như sau: “Trải qua nhiều năm như vậy, vị Tỳ-kheo này thường xuyên chịu sự phỉ báng và sỉ nhục. Tuy nhiên ngài không sân hận mà vẫn luôn nói: “ngài chắc chắn sẽ thành Phật”. Trong phần kệ tụng của phẩm “Thường Bất Khinh”, bản kinh lặp lại điểm này: “Khi người nghe điều này/ họ bèn chế giễu ngài/ phỉ báng, sỉ vả ngài/ Nhưng Bồ-tát Bất Khinh/ Nhẫn nhục chấp nhận cả.
Gốc rễ lòng bao dung của Bồ-tát Thường Bất Khinh đối với người khác nằm ở nơi niềm tin sâu sắc của ngài vào nhân tính. Bất chấp những phản ứng thô lỗ và tàn nhẫn mà ngài đã hứng chịu từ những người ngài gặp là gì, niềm tin của ngài vào khả tính Phật là không hề bị dao động. Ngài thật sự tin tưởng vững chắc vào chân lý được Phật giáo tuyên thuyết này nên không oán hận hay mất đi sự nhẫn nhục. Ngài tin chắc rằng ngài đứng cùng với chân lý, và điều này đã giúp ngài vượt qua bất kỳ cảm xúc thông thường nào mà đôi khi ngài có thể đã cảm nhận.
Lòng bao dung được biểu thị bởi Bồ-tát Thường Bất Khinh không phải là lòng bao dung thông thường. Đó không phải là lòng bao dung tiêu cực: chấp nhận cả những gì mình biết là sai, nhưng vẫn làm nhằm bảo vệ nơi chốn bình yên của mình và tránh sự xung đột hay đương đầu. Ngài tìm sự tương tác với người khác và tự do thể hiện niềm tin của mình. Sự kiên trì của ngài trong việc truyền tải thông điệp của ngài đến với người khác đã khiến họ vô cùng bực bội. Rõ ràng những người đương thời với ngài đã xem ngài như là một người vô trí không để họ yên.
Tuy nhiên, bỏ mặc mọi người trong sự hỗn mang không phải là một hành động bao dung; mà đó là thiếu từ bi. Bồ-tát Thường Bất Khinh chấp nhận vô điều kiện mọi người trên nền tảng khả tính Phật của họ. Lòng bao dung của ngài là tích cực - lòng bao dung đem đến một sự thay đổi thực sự trong cuộc đời.
6. Thực hành bất bạo động là để mạnh mẽ hơn và trí tuệ hơn
Bồ-tát Thường Bất Khinh là một hình mẫu đại diện cho tinh thần bất bạo động. Ngài đã thể hiện sự tận tâm đối thoại của mình như là phương tiện duy nhất để nói về những khác nhau giữa người và người. Ngài không bao giờ viện đến bạo lực với bất cứ lý do gì bởi vì những người phỉ báng ngài không hề là kẻ thù của ngài. Ngài xem họ như chính mình, tất cả đều có tiềm năng cao quý, điều ngài đã nhận thấy nơi chính đời sống của mình.
Tuy nhiên, điều quan trọng là làm cách nào ngài có thể giữ được tinh thần bất bạo động trong một xã hội bạo động mà không hy sinh nạn nhân cho bạo động. Ngài có thể làm như vậy bởi vì ngài đủ trí tuệ và dũng lực để tránh những tấn công bạo lực, tuy nhiên vẫn giữ một sự tiếp xúc đủ gần với những người phỉ báng ngài để tiếp tục truyền bá niềm tin vào Phật tính cho họ. Bản kinh giảng giải: “Khi ngài nói như vậy, một số người lấy gậy và gạch đá đánh đập và ném ngài. Nhưng lúc ấy ngài chạy ra xa, và đứng ở xa tiếp tục nói lớn rằng ‘Tôi không hề dám khinh thường các vị, vì các vị chắc chắn sẽ thành Phật!’”
Ngài không quá khờ khạo hay bất cẩn để khiến mình trở thành nạn nhân của những kẻ bạo lực. Ngài đủ khôn ngoan để bảo vệ bản thân. Ở đây, kinh Pháp hoa dạy chúng ta rằng để thực hành bất bạo động trong cõi đời thực, chúng ta phải có trí tuệ, tránh trở thành nạn nhân trong một xã hội ngược đãi. Bồ-tát Thường Bất Khinh dường như bảo chúng ta rằng chớ trở thành nạn nhân của người khác trong việc thực hành lòng bao dung và bất bạo động trong thế giới ngày hôm nay.
7. Thanh tịnh lục căn thông qua giúp đỡ người khác
Như một kết quả của việc tu tập đúng đắn, Bồ-tát Thường Bất Khinh đã đạt được nhiều công đức. Ví dụ, bên cạnh việc kéo dài thọ mạng của mình, ngài có thể thanh tịnh các căn để nhận thức thế giới một cách đúng đắn hơn. Bản kinh giảng giải rằng: “Ngài liền đắc nhãn căn thanh tịnh và nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý căn thanh tịnh…”.
Từ một cách nhìn, những gì chúng ta gọi là lợi ích trong Phật giáo đến từ những mối liên hệ tích cực mà chúng ta tạo ra, tức là sự liên hệ của chúng ta với môi trường, với người khác và với những sự việc mà chúng ta đối diện trong cuộc sống. Để tạo ra những mối liên hệ tích cực, chúng ta phải nhận thức sự việc một cách đúng đắn để có thể hành động một cách có trí tuệ. Nếu chúng ta nắm bắt những điều xung quanh một cách rõ ràng, chúng ta có thể tạo ra những giá trị tích cực, hạnh phúc và niềm vui. Còn nếu nhận thức của chúng ta tối tăm, có nhiều khả năng chúng ta mang lại khổ đau cho chính mình.
8. Chân thành là sự biện thuyết chân thật
Bồ-tát Thường Bất Khinh cũng đắc được sự chân thành, lòng tốt và an tịnh như bản kinh đã giảng giải: “Bấy giờ, những Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, những người trong hàng tứ chúng tăng thượng mạn đã từng khinh chê và đặt tên ngài là Thường Bất Khinh, thấy ngài đắc đại thần thông lực, có được năng lực biện thuyết vô ngại, có được năng lực đại thiện và an tịnh, khi nghe lời ngài nói, tất cả họ đều tín thuận và mong muốn trở thành đệ tử”.
Trong một ý nghĩa, dường như rằng ngài bất ngờ đạt được khả năng biện tài, có được lòng tốt và sự an tịnh. Tuy nhiên, có lẽ đúng hơn để kết luận rằng, sự chân thành kiên trì của ngài trong việc truyền bá tính phổ quát của Phật tính cuối cùng đã chạm đến trái tim của những người đã từng phỉ báng ngài. Sự chân thành của ngài đã khai mở nhãn thị của họ, và vì lần đầu họ nhìn thấy sự vĩ đại của người mà họ đã từng phỉ báng. Ở đây bản kinh đề xuất rằng, sự biện tài đến từ sự chân thành, điều cuối cùng vượt qua khỏi sự kiêu mạn và thành kiến.
9. Trả nghiệp
Ở đây bản kinh giải thích nguyên tắc “trả nghiệp” mà ngài Nhật Liên đã diễn tả bằng đoạn văn sau: “Bồ-tát Thường Bất Khinh bị phỉ báng và sỉ nhục, bị ném đá và bị đánh đập bằng gậy gộc không phải không có lý do. Có thể trong quá khứ ngài đã từng phỉ báng Chánh pháp. Đoạn văn trong kinh cho thấy rằng, nhờ Bồ-tát Thường Bất Khinh gặp phải sự ngược đãi, ngài có thể diệt trừ những ác nghiệp trong các kiếp trước”. Ở đây ngài Nhật Liên nói với chúng ta rằng tất cả những khó khăn mà chúng ta trải qua trong việc truyền bá Phật giáo không bao giờ uổng phí. Chúng là những thử thách giúp chúng ta chuyển đổi một cách tích cực ác nghiệp của chúng ta, và làm nền tảng vững chắc cho hạnh phúc lâu dài.
Bản kinh nói rằng những người phỉ báng và sỉ nhục Bồ-tát Thường Bất Khinh đã phải chịu khổ đau lâu dài và cuối cùng đạt được giác ngộ: “Hàng tứ chúng… thời đó, do đã dùng lòng sân hận khinh chê ta (Bồ-tát Thường Bất Khinh), trong 200 ức kiếp đã không được thấy Phật, không được nghe Pháp, và không gặp được Tăng. Trong 1.000 kiếp ở tại địa ngục Vô gián để thọ khổ não cùng cực. Sau khi đã thọ xong tội báo, họ lại gặp Bồ-tát Thường Bất Khinh và được ngài giáo hóa để đạt đến Vô thượng chánh đẳng chánh giác”.
Như vậy, ngay những người phỉ báng Bồ-tát cũng có duyên với kinh Pháp hoa nên cuối cùng nhận chân được Phật tính của họ, điều mà chính họ đã kịch liệt phủ nhận.
Kết luận: can đảm kính trọng người khác
Mặc dù có nhiều điểm quan trọng trong phẩm “Bồ-tát Thường Bất Khinh” được nhấn mạnh, khi so sánh cuộc đời của vị Bồ-tát này với cuộc đời của ngài Nhật Liên, ta thấy có một phẩm chất mà cả hai cùng chia sẻ - đó là sự can đảm. Cả hai can đảm nói về chân lý và kính trọng tất cả mọi người. Can đảm thật sự là điều có thể giúp họ hoàn thành những gì họ đặt ra bất chấp những phỉ báng mà họ gánh chịu.
Kinh Pháp hoa giải thích điểm này như sau: “Ở trong bốn chúng ngài thuyết pháp với tâm không sợ hãi”. Ngài Nhật Liên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự can đảm trong việc thực hành Phật pháp. Để sử dụng việc làm của Bồ-tát Thường Bất Khinh như một hướng dẫn cho việc tu tập hàng ngày, bước đầu tiên là phát triển sự can đảm để tìm kiếm sự chói sáng của quả vị Phật ở trong đời sống của người khác cũng như ở trong chính mình.