Học và thi Tam tạng, một truyền thống cao quý của Phật giáo Miến Điện

Giác Ngộ - Nhằm thúc đẩy và khuyến khích việc học hỏi, nghiên cứu và thực tập giáo lý của Đức Phật, và cũng là để gạn lọc, bảo tồn và truyền bá Phật giáo đến cộng đồng thế giới, cho nên ở Miến Điện, hàng năm chính quyền kết hợp với Giáo hội Phật giáo để tổ thức các kỳ thi Phật pháp để cho chư Tăng cũng như Phật tử tham gia.

Có những kỳ thi chỉ dành riêng cho tu sĩ, có những kỳ thi thì dành riêng cho cư sĩ và nữ tu, và có những kỳ thi thì tất cả mọi người đều có quyền tham gia. Trong đó, quan trọng nhất là kỳ thi Tam tạng Thánh điển. 

Mien dien 1.JPG

Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa giảng pháp tại tu viện Viên Không, Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh: Tuyết Sương

Đây là một kỳ thi có nội dung đồ sộ, chuyên sâu và khó khăn nhất. Cho nên những vị đạt kết quả cao trong kỳ thi này được cả nước vinh danh, được mọi người trọng vọng. Đặc biệt là được nhà nước, giáo hội phong tặng danh hiệu cao quý, đó là: Tipitakadhara (Bậc thông thuộc Tam tạng - dành cho người vượt qua được phần tụng đọc thuộc lòng), Tipitakadhara Tipitakakovida (Bậc thấu suốt Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả phần thi tụng đọc và phần thi viết), 3. Maha Tipitakakawida (Bậc đại nhân Bảo tồn Tam tạng - dành cho người vượt qua được cả hai phần thi một cách mạch lạc), Dhammabhandāgārika (Bậc giữ gìn kho tàng Chánh pháp của Đức Phật). 

Cũng chính vì thi Tam tạng là một kỳ thi rất quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn như thế nên vào năm 1949, kỳ thi này được tổ chức riêng biệt.

Vị Tăng sĩ nào muốn tham dự kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư (Tipitakadhara Tipitakakovida Selection Examination) thì ít nhất là phải đậu trong kỳ thi Pathamagyi. Thật ra, kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện khác với các kỳ thi của những tôn giáo khác, bởi vì tại đấy các thí sinh phải tham gia kỳ thi kéo dài trong 33 ngày. Họ phải thi cả hai phần là thi tụng đọc thuộc lòng và thi viết theo quy định. Các thí sinh tham dự kỳ thi này phải tụng đọc Tam tạng Kinh điển bằng tiếng Pali (dày đến 8026 trang giấy, hơn 2.400.000 từ bằng tiếng Pali) và phải viết chính xác hơn 200 quyển kinh sách bằng tiếng Pali. 

Chỉ những vị nào vượt qua được phần thi tụng đọc và thi viết trong kỳ thi tuyển chọn Tam tạng pháp sư mới dược phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara Tipitakakovida” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng), còn những vị chỉ vượt qua được phần thi tụng đọc thì được tặng danh hiệu là “Tipitakadhara” (Bậc thông thuộc Tam tạng) mà thôi. 

Theo thống kê, từ năm 1949 đến 2004, trong vòng 56 năm, có hơn 10.000 Tăng sĩ tham dự kỳ thi Tam tạng Pháp sư, nhưng trong số đó chỉ có 11 vị vượt qua được cả kỳ thi đọc tụng và thi viết một cách rành mạch mà thôi. Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư đầu tiên được tổ chức tại Rangoen (nay là Yangon) vào năm 1948, tức là sau ngày Miến Điện giành lại độc lập từ ách thống trị của thực dân Anh. Trong kỳ thi đầu tiên ấy không có vị nào vượt qua được một trong hai phần thi nói trên cả.  

Mien dien 3.JPG

Phật tử cung đóng Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa tại tu viện Viên Không, Bà Rịa Vũng Tàu - Ảnh: Tuyết Sương

Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư ở Miến Điện là một kỳ thi dài nhất trên thế giới và toàn bộ một kỳ thi diễn ra trong vòng 5 năm: trong năm đầu và năm thứ hai, các thí sinh được kiểm tra về Luật tạng (gồm 2.260 trang), kéo dài trong 20 ngày; trong năm thứ ba thì kiểm tra ba tập của Kinh tạng (gồm 779 trang); trong năm thứ tư va thứ năm thì kiểm tra 5 tập đầu (gồm 1.390 trang) và hai tập cuối trong bảy tập của Luận tạng (gồm 3597 trang). Vị Tăng sĩ vượt qua được cả hai nội dung thi, và được phong tặng danh hiệu “Tipitakadhara” đầu tiên của Miến Điện là ngài Vicittasarabhivamsa, vào năm 1953, lúc đó ngài được 42 tuổi.

Kỳ thi tuyển chọn Tam tạng Pháp sư được tổ chức gần đây nhất là vào năm 2004. Trong kỳ thi này có tất cả là 184 vị Tăng sĩ đã tham gia, và chỉ có hai người vượt qua được cả phần thì tụng đọc thuộc lòng và thi viết các nội dung kiển điển theo quy định và có một người vượt qua được phần thi tụng đọc thuộc lòng.  

Ở Miến Điện có những trường Phật học chuyên giảng dạy và hướng dẫn cho học viên nội dung và phương pháp học Tam tạng Kinh điển để dự kỳ thi chuyển chọn Tam tạng Pháp sư. Các vị giảng viên tại các trường ấy đa phần là những vị đã từng tham dự các kỳ thi tuyển chọn Tam tạng và có kinh nghiệm học tập, am tường về Tam tạng Kinh điển.

Vừa qua, Phật giáo nước ta được vinh dự cung đón Ngài Tam tạng Sīlakkhandhābhivamsa, người đã đạt được danh hiệu Tipitakadhara vào năm 1998, và đạt được danh hiệu Tipitakadhara Tipitakakovida vào năm 2000, lúc ấy Ngài mới 36 tuổi. 

Năm 2005, chính phủ Miến Điện đã kính dâng Ngài danh hiệu cao quý “Tipitakadhara Tipitakakovida Dhammabhandāgārika” (Bậc thông thuộc Tam tạng, Bậc thấu suốt Tam tạng, Bậc giữ gìn kho tàng Pháp bảo của Đức Phật). 

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam từ ngày 10-10 - 22-10-2011 của mình, Ngài đã viếng thăm và hoằng pháp tại một số tỉnh thành trong nước, như là: TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Huế, Quảng Ninh và Hà Nội. Chuyến viếng thăm và hoằng pháp của Ngài đã đem đến nhiều lợi lạc, Ngài để lại những lời giáo huấn vô cùng quý giá cho tín đồ Phật tử Việt Nam .

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày