Hội thảo của tinh thần hòa hợp và từ bi!

Hội thảo của tinh thần hòa hợp và từ bi!
Đó là điều tôi cảm nhận được sau ba ngày tham dự Hội thảo Hướng dẫn Phật tử các   tỉnh, thành Tây Nguyên và miền Trung vừa diễn ra tại TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Daklak. Sở dĩ tôi có nhận định như vậy bởi vì bản thân đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh đẹp từ trong và bên lề Hội thảo.

 Đó là sự bỏ qua mọi ngăn ngại về khoảng cách địa lý, nhiều đoàn từ các tỉnh Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… đã cùng tụ họp đông đủ về chùa Sắc tứ Khải Đoan để trình lên Hội thảo những điều tâm đắc nhất trong những bản tham luận của mình. Đó còn là sự miệt mài duyệt tham luận suốt nhiều đêm của Ban Tổ chức, Ban Thư ký mà theo TT.Thích Chơn Không, Chánh Thư ký của Hội thảo báo cáo trong buổi bế mạc (3-8) rằng: “Các vị tôn đức trong Ban Tổ chức đã thức trắng nhiều đêm để lo cho Hội thảo…”. Nếu không có tinh thần từ bi, mong muốn đem Chánh pháp của Phật đến với chúng sanh, đặc biệt là chúng sanh nơi biên địa như vùng đồng bào dân tộc thì các vị sẽ không làm được như thế.

Tinh thần từ bi ấy còn thấm nhuần qua việc làm từ thiện, phát hàng trăm phần quà cho đồng bào dân tộc ở Daklak, trị giá hàng trăm triệu đồng. Để có được những món quà từ thiện ấy, biết bao tấm lòng của người con Phật đã đóng góp. Đoàn bác sĩ tình nguyện của Phân ban Tây y (Ban Từ thiện xã hội T.Ư) đã không quản đường xa, mưa gió lên khám bệnh, phát thuốc cho đồng bào. Hình ảnh ấy làm mát lòng nhiều người.

Còn sự hòa hợp? Đầu tiên phải kể đến ý nghĩa mà chuyên đề về truyền bá Chánh pháp ở vùng đồng bào dân tộc, chính nó đã thể hiện rõ tinh thần hòa hợp mà Bụt đã dạy. Không phân biệt, ở đâu chúng sanh còn khổ, cần được giải thoát nỗi khổ niềm đau thì các vị tôn đức đều hướng đến, dù khó, dù khổ. Đồng bào vùng dân tộc là một bộ phận của nhân dân Việt Nam , rộng hơn, họ cũng là con người trong sáu nẻo luân hồi. Hơn nữa, họ lại sinh nơi biên địa, trình độ dân trí thấp nên việc nghĩ đến họ cũng là việc làm từ bi của bất kỳ “sứ giả Như Lai” nào.

Tinh thần hòa hợp còn thể hiện trong Trại họp bạn ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà theo huynh trưởng  Nguyễn Thắng Nhu (Thiện Điều) khẳng định với Giác Ngộ rằng: “Có hơn 600 đoàn sinh, huynh trưởng ở hai tỉnh trước đây không tham gia vào tổ chức GĐPT Việt Nam là Gia Lai, Dak nông đã chịu tham gia hội trại”. Đó là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc vận động các GĐPT cùng tham gia sinh hoạt trong lòng Giáo hội.

Đạo pháp muốn được hưng thịnh thì phải bỏ qua mọi thành kiến, bỏ qua tự ái để cùng ngồi lại với nhau, chung tay góp sức để có những mô hình sinh hoạt, tu học mới, đem đạo pháp đến muôn nhà. Làm sao để nhà nhà đều là Phật tử, sống đời sống thanh cao, tôn trọng pháp luật và giữ gìn giới đức, hiểu biết nhân quả, đó mới là điều mà người Phật tử chân chính cần trăn trở, băn khoăn. Còn những thiên kiến mang tính chất hình thức thì nên bỏ qua, nhất là trong thời đại hiện nay có khá nhiều biến động, bất ổn trên thế giới, khu vực… đã ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của con người. Những điều đó đã được các bậc thượng tôn danh đức trong HĐTS là HT.Thích Trí Quảng, HT.Thích Thiện Nhơn, HT.Thích Giác Toàn cũng như HT.Thích Thiện Duyên, Trưởng ban Tổ chức nhắc nhở, chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình diễn ra Hội thảo.

Từ Hội thảo lần này, tinh thần ấy chắc chắn sẽ được triển khai rộng khắp, đó là mong muốn của nhiều đại biểu và cũng là điều mà Giáo hội đề ra. Tất nhiên, để tinh thần ấy được phát huy cao nhất, mang lại thành công lớn nhất đòi hỏi ở mỗi người con Phật sự bao dung, mở lòng bằng việc thực tập tốt những hạnh lành mà Phật đã diễn bày cách đây hơn 25 thế kỷ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn chủ trì hội nghị sáng 20-4 tại thiền viện Quảng Đức

TƯGH thống nhất trong từng sự việc cụ thể sẽ mời các bên liên quan để trao đổi, giải quyết

GNO - Đó là giải pháp giải quyết những khó khăn của Phật giáo tỉnh thành được Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự chấp thuận tại hội nghị báo cáo quý I - năm 2024 của Văn phòng II T.Ư, diễn ra tại thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), vào sáng 20-4.
Ảnh minh họa

Con bất hiếu cha mẹ phải làm sao?

GNO - Tôi năm nay 45 tuổi, chỉ có một đứa con gái đang học lớp 11. Từ lớp 8 cháu bắt đầu ương bướng và liên tục ngỗ nghịch với cha mẹ cho đến bây giờ. Vợ chồng tôi ngày đêm nuôi hy vọng cháu lớn lên sẽ biết phải quấy mà ngoan hiền hơn nhưng càng ngày cháu càng tệ.

Thông tin hàng ngày