Hôm nay tôi nghe

Nghĩa tình lúc ngặt - Ảnh: Ngô Trần Hải An
Nghĩa tình lúc ngặt - Ảnh: Ngô Trần Hải An
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đêm hôm qua, nhiều người đã gửi lời tạm biệt nhau, tạm biệt thành phố bằng câu quen thuộc bữa giờ: “Sài Gòn ơi, mau khỏe nghen!” Thành phố đã bắt đầu những ngày lặng lẽ chưa từng có...

Tôi ở trọ trong một xóm chợ của thành phố. Mỗi buổi sáng, tôi được đánh thức bởi hàng trăm thứ tiếng động truyền qua cửa: tiếng xe qua lại; tiếng người đi chợ buổi sáng í ới gọi nhau, “tám” với nhau; những cuộc chuyện, nói cười lẫn than vãn của những khách vào tiệm phở của cô Lụa kê ngay trước cửa nhà;…

Tôi có thói quen nằm im một lúc sau khi mở mắt thức dậy để tiếp nhận mớ hỗn hợp âm thanh đầu ngày ấy, cho đến khi tiếng rao “rác đâyyyyy” kéo tôi ra khỏi giường, lật đật lo đi… đổ rác.

Hình như đó cũng là những gì quen thuộc nhất mà mỗi người có thể tìm thấy trong mỗi ngóc ngách của thành phố. Mười năm ở TP.HCM, kể từ thời còn sinh viên, rồi ở lại bám trụ kiếm sống, bao lần chuyển trọ hết từ quận này sang quận khác, tất cả những âm thanh quen thuộc kể trên là điều tương tự mà tôi bắt gặp ở khắp nơi.

Nó là sức sống của thành phố, là biểu hiện của dòng lưu chuyển của hàng triệu đời người. Ấy vậy mà đến một ngày, tất cả bỗng dưng dừng lại, im bặt. Lần bùng phát trở lại lần này của đại dịch, thành phố trọng thương. Nỗi lo lắng phủ trùm, nhịp sống buộc phải thêm một lần dừng chuyển động.

Làm sao mà không lo lắng được khi sự đình trệ đã kéo dài suốt 6 tuần qua, số ca mắc vẫn tăng lên liên tục, và những ngõ hẻm giăng dây, rào chắn vẫn nhiều thêm mỗi ngày. Tối hôm qua đây, sợ dây mỏng mảnh đỏ trắng đã giăng đến con hẻm chợ sát cạnh nhà tôi.

Người thành phố có lo lắng, nhưng lạ thay, cũng chừng ấy con người vẫn chưa bao giờ thôi hy vọng. Trong những lần điện thoại về cho mẹ tôi ở quê, trước nỗi lo lắng của bà, tôi luôn nhắc: “Ở đây không sao hết, mọi người bình tĩnh lắm mẹ ơi…” Thì cũng là câu trấn an cho nỗi lòng của một bà mẹ có con trong vùng nguy hiểm thôi, nhưng đó cũng không hẳn là không thật.

Những bà nội trợ, những người có hàng quán, bán buôn, người lao động ngay trong xóm tôi phải tạm dừng việc kiếm sống của mình. Trước ngày giãn cách, họ có lo lắng chứ, nhưng họ vẫn cười, vẫn nói những câu bông đùa, tiếu lâm. “Có nhiêu sống nhiêu mày ơi, dứt cú chót cho đỡ dịch rồi tới đâu tới à”, cô Lụa hàng xóm nói vọng vào với nụ cười xuề xòa khi dựng tạm chiếc xe máy cạnh cửa nhà tôi, tay xách nách mang mớ đồ vừa đem về từ siêu thị.

Đêm hôm qua, trước giờ giãn cách, mở facebook là rất nhiều cập nhật về việc các nhóm thiện nguyện tranh thủ những giờ cuối trước “giờ G” để đi phát đồ ăn, thức uống cho người lao động nghèo, người vô gia cư đó đây trong thành phố. 15 ngày sắp tới, với những người có điều kiện hơn thì không nói, nhưng với họ là cả một nỗi lo lớn.

“Ai cũng cố gắng phát thật nhanh cho nhiều người, người gặp không kịp nhớ mặt người cho, người nhận ngỡ ngàng chưa kịp nói, những cuộc gặp gỡ chóng vánh mà sao lại nặng tình”, dòng chia sẻ kèm những hình ảnh chân thực từ facebook Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An liên tục được chia sẻ đi, như cố góp một chút thương yêu, như hy vọng. Tôi đã có cơ hội chứng kiến cách người thành phố trong suốt hơn một tháng qua cưu mang nhau, san sẻ cho nhau và nghĩ về nhau trong khốn khó.

“Văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, câu khẩu hiệu của TP.HCM luôn được treo cao lên vào mỗi sự kiện trọng đại, dường như chưa bao giờ lại được thể hiện rõ ràng trong thực tế hơn lúc này. Và có lẽ bên cạnh tất cả những điều kiện lý tưởng của một chốn mưu sinh, nghĩa tình đó cũng là điều đã níu giữ tôi, níu giữ rất nhiều người khác chọn nơi đây mà ở lại.

Đêm hôm qua, nhiều người đã gửi lời tạm biệt nhau, tạm biệt thành phố bằng câu quen thuộc bữa giờ: “Sài Gòn ơi, mau khỏe nghen!” Thành phố đã bắt đầu những ngày lặng lẽ chưa từng có, nhưng cũng trong cái lặng lẽ đó, tôi biết và tôi tin, hàng triệu triệu đốm lửa hy vọng đang được nhen nhóm, dưỡng nuôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có 27 thanh niên từ 16 quốc gia tham gia chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu đã tạo nên một cộng đồng quốc tế đa dạng

Chương trình Bồ-tát trẻ tuổi

GNO - Mạng lưới Phật tử Nhập thế Quốc tế (INEB) vừa qua đã tổ chức Chương trình Bồ-tát Trẻ tuổi Toàn cầu hàng năm, một khóa học trải nghiệm kéo dài hai tuần dành cho các nhà lãnh đạo trẻ và các nhà hoạt động xã hội.

Thông tin hàng ngày