Hồn quê…

Giác Ngộ - Trên những cánh đồng lúa trĩu hạt, trên những dòng phù sa mênh mang của phương Nam yêu thương âm vang của đại hồng chung sẽ chuyển lời cầu chúc đến mọi người, mọi nhà và cả vạn vật. Tôi xin được thay mẹ lạy thầy,  mong thầy mang hồng ân của Tam bảo đến tất cả chúng sanh.
“Đoái trông muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa” (Kiều – Nguyễn Du)

Từ trong thinh không, tiếng chuông chùa đang khoan thai vọng lại. Tiếng chuông nghe thật uy hùng, thanh thoát, nhưng sao lại quá đỗi gần gũi, thân thương.

nguoitre8.gif
Đánh một tiếng chuông với mong muốn
xua tan đi bao buồn phiền trong lòng - Ảnh: Bảo Thiên

Tôi nhắm mắt nhẩm theo từng câu kệ mỗi khi quý thầy thỉnh chuông u minh, bất giác nghe như có giọng nói Nam Bộ của mẹ đang nương vào tiếng chuông văng vẳng vọng về bên tai. Giọng Nam Bộ của mẹ nghe răng mà lạ; mẹ nói thủng thỉnh, rất nhẹ, nhẹ như chiếc thuyền lá trôi trên sông. Người ta nói tiếng Huế dịu dàng mà e tiếng của mẹ êm đềm, dịu ngọt còn hơn tiếng Huế. Cứ mỗi buổi sáng khi tiếng chuông chùa vọng lại, mẹ đã ngồi bên giường đưa tay thoa thoa trên lưng tôi rồi vỗ nhẹ: “Dậy! dậy đi con, dậy rửa mặt mà học bài”. Từ khi còn tấm bé nghe tiếng mẹ dỗ dành trong âm vang của tiếng chuông u minh như một sức mạnh giúp tôi gượng dậy chống chọi cơn ngái ngủ trong những sớm mùa đông giá rét và giờ đây âm hưởng giọng nói của mẹ như sự trợ duyên giúp tiếng chuông đến với tôi.

 Nguyện thử chung thanh siêu pháp giới
Thiết Vi u ám tất giai văn
Văn trần thanh tịnh chứng viên thông
Nhứt thiết chúng sanh thành chánh giác

 Có ai đó đang nguyện cho tiếng chuông vang khắp nơi để trong địa ngục tăm tối cũng nghe được. Hãy buông lỏng tâm thân đón nhận tiếng chuông đi vào tận nơi sâu thẳm nhất. Tiếng ngân trùng trùng, lớp lớp như sóng ngàn xua tan bao phiền não. Khổ nghiệp được giải thoát tất giác ngộ.

Quê ngoại của tôi ở mãi tận trong miền sông nước xa xôi. Âm hưởng giọng nói của mẹ như câu vọng cổ lênh đênh trên những chiếc thuyền cây trái ngược xuôi qua các kênh lạch miền Nam . Hồi còn chiến tranh ác liệt biết bao con thuyền đã rời bỏ những làng quê rực lửa rồi trôi giạt khắp bốn phương. Mẹ đã đi theo làn sóng di dân đó từ khi còn rất bé để rồi cuộc đời trôi giạt theo những thăng trầm của lịch sử và mãi mãi mất dấu quê hương. Tôi không có một làng quê ngoại cụ thể nào để về chạp, kỵ; để được cưng chiều; để được dành phần ưu tiên của con cháu ngoại. Mồ mả, rồi những người thân, cậu, dì không biết đâu mà tìm nữa. Bây giờ quê ngoại trong tôi là giọng nói Nam Bộ chơn chất và cả phương Nam trù phú với những con người tốt bụng, hào phóng.

Mẹ tôi đã để lại cho tôi tiếng chuông u minh, bởi vậy tiếng chuông luôn mang theo hình ảnh những người thân thích bên ngoại. Thương nhớ quê ngoại, tôi chỉ còn biết lắng sâu trong tâm tưởng để nghe tiếng chuông mà gởi nhớ, gởi thương. Không biết bao giờ mới chứng viên thông , để giác ngộ nhưng mỗi khi tiếng chuông vang lên thì tôi như bừng tỉnh và lắng nghe tiếng ngân xa, xa mãi đến vô tận. Âm hưởng của tiếng chuông như dòng cam lộ rưới mát tâm hồn tôi.

 Tôi đi bộ qua cửa Thượng Tứ về nhà thăm mẹ. Con đường nội thành rợp bóng cây cổ thụ và xa xa trong các khu vườn là những cây lưu niên chen lẫn trong các khu nhà kiến trúc cổ. Không gian tĩnh mịch, không khí trong lành và thời gian nơi đây hình như trôi chậm lại. Tôi tận hưởng sự an lạc trong từng bước đi thanh thản. Tôi mang về cho mẹ một món quà rất lạ, tôi sẽ đọc cho mẹ nghe bài “Văn chung” tức bài kệ nghe chuông.

Văn chung thanh
Phiền não khinh
Trí huệ trưởng
Bồ đề sanh
Ly địa ngục
Xuất hỏa khanh
Nguyện thành Phật
Độ chúng sanh
Án Già Ra Đế Ra Ta Bà Ha!

 Mẹ ơi! khi con còn nhỏ, mẹ đã tạo duyên cho con được nghe tiếng chuông, tiếng chuông đó đã theo con suốt cả cuộc đời và giờ đây con thiết tha cầu nguyện, mong sao mẹ nghe tiếng chuông để dứt phiền não, trí huệ được thành tựu viên mãn, Phật chủng phát lộ, xa rời địa ngục, hỏa lò và nguyện được thành Phật để mẹ tự giải thoát và giải thoát cho tất cả mọi người.

Mẹ tôi tặng tôi một gói lụa vàng trong đó có một đôi bông tai, một sợi dây chuyền, một chiếc vòng vàng và đôi nhẫn cưới. Đây là tất cả những gì quý giá nhất của mẹ tôi, của một thời đẹp nhất của tuổi thanh xuân, là bảo vật tình yêu của ba mẹ tôi. Tôi run run cầm gói kỷ vật với tất cả sự xúc động mãnh liệt. Gói kỷ vật được trao gởi có nghĩa là mẹ chuẩn bị cho chuyến đi xa mãi mãi. Còn tôi giữ lại kỷ vật để thương nhớ, để xót xa và xem đó là chứng nhân cho cái lẽ vô thường.

Ngọn lửa được thổi bùng, cháy phừng phực, phả hơi nóng rát mặt và tỏa ánh sáng chói lòa màu vàng xanh. Cả kíp thợ đốt lò làm việc thoăn thoắt, các động tác thành thạo chung quanh các lò nấu đồng. Vị thầy trụ trì từ một ngôi chùa ở miền Nam với tấm lòng của  ngài Tam Tạng đi thỉnh kinh đã cất công tìm đến xưởng đúc đồng nổi tiếng này để đặt chiếc hồng chung. Thầy đang thực hành các nghi lễ, mọi người im lặng, không khí thiêng liêng chờ đợi mẻ đồng đầu tiên rót vào khuôn, sẽ có một chiếc đại hồng chung sắp ra đời. Hai bàn tay tôi chắp lại, bên trong là toàn bộ kỷ vật của mẹ tôi. Bài Chung kệ và bài Văn chung như một dòng suối dịu dàng trong tâm tưởng; thời gian như lắng đọng, mọi người tập trung nhìn dòng suối màu vàng lục, lóe sáng, phát ra một năng lượng mãnh liệt đang cuồn cuộn chảy. Tôi buông hai bàn tay, tất cả kỷ vật của mẹ tôi tan biến vào dòng chảy, những nữ trang quý báu đã được hóa thân. Khi dành món quà này cho tôi, mẹ chỉ mong sao tôi có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc để thay mẹ gìn giữ làm vật truyền thống của gia đình và nếu trong cuộc sống tôi gặp khó khăn thì món quà của mẹ cũng có thể giúp đỡ tôi phần nào. Những nữ trang của mẹ vừa có giá trị về vật chất nhưng chính nó đã mang một giá trị về tình cảm vô giá. Nghĩ đến cái lẽ chơn thường trong lẽ vô thường, tôi hạnh phúc nhìn những sợi vàng chảy khắp trong đại hồng chung mà tin rằng tiếng chuông sẽ mãi mãi mang ngọn gió thanh lương đến với mẹ và tất cả muôn loài. Hoa lửa từ các lò nấu chung quanh bùng lên rực rỡ như pháo hoa, tôi vui mừng đón nhận như những lời chúc an lạc, viên mãn.

Thầy trụ trì sẽ mang đại hồng chung này về phương

Nam

xa xôi. Tiếng chuông mang theo biết bao tâm nguyện của nhiều người và có cả tấm lòng của gia đình tôi gởi về quê mẹ. Thiết Vi u ám phải chăng là bóng tối, là sự đau khổ, là sự xấu xa, tội lỗi mà mỗi kiếp người phải mang nặng. Phạm âm của tiếng chuông vang tận ngục thất, đem an lạc đến những số phận bị đày đọa, những tâm hồn đang khổ đau. Trên những cánh đồng lúa trĩu hạt, trên những dòng phù sa mênh mang của phương

Nam

yêu thương âm vang của đại hồng chung sẽ chuyển lời cầu chúc đến mọi người, mọi nhà và cả vạn vật. Tôi xin được thay mẹ lạy thầy,  mong thầy mang hồng ân của Tam bảo đến tất cả chúng sanh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.
Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày