HT.Thích Gia Quang nói về truyền thông của Giáo hội

GN - Hôm nay,1-11, "Khóa bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý thông tin-truyền thông Phật giáo” do Ban Thông tin-Truyền thông (TT-TT) T.Ư phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An sẽ khai mạc tại chùa Thiên Châu, TP.Tân An với sự tham dự của khoảng 300 đại biểu. 

cong-tac-chuan-bi-khoa-tap-huan-thong-tin-truyen-thong-phat-giao-2019-44.jpg

HT.Thích Gia Quang và HT.Thích Minh Thiện kiểm tra công tác tổ chức khóa bồi dưỡng tại Long An
- Ảnh: phatgiaolongan.org

Trao đổi với PV Báo Giác Ngộ về khóa học, HT.Thích Gia Quang (ảnh), Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban TT-TT T.Ư, Trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội, Trưởng ban Tổ chức, cho biết:

- Khóa bồi dưỡng này tiếp nối sự thành công của các khóa học cũng do Ban TT-TT T.Ư tổ chức ở nhiệm kỳ trước. Trong khóa học này, Ban Tổ chức sẽ mời quý báo cáo viên có kinh nghiệm truyền đạt những kỹ năng cụ thể về công tác quản lý truyền thông Phật giáo.

Theo đó, sẽ có các chuyên đề được trình bày, bao gồm: “Một số vấn đề về hình ảnh Tăng, Ni trên mạng internet”; “Định hướng thông tin phát ngôn và truyền thông Phật giáo”; “Tăng, Ni với việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực TT-TT Phật giáo” và “Cần chuyên nghiệp hóa trong truyền thông Phật giáo”.

Mục đích khóa học là nhằm nâng cao năng lực quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực TT-TT Phật giáo dành cho chư Tăng Ni, Phật tử đang phụ trách chuyên ngành ở cấp tỉnh. Các khóa học trước chủ yếu tập trung vào những kỹ năng, nghiệp vụ cụ thể; khóa học lần này hướng sâu vào công tác quản lý.

Chính vì lẽ đó, một trong những yêu cầu của khóa học là các vị lãnh đạo đầu ngành TT-TT thuộc BTS GHPGVN cấp tỉnh cần tham dự để nắm bắt và điều hành hoạt động ngành tốt hơn sau khi hoàn tất và trở về địa phương.

Báo cáo tổng kết hoạt động Ban TT-TT T.Ư cuối năm 2018 ghi nhận việc xử lý kịp thời những thông tin phản ảnh về một số sinh hoạt của Tăng Ni và Phật tử không đúng pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội; truyền thông Phật giáo cũng đẩy mạnh việc đưa tin về các hoạt động Phật sự đối ngoại, quốc tế của Giáo hội, nên năm 2018, những thông tin tiêu cực về Phật giáo trên các trang báo chính thức giảm đi rõ rệt so với các năm từ 2014 đến 2017. Tuy vậy, từ đầu 2019 đến nay, các thông tin tiêu cực về Phật giáo dường như bùng phát và được khai thác nối tiếp nhau, trên cả báo chí chính thống lẫn trang mạng xã hội. Hòa thượng nhận định gì về hiện tượng này?

HT.Thích Gia Quang: Trong thời gian gần đây, các cơ quan thông tấn báo chí, các trang mạng xã hội có sự chú ý và hướng đến khai thác các thông tin từ sinh hoạt Phật giáo nói chung, từ biểu hiện của Tăng Ni, tự viện nói riêng. Đây vẫn là một trong những mảng nội dung và đề tài thu hút người xem, người đọc và nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội.

Có một thực tế cần quán triệt là việc các cơ quan truyền thông, các trang mạng xã hội có để tâm hay không, chúng ta không thể can thiệp. Vấn đề quan trọng ở đây chính là chúng ta cần có kỹ năng chuyên môn để định hướng truyền thông được tốt hơn, cũng như giúp cho xã hội giảm thiểu những cách hiểu lệch lạc về sinh hoạt Phật giáo. Và một trong những yếu tố có tính chất quyết định để làm được việc này chính là biểu hiện, việc làm của mỗi chúng ta, tức mỗi Tăng Ni, Phật tử và mỗi tự viện, đơn vị tế bào của Giáo hội. Chính vì lẽ đó, có thể khẳng định rằng, hình ảnh của Giáo hội luôn phụ thuộc vào biểu hiện của mỗi thành viên.

Trước những thông tin tiêu cực ngày càng dồn dập, phản ánh những biểu hiện dễ gây ngộ nhận và hiểu sai lệch về sinh hoạt Phật giáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua, Giáo hội các cấp đã đưa ra nhiều cách xử lý. Với tư cách là người đứng đầu Ban TT-TT Phật giáo cả nước, Hòa thượng đánh giá ra sao về hiệu quả của cách xử lý này?

HT.Thích Gia Quang: Nhìn lại những gì đã qua, chúng ta thừa nhận có sự lúng túng nhất định trong cách xử lý các sai phạm và những thông tin tiêu cực về Phật giáo được đăng tải. Điều này thể hiện qua việc chúng ta chưa thực sự chủ động và nắm bắt các vấn đề xảy ra để có cách ứng xử phù hợp, thiếu khả năng tìm hiểu và định hướng cách tiếp cận của giới làm truyền thông.

Riêng đối với các nhân sự trong cuộc bị phản ánh, nhiều lúc do không cẩn thận, đã bị cuốn theo thông tin được đăng tải, khiến cho một số vụ việc kéo dài, xuất hiện với tần suất cao, lan rộng ở mức chưa cần thiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội. Không những thế, trong nhiều trường hợp, các thông tin này lại không được chúng ta giải thích cụ thể, rõ ràng cho xã hội hiểu một cách tường tận.

Những năm gần đây, ngành TT-TT Phật giáo thường xuất hiện cụm từ “khủng hoảng truyền thông”, “xử lý khủng hoảng truyền thông”. Thực tế, các cấp Giáo hội đã nỗ lực vào cuộc thực hiện việc xử lý khủng hoảng truyền thông và không phải lúc nào cũng thành công. Trường hợp xảy ra tại chùa Nga Hoàng, dường như ai cũng nhận thấy ta đang cố gắng xử lý khủng hoảng này thì khủng hoảng khác lại xuất hiện và có dấu hiệu nghiêm trọng, gây xôn xao hơn trước. Theo Hòa thượng, điều đó do đâu?

HT.Thích Gia Quang: Với vụ việc cụ thể tại chùa Nga Hoàng (tỉnh Vĩnh Phúc), mọi vấn đề đều xuất phát từ vị sư Thích Thanh Toàn. Cá nhân tôi chưa từng được nghe tên cũng như được biết đến vị sư này, và tôi cũng khá bất ngờ trước các phát ngôn của thầy ấy liên quan đến tài sản. Chính đương sự đã tự nêu lên việc có một khối lượng tài sản khá lớn, nhưng qua tìm hiểu và từ các thông tin tổng hợp, chúng ta thấy không thể nào có số tiền lớn như vậy.

Như vậy, nguyên do lớn nhất của tình trạng khủng hoảng truyền thông liên tiếp nhau nằm ở yếu tố con người. Điều này có nghĩa là, nếu mỗi vị Tăng Ni, mỗi thành viên trong Giáo hội luôn tỉnh thức với việc mình làm, nương theo lời Phật dạy mỗi ngày mỗi chấn chỉnh tự thân, chung sức chung lòng, tận tâm góp phần làm trang nghiêm Giáo hội thì dù truyền thông có để ý vẫn không có vấn đề gì xảy ra. Ngược lại, chỉ một cá thể không chỉn chu, bị xuống cấp về đạo đức và tư cách, sống xa rời giáo lý nhà Phật và lý tưởng xuất gia thì chắc chắn sẽ tạo nên những tác động tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của Giáo hội, làm giảm đi niềm tin chân chánh của tín đồ, Phật tử.

Giáo hội đã ban hành Quy chế phát ngôn và được áp dụng từ nhiệm kỳ trước đến nay. Tuy vậy, trong một số vấn đề xảy ra, như gần đây là vụ việc liên quan đến ĐĐ.Thích Thanh Toàn (đương sự đã xin hoàn tục), chúng ta nhận thấy có sự thiếu nhất quán trong việc cung cấp thông tin từ phía các cấp Giáo hội, mà cụ thể là giữa BTS GHPGVN cấp tỉnh và HĐTS. Theo Hòa thượng, làm sao để hạn chế hiện tượng này?

HT.Thích Gia Quang: Để hạn chế sự chồng chéo trong phát ngôn khi có sự việc xảy ra thì người phát ngôn phải hết sức cẩn trọng. Mọi thông tin được đưa ra phải thận trọng, chuẩn xác, hợp tình, hợp lý và có sức thuyết phục. Người phát ngôn chỉ có thể làm được việc này khi phải luôn căn cứ vào các quy định của pháp luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự T.Ư trên cơ sở đối chiếu với sự việc cụ thể.

Theo quan điểm chúng tôi, những thông tin không thống nhất liên quan đến xử lý nhà sư Thích Thanh Toàn được công bố vừa qua cần được xem như là một bài học quý giá đối với những người làm công tác phát ngôn của các cấp Giáo hội.

Chân thành cảm ơn Hòa thượng!

Bảo Thiên thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày