Im lặng không phải lúc nào cũng hay

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1269 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

GNO - Gia đình anh em chúng tôi đều là Phật tử. Tôi thường gắn bó với chùa chiền và tham gia các hoạt động Phật sự nhiều hơn những người khác. Qua các thông tin nhiễu loạn trên mạng xã hội liên quan đến người xuất gia và chùa chiền, tôi và người em đã xảy ra tranh cãi, bất hòa.

Em tôi vì ít đi chùa, không hiểu nhiều giáo lý và chẳng gần gũi quý thầy nên ít nhiều đã tin vào các thông tin tràn lan trên mạng xã hội. Em nói với tôi rằng tu tập là sửa đổi thân tâm, không cần đi chùa nhiều vì hiện nay có nhiều chùa và người tu không tốt. Tôi nói với em rằng những thông tin trên mạng xã hội hiện nay hầu hết chưa được kiểm chứng, phần lớn do các người xấu tung ra với dụng ý riêng. Em tôi nói cứng rằng, nếu những thông tin ấy là sai thì tại sao giới Phật giáo im hơi lặng tiếng, gần như không ai lên tiếng phản đối hay phản biện? Thực lòng thì tôi cũng khá băn khoăn về ý kiến này, mong quý Báo có nhận định và chia sẻ.

(TÍN NHUẬN, tinhuan9…@gmail.com)

Bạn Tín Nhuận thân mến!

Có thể nói hiện nay trên mạng xã hội có quá nhiều thông tin bất lợi cho Phật giáo. Sự việc thì không phải mới mẻ gì, xoay quanh một vài vị xuất gia có những phát ngôn hoặc ứng xử thiếu chuẩn mực. Rồi cộng đồng mạng tha hồ khai thác và tung lên mạng xã hội những clip phê phán đạo Phật (cá nhân hoặc tập thể) bằng nhiều thủ thuật, phương cách, mục đích khác nhau. Đúng sai, phải trái, đen trắng thế nào về những câu chuyện này phải tỉnh táo xem xét rồi đánh giá, nhất là cần chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.

Với các thủ thuật truyền thông mạng (cắt, ghép…; dùng nick, bình luận, tương tác ảo) cùng với hội chứng đám đông hiếu kỳ, nếu không nhờ xác minh và kết luận của cơ quan chức năng thì thật giả khó phân. Trong khi đã có người nhanh chóng tin vào truyền thông mạng, thối thất niềm tin hoặc thậm chí quay lưng với đạo Phật, tôn giáo truyền thống của gia đình và đồng hành lâu đời cùng dân tộc. Chuyện bạn có những tranh cãi và bất hòa với người em về quan điểm tu học, chùa chiền, người xuất gia là một điển hình cho sự tác động của vô số thông tin bất lợi cho Phật giáo.

Giới Phật giáo nói chung thường ôn hòa, lắng nghe, nhẫn nhịn, không ưa tranh cãi hay tranh đấu. Trước những thông tin chưa đúng hoặc tiêu cực về đạo Phật, họ lắng nghe, những gì người ta nói đúng thì ghi nhận và sửa sai, nếu họ nói chưa đúng thì phần lớn chọn cách im lặng, không biện minh, tranh luận. Tin rằng, sự thật vẫn là sự thật. Những gì không đúng với sự thật sẽ được phơi bày, sáng tỏ, theo thời gian sẽ bị đào thải. Chính cách ứng xử này của giới Phật giáo có những cái hay và giá trị riêng trong tu tập, nhưng ở góc độ bão mạng thì đây là điểm yếu gần như tử huyệt, bị truyền thông bẩn lợi dụng và khai thác triệt để.

Ai cũng biết về các hiệu ứng truyền thông. Những gì chỉ đúng một phần, thậm chí có thể sai, dù chỉ mới thông tin chưa có kết luận nhưng nếu nhiều người nói, nhiều người nghe và luận bàn thì sẽ có người xu hướng hoặc tin theo. Thiển nghĩ, trong bối cảnh như hiện nay, những vị trách nhiệm về công việc hoằng pháp và truyền thông Phật giáo, hướng dẫn Phật tử... thuộc Giáo hội tiếp tục im lặng thì không phải là ứng xử phù hợp. Trong thời Đức Phật, trước nghịch cảnh bị công kích có đôi khi Ngài im lặng, còn phần lớn là đối thoại và phản biện, chỉ ra sự thật. Đến các thời kỳ sau, chư vị Tổ sư cũng tùy duyên trước tác các luận thư để đối thoại, phá dẹp các tà thuyết nhằm bảo vệ và xiển dương Chánh pháp.

Chúng ta đã có pháp luật bảo vệ danh dự và quyền lợi của công dân. Mọi người đều có quyền nói về ai hay bất cứ điều gì nhưng đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những gì mình đã nói. Các cá nhân hay tổ chức có các hành vi xuyên tạc, vu khống cá nhân hay đoàn thể Phật giáo có thể bị khởi kiện, đối luận một cách văn minh để chỉ ra sự thật v.v... Người Phật tử cần dựa trên pháp luật và phát huy tinh thần bi trí dũng để ứng xử phù hợp nhằm bảo vệ mình và góp phần giữ gìn hình ảnh trang nghiêm của Giáo hội.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày