Kết nối yêu thương

Làng phong nơi luôn cần được chia sẻ bằng những yêu thương
Làng phong nơi luôn cần được chia sẻ bằng những yêu thương
0:00 / 0:00
0:00
GN - Xuyên suốt cuộc hành trình về với bà con đồng bào dân tộc thiểu số đang sống tại “làng phong” ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên, có thể nói, cái tôi thu hoạch được nhiều nhất chính là những bài học về những yêu thương…

Đắk Lắk - những nỗi niềm

Đều đặn trong suốt 6 năm qua, năm nào, những người trẻ chúng tôi cũng thực hiện chuyến đi về Tây Nguyên. Với chuyến đi của năm nay, địa điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân đó là Trại phong Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nơi điều trị bệnh phong cho hơn 200 gia đình bà con dân tộc thiểu số.

Thấy có người đến, những người ở đây vui mừng, trò chuyện luyên thuyên không ngớt, vì cứ nghĩ do ảnh hưởng dịch Covid, năm nay sẽ không có ai ghé lại với họ. Anh YToên, một bệnh nhân ở trại nói với chúng tôi: “Bệnh thì không còn tái phát, nhưng những cơn đau thì vẫn còn đó, mỗi lần đau thì như dao cắt từng phần một, lúc đó chỉ muốn được ra đi để không còn đau đớn”.

Nghe mọi người chia sẻ mà thương: “Nhà nước hỗ trợ chi phí để đi cắt hoặc mổ, nhưng mọi người ở đây lại không dám vì không có tiền để dưỡng bệnh về sau. Trong cơn đau đớn ấy, đa số chỉ có thể nhờ đến việc dùng thuốc mà thôi”.

Gia Lai - nước mắt nhiều hơn nụ cười

Rời Đắk Lắk, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về thăm bà con làng phong cách ly tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, nơi sinh sống của những gia đình bị bệnh phong cùi rất nặng. Có thể nói, đây là địa điểm đã lấy đi rất nhiều nước mắt của chúng tôi trong suốt chuyến hành trình.

Ở làng phong Chư Sê, mỗi gia đình được cấp một căn nhà để sinh sống. Những năm trước, làng phong này có 30 hộ gia đình. Dần dần, số lượng vơi đi và đến năm nay chỉ còn 16 hộ. Những căn nhà bị bỏ hoang càng nhiều, đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người đã thoát khỏi sự đau đớn của bệnh tật, từ giã kiếp nhân sinh.

Đến thăm cụ bà Ami Men, khi được chúng tôi hỏi ông đâu rồi thì bà chỉ cười. Chúng tôi cũng tự hiểu ra rằng ông đã bỏ bà mà ra đi. Không thể tự sinh hoạt được vì bệnh đã lấy mất đi cả 4 chi, bà Ami Men đành phải sống nhờ sự giúp đỡ của bà con bên cạnh. Dường như rất ít ai biết đến Trại phong Chư Sê này để vào thăm, thế nên khi có người đến, người bệnh ở đây ai cũng tha thiết nhắn nhủ: “Chúng tôi không cần tiền. Hãy cho chúng tôi đồ ăn, mì gói, vì không ai vào đây buôn bán. May lắm cả tháng mới vào một lần. Mọi người ở đây chỉ biết cùng nhau trồng rau, ăn uống thanh đạm, sống qua ngày”.

Kon Tum - nơi cần chia sẻ bằng những yêu thương

Rời Gia Lai, chúng tôi hướng về Kon Tum để đến với làng phong Đăk Kia, nơi có hơn 200 hộ dân mắc bệnh phong đang cư ngụ. Ở đây, họ cùng nhau sinh sống, dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và được các y tá chăm sóc.

Khi phát kẹo, bánh cho các em nhỏ ở làng phong, khi tôi hỏi các em học lớp mấy thì có em trả lời: “Dạ, đâu có học”. Tôi hỏi vì sao, em trả lời ngắn gọn: “Nhà ba mẹ em không đủ ăn, lấy gì đi học”. Đáp lại thắc mắc của tôi rằng lý do gì có trợ cấp mà em lại không đi học thì nhận được lời giải thích rằng nếu các em có đi học thì cũng không có tiền mua sách vở, trường xa, rồi không ai đi làm để phụ ba mẹ nuôi em. Mẹ các em cũng bị tật và ba cũng vậy. Với tình cảnh đó, thử hỏi làm sao em đi học được. Nghe đến đây, tôi chỉ ước gì có một phép màu để họ không còn đau khổ nữa.

Cho em những chiếc kẹo

Cho em những chiếc kẹo

Chúng tôi chia nhau đến từng nhà tặng quà và thăm hỏi mọi người. Một cụ bà 90 tuổi nói với chúng tôi: “Sống ở đây gần một đời người rồi, quen với căn bệnh này. Đau thì biết uống thuốc giảm đau hoặc là kêu y tá chứ không thể làm gì hơn”. Bà kể những lúc bị chảy máu, lở những chi tay chân, lúc đó chỉ muốn được về với ông bà cho sớm để không còn bị đau đớn.

“Mặc cảm nhất là bị mọi người xa lánh vì sợ lây bệnh, nhưng chúng tôi có uống thuốc và được ngăn rồi thì làm sao mà lây. Dần rồi quen nên cũng không còn buồn phiền gì nữa”, cụ bà nói trong buồn tủi. Nghe tất cả mọi người gửi lời cảm ơn vì năm nào chúng tôi cũng đến, không bỏ họ, trong lòng chúng tôi dâng lên một sự bồi hồi, thương cảm vô cùng.

*

Mỗi chuyến đi đến làng phong là mỗi lần mang đến cho tôi những cung bậc cảm xúc khác nhau. Nhìn những con người đang vật vã chống chọi với bệnh tật, nhiều người trong chúng tôi không khỏi xúc động trước nghị lực sống của họ. Khi rời những làng phong, lên xe ra về, các thành viên trong đoàn mang nặng những nỗi ưu tư về cuộc sống cơ cực của bà con. Trên hết, đó là niềm hy vọng lần sau đến đây, những “cư dân” đặc biệt ở làng vẫn sẽ vẫn đông đủ như hôm nay. Thầm chúc cho họ được lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn, vì bất cứ lúc nào, người làng phong cũng luôn mặc cảm thiếu thốn, cần được sưởi ấm bằng những yêu thương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày