Đi tìm “ánh sáng” cho người khiếm thị

0:00 / 0:00
0:00
GN - Đối với chúng ta, việc khiếm khuyết bất cứ bộ phận nào trên cơ thể cũng đều mang lại mất mát, tự ti và hơn hết là nỗi đau tinh thần khó có thể xoa dịu.

Đặc biệt, đôi mắt luôn được ví như chiếc ống kính đẹp nhất, rực rỡ sắc màu và là phương tiện biểu hiện cảm xúc của mỗi cá nhân, thế nhưng trong đôi mắt của người khiếm thị chỉ có khoảng tối vô hồn. Cũng vì mất đi ánh sáng, người khiếm thị là một trong số những đối tượng gặp nhiều khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống.

“Đôi mắt” cho người khiếm thị

Là cựu học sinh Trường Trung học Phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Huỳnh Minh Nhật và Trịnh Quốc Huy đã sáng tạo nên công nghệ mắt kính thông minh hỗ trợ người khiếm thị trong sinh hoạt. Sản phẩm này của hai bạn đã đoạt giải Ba tại kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và một số đơn vị tổ chức.

Nói về cơ duyên đưa đến việc nghiên cứu, chế tạo nên sản phẩm đặc biệt nói trên, Minh Nhật cho biết: “Trong gia đình mình có người thân bị bệnh về mắt, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Tụi mình có kiến thức về trí tuệ nhân tạo nên đã ngồi bàn bạc lại với nhau để nghiên cứu chế tạo sản phẩm với mục đích giúp đỡ phần nào đó cho cuộc sống người khiếm thị”.

Nói nửa vui nửa thật, Huy và Nhật đã dành cả “thanh xuân” để tìm hiểu, khảo sát ở các trung tâm và các hội nhóm dành cho người khiếm thị. Các bạn nhận ra nhu cầu chính yếu của người khiếm thị là mong muốn có thiết bị hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong đời sống như đọc sách, di chuyển, tìm đồ vật trong nhà, nhận diện người quen hay nhận diện mệnh giá tiền mặt, tìm kiếm thông tin… Từ đó hai bạn trẻ đã lên ý tưởng tạo ra chiếc mắt kính tích hợp trợ lý ảo (Google Assistant) và thị giác máy tính (Computer Vision).

Huỳnh Minh Nhật (trái) và Trịnh Quốc Huy tại kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26

Huỳnh Minh Nhật (trái) và Trịnh Quốc Huy tại kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26

Sản phẩm có nhiều tính năng nổi bật như: tìm kiếm đồ vật (xác định vị trí đồ vật), đọc sách (các đoạn văn bản), nhận diện danh tính của người quen, gợi ý thông tin theo yêu cầu, nhận diện biểu cảm trên khuôn mặt, nhận diện mệnh giá tiền, hỗ trợ người khiếm thị di chuyển (cảnh báo vật cản). Cơ chế hoạt động của sản phẩm là nhận diện bằng camera, sau đó xử lý và phân tích dữ liệu bằng thuật toán Deep Learning đã được lập trình, cuối cùng gửi kết quả về cho trợ lý ảo rồi truyền lại qua tai nghe.

Tuy nhiên, để sáng tạo ra một sản phẩm công nghệ tương đối hoàn chỉnh, đáp ứng nhiều yêu cầu và ứng dụng được vào thực tiễn là cả hành trình dài với vô vàn khó khăn, theo như chia sẻ của Huy và Nhật. Khó khăn không chỉ là làm sao để sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế, đồng hành một cách hiệu quả cùng người khiếm thị trong cuộc sống, mà hơn hết, hai bạn trẻ không có đủ kinh phí để phục vụ cho quá trình nghiên cứu lâu dài.

Không bỏ cuộc

Khắc phục những thiếu sót, Trịnh Quốc Huy và Huỳnh Minh Nhật vẫn đang tìm tòi, tiếp tục học hỏi thêm nhiều kiến thức mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để phát triển sản phẩm. “Tụi mình sẽ cố gắng hoàn thiện bản tân tiến nhất, phù hợp nhất rồi sau đó sẽ tính đến chuyện công bố sản phẩm chính thức đến tay người dùng. Người khiếm thị cần một thiết bị thực sự có ích trong đời sống, giúp họ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng”, Nhật chia sẻ.

Trí tuệ nhân tạo hiện nay được nhắc đến rất nhiều trong cách mạng công nghiệp 4.0, là một phần gắn liền với cuộc sống hiện đại. Smartphone là thành quả của trí tuệ nhân tạo, robot công nghệ, xe tự lái,... Trí tuệ nhân tạo (AI) là chìa khóa khai mở thế giới tương lai, giúp cuộc sống của nhân loại dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực nhiều thử thách, đòi hỏi người trẻ bền bỉ, có niềm đam mê, và nhiều quyết tâm.

Đi cùng công việc đầy thiết thực và ý nghĩa, nhiều tâm sự từ hai bạn trẻ khiến người nghe không khỏi xúc động: “Có đôi lúc khó khăn rất nhiều, nhưng chúng mình chưa bao giờ nghĩ đến bỏ cuộc. Niềm đam mê, và nghĩ đến lợi ích mà người khiếm thị được nhận, là động lực giúp chúng mình cố gắng hoàn thiện sản phẩm này tốt hơn mỗi ngày”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày