GN - Nhà sư ấy ở Mái ấm Kim Phước (chùa Kim Phước, ấp Hiệp Quới, xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.
Trồng người nơi quê nghèo
Tôi tìm đến Mái ấm Kim Phước vào một buổi chiều. Miền quê này, 8g tối nhà nhà đã kín mít cửa. Cũng may là tôi bắt kịp chuyến đò cuối cùng trước khi chủ đò gác máy nghỉ ngơi…
Trong lúc chờ đò sang sông, tưởng tôi thuộc nhóm từ thiện, xuống mái ấm tiền trạm để giúp đỡ, bác Tám Miên nhắn nhủ: “Cháu về trên Sài Gòn coi ai có tâm đạo xin họ trợ duyên để thầy đỡ cực. Ở đây mà không có cái mái ấm của chùa Kim Phước, không có ông thầy là người già, trẻ em bị bỏ rơi không có nơi nương tựa, không được học hành. Hồi đó giờ tui chưa thấy ai như thầy Giác Bổn. Tui quê ở đây, mồ mả ông bà ở đây mà đôi lúc còn muốn bỏ quê đi chỗ khác lập nghiệp, vậy mà ông thầy trẻ lại tìm đến đây tu, hoằng pháp. Làm việc cực mà thầy cười toe toét suốt ngày hà…”.
Thầy Giác Bổn có hạnh nuôi trẻ mồ côi - Ảnh: Ngọc Trân
Vượt qua con đường ngoằn ngoèo, cuối cùng tôi cũng tìm đến nơi. Khi đến nơi tôi không khỏi ngỡ ngàng vì chùa ngổn ngang gạch đá, ngôi chánh điện xây dở dang và khu mái ấm thì tinh tươm, sạch sẽ. Đón tôi ngoài sân chùa, thầy Giác Bổn bảo: “Đáng lẽ công trình này xây xong rồi nhưng chùa để dành tiền nuôi các bé, chăm các cụ nên không dám làm liều”. Nói đến đây, bỗng nghe tiếng trẻ khóc từ phía mái ấm, vậy là câu chuyện thầy kể bị ngắt ngang giữa chừng!
Trong lúc thầy chăm em bé, cô Thêm, bảo mẫu thỏ thẻ: “Cháu thông cảm. Cháu bé thầy đang dỗ dành bị bệnh tim. Mỗi lần bé lên cơn sốt, khóc thét là thầy qua dỗ. Vì chưa đủ tiền chữa, lúc nó đau nó khóc, thầy ấy xót ruột lắm”.
Nhìn thầy chăm sóc đứa bé, một tay ẵm, một tay cầm bình sữa cho bé bú - sự thuần thục của thầy không khác gì người mẹ. Vừa dỗ dành bé, thầy vừa vuốt ve nựng nịu. Bé uống xong sữa, thầy lại địu đi khắp phòng. Vừa ẵm, thầy vừa niệm Phật thì thầm để xoa dịu cơn đau của bé. Đến khi bé hết khóc, chịu ngủ rồi thì thầy mới để xuống giường cho bảo mẫu chăm.
Theo bà con gần chùa thì thầy Giác Bổn thương con nít đến lạ lùng. Nghe ở đâu có trẻ mồ côi, tội nghiệp, không ai chịu nhận nuôi là thầy đem về nuôi dưỡng. Hỏi ra mới biết, để được thầy trụ trì cho phép nuôi trẻ, thầy đã tốn cả tháng trời thuyết phục. Vì vốn, trước đó mái ấm chỉ đủ khả năng nhận nuôi người già neo đơn.
Khi thầy trụ trì cho phép rồi, thầy Giác Bổn lại bị các cụ già trong xã can ngăn vì sợ thầy bị đàm tiếu; thầy còn trẻ mà nuôi con nít rất dễ bị lời ra tiếng vào. Mỗi lần như vậy thầy đều bảo không sợ tiếng đời đàm tiếu mà chỉ sợ… thiếu tiền nuôi trẻ. Theo ngày tháng, thấy thầy tảo tần cực quá, nên mọi người ngày nào rảnh là đến chùa giúp một tay chăm trẻ chứ không còn ngăn cản nữa…
Hạnh khiêm cung của thầy Bổn
Tám năm gắn bó nơi đây, làm nhiều việc giúp ích cho cuộc đời là vậy nhưng mỗi lần nhắc đến công lao là thầy lại khước từ. Thầy không muốn khoe khoang những việc mình làm. Thầy không bao giờ nói mình đã làm được việc gì cho bất cứ ai nghe. Chỉ có thầy trụ trì Thích Nhuận Tâm, gần gũi với thầy Thích Giác Bổn mới biết rõ những việc mà thầy đã dày công, tâm huyết thực hiện.
Thầy trụ trì chia sẻ: “Giác Bổn khiêm cung lắm. Thầy ấy nuôi trẻ, mấy đứa trẻ ngoan lắm. Đi học về chiều nào cũng tụng kinh, lễ phép. Ngày xưa tui tổ chức một tháng tu một ngày, Giác Bổn về, tổ chức được ba ngày liên tục. Còn giảng pháp cho tụi nhỏ thì thường xuyên. Người dân đến tu thì tăng gấp 5, 6 lần. Phật pháp cũng đến gần với bà con xóm nghèo”.
Thầy trụ trì bộc bạch thêm, rằng: “Từ ngày Giác Bổn về đây, tui đỡ lắm. Tui có nhiều đệ tử nhưng rồi chùa khó khăn, hết duyên nên ai cũng đi hết, chỉ có mỗi Giác Bổn là đến và ở lại phụ tui”.
Có được lời nhận xét ân cần, thắm tình đạo vị ấy vì thầy Giác Bổn chuyên cần cả trong nghiên cứu Phật học, lên mạng tìm bài giáo lý gần gũi, dễ hiểu để giảng cho Phật tử và mấy em nhỏ trong xóm. Hay, chỉ cần trong mái ấm có một người bệnh là thầy Giác Bổn lại thức trắng đêm. “Chính vì quá tâm huyết, luôn sống vì mọi người và nặng lòng với việc hoằng pháp nên tôi tin tưởng ủy nhiệm thầy ấy làm phó trụ trì, phụ tui quán xuyến, chăm lo cho chùa, mái ấm”, thầy trụ trì cho biết.