Khói hương mờ mịt chùa, đền

GNO - Tối 30-1-2012, tức mồng 8 tháng Giêng năm Nhâm Thìn, hơn một vạn người đứng ngồi chật kín gần 1 km đường trên phố Tây Sơn và cầu vượt Ngã Tư Sở để tham gia lễ giải hạn cầu an ở chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Trong những ngày trước và sau Tết, nhiều chùa ở Hà Nội tấp nập người đến xem sao chiếu mệnh và đăng ký dâng sao, giải hạn trong năm mới. Nhiều gia đình mất cả bạc triệu cho công việc này với mong muốn năm mới tốt lành.

IMG_2515.jpg

Trước chính điện chùa Quán Sứ

Hết Tết Nhâm Thìn, chúng tôi theo dòng người đi lễ các đền chùa ở Hà Nội, thấy chùa, đền, phủ nào cũng đông nghịt khách đến lễ Phật cầu may mắn. Ấn tượng khi đến chùa Quán Sứ đó là không khí ngột ngạt bởi khói hương mù mịt, tro vàng mã bay lả tả khắp sân chùa. Ba đỉnh hương lớn đặt ngoài sân chùa phía trước chánh điện khói um bởi hàng hàng trăm que, hàng ngàn que hương đang cháy, hòa quyện cùng khói từ những thẻ nhang trên tay những người lễ Phật. Hai lò đốt vàng mã tọa lạc hai bên cổng chùa luôn cháy rực khiến tro bay phủ kín khắp sân chùa. 

Đến chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh hay Phủ Tây Hồ đều gặp cảnh như vậy. Người đi lễ chùa đông nghịt đến mức rất khó len chân được bên trong chính điện chùa, nên nhiều người đành bái vọng ngoài sân.

 Nhìn những bãi giữ xe máy tạm thời mới thấy  đây là mùa “hốt bạc” của giới trông coi xe máy. Toàn bộ con đường Thanh Niên đã “biến” thành bãi gửi xe máy mênh mông, lúc nào cũng đầy ắp hàng nghìn xe, mỗi lượt gửi thu 10.000đ, theo ước tính của chúng tôi, những người trông coi xe máy cho người đi lễ chùa Trấn Quốc thu về vài chục triệu đồng mỗi ngày.

 Khách đến lễ chùa đầu năm không chỉ cầu may mà còn chen chân xếp hàng đăng ký dâng sao giải hạn. Cúng sao giải hạn là một tập tục tồn tại từ lâu đời, vốn không mang tinh thần đạo Phật nhưng thời nay dường như ngày càng bành trướng tại Việt Nam, vào nhiều chùa chiền.

 Chùa Phúc Khánh ở gần cầu vượt Ngã Tư Sở từ nhiều năm nay đã rất nổi tiếng với hoạt động dâng sao, giải hạn. “Tiếng lành” đồn xa, ngày càng nhiều người đến đăng ký để được nhà chùa làm lễ cắt sao xấu, giải vận hạn không may mắn. Để phục vụ người đến đăng ký giải sao, chùa Phúc Khánh bố trí tới 4 bàn đón tiếp và ghi tên tuổi các thân chủ. Trong những ngày trước và sau Tết, các bàn nhận đăng ký dâng sao giải hạn ở đây luôn hoạt động rất nhộn nhịp.

Một người chuyên ghi chép tên thân chủ đăng ký giải hạn và thu tiền ở đây giảng giải cho chúng tôi biết: Mỗi người vào mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh, tất cả có 9 ngôi sao, cứ 9 năm lại luân phiên trở lại. Có sao tốt có sao xấu: 3 sao Tốt gồm Thái dương, Thái Âm, Mộc đức; 3 sao Xấu là La hầu, Kế đô, Thái bạch và 3 sao Trung gồm Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu. Khi ở những tuổi nhất định (có Bảng tính sẵn) mà gặp sao hạn sẽ không may, cần giải hạn. Chùa Phúc Khánh tổ chức lễ giải hạn sao La Hầu vào đêm 8 tháng Giêng âm lịch; giải hạn sao Thái Bạch vào đêm 15 tháng Giêng; giải hạn sao Kế Đô vào đêm 18 tháng Giêng.

Vào những ngày diễn ra lễ giải hạn, ở đây thường diễn ra tình trạng quá tải. Vào 7 giờ tối ngày mồng 8 tháng Giêng âm lịch, Chùa Phúc Khánh tổ chức lễ giải hạn sao La Hầu. Thế nhưng để có được chỗ ngồi trong chùa, người ta phải đến dành chỗ từ 3-4 giờ sáng. Đến trưa thì trong khuôn viên chùa đã không còn chỗ ngồi, bởi vậy từ đầu giờ chiều, lực lượng bảo vệ tại đây đã không cho thêm ai vào qua cổng chùa. Những người đến vào buổi chiều trở đi phải lót giấy báo ngồi ở ngoài đường Tây Sơn, hướng về chùa để tham dự lễ giải hạn. Hơn một vạn người đứng ngồi chật kín gần 1 km đường trên phố Tây Sơn và cầu vượt Ngã Tư Sở để tham gia lễ giải hạn cầu an ở chùa Phúc Khánh qua loa phóng thanh.

IMG_2599.JPG

Hàng ngàn người "bái vọng" chùa Phúc Khánh từ phố Tây Sơn để cầu giải hạn
(Ảnh chụp tối 30-1-2012)

Những năm trước đây, sau khi các khóa lễ tụng kinh, nhà chùa đọc danh sách tên những người được giải hạn trên loa phóng thanh. Nhưng mấy năm trở lại đây vì số lượng người đăng ký xin giải hạn lên tới hàng vạn người, nên nhà chùa không thể có thời gian đọc tên từng người được giải hạn nữa mà chọn giải pháp dán tên danh sách người đăng ký giải hạn lên khắp các vách tường xung quanh chùa, cứ chỗ nào trống là dán. Bác Thanh ở Thái Thịnh bày tỏ sự băn khoăn: “Đóng tiền giải hạn rồi, nhưng không năm nào vào lúc giải hạn tôi vào được chùa. Hầu hết mọi người phải đứng ngoài đường Tây Sơn để bái vọng vào. Chỉ dán có dàng tên 4 người trong gia đình tôi bé xíu chưa đến 10cm2, chẳng biết sao nữa, nhưng nếu không giải hạn thì không yên tâm”.

Việc điều chỉnh hành vi, thái độ của người đến lễ chùa, đặc biệt là những tập tục như dâng sao giải hạn do nhà chùa tổ chức theo nhu cầu của nhiều người và sự lạm dụng giáo lý “phương tiện” của đạo Phật, xem ra là “chuyện dài nhiều tập”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1246 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Con đường đến Sơ quả

GNO - Sơ quả hay Tu-đà-hoàn là quả vị Thánh đầu tiên mà người Phật tử có thể chứng đạt ngay hiện đời. Trong rất nhiều kinh, Đức Phật dạy muốn thành tựu Sơ quả thì trước tiên cần thành tựu giới, kế đến chứng đắc định (bốn bậc thiền), sau đó phát huy tuệ đoạn trừ ba kiết sử đầu tiên: Thân kiến, giới cấm thủ và nghi.

Thông tin hàng ngày