HT.Danh Nhưỡng - Phó Pháp chủ HĐCM, HT.Thích Trí Quảng - Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Phật giáo Quốc tế TƯGH, HT.Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS, TT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch HĐTS kiêm Trưởng ban Hoằng pháp TƯGH, Trưởng ban Tổ chức khóa Hội thảo Hoằng pháp tại Kiên Giang cùng chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS, các ban ngành TƯGH đã quang lâm chứng minh buổi lễ.
Đoàn cung nghinh chư tôn đức di chuyển về Sân vận động Kiên Giang
Các ông Hà Văn Núi - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQVN, Trương Quốc Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Bùi Hữu Dược - Vụ trưởng Vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ cùng lãnh đạo các cơ quan, ban ngành tỉnh Kiên Giang, TP.Rạch Giá đã đến dự. Ngoài ra còn có sự hiện diện của chư tôn đức Tăng Ni thuộc Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành hội trong toàn quốc, chư vị trụ trì các tự viện, Tăng Ni sinh các trường Phật học, các đạo tràng tu tập, các nhân sĩ trí thức, các nhà doanh nghiệp và đồng bào Phật tử trong cả nước, các cơ quan thông tấn báo chí T.Ư và địa phương, trên 1.000 vị giảng sư toàn quốc và gần 20 ngàn Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh Kiên Giang.
Toàn cảnh lễ khai mạc
Phát biểu khai mạc buổi lễ, TT.Thích Bảo Nghiêm đã giới thiệu khái quát truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đồng hành cùng dân tộc. "... Du nhập vào nước ta từ thế kỷ thứ nhất đến nay, Phật giáo bao giờ cũng đồng hành cùng dân tộc để xây dựng đạo pháp và phát triển đất nước, trong tinh thần “Hộ quốc an dân”. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu ra đời và trở thành một trong những trung tâm hoằng pháp Phật giáo nổi bật trước cả Bành Thành và Lạc Dương của Trung Hoa. Các Thiền sư Mâu Bác, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương Tiếp… vừa nghiên cứu, dịch thuật, vừa hóa đạo ở Việt Nam. Các Ngài là những hạt nhân trọng yếu làm nền tảng cho buổi đầu xây dựng sự nghiệp hoằng pháp tại Giao Châu", bài phát biểu khẳng định.
TT.Thích Bảo Nghiêm phát biểu khai mạc Hội thảo
Nghi thức khai mạc Hội thảo
Tiếp nối tinh thần đó, Hội thảo chủ đề “Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc an dân” lần này được khai mạc tại vùng đất Kiên Giang trù phú, cùng với nhiều hoạt động diễn ra song hành như tổ chức Đại lễ cầu quốc thái dân an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh qua 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, từ thiện xã hội, cứu trợ đồng bào nghèo, gia đình chính sách, tặng nhà đại đoàn kết, tặng xe đạp cho học sinh hiếu học, xây cầu bê tông…
Ông Trương Quốc Tuấn phát biểu
Dâng hoa cúng dường
Bài phát biểu cũng thể hiện sự tin tưởng, với nội dung phong phú, đa dạng, thực tiễn, xoay xung quanh trục chủ đề lớn “Hoằng pháp với truyền thống hộ quốc an dân”, khóa Hội thảo Hoằng pháp không chỉ truyền tải nội dung hoạt động chuyên môn, cải đổi phương thức truyền bá Chánh pháp cho các đối tượng, vùng miền có văn hóa, phong tục khác nhau mà còn mở ra một phương cách hoằng pháp mới, phù hợp với thời đại ngày nay. Ngành hoằng pháp đang chuyển mình và phát triển đúng hướng, cho thấy cái nhìn tổng thể về vai trò trách nhiệm của người hoằng pháp trong thời hội nhập. Điều đó một lần nữa khẳng định đường hướng, chủ trương của ngành hoằng pháp đã góp phần tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc trước vận hội mới.
Công tác từ thiện nhân Hội thảo
Báo cáo công tác chuẩn bị Hội thảo, TT.Thích Tấn Đạt - Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp TƯGH cho biết, sau gần một năm, kể từ khi đơn vị Tỉnh hội Phật giáo Kiên Giang được Ban Hoằng pháp Trung ương và đại biểu Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Đà Nẵng trao quyền đăng cai tổ chức lần này, các bên liên quan đã tiến hành nhiều cuộc trao đổi và thống nhất về công tác tổ chức.
Đây là khóa hội thảo quy mô và được tổ chức trên diện rộng khi địa điểm tổ chức lễ khai mạc và bế mạc tại Sân vận động tỉnh; tập huấn Hoằng pháp viên tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Khóa tu cho quý nam nữ Phật tử hoằng pháp viên, đồng bào Phật tử và Đại lễ cầu nguyện “Quốc thái dân an, cầu siêu anh hùng liệt sĩ, văn hóa ẩm thực chay, triển lãm” tại Công viên Văn hóa An Hòa; khai mạc và hiến máu nhân đạo tại chùa Phật Quang; Hội thảo chính tại chùa Phật Quang, thảo luận nhóm tại 6 tự viện, tịnh xá: các chùa Tam Bảo, Láng Cát, Phổ Minh, tịnh xá Ngọc Tâm (TP.Rạch Giá), chùa Bửu Thọ, Vĩnh Phước (huyện Châu Thành) và Tam Bảo (thị xã Hà Tiên). Dịp này, Ban Tổ chức còn đưa đại biểu tham quan một số cơ sở Phật giáo như: chùa Tam Bảo, chùa Láng Cát (TP.Rạch Giá),
TT.Thích Tấn Đât báo cáo công tác chuẩn bị Hội thảo
HT.Thích Trí Quảng ban đạo từ
Có tất cả 8 nhóm chủ đề sẽ được thảo luận lần này bao gồm: Hoằng pháp với đồng bào dân tộc, hoằng pháp với thanh thiếu niên, hoằng pháp với công tác từ thiện xã hội, hoằng pháp thời hội nhập, hoằng pháp với Phật tử hải ngoại, hoằng pháp với vấn đề môi trường và thay đổi khí hậu, hoằng pháp với việc xây dựng chùa văn hóa tâm linh, hoằng pháp với du lịch tâm linh... Song song đó, một loạt các hoạt động văn hóa nghệ thuật Phật giáo mang tính quần chúng sẽ được luân phiên tổ chức trong 5 ngày diễn ra Hội thảo. Dịp này, Ban Tổ chức tặng 200 căn nhà đại đoàn kết cho các đối tượng chính sách, người nghèo (tổng giá trị 3 tỷ đồng), tặng quà Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, phát học bổng học sinh học giỏi, phát xe đạp cho học sinh nghèo, phát quà từ thiện, xây cầu đường nông thôn, khám chữa bệnh cho người nghèo (tổng trị giá gần 3 tỷ đồng); tổ chức cho Tăng Ni, Phật tử hiến máu nhân đạo...
Tại lễ khai mạc, các đại biểu đã nghe phát biểu chào mừng của UBTƯ MTTQVN, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, Ban Trị sự PG tỉnh Kiên Giang và đạo từ của HĐTS TƯGH...
Diễu hành xe hoa qua lễ đài
Tại buổi lễ, đoàn xe hoa của Phật giáo Kiên Giang đã diễu hành qua lễ đài chính cùng một số tiết mục văn nghệ chào mừng chư tôn đức và đại biểu.
Ngày mai, Hội thảo bắt đầu đi vào nội dung chính với phần thuyết trình đầu tiên của HT.Thích Trí Quảng chủ đề: "Hoằng pháp là sứ mệnh thiêng liêng của người con Phật" vào lúc 7 giờ 30 tại Hội trường lớn chùa Phật Quang - TP.Rạch Giá.