Kinh Duy Ma: Bài 5 >> Phẩm 5: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thăm bệnh

Kinh Duy Ma: Bài 5 >> Phẩm 5: Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thăm bệnh
Kinh Duy Ma xác định Thanh văn và Bồ tát sở đắc thuộc tam thừa giáo, đều không đạt được chân lý, chỉ hiểu được một phần, nên việc làm còn giới hạn. Vì vậy, đến phẩm này, Bồ tát Văn Thù đăng tràng để chỉ ý nghĩa Bồ tát vô sở đắc hay nhất thừa tiêu biểu cho hiểu biết toàn diện. Từ đây mới ứng dụng giáo lý vào đời có kết quả, mới giải quyết được vấn đề bệnh hay nghiệp chúng sinh. Đó là vấn đề nằm ngoài  khả năng của chúng tam thừa.

Sau khi phê phán sai lầm của Thanh văn và Bồ tát, tất yếu phải mở cánh cửa đúng cho mọi người đi vào, bằng cách giới thiệu hai nhân vật là Bồ tát Văn Thù và Duy Ma. Cả hai vị này thể hiện mô hình hành đạo đúng pháp ở Ta bà. Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là nhân vật tiêu biểu cho trí tuệ, hoàn toàn vô hình, không phải người thật. Nói cách khác, Văn Thù chính là trí tuệ của Đức Thích Tôn. Đức Phật nhập diệt, nhưng trí của Ngài để lại, giáo đoàn sử dụng rời rạc, méo mó, không có kết quả. Phải mượn hình ảnh Bồ tát Văn Thù để nói lên thật trí của Đức Phật toàn thiện, toàn bích mới giải quyết được khó khăn tồn tại.

Với ngũ trí nghiêm thân, Bồ tát Văn Thù quán sát tất cả việc làm của Duy Ma không có kẽ hở để phê phán; nhưng Ngài phụng mệnh sự ủy thác của Đức Phật đến vấn an Duy Ma. Điểm này quan trọng, gợi cho chúng ta nhận thức hai ý. Ý thứ nhất, việc khó, nhưng Đức Phật ra lịnh, chúng ta không từ chối; nghĩa là nương Phật huệ mà hiện hữu trên cuộc đời, sẽ không cảm thấy lo sợ, vì Phật phải có trách nhiệm bảo hộ chúng ta. Ý thứ hai cao hơn, Phật mang ý nghĩa sáng suốt. Đứng ở lập trường sáng suốt giác ngộ do thể nghiệm được giáo pháp, thì đến với đời, chúng ta hiện hữu bất cứ nơi nào tùy nghi giải quyết, đều thành công.

Đứng ở lập trường Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát như 14 đệ tử tiêu biểu không dám đến thăm Duy Ma, nghĩa là các Ngài từ khước xuất hiện trên cuộc đời, để nói lên vấn đề tu hành sống với công thức sẽ thất bại, vì lịch sử không bao giờ tái diễn giống nhau. Vì vậy, nương tuệ giác Phật vào đời, tuy gặp nhiều khó khăn hay 84.000 phiền não trần lao, hành giả dùng tuệ giác rọi vô từng phiền não trần lao, biết rõ nó và vận dụng được, nên không sợ. Bồ tát vào đời giáo hóa chúng sinh giải quyết mọi gút mắc, phải luôn luôn trang bị tuệ giác. Rời tuệ giác, tu Bồ tát đạo trở thành Bồ tát có trước có phược, bị ràng buộc đủ cách, khó vượt khỏi lưới ma. Vì công thức có sẵn, ai cũng biết thì ma dư biết, thừa sức để phá. Bồ tát phải biết rõ những gì người không biết, mới hành đạo bình ổn ở Ta bà.

Bồ tát Văn Thù gặp Duy Ma trên chân lý. Đáng lẽ không còn gì để nói, phải kết thúc bộ kinh Duy Ma ở đây. Nhưng thực tế khi  Bồ tát Văn Thù nhận lời thăm bệnh Duy Ma, thì 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn, trăm ngàn thiên, nhân liền đi theo. Vì những người đi theo mà Bồ tát Văn Thù phải nói, cũng có nghĩa là Bồ tát Văn Thù và Duy Ma đối đáp với nhau, tạo thành cảnh duyên, giúp cho đại chúng hiểu về Đức Phật, về chân lý của Ngài.

Bồ tát Văn Thù là bậc đại trí, nhưng chúng ta đọc từ đây về sau, hầu hết Ngài hỏi và Duy Ma trả lời. Bồ tát Văn Thù mà phải hỏi Duy Ma và Duy Ma lại trả lời trôi chảy làm tôi cảm thấy hơi buồn, vì nghĩ rằng giới xuất gia thua người tại gia. Tuy nhiên lớn lên, hiểu lý kinh, tôi thấy thương cả Bồ tát Văn Thù và Duy Ma. Hai Ngài là biểu tượng cho chúng ta quan sát. Không có hai Ngài, chúng ta mãi đi theo lối mòn cũ. Phật giáo phát triển cũng nhờ sự tồn tại của chân đế và tục đế, để chúng ta quan sát và phát triển tư duy.

Tôi suy nghĩ thấy Văn Thù hỏi, Duy Ma trả lời mới thật hay và đúng nghĩa. Thật vậy, đạo Bồ tát lấy hạnh làm chính, nghĩa là chúng ta phải hiểu giáo pháp qua hành động. Nếu chỉ hiểu ở mặt suy lý thuộc về triết lý suông, không lợi ích gì. Hiểu cuộc đời qua hành động, tiêu biểu bằng nhân vật Duy Ma là con người sống thật. Còn Văn Thù là trí chỉ gợi lên phương hướng. Nương theo trí mà hành động, chúng ta mới hiểu đúng.

 Vì vậy, Bồ tát Văn Thù đến gợi ý và Duy Ma tự trả lời. Hay giáo pháp mà Đức Phật đưa cho chúng ta là trí. Nương theo giáo lý để vận dụng vào cuộc sống là chúng ta phải tự trả lời. Giáo lý chung, nhưng mọi người tùy theo thực tiễn tu hành trả lời khác nhau. Ở đây mượn Duy Ma trả lời cho phù hợp với giáo lý. Hay có thể hiểu Đức Phật là Đạo sư, còn đến Bảo sở hay không tùy ở chúng ta ứng dụng giáo lý đúng hay sai.

Duy Ma tiêu biểu cho tịnh tâm, nên Bồ tát Văn Thù chưa đến mà ông đã cảm nhận được. Ông dọn tất cả đồ đạc trong phòng, dời mọi người đi, chỉ còn lại phòng trống không. Duy Ma đang bệnh mà dọn phòng trống được. Nếu hiểu đơn giản theo văn kinh như vậy, thì thật thà quá! Phần lớn kinh Đại thừa đưa ra câu chuyện gì đều hàm chứa ẩn ý bên trong. Chúng ta cần suy nghĩ sâu xa hơn. Theo tôi, nếu có ông già bệnh cần dọn phòng trống, chờ Bồ tát Văn Thù đến, thì tôi có cảm giác ông già này không bệnh chút nào. Nếu nói bệnh, thì đây là thị hiện bệnh, tức đóng kịch, giả bệnh, không phải thật. Dưới mắt Văn Thù và Như Lai, Duy Ma không hề bệnh. Ngài khỏe lắm, về sau chúng ta sẽ thấy trong phẩm kế, Duy Ma còn có thể khuân tòa sư tử từ thế giới Tu di tướng đem về phòng Ngài được mà.

Khi Bồ tát Văn Thù khởi niệm thăm Duy Ma, phòng Duy Ma thành trống không. Theo tôi, nhân duyên hội ngộ là trí Văn Thù gặp bản tâm thanh tịnh Duy Ma, thì phiền não trần lao đột nhiên rơi rụng, diễn tả bằng hình ảnh phòng Duy Ma trống trơn.

 Ngoài ra, nhà Duy Ma trống rỗng, không có vật gì, cũng có thể lý giải rằng Duy Ma an trụ thế giới tâm của Bồ tát vô sở đắc. Vì Duy Ma là tâm. Khi để tâm nghĩ đến vật thì nó tồn tại, có đủ. Nhưng nhiếp tâm loại bỏ, tất cả sẽ trở thành Không hoàn toàn. Đối với người ham ưa năm món dục, Duy Ma hiện làm người giàu có, thông minh, đức hạnh làm biểu tượng cho họ phấn đấu phát triển. Nhưng khi muốn phá tâm sở đắc của Bồ tát, Duy Ma phải hiện Không.

Duy Ma mở đầu với Văn Thù bằng câu: Văn Thù Sư Lợi mới đến. Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy. Nghĩa là đến dưới dạng Bát Nhã, thấy dưới dạng Bát Nhã. Không đến và không thấy dưới dạng căn trần thức. Văn Thù là tuệ giác, không phải là người hữu hình, nên không thể thấy Bồ tát Văn Thù bằng tướng đến. Khi miên mật thể nghiệm pháp Phật, tuệ giác của hành giả sinh ra, đó là trạng thái tu chứng được kinh cụ thể hóa bằng hành động Bồ tát Văn Thù đến thăm Duy Ma. Tuy nhiên, sợ chúng ta nghĩ lầm rằng Văn Thù và Duy Ma là con người thật đến thăm nhau, nên Ngài nhắc chúng ta rằng không có tướng đến mà đến.

Văn Thù và Duy Ma thăm nhau để diễn tả bản tâm thanh tịnh và tuệ giác vô thượng đều có đầy đủ, thì hình thành một Đức Phật đắc đạo trên cuộc đời. Giữa tâm thanh tịnh và trí sáng suốt gặp nhau thì “Bất tức bất ly”, không phải là một, mà cũng không phải là hai. Vì trí không phải là tâm, nhưng trí cũng không rời tâm mà có. Vì vậy, nói “Tướng không đến mà đến”. Đến đây kinh Duy Ma mở ra cho chúng ta ý niệm về Đức Phật siêu hình, nhưng không rời thực tế; vì Ngài đã thể hiện trọn vẹn một con người thánh thiện bằng những việc làm lợi lạc chúng hữu tình trong 80 năm trụ thế.

Trên thực tế nhà Duy Ma có trống không hay không, đó là công việc của nhà khảo cứu lịch sử. Triết lý Không ở đây nhằm chỉ cho bản tâm thanh tịnh. Tâm Duy Ma thanh tịnh tiếp nhận trí Văn Thù rọi đến, tạo thành nhà ngũ uẩn của Duy Ma trống không, tức ý thức trần gian hoàn toàn buông bỏ và chuyển hóa ngũ uẩn hữu lậu của Duy Ma thành ngũ uẩn vô lậu hay năm phần Pháp thân, làm lợi ích chúng hữu tình.

Và Duy Ma dạy tiếp khi chúng ta tu hành quán tất cả các pháp đều không, nhưng không được rời bỏ chúng sinh. Ý muốn chỉ rằng hàng Thanh văn thấy KHÔNG, họ không chịu làm gì. Trong khi Bồ tát tuy thấy không, mà việc làm của Bồ tát vẫn không thay đổi. Đó là lộ trình tu được Duy Ma vạch ra từ tục đế bước sang chân đế và từ chân đế phải trở về Trung đạo đế của Bồ tát.

Văn Thù hỏi Không này tìm ở đâu ra. Duy Ma bảo tìm trong 62 dị kiến ngoại đạo mà ra. Trong thời Đức Phật tại thế, hàng ngoại đạo giải thích thế giới bằng mọi cách, có đến 62 dị kiến chống phá lẫn nhau,  không còn cái nào đứng vững và tất cả lý luận cuối cùng thành hý luận. Vì vậy, lấy dị kiến ngoại đạo mà thấy pháp Không là đứng trên lập trường giải thoát của chư Phật để thấy pháp Không.

Văn Thù hỏi Duy Ma tại sao trong nhà không có thị giả. Duy Ma trả lời Thiên ma ngoại đạo là những người thân cận của Ngài. Duy Ma chọn Thiên ma, ngoại đạo làm pháp lữ, làm đối tượng tu hành, thể hiện tư tưởng trái ngược từ trước. Đức Phật dạy khi sơ tâm vào đạo phải thân cận người trí, người hiền; vì giao du với người ác, tánh ác của chúng ta dễ sinh ra và tăng trưởng. Nhưng trường hợp Duy Ma khác hơn hàng sơ tâm.

Đối với người chọn con đường tu Bồ tát đạo, chung sống với người sẵn sàng tùy thuận, trí giác của hành giả không sinh, vì mất đối tượng tu hành, gọi là vô ma khảo bất thành đại đạo. Nhờ có đối tượng ác cang cường, Bồ tát chuyển hóa họ thành người tốt, thì công ơn tế độ mới tích tụ thành công đức. Nhờ có ngoại đạo giảng giải đủ cách, từ đó hành giả tìm ra cái đúng sau cùng là chân lý. Chân lý này phát hiện từ trong cái phi chân lý.

Hành giả đứng trên lập trường Không, đạt được Niết bàn là nhờ tinh luyện con người thành thuần thiện. Nếu không nghiên cứu kỹ, mà phê phán Đại thừa cái gì cũng quy về Không nhằm mục tiêu xóa tội ác, là sai lầm. Ý nghĩa Không của Đại thừa không phải là gần tốt xa xấu. Pháp Không ở giai đoạn một nhằm luyện cho hành giả trở thành thánh thiện. Nhưng đạt đến mức thuần thiện rồi, Duy Ma dạy nếu tiếp tục an trú trong thuần thiện hành giả cũng kẹt, không kẹt sinh tử nhưng kẹt Niết bàn. Vì vậy, mục tiêu của Đức Phật là làm cho chúng ta xa rời tâm chấp trước để được giải thoát. Không đắm sinh tử, nhưng không trước Niết bàn, ở trong sinh tử cũng là Niết bàn. Pháp Không sau cùng có công năng chuyển thành toàn thiện. Lúc ấy, Thiên ma ngoại đạo đối với tâm tịnh của Duy Ma, cũng thành pháp lữ.

Đến đây, Bồ tát Văn Thù hướng câu chuyện sang thực tế. Văn Thù hỏi thăm Duy Ma bệnh lâu chưa, bệnh do nguyên nhân nào. Câu chuyện đối đáp giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma khiến hàng Thanh văn và Bồ tát phát tâm đi theo cảm thấy lạc lõng. Trước khi đi, các Ngài hy vọng hai vị cự phách này sẽ phô diễn những gì ngoạn mục, bất khả tư nghì. Nhưng đến đây, chỉ nghe câu hỏi và trả lời bình thường, họ cảm thấy chán. Có thể hiểu ý này nói lên tâm trạng khắc khoải của người xuất gia học đạo chán nản trước sự suy đồi của Phật giáo. Lý tưởng đẹp biết bao, nhưng thực tế phũ phàng đáng chán.

Tuy nhiên, từ thực tế phũ phàng đi sâu vào đời để tìm chân lý, gợi cho chúng ta đừng tưởng chân lý là cái gì xa xăm không vói bắt được. Chân lý Phật dạy là chân lý nằm trong cuộc sống và giác ngộ ngay trong cuộc đời. Chúng ta hồi tưởng lại khi Đức Phật đi du hóa lúc nào cũng có chúng Tỳ kheo bên cạnh. Các Ngài theo Phật trên vạn nẻo đường đời, đến đâu gặp vấn đề gì, thì Đức Phật giải thích, chỉ rõ nhận thức, ứng xử đúng đắn theo từng trường hợp. Giáo lý Phật là vậy, chân lý là thế đó. Đối đáp giữa Bồ tát Văn Thù và Duy Ma nói lên chân lý mà chúng ta tìm ngoài cuộc đời không bao giờ có. Đức Phật thường ví bỏ thực tế tìm chân lý như tìm lông rùa sừng thỏ.

Duy Ma cho biết bệnh của Ngài không phải do tứ đại bất hòa mà sinh ra. Vì chúng sinh bệnh, nên Ngài bệnh. Chúng sinh bệnh, hay nghiệp tập khởi từ si ái. Si là vô minh thuộc về chi thứ nhất trong 12 nhân duyên. Từ vô minh khởi lên ái mà thọ sanh là nghĩa thứ nhất của vấn đề chúng ta “sanh” trên cuộc đời. Nghĩa thứ hai của “sanh” để chỉ phiền não sanh, trong một niệm tâm chúng ta có rất nhiều sinh diệt. Con người sinh diệt trong tạng tâm khó thấy hơn con người vật chất sinh diệt. Người tu Thiền mới kiểm chứng được trạng thái sinh diệt của tâm và điều chỉnh tâm để chứng Niết bàn.

Chúng sinh từ si ái mà sanh. Riêng Duy Ma không phải do si ái sanh, nhưng vì chúng sinh nên Duy Ma sanh, chúng sinh diệt thì Duy Ma diệt. Giữa Duy Ma và chúng sinh gắn bó chặt chẽ và Ngài mang tâm nguyện đại bi, ví như người con duy nhất lao đầu vào chỗ chết, người mẹ quá thương con cũng lao theo. Đức Phật xuất hiện trên cuộc đời mang ý nghĩa đó. Vì có chúng sinh, mà Phật hiện sanh. Đây là “hiện” chớ không phải “sanh”. Vì chúng sinh bệnh, Duy Ma thị hiện bệnh, không phải bệnh thật.

 Duy Ma thị hiện bệnh để có cảm nhận về bệnh, về nghiệp, về phiền não... Tất cả những gì của cuộc đời thì Duy Ma mang vào đầy đủ, nhưng Ngài khác với chúng sinh ở điểm có Văn Thù tới thăm. Nghĩa là Ngài có trí tuệ, kiểm chứng được trạng thái tâm bệnh là phiền não, nên Ngài hiểu được tâm bệnh chúng sinh và chữa trị được cho họ. Đó là cách thuyết pháp giáo hóa của Đức Phật, của Duy Ma. Duy Ma nói rằng Ngài cũng có đủ những thứ như chúng ta, nhưng nhờ tự gạt bỏ những nguyên nhân sầu khổ, Ngài được giải thoát. Sự thật tất cả chúng sinh đều có khả năng ở Niết bàn, nhưng họ bị trầm luân trong sáu nẻo vì nghiệp vô minh và tham ái.

Kinh Duy Ma gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hàng Thanh văn trụ Không, vô tác, vô nguyện. Bản tâm thanh tịnh của Phật tương ưng với tâm trụ định của La hán, thì hai tâm này thông nhau hiểu nhau, khiến hành giả phải thức tỉnh, phải tự rời bỏ Niết bàn của La hán, để tiếp tục Bồ tát đạo; đó là cách tu đúng pháp của Thanh văn.

Ngoài sai lầm của Thanh văn, Duy Ma cũng đưa ra pháp tu sai của Bồ tát, vì đứng ở lập trường tham sân phiền não hay si ái và phát xuất từ gốc vô minh. Khi chưa có trực tâm, thâm tâm, Bồ đề tâm, mà trồng căn lành, là trồng căn lành trên tham sân phiền não. Vì thế, Bồ đề không phát được, mà cỏ phiền não cứ mọc lên, càng tu càng khổ. Thật vậy, trên mảnh đất tâm của chúng ta đầy đủ cỏ dại phiền não. Vì hàng ngày chúng ta chỉ sống với căn trần thức, đương nhiên “Thức” sanh, không muốn nó cũng tự sanh, cố gắng ngăn chặn phiền não, nó cũng bộc phát dễ dàng.

Duy Ma nhắc Văn Thù Sư Lợi đến thăm Bồ tát có bệnh nên nói thân là vô thường, nhưng xin đừng nhàm chán, vì thân này là công cụ để giáo hóa chúng sinh. Duy Ma ở thế giới Diệu Hỷ không giáo hóa chúng sinh cõi Ta bà được, nên phải mang thân Ta bà trước đã. Thông thường, Bồ tát ở Tịnh độ muốn giáo hóa chúng sinh. Đến khi bước vào Ta bà thấy khổ lại chùng lòng, muốn quay về Tịnh độ. Do đó, phải có Bồ tát vô hình nhắc Bồ tát thọ sanh thân đừng bỏ sanh thân, phải lợi dụng thân này để chữa bệnh cho chúng sinh. Điều này Duy Ma đã thực hiện. Từ khi xuất hiện cho đến lúc từ giã cuộc đời, Ngài đã làm việc đáng làm, không người nào không thọ ơn tế độ của Duy Ma, không ai không cảm mến Ngài. Thân này quan trọng nếu biết vận dụng nó thành thân công đức.

Điều thứ hai, Duy Ma nhắc Bồ tát Văn Thù khuyên Bồ tát có bệnh rằng đời là khổ. Bồ tát thọ sanh thân chịu khổ, nhưng không đòi hỏi vật chất mà chỉ cần có pháp lữ đồng hành chia sẻ. Duy Ma nói với Bồ tát Văn Thù phải đúng như pháp mà an ủi, cảm thông nỗi khổ của pháp lữ đã dấn thân làm việc cực nhọc. Nếu không có sự cảm thông, Bồ tát sẽ dễ sanh tâm đơn côi, chán nản muốn nhập Niết bàn. Nhân có sanh thân khổ đau, lại sống trên thế gian đủ thứ khổ, Bồ tát nên vận dụng cái khổ để cứu người và làm thay cho Bồ tát không có sanh thân. Vì vậy, Bồ tát Văn Thù dạy họ đừng có ý nghĩ nhập Niết bàn.

Điều thứ ba: Duy Ma dạy khi thăm bệnh Bồ tát, nói cho họ biết tất cả các pháp đều Không. Duy Ma nhắc họ rằng tất cả đều trở về Không, thấy pháp là giả, không bền chắc, để không tham đắm thế gian. Nhưng từ Không này, sanh ra cái có, nên bảo Bồ tát đừng bỏ Bồ tát hạnh. Ngược lại, lầm tưởng Không, rồi từ bỏ Bồ tát hạnh, là bỏ hành vi tạo tác tốt, chắc chắn chúng ta sẽ rớt qua phàm phu. Ngày nào còn hiện hữu, hành giả làm hết khả năng cống hiến cho cuộc đời. Không phải thấy vô thường, khổ, không, vô ngã mà buông xuôi hai tay chờ chết, phí phạm cả sanh thân quý giá, không phải là nghĩa Không của đạo Phật.

Pháp Không là không có thật thể, luôn biến đổi không dừng. Bồ tát quán pháp Không bằng cách sử dụng tính biến đổi này để gạn lọc, chuyển xấu thành tốt. Từ đó, Bồ tát luyện pháp Không, dấn thân trên cuộc đời cứu nhân độ thế, giúp cho chúng sinh đồng thành Phật. Đó là Bồ tát thương nhân gian sinh lại hay Bồ tát Thích Ca thật sự giải thoát vì thương nhân gian sinh lại thế gian này. Vì vậy tu chứng pháp Không của Bồ tát phải giải quyết tất cả tồn tại của nhân gian. Bồ tát thấy chúng sinh khổ phải cứu giúp, thấy Ta bà ô trược phải làm cho nó thanh tịnh như thế giới Phật. Ngày nay là bồi đắp cho xã hội chúng ta đang sống, nâng tri thức và đời sống của mọi người, xây dựng phát triển cho xã hội văn minh giàu đẹp. Và chúng sinh bướng bỉnh, ta phải giáo hóa họ thành thuần thục, hữu ích cho xã hội. Đó là ý chính của Duy Ma dặn Văn Thù đừng quên nhắc Bồ tát sanh thân chuyển Ta bà thành Tịnh độ như thế giới Diệu Hỷ của Đức Phật Vô Động.

Điều thứ tư: Duy Ma nhắc Bồ Tát sanh thân rằng các pháp đều vô ngã. Khi Ngài sinh trên thế gian, thấy được bản chất thật của thân là vô ngã, không giữ được; nhưng Ngài không từ bỏ thân này. Vì nhận chân được thân này là phương tiện tốt nhất cho chúng ta thăng hoa trên lộ trình Bồ tát đạo và cùng dẫn dắt người đồng phát triển lợi lạc giải thoát.

Bồ tát nhập ấm có thân phải có bệnh và Văn Thù hỏi làm thế nào chữa bệnh của Bồ tát.

Theo Duy Ma, bệnh của Bồ tát là do tâm đại bi mà bệnh. Chính Đức Phật vì lòng đại bi mà sinh trên cuộc đời này và nhờ mang thân người, Ngài mới quan sát được con người, xã hội của con người và thế giới con người. Đức Phật dạy rằng tâm đại bi của chúng ta phát xuất từ Pháp thân hoàn toàn trong sạch; nhưng thọ ngũ ấm rồi, thì những gì chúng sinh lãnh chịu, chúng ta cũng có đủ. Chúng sinh có ái kiến, chúng ta cũng có ái kiến và ái kiến này cộng với tâm đại bi thành đại bi ái kiến. Nghĩa là tâm đại bi với đầy chấp trước, triền phược, phiền não.

Hành Bồ tát đạo phải bỏ ái kiến, chỉ giữ đại bi, nghĩa là từ Bồ tát sanh thân trở lại dạng Bồ tát Pháp thân của mình. Đạt đến trạng thái này, hành giả không còn cảm thấy khổ trên cuộc đời. Hành giả chỉ thuần tâm đại bi, mà còn được lợi là có thân tứ đại, giúp hành giả đi khắp nơi làm lợi lạc chúng hữu tình. Nhờ Bồ tát vô hình nhắc, Bồ tát thọ sanh thân mới biết mình có hai phần ái kiến và đại bi. Gạn lọc ái kiến để có thuần đại bi là quá trình tu thanh lọc thân tâm, dứt bỏ phiền não, chữa hết bệnh cho chính mình.

Nghĩa thứ ba của cuộc đối thoại giữa Văn Thù và Duy Ma đưa trở về thực tại là Văn Thù và Duy Ma đều nằm gọn trong Phật Thích Ca. Bồ tát không bệnh, không ai khác hơn là Bồ tát Thích Ca đã xuất hiện trên cuộc đời, là người trong sinh tử xa rời sinh tử chứng Niết bàn, là người đã dạy chúng ta pháp giải thoát. Và ở Ta bà, Bồ tát Văn Thù đến nhắc chúng ta cách chữa bệnh để được giải thoát không ai khác, mà cũng chính là Thích Ca. Văn Thù là Thích Ca, Thích Ca là Văn Thù. Không có một Văn Thù riêng khác.

Thật vậy, chúng ta thấy rõ Đức Phật nói về việc của Ngài; nhưng chúng ta cứ lầm tưởng Ngài nói về Văn Thù hay Duy Ma ở nơi xa xôi nào. Đức Phật mượn hai nhân vật vô hình để diễn tả việc tu hành của Ngài. Khi chưa thành Phật, Ngài là người đau khổ trên trần gian như mọi người. Nhưng Ngài từ bỏ quyền lợi thế gian đi tìm chân lý, được diễn tả bằng hình ảnh Duy Ma hướng tâm nghĩ đến Phật và được Phật đáp ứng bằng cách sai Văn Thù đến thăm. Cũng vậy, Đức Thích Ca ngồi ở Bồ Đề Đạo Tràng tư  duy Thiền định, hướng tâm về chân lý. Tuệ giác vô lậu sinh ra hay trí vô lậu đến thăm Ngài, mọi khổ ách đều tan. Đến đây, Ngài định vào Niết bàn. Kinh Pháp Hoa diễn tả rằng mười phương Phật hiện ra tiếng Phạm an ủi Ngài và cõi Trời thỉnh Phật thuyết pháp. Đức Phật chuyển pháp luân thành lập Tam bảo ở Lộc Uyển. Ngài vì năm anh em Kiều Trần Như nói pháp Tứ Thánh đế và sau đó vì các Bồ tát nói Sáu pháp Ba la mật. Điểm này cũng đồng với Bồ tát Văn Thù nói pháp trong kinh Duy Ma vì 8.000 Bồ tát, 500 Thanh văn và trăm ngàn chư Thiên đi theo.

Và tiến xa hơn, chúng ta thấy rõ ý muốn diễn tả Đức Phật Thích Ca qua ba câu trả lời của Duy Ma về ba vấn đề là nguyên nhân Duy Ma bệnh, Ngài bệnh bao lâu và có cách gì để chữa trị, hay đó là ba vấn đề chính của Đức Phật Thích Ca mà Ngài đã giải quyết viên mãn ở Ta bà.

Kinh mượn Duy Ma để diễn tả ý tưởng sau khi Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, vì thương nhân gian, Ngài phải chấp nhận cái khổ của con người. Ngài trở lại cuộc đời, sử dụng phương tiện trí lực, khai ra tam thừa giáo độ chúng sinh. Duy Ma hội nhập vào đời, giới nào cũng được Ngài tiếp xúc giáo hóa, ắt hẳn không ai khác hơn là hình ảnh Đức Thích Ca lặn lội dọc bờ sông Hằng suốt 49 năm thuyết pháp độ sinh. Ngài không bỏ sót một ai, tiếp độ từ hàng vua chúa cho đến bà già ăn mày.

Theo tôi, Duy Ma tiêu biểu cho thật trí của Đức Phật. Duy Ma là dạng sanh thân của Đức Phật và Văn Thù diễn tả Pháp thân Phật. Sanh thân và Pháp thân này tạo muôn ngàn công đức ở thế gian, làm thành Báo thân Phật. Đó là kiến giải của kinh điển Đại thừa diễn tả Đức Phật qua ba nhân vật Thích Ca, Duy Ma và Văn Thù; nhưng thật sự chỉ là một Đức Phật Thích Ca được hiểu dưới ba dạng khác nhau.

Đức Phật khai phương tiện, mượn hai nhân vật Văn Thù và Duy Ma hay kết hợp giữa trí chân thật và trí phương tiện để đưa ra 84.000 pháp tu. Toàn bộ giáo lý Phật được triển khai san sát nhau giữa trí phương tiện và trí chân thật. Nếu chỉ giữ phương tiện làm gốc, không có chân thật, hành giả lao vào đời một lúc sẽ đọa. Ngược lại, chỉ ôm chặt trí chân thật mà không sử dụng được phương tiện, không thể làm lợi ích cho đời. Đức Phật mang lợi lạc cho mọi người, tâm hồn Ngài vẫn an nhiên trong sáng. Chân thật trí và phương tiện trí thể hiện trong con người Phật. Ngài nói trăm vạn pháp môn khác nhau, nhưng đối với chân lý, chúng vẫn không chống đối, mâu thuẫn nhau. Trong 49 năm, Đức Phật thuyết pháp giáo hóa không sai lầm; ai đến với Ngài, đều được giải thoát.

Lộ trình tự chữa bệnh cho mình và người của Duy Ma cũng vậy. Ngài diễn tả cách khác, bằng một nhân vật khác để chúng ta dễ hiểu. Sự thật Duy Ma là Bồ tát Hộ Minh và khi thọ sanh thân cũng có ái kiến, nhưng khác chúng sinh, Ngài có thêm đại bi. Và cuối cùng dốc tâm tu, thành đạo hay trí Văn Thù sinh ra, thấy rõ muôn sự muôn vật, Duy Ma mang lợi lạc cho cả thành Tỳ Da Ly.

Ngày nay, cũng khởi tu từ ngũ ấm thân, chúng ta từng bước suy tư xem Phật nghĩ gì, làm gì để tự kiểm tra mình. Chúng ta điều chỉnh, gạn lọc thân tâm bằng 37 trợ đạo phẩm, 12 nhân duyên, 6 pháp Ba la mật để ra khỏi nhà lửa sinh tử. Khi hoàn toàn giải thoát, đầy đủ tâm đại bi thuần thục, không gợn chút bọt ái kiến, mới có thể chữa bệnh cho người thăng hoa trên lộ trình giác ngộ. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày