“Kình ngư không chân” và câu chuyện truyền cảm hứng

Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con
Anh Nguyễn Hồng Lợi bên vợ và con
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Khuyết tật bẩm sinh, bị bỏ rơi ngay từ ngày mới sinh, được dì và dượng ẵm về nuôi nhưng Nguyễn Hồng Lợi chưa bao giờ oán trách cha mẹ, mà ngược lại, anh xem đó là nguồn động lực để bản thân cố gắng nhiều hơn.

Vượt qua khiếm khuyết, bằng nghị lực phi thường, Nguyễn Hồng Lợi đã trở thành “kình ngư không chân”, vận động viên cấp quốc gia và có cuộc sống ngày càng viên mãn.

Sức mạnh đến từ nghị lực

Hồng Lợi là vận động viên khuyết tật bơi lội cấp quốc gia. Anh thi đấu với 3 nội dung chính: 100 - 200 - 400m tự do nam, hạng thương tật S6. Hồng Lợi tham gia vào thể thao khuyết tật từ năm 2009, 13 năm thi đấu anh đạt 24 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 5 huy chương đồng, đặc biệt 1 huy chương đồng Paragame năm 2014 tại Myanmar, và chứng chỉ “Lặn quốc tế” của Hiệp hội lặn quốc tế PADI. Với anh, mỗi huy chương là một kỷ niệm và huy chương nào cũng đáng giá, cũng trân trọng.

"Kình ngư không chân" Nguyễn Hồng Lợi giành Huy chương vàng giải vô địch bơi người khuyết tật toàn quốc năm 2022

"Kình ngư không chân" Nguyễn Hồng Lợi giành Huy chương vàng giải vô địch bơi người khuyết tật toàn quốc năm 2022

Đằng sau những huy chương đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong tập luyện và ý chí phấn đấu miệt mài của Hồng Lợi. “Vì có một tay nên quá trình học bơi cũng có nhiều cái khó. Để điều chỉnh người đi tới, quẹo trái, quẹo phải và giữ thăng bằng, mình phải nỗ lực, cố gắng hết mình và trả giá bằng nhiều lần uống nước. Vì mình thích, mình quyết tâm nên sau 5 ngày đã bơi được bằng một tay”, Anh Hồng Lợi nói.

Chia sẻ về lý do đưa anh đến với môn bơi lội, anh cho biết: “Xuất phát từ suy nghĩ ‘mình phải tự cứu lấy mình’. Nhà tôi bên sông Sài Gòn, hàng ngày phải qua đò đi bán vé số. Khi tàu lớn đi ngang, sóng to, tàu lắc, tôi có suy nghĩ là nếu mình lỡ rớt xuống nước thì ai cứu? Năm 18 tuổi, tôi tự đi xe lắc tìm thầy dạy mình học bơi. May mắn được thầy Nguyễn Huệ nhận và tận tình hướng dẫn. Thầy dạy không nhận tiền, thầy nói chỉ cần tôi cố gắng và siêng năng thôi”.

Lời động viên của thầy và thành công khi biết bơi chính là cột mốc đưa Hồng Lợi đến với các giải thưởng, trở thành vận động viên khuyết tật bơi lội cấp quốc gia, cũng là thêm một lần anh chiến thắng chính mình.

Lạc quan, đối diện và trưởng thành

“Cuộc đời không lấy của ai tất cả, tôi khiếm khuyết cơ thể nhưng tinh thần lạc quan đã giúp tôi chạm hạnh phúc”, anh Hồng Lợi đúc kết về hành trình bản thân đã bước qua.

“Lúc nhỏ, tôi đi học là dì, dượng, cậu và các anh chị em họ thay phiên nhau cõng tôi đi học. Trời mưa, bão tôi cũng được cõng đi học. Và tôi hạnh phúc với tình yêu thương gia đình nên chưa bao giờ biết oán giận ba mẹ mình là gì. Hoàn cảnh gia đình dì rất khó khăn, mỗi ngày dì và anh chị đưa tôi qua sông Sài Gòn để đến trung tâm thành phố bán vé số. Tôi đã sống những chuỗi ngày đó rất hạnh phúc vì nghĩ rằng được qua sông, được ngắm cảnh thành phố, chứ không biết bán vé số để mưu sinh”, Hồng Lợi nhớ lại.

Góc ảnh thân thương của “kình ngư không chân” Nguyễn Hồng Lợi

Góc ảnh thân thương của “kình ngư không chân” Nguyễn Hồng Lợi

Tình yêu thương là nhân tố giúp Hồng Lợi lạc quan, sống tích cực và trưởng thành. Năm 4-5 tuổi, Hồng Lợi được dì đưa vào Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ) để học tập. Mặc dù bị bạn trêu chọc nhưng Hồng Lợi không phản ứng, anh luôn vui vẻ, lành tính và chăm chỉ học nên ngày càng được các bạn quý mến, chơi cùng. Năm 10 tuổi, anh xin dì cho về nhà vì không học nổi. Nhưng sau đó, ở tuổi 14, anh chủ động xin về Làng Hòa Bình học cho mình cái nghề để có thể tự lo, nuôi được cho bản thân mình. Hiện nay, ngoài bơi và tham gia thi đấu, Hồng Lợi sống được với nghề vẽ. Anh vẽ trên vải - áo dài, túi xách, còn vợ anh - nhà thiết kế Phan Thị Tường Nghĩa may áo dài. Hai vợ chồng có một cái shop cùng nhau làm và bán.

Mình không có chân, chỉ có một tay, gia đình nghèo. Đó là động lực mình nhìn lại mình để phát triển hơn.

Sống lành, nghĩ thiện sẽ kiến tạo được hạnh phúc

Đó là thông điệp mà anh Hồng Lợi gửi gắm đến mọi người đang trong hoàn cảnh bất như ý. Kể về mái ấm mình đang có, anh cho biết: “Cuộc sống của tôi hiện nay mỗi ngày đều tràn ngập hạnh phúc, tôi có mái ấm với vợ và con gái. Mối tình của tôi và vợ kết duyên từ một chương trình thiện nguyện”.

Anh Hồng Lợi đã gặp chị Tường Nghĩa trong một buổi triển lãm áo dài mà anh tham gia với vai trò người mẫu thiện nguyện. Sau buổi gặp nhau đó, anh xin được facebook của chị, trò chuyện. Thấy hiểu và hợp nhau, cả hai đưa nhau về ra mắt gia đình. Hai năm yêu thương và gắn bó với nhau, Hồng Lợi và nhà thiết kế Tường Nghĩa nên duyên vợ chồng trong sự chúc phúc của gia đình và mọi người. Năm 2021, vợ chồng anh đón công chúa nhỏ chào đời.

Hồng Lợi là vận động viên khuyết tật bơi lội cấp quốc gia. Anh thi đấu với 3 nội dung chính: 100 - 200 - 400m tự do nam, hạng thương tật S6

Hồng Lợi là vận động viên khuyết tật bơi lội cấp quốc gia. Anh thi đấu với 3 nội dung chính: 100 - 200 - 400m tự do nam, hạng thương tật S6

Theo anh Hồng Lợi, hạnh phúc hôn nhân gia đình của mình đến từ sự chân thành, sự sẻ chia và tình yêu thương. Tình yêu thương không chỉ dành cho gia đình nhỏ, mà còn là tình thương dành cho người bên cạnh. Hàng ngày, anh luyện tập vào buổi sáng, dành thời gian dạy miễn phí cho các em thiếu nhi khuyết tật học bơi. Anh nói, đó là cách anh chia sẻ, truyền động lực cho những người khuyết tật, kém may mắn như mình và tri ân với cuộc đời. Vợ sẽ chăm con, nấu ăn và cả hai sẽ ăn trưa cùng nhau, làm việc cùng nhau ở cửa hàng. Đến tối, vợ chồng cùng nhau nấu ăn, dọn dẹp nhà, dạy con học, chơi cùng con. Mái ấm của anh, chị luôn rộn ràng tiếng nói cười vui vẻ.

“Cuộc đời của mình, mình phải quyết định và lựa chọn. Khi bạn cố gắng, nỗ lực, luôn yêu đời, không bi quan, vượt qua mặt cảm, mở lòng thì nhiều người sẽ dang cánh tay chào đón bạn. Bạn hãy yêu đời theo cách bạn muốn, hạnh phúc cũng sẽ đến theo suy nghĩ hướng thiện và tích cực của bạn” - Hồng Lợi gửi gắm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày