Rời cửa khẩu Nậm Cắn - tỉnh Nghệ An, đất nước Lào “đón” chúng tôi bằng những con đường rộng thêng thang và luôn uốn lượn như những dải lụa bao quanh núi rừng. Núi tiếp núi, rừng liền rừng, những cung đường trên nước bạn Lào vì thế cũng lắm khúc cua, lên đèo xuống dốc liên tiếp tới hàng chục km đến xây xẩm mặt mày. May thay, đoàn chúng tôi đến nước Lào đúng vào tháng ăn Tết của người Mông - Lào. Chen lẫn cảnh sắc thanh bình, phóng thoáng và ít nhiều còn vương lại vẻ hoang dã của núi rừng Lào là những cô gái Mông váy áo sặc sỡ, tung tăng ra đường đón Tết. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Cánh đồng Chum - một di tích văn hoá, lịch sử, một điểm du lịch nổi tiếng ở Lào.
Cánh đồng huyền thoại
Đi từ sáng sớm, chúng tôi đến thị xã Phôn Sa Vẳn lúc mặt trời dựng đứng trên đầu. Là tỉnh lị tỉnh Xiêng Khoảng, Phôn Sa Vẳn quanh năm nườm nượp khách du lịch nước ngoài. Tất cả họ có chung một điểm hẹn - Cánh đồng Chum.
Thật ra quanh tỉnh lị Phôn Sa Vẳn - Xiêng Khoảng còn có nhiều địa danh du lịch hấp dẫn như suối nước nóng Bò Nọi (suối nhỏ) và Bò Nhày (suối lớn)... nhưng những ai đã từng đặt chân tới đây khó có thể bỏ qua điểm đến Cánh đồng Chum. Kể cũng phải, hàng nghìn chiếc chum lớn nhỏ lộ thiên rải rác trên các cánh đồng chỉ mới trông thôi đã thoả chí khám khá chứ chưa nói đến đằng sau Cánh đồng Chum là cả một câu chuyện huyền thoại. Theo ước tính, hiện nay Cánh đồng Chum có tất thảy 1.969 chiếc chum. Lớn bé khác nhau, chum nằm rải rác ở 52 điểm quanh tỉnh Xiêng Khoảng. Chiếc chum lớn nhất được tìm thấy cao những 3m, chum nặng nhất lên tới 14 tấn, còn đa phần chum đá cao chừng 1-2m. Thoạt nhìn, Cánh đồng Chum như một bàn cờ, những chiếc chum như những quân cờ lổm nhổm dựng đứng lên trời thật nên thơ, kỳ thú.
Điều ngạc nhiên đầu tiên là tất cả chum đều làm bằng đá thiên nhiên. Trong khi đó 5 núi đá được tìm thấy hiện nay đều nằm rất xa Cánh đồng Chum. Đã vậy, xung quanh nguồn gốc của những chiếc chum lại có nhiều giả thiết lôi cuốn. Truyền thuyết Lào kể rằng, Khún Chương - một thủ lĩnh bộ tộc xưa sau những cuộc chinh phạt thắng lợi làm ra những chiếc chum để đựng rượu khao quân. Người dân nơi đây lại tin rằng, những chiếc chum là những chiếc cốc uống rượu của các vị thần thánh. Năm 1989, Thông Xã - cán bộ Bộ Văn hoá - Thông tin Lào cùng nhà nghiên cứu người Pháp tên là Colani tiến hành khai quật, khảo cổ và đã tìm thấy nhiều bộ hài cốt, đồ trang sức... của người cổ cách đây khoảng 400 - 600 năm nằm gần những chiếc chum. Từ đó, các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết, những chiếc chum là để đựng hài cốt của người xưa. Nếu vậy, Cánh đồng Chum là cả một nghĩa địa khổng lồ thật đẹp. Chính vẻ đẹp khác lạ và những câu chuyện về nguồn gốc những chiếc chum chưa có hồi kết lại càng khiến Cánh đồng Chum thêm lôi cuốn du khách khắp mọi miền trên thế giới về đây tìm hiểu, khám phá.

Thiếu nữ Lào trên Cánh đồng Chum
Điểm hẹn du lịch
Dự kiến đến năm 2015, Lào sẽ đệ trình UNESCO công nhận Cánh đồng Chum là di sản văn hoá thế giới. Nhưng từ lâu lắm rồi, Cánh đồng Chum đã trở thành một địa danh văn hoá, lịch sử và một điểm du lịch nổi tiếng khắp thế giới của đất nước Triệu voi.
Ước tính mỗi năm Cánh đồng Chum thu hút khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó, du khách quốc tế chiếm tới hơn 60%. Để giới thiệu cho du khách đến Lào nhưng chưa có điều kiện thưởng lãm Cánh đồng Chum, ngay tại Bảo tàng Quốc gia ở Thủ đô Viên Chăn, nhiều di vật khảo cổ, mô hình mô phỏng Cánh đồng Chum... cũng được trưng bày rất trang trọng, kích thích khách du lịch tìm đến Cánh đồng Chum.
Xiêng Khoảng xưa cũng là một trong những chiến trường khốc liệt và Cánh đồng Chum một thời trở thành chiến trường thí điểm học thuyết “Lào hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Trên mảnh đất này, có khoảng 12.000 quân tình nguyện Việt Nam đã nằm xuống mãi mãi. Nhìn Cánh đồng Chum yên bình, nên thơ bây giờ ít ai ngờ những năm chiến tranh, mảnh đất này đã hứng hơn 3 triệu tấn bom đạn các loại. Năm 2004, Bộ Văn hoá - Thông tin Lào phối hợp với tổ chức MAG rà soát trên Cánh đồng Chum phá huỷ được 127 quả bom và tìm thấy 31.814 mảnh bom các loại. Sải bước trên Cánh đồng Chum bây giờ, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những biển báo mang dòng chữ “MAG” ghi dấu nơi đây từng có bom mìn.
Ông Sổm Phon Phi La Vông - Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Xiêng Khoảng cho biết: “Hiện nay, 52 điểm Cánh đồng Chum chỉ mới đưa vào khai thác du lịch đúng 3 điểm. 49 điểm còn lại giao cho nhân dân trong vùng giữ gìn, bảo tồn, quản lý.” Chúng tôi đến điểm một của Cánh đồng Chum. Nơi đây có tới hơn 400 chiếc chum, hằng năm đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch. Nhưng trên cả Cánh đồng Chum rộng mênh mông gần như không tìm thấy rác bẩn. Lại càng không có những người bán hàng rong chèo kéo, bám theo du khách mời mọc mua hàng hay những người hành khất ở hai bên đường. Đưa vào khai thác du lịch nhiều năm nay nhưng trong khu vực Cánh đồng Chum tuyệt nhiên không có một quầy hàng ăn nào mà chỉ có một vài gian hàng bán đồ lưu niệm thủ công mỹ nghệ Lào.
Ngạc nhiên hơn cả là tổ quản lý Cánh đồng Chum rộng mênh mông nơi chúng tôi đến chỉ vẻn vẹn 4 người. Đa phần họ là những người cựu chiến binh tuổi đã lớn, mỗi tháng chỉ được nhận 600.000 kíp (khoảng bằng 1,2 triệu đồng Việt Nam) nhưng mỗi người thay phiên nhau trực bán vé, thu dọn vệ sinh, quản lý khu di tích... Ông Xổm Nhút - người bán vé trên Cánh đồng Chum bật mí: “Bí quyết của chúng tôi là luôn tôn trọng du khách và trước hết là tôn trọng, giữ gìn di sản văn hoá”.