Kỳ án cọp mất tích

Minh họa: Dad
Minh họa: Dad

Cọp là mãnh thú, là nỗi khiếp sợ của nhiều giống loài, trong đó có con người. Tuy nhiên, cũng có khi chúa sơn lâm sa cơ và bị “hạ nhục”, như vài chuyện bây giờ mới kể, trong cuộc truy tìm con cọp mất tích vài năm trước.

1. Cọp được gọi là chúa tể sơn lâm. Thế nên khi mới nghe tin “chúa tể” ở Trại rắn Đồng Tâm bị bắt trộm, nhiều người cứ tưởng là chuyện đùa. Sáng hôm ấy, nhân viên bảo vệ phát hiện cửa chuồng bị bẻ khóa, trong và ngoài bê bết máu. Hiện trường chỉ còn lại vật chứng là bộ đồ lòng cọp và 3 đôi găng tay phụ nữ.

Nhận định đây là vụ trộm táo tợn, Công an Tiền Giang đã tung nhiều trinh sát đi lùng sục, tiếp cận các điểm nấu cao, đặc biệt là các nhà hàng, quán rượu có kinh doanh đặc sản “pín” cọp ở các thành phố lớn. Nhưng vẫn không có tin tức gì về chúa sơn lâm. Giữa lúc đó, trinh sát nhận được tin ông Kiệt - chủ một nhà hàng ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ mời các chiến hữu tới uống rượu “pín” cọp thứ thiệt mà ông vừa mua được. Xưa nay rượu ngâm pín cọp được xem là hàng độc, hiệu quả tức thời trong việc phục hồi “bản lĩnh đàn ông” (?). Vì là doanh nhân nên ông Kiệt thường sưu tầm hàng độc để thết đãi bạn bè và đối tác.

Tiếp cận mục tiêu, trinh sát biết ông này mua “của quý” từ một phụ nữ tên Dung chuyên mua bán thịt thú rừng ở Định Quán, Đồng Nai. Chị Dung thì cho biết đã mua từ một người chuyên bán rắn dạo ở khu vực An Sương, TP.HCM, tên là Trần Văn Khôi (quê quán ở xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) với giá 16 triệu đồng. Chị Dung bán lại “pín” cọp cho ông Kiệt với giá 20 triệu đồng. Nhưng lúc làm việc với Khôi, trinh sát... bật ngửa khi biết cái “pín” đó chỉ là đồ giả được làm bằng gân bò mà anh ta đã mua với giá... 40 ngàn đồng.

2. Xâm nhập vào giới giang hồ để tiếp cận những đầu mối chuyên mua bán các bộ phận của cọp, trinh sát được giới thiệu một người tên là Nguyễn Thanh Định, ngụ phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM. Định “tiếp thị” bằng một xấp ảnh chụp chung với xác cọp để khẳng định mình là “chuyên gia” trong nghề. Khi Định bị mời về cơ quan công an, mới khai mình chỉ là chuyên gia... dỏm. Từng làm công cho một cơ sở chuyên nấu cao, mỗi lần tham gia xẻ thịt cọp thì Định tìm cách chụp hình chung nói là để làm kỷ niệm. Khi đã tích lũy được chút kinh nghiệm, Định tự đi thu gom xương... mèo về nấu cao rồi lừa người mua nói là cao hổ, kèm theo những tấm hình chụp. Theo những người trong nghề thì cao mèo có giá chừng 3 triệu đồng/lạng, trong khi Định cho “lên đời” và bán với giá hơn 10 triệu đồng/lạng. Một vốn mười lời.

Một trường hợp khác “thần khẩu hại xác phàm”: Vào thời điểm trinh sát đang ráo riết truy lùng con cọp mất tích thì tại một tiệc nhậu, một người kinh doanh đá hoa cương ở phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM tên là Hồ Tấn Khoa đã “nổ” rằng mình vừa mua được con cọp đem về giấu trong nhà chuẩn bị nấu cao. Khi gặp các trinh sát thì ông này vẫn tiếp tục nổ: “Đúng là tui có mua cọp”. Đến khi biết mình đang nói chuyện với công an thì ông tái mặt, thành thật khai báo rằng chẳng có con cọp nào hết. Ông ta chỉ tung hỏa mù trong tiệc rượu rồi sau đó tìm mua cao mèo tặng đối tác, tạo thế làm ăn.

3. Sau gần 2 tháng truy tìm vất vả, trinh sát nhận được nguồn tin: một người tên Đào Ngọc Hải, ngụ phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM, một chuyên gia về các loại cao, từng có “thành tích” mua 2 con cọp từ Nghệ An và Hà Nội đem vào TP.HCM, đang rao bán cọp với giá 2,4 triệu đồng/kg. Hôm đó, trong lúc Hải đang giao dịch mua bán cọp với Nguyễn Khắc Điệp ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, thì các trinh sát xuất hiện. Một con cọp có trọng lượng khoảng 130 kg bị mổ bụng, bơm nước thành 180 kg rồi giấu trong tủ cấp đông. Nhưng khi làm rõ thì con cọp này Hải mua lại của một người từ huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đem vào.

Mừng hụt, nhưng từ nhân vật này, các trinh sát đã lần ra được nhiều địa chỉ chuyên mua bán cọp tại TP.HCM. Trong đó, nổi lên một băng nhóm chuyên bắt trộm động vật hoang dã liên tỉnh. Qua truy xét, cơ quan điều tra đã bắt 12 người do Huỳnh Văn Khầu, ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai cầm đầu. Chẳng những là thủ phạm đã bắt trộm cọp ở Trại rắn Đồng Tâm, trước đó nhóm này từng bắt một con cọp nặng 90 kg ở huyện Bến Cát, Bình Dương và hơn 50 phi vụ trộm trăn, rắn, đà điểu, nhím, cá sấu... ở nhiều tỉnh, thành phố.

Trong vai khách tham quan du lịch, lúc đầu nhóm này tới Trại rắn Đồng Tâm nghiên cứu địa hình, định tìm sơ hở để trộm rắn. Nhưng khi phát hiện có một con cọp đang nuôi trong chuồng, bọn chúng lập tức quay về Đồng Nai lên kế hoạch bắt cọp. Sáng hôm đó, cả nhóm sử dụng 4 xe gắn máy chở nhau tới Tiền Giang thuê nhà trọ, chờ đến tối hành động, đồng thời mua trái cây về nhà trọ... cúng tổ. Nửa đêm, một người ở ngoài giữ xe, ba người đột nhập vào trại rắn giết cọp, số còn lại ở nhà trọ chờ. Đến 3 giờ sáng thì Huỳnh Văn Khầu được thông báo phi vụ đã hoàn tất. Con cọp nặng 150 kg bị hạ độc, móc hết phủ tạng ra rồi cắt làm đôi, bỏ vào bao và chở về Biên Hòa bằng xe gắn máy. Sau đó, cả bọn cho xác cọp vào 2 chiếc va-li, thuê ô tô chở ra Nghệ An bán.

Chết vì huyền thoại”

Ngày 29.5.2009, Cảnh sát Malaysia phát hiện 5 tấm da cọp khô trong một chiếc ô tô do hai người Thái Lan điều khiển. Quan chức cảnh sát Mohd Noor Idris ước tính mỗi tấm da cọp như thế, với chiều dài khoảng 2m, có giá ban đầu khoảng 5.000 USD (khoảng 92 triệu đồng). Theo tờ Straits Times, một con cọp chết, gồm có da, xương và các bộ phận khác, có giá lên tới 25.000 USD. Đặc biệt, ở Đài Loan, một tô súp “pín” cọp được bán với giá 320 USD và một cặp mắt cọp có giá 170 USD, theo một báo cáo của của Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã (WWF). Còn ở Hàn Quốc, một cân bột xương chân trước của cọp có giá tới 3.200 USD.

Kỳ án cọp mất tích ảnh 1
Từng là nỗi khiếp sợ của loài người, cọp giờ đây lại đang bị loài người đe dọa - Ảnh: AFP

Tại sao lại có giá đắt như thế? Bởi người ta tin rằng dương vật cọp giúp tăng cường sinh lực cho nam giới; mắt cọp giúp chống lại chứng động kinh, sốt rét; xương chân trước của chúng giúp trị lở loét, thấp khớp và thương hàn. Tuy nhiên các nhà khoa học từ lâu đã chỉ ra rằng, về mặt y học các bộ phận cọp không có giá trị bằng chó và heo. “Huyền thoại” về sự bổ dưỡng về các bộ phận cọp đã khiến nạn săn bắt trộm và kinh doanh bất hợp pháp vẫn tồn tại...

Hiểm họa tuyệt chủng

Các nhà bảo tồn đang lo ngại nhu cầu về các bộ phận của cọp sẽ gia tăng và những kẻ săn trộm sẽ ráo riết truy lùng loài thú này. AFP trích lời Michael Baltzer, người đứng đầu Chương trình Sáng kiến về cọp của WWF: “Việc sử dụng các phần trên cơ thể cọp để làm quà lưu niệm đang tăng lên”. Như ở Trung Quốc, da cọp có giá tới 20.000 USD một tấm, được dùng để trang trí nội thất. Cô Hoàng Lợi Tân, Chủ tịch Đại học Y khoa cổ truyền Trung Quốc ở San Francisco (Mỹ), nói với phóng viên AFP: “Việc sở hữu da cọp ở Trung Quốc đang trở thành mốt để khoe vị thế của chủ nhân”.

Kỳ án cọp mất tích ảnh 2
Cọp bị giết ở Bangladesh - Ảnh: AFP

Các chuyên gia ước tính chỉ còn 3.500 con cọp sống sót trong những khu hoang dã ở Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan, Việt Nam, giảm xuống từ 100.000 con cách đây một thế kỷ, theo Reuters. Nguyên nhân của sự sụt giảm là do nạn săn trộm và nơi cư trú của loài cọp bị tàn phá. Việc săn cọp là bất hợp pháp trên toàn cầu và kinh doanh các phần cơ thể cọp đã bị cấm theo một hiệp ước đã được 167 nước ký, trong đó có Trung Quốc.

Năm của cọp

Tại Hội nghị Kathmandu, các chuyên gia và nhà bảo tồn đã quyết định tuyên bố 2010 là Năm của cọp trên toàn thế giới. Họ cũng đã đưa ra mục tiêu nâng số cọp hoang dã hiện nay lên gấp đôi vào năm Nhâm Dần 2022, theo website www.greendaily.com. Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia đã đưa ra một số đề nghị như chính phủ các nước nên dừng những dự án cơ sở hạ tầng ở khu cọp sinh sản.

Kỳ án cọp mất tích ảnh 3
Ảnh: AFP

Các tổ chức tài chính nên từ chối hỗ trợ những dự án ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của cọp. Hãng tin Reuters dẫn lời bà Mahendra Shrestha, Giám đốc Chương trình Save the Tiger Fund ở New York (Mỹ): “Chúng ta có thể làm được. Đó không phải là khoa học về tên lửa, nó không đòi hỏi nhiều hoạt động mới. Nhưng phải có một ý chí chính trị mạnh mẽ để bảo tồn, cũng như phải có sự hỗ trợ mang tính toàn cầu cho hoạt động bảo vệ loài cọp của các quốc gia”.

Văn Khoa

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

Chùa Tâm Thành hỗ trợ 11.000 bình nước tinh khiết đến vùng hạn mặn tại Tiền Giang, Bến Tre, Cà Mau

GNO - Từ 16-4 đến 2-5, Thượng tọa Thích Thiện Quý, trụ trì chùa Tâm Thành (H.Tam Nông, Đồng Tháp) cùng các Phật tử, mạnh thường quân đã tổ chức nhiều chuyến xe tải, sà lan vận chuyển nước ngọt đến vùng bị hạn mặn tại 3 tỉnh Tiền Giang, Cà Mau và Bến Tre để hỗ trợ bà con sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống…

Thông tin hàng ngày