Lại nói về cành mai Mãn Giác

GN - Khi những ngọn gió mới mang về hơi ấm của tiết trời trong buổi giao mùa thì cũng là lúc hương vị Tết lan tỏa khắp cùng đất nước. Và như một sự choàng tỉnh sau giấc đông miên lạnh lẽo, từ nông thôn đến phố phường đô hội bỗng rực lên một sắc vàng óng ả, đầy sức sống của vạn đóa mai vàng.

Nguồn cảm hứng của thi nhân cũng trỗi dậy cùng với mùa xuân bất tận. Những nét bút tài hoa của các nhà thư pháp lại thêm một lần gửi đến cho thế nhân những câu thơ bất hủ để cùng chào đón một mùa xuân mới an vui. Và bài kệ Cáo tật thị chúng với hai câu thơ cuối bất hủ bừng sáng lên với cành mai của Thiền sư Mãn Giác, hiển hiện như một biểu tượng của mạch đời sống động bất tuyệt trong cõi tạm bợ vô thường:

“... Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”

(Đừng nói xuân đi hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai)

(Thích Nhất Hạnh dịch)
Hinh-nen-hoa-Mai-mung-xuan-2013- (12).JPG

Ảnh: Minh họa

Hơn chín trăm năm trôi qua kể từ lúc “cành mai Mãn Giác” bất ngờ khai hoa đã tô điểm thêm cho văn học Việt Nam nói chung và văn học Phật giáo nói riêng một sắc màu rực rỡ, một mạch sống sung mãn bất tận với thời gian.

Thế nhưng, đứng trên quan điểm triết học và văn học hầu như mọi người đã có sự đồng cảm và đồng nhất trong cách nhìn về cành mai của Mãn Giác, nhưng xét về khía cạnh sinh học thì cành mai ấy đã được nhìn với sự dị biệt lớn lao theo quan niệm từng người, từng giới. Thật vậy, chúng ta thử điểm qua vài ý kiến khác nhau của một số nhà thơ, nhà nghiên cứu và học giả về “cành mai Mãn Giác” tưởng chừng như rất tự nhiên, chẳng có gì thắc mắc ấy.

Nhiều người thường nghĩ rằng cành mai ấy là loại mai vàng ở miền Trung và miền Nam nước ta nở vào dịp Tết âm lịch hàng năm (có tên khoa học là Ochna integerrima, có sách ghi là Ochna harmandii Lec, thuộc họ mai (Ochnaceae), chẳng hạn tác giả Nguyễn Minh Ngọc trong bài “Đêm qua sân trước một cành mai” (Kiến Thức Ngày Nay, số Xuân Quý Dậu) đã viết: ... Đến đây, thiên nhiên mà cụ thể là mùa xuân, chợt hiện lên vừa sinh động, vừa tươi tắn. Bức tranh xuân có nhánh mai vàng”. Hoặc như tác giả Hữu Ngọc trong bài “Từ cây Nhất Chi Mai mà hiểu rõ một câu thơ đời Lý” (tạp chí Hán Nôm số 2, 1993) đã cho rằng “nhất chi mai” không phải là “một cành mai” mà đó là tên của một loài mai: hoa Nhất Chi Mai, lá nhỏ, cao khoảng 1m, trổ hoa quanh năm. Và ông lên giọng: “Nhất chi mai” mà dịch là “một cành mai” là do “thiếu kiến thức, dịch liều, dịch lấy được”. Nếu muốn nói “một cành mai” thì tiếng Hán diễn đạt là “nhất mai chi”.

Thật ngạc nhiên! Một hoặc hai người sai lầm thì còn có lý, nhưng chúng ta thấy các bậc thâm nho, các học giả nổi tiếng xưa nay (như Ngô Tất Tố, Trần Trọng Kim...), đều dịch “nhất chi mai” là “một cành mai” hoặc “một nhành mai” cả. Vậy chẳng lẽ tất cả các vị ấy đều... thiếu kiến thức, dịch liều cả sao? Học giả An Chi trong Chuyện Đông chuyện Tây (NXB Trẻ 2006, quyển 4) đã thẳng thừng trả lời rằng: “Dịch “nhất chi mai” thành “một cành mai” là dịch đúng... Mặc dù trong tiếng Hán “cành mai” là “mai chi”, nhưng hễ đã muốn đếm thì phải nói “nhất chi mai” hoặc “mai nhất chi” không bao giờ nói được “nhất mai chi” vì đó không phải là tiếng Hán... Cấu trúc “nhất chi mai” cũng giống như cấu trúc “tam thất mã” (ba con ngựa), “nhất bản thư” (một quyển sách)...”

Huống chi cây Nhất Chi Mai của ông Hữu Ngọc trổ hoa quanh năm, nếu nó là cành mai của ngài Mãn Giác thì có chi lạ đâu để nói, và cành mai trong hai câu thơ bất hủ của Ngài làm sao có thể tươi sống mãi đến bây giờ và mãi mãi về sau.

Các cành mai của các tác giả nêu trên đều không phải là cành mai của Mãn Giác. Vậy đó là loại mai gì? Đó là một loại mai có tên khoa học là Prunus mume, thuộc họ hoa hồng (rosaceae), một loại cây trồng lấy hoa và quả ở Trung Quốc, Triều Tiên-Hàn Quốc, Nhật Bản và miền Bắc nước ta, “hoa màu trắng, hồng hoặc đỏ. Quả có vị chua thường làm mứt để ăn, sấy khô có màu đen nên gọi là ô mai. Ô mai hoặc xí muội của Tàu chính là làm từ trái mai này. Cây mai cùng họ với cây mơ, và cây đào.” (An Chi, sđd)

Nó thường ra hoa vào cuối mùa đông - đầu mùa xuân, thông thường là cuối tháng 1 hay đầu tháng 2 ở khu vực Đông Á, trước khi ra lá. Hoa của loại mai này thường tàn hết vào khoảng cuối xuân. Mỗi hoa có 5 cánh với đường kính khoảng 1-3 cm. Mai này có thể chịu rét, và nở hoa trong mùa tuyết, nên cùng với tùng và trúc, chúng được gọi là “tuế hàn tam hữu” (ba người bạn trong mùa đông) nên mới có tổ hợp “duyên trúc mai” hoặc “thanh mai trúc mã” để chỉ quan hệ tình cảm. Trong bài thơ “Tảo Mai” (Mai sớm) của nhà thơ Tề Kỷ đời Đường cho thấy tánh chịu rét của mai này:

“Vạn mộc đống dục chiết

Cô căn noãn độc hồi

Tiền thôn thâm tuyết lí

Tạc dạ nhất chi khai”

- Muôn cây sắp chết cóng

Riêng rễ ấm trở mình

Trong tuyết dày xóm trước

Đêm qua nở một bông.

(An Chi dịch)

Cây mai này đã đi vào văn học cổ Trung Quốc cũng như trong văn học cổ của nước ta. Nguyễn Du đã nhiều lần sử dụng hình ảnh cây mai này trong kiệt tác Truyện Kiều, như “Mai cốt cách, tuyết tinh thần/ Xương mai tính đã rũ mòn/ Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai/ Chắc rằng mai trúc lại vầy/ Gương lờ nước thủy mai gầy vóc sương” v.v...

Trong thời đại nhà Lý, lúc bài kệ Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác ra đời, lãnh thổ nước ta chỉ kéo dài tới Bắc Quảng Trị bây giờ. Theo Giáo sư Đỗ Tất Lợi, người đã cố công đi tìm cây mai vàng và các loại cây thuốc nam ở miền Bắc, thì mãi đến năm 1975 khi đất nước thống nhất, miền Bắc mới thấy có mai vàng.

Vậy cây mai của ngài Mãn Giác vào thế kỷ 11 hẳn nhiên không phải là cây mai vàng ở miền Trung và miền Nam, mà chính là cây mai có hoa năm cánh màu trắng, hồng hoặc đỏ, nguồn gốc từ Trung Quốc, một loại mai có sức chịu đựng dẻo dai, dưới bầu trời tuyết trắng vẫn có thể đơm hoa kết trái với một sức sống tràn trề, đầy sinh lực trong khi các loại thảo mộc khác dường như đang chết cóng dưới cái lạnh của trời đông.

Và chính loài mai ấy khi mùa xuân đi qua, muôn hoa khác đã rụng tàn, thì với nguồn lưu chuyển không ngừng, vẫn nở tươi những đóa hoa trái mùa một cách bất ngờ theo cái nhìn nhị nguyên của người đời, nhưng chính đó là biểu tượng của sự thường hằng trong dòng luân lưu của đạo, là thể tánh chân không đã hiển bày thành diệu hữu trong thế giới hiện tượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1241 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Đời người ngắn ngủi đừng phí thời gian

GNO - Như người bị trúng tên độc là một trong những ảnh dụ gây ấn tượng mạnh mẽ về những việc cần làm ngay. Dĩ nhiên mỗi người có một mục tiêu riêng theo quan niệm sống của mình. Đối với người tu Phật thì vượt thoát khổ đau là quan trọng và cần kíp nhất.

Thông tin hàng ngày