Các bác sĩ cảnh báo về chứng đột tử ở người trẻ. Rất nhiều người nhầm lẫn về chứng này và chủ quan. Các bác sĩ cho biết có người không mắc bệnh gì, chỉ làm việc quá sức, ăn nghỉ không điều độ cũng dẫn đến đột tử...
Mới đây, khắp nơi xôn xao về một bạn trẻ 31 tuổi bị đột tử vì làm việc quá sức trong thời gian dài. Trước đó, từng có một bác sĩ 32 tuổi tử vong đột ngột, sức khỏe cũng được cho là bình thường.
BS Phạm Đức Hiếu tư vấn về dự phòng bệnh lý mạch máu não - Ảnh: THÚY ANH
Lý do nào có thể dẫn đến đột tử?
Theo BS Phạm Đức Hiếu - Bệnh viện Việt Đức, gần đây nhờ thông tin nhanh và nhiều hơn nên giới chuyên môn ghi nhận được nhiều ca đột tử ở nhóm thanh niên trẻ tuổi, sức khỏe vốn rất bình thường, có cường độ làm việc cao. Có người cho là những thanh niên đó có vấn đề ở mạch máu não, hoặc có bệnh cảnh nền nào đó dẫn đến đột tử.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho rằng bất kỳ người bình thường hoàn toàn khỏe mạnh nào nếu làm việc quá sức, ăn ngủ không điều độ đều dẫn đến kiệt sức và khi có "giọt nước tràn ly" có thể dẫn đến đột tử.
Đời sống hiện nay cường độ làm việc căng thẳng hơn, cao hơn, công việc trí óc nhiều, khối lượng công việc nhiều khiến nhiều người kiệt sức. Một số người có nhiều thú vui hơn như: chơi điện tử, đi phượt, chơi khuya... và có người không kiểm soát được thời gian, không quan tâm đến thời gian nghỉ ngơi.
Người trẻ cũng vì ỷ lại sức khỏe còn tốt, còn trẻ nên cũng không quan tâm đến khám sức khỏe định kỳ, trong khi mỗi lần đi chơi với bạn bè lại có thể uống rượu, hút thuốc, nguy cơ càng nhiều hơn.
* Thưa bác sĩ, có người cho rằng những người trẻ đột tử là do những bệnh lý nền như dị dạng mạch máu não hoặc bệnh nặng nào đó. Thực tế có phải như vậy?
- Về điều này không có nghĩa không có bệnh là không có đột tử. Người khỏe mạnh bình thường nhưng thời điểm đó nhiều stress, lao lực, kiệt sức... thì có thể chỉ cần thêm một "giọt nước tràn ly", tức yếu tố ảnh hưởng thêm là có thể đột tử. Người ta hay nói đến chứng "chết vì kiệt sức" đó thôi.
Có nhiều bạn trẻ hiện nay làm việc rất nhiều, quên ăn quên uống, khi mệt sẵn trong người lại tắm đêm mà khu vực nhà tắm lại bị lạnh, có gió lùa chẳng hạn thì đó là những yếu tố nguy cơ.
* Thưa bác sĩ, bệnh lý nào có thể dẫn đến chứng đột tử?
- Có thể là bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ máu hoặc có dị dạng mạch máu não. Những người tăng huyết áp thì thường có mạch máu nhỏ, lượng máu lên tim ít ỏi, thêm một yếu tố thúc đẩy như lao lực, suy kiệt làm cho quy trình ấy (vốn đã trục trặc) lại càng không duy trì được nữa. Hoặc người đái tháo đường, mỡ máu thì dễ xơ vữa mạch máu.
Vì thế, chúng tôi vẫn hay khuyến khích người bệnh nên đi tầm soát từ sớm, ngay người có dị dạng mạch máu não thì việc tầm soát từ sớm cũng dễ phát hiện vị trí bị dị dạng hơn.
Ngay ở Singapore khi tuyển dụng nhân viên mới người ta cũng yêu cầu tầm soát rất nhiều chỉ số về sức khỏe, nhờ đó người ta có ý thức hơn trong phòng bệnh.
* Để phòng ngừa nguy cơ dẫn đến nguy hiểm sức khỏe, theo ông cần làm gì?
- Ăn ngủ điều độ, ngủ đủ 6-8 tiếng/ngày, mùa lạnh thì tốt nhất là nên gội đầu, sấy khô rồi hãy tắm, vừa tắm vừa gội dẫn đến cơ thể mất nhiệt, khi ra khỏi môi trường phòng tắm ấm áp nếu có sấy tóc thì chỉ ấm vùng đầu, người chưa đủ ấm.
Về lý do đột tử do dị dạng mạch máu não, theo thống kê thì có 3% trong chúng ta có dị dạng này, nhưng chỉ 3% trong đó là ở mức nặng, có nguy cơ đột tử, nghĩa là số có dị dạng mạch máu não nhưng nguy cơ nặng là rất nhỏ. Tức là những nguy cơ liên quan đến lối sống, thời gian làm việc cũng là khá nhiều.
Ngủ thế nào cho đủ để phòng bệnh? Bác sĩ Phạm Đức Hiếu (Bệnh viện Việt Đức) cho biết trung bình người trưởng thành cần ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày, lứa tuổi cần ngủ nhiều là các bé sơ sinh, có thể ngủ rất nhiều chỉ trừ giờ ăn, tắm và chút ít thời gian chơi. |
Theo Tuổi Trẻ