Bảo quản những tấm mộc bản vô giá
Ngay xưa gỗ thị đã được các vị cao tăng chọn để khắc kinh phật. Sư thày Thích Thanh Vịnh – trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm cho hay: Gỗ thị rất đặc biệt, màu trắng, ít cong vênh hay nứt vỡ, khi tươi thì mềm, khi khô thì dai và cứng rắn.
Đầu tiên gỗ được xẻ ra thành từng tấm ván có kích thước trung bình 33cm x 23cm x 2,5cm. Sau đó được luộc trong nước sôi, rồi lại vớt ra phơi nắng cho khô. Quá trình sơ chế gỗ này được thực hiện 3 lần như một phương pháp tốt nhất để tránh mối mọt xâm phạm. Bề mặt ván gỗ thị có màu đen bóng do được phủ một lớp dầu mực in khá dầy. Lớp dầu này thấm sâu vào ruột gỗ có tác dụng chống thấm nước, ẩm mốc và mối mọt rất hiệu quả.
Hiện nay, kho mộc bản kinh phật vẫn được bảo quản theo cách truyền thống, các ván thư được xếp trên 7 kệ hay còn gọi là tạng kinh, có mái, có cánh, như một ngôi nhà. Dưới mỗi chân của tạng, kê 1 viên đá, khoét sâu và đổ dầu vào. Cách này giúp cho mộc kinh không bị mối mọt, kiến xâm hại. Tạng kinh được kê ở vị trí gần cửa ra vào thoáng mát, có ánh sáng, gió để tránh ảnh ẩm mốc và hỏa hoạn.
Theo nhà chùa, bụi cũng là một “phương thuốc” tốt để tránh mộc bản bị ẩm bởi nhờ có bụi thấm phủ lên nên hút được ẩm trong ván kinh khi thời tiết nồm ẩm. Chính vì vậy, kho mộc bản được để trong ngôi nhà nền đất để khi quét, bụi bay lên thấm vào ván kinh, giúp mộc thư chống ẩm mốc.
Mỗi năm nhà chùa tiến hành kiểm tra “sự an toàn” của đại tạng kinh 3 lần. Vì 2 mặt của ván kinh đều có chữ nên quá trình vận chuyển mộc thư đều phải rất nhẹ nhàng, trán cọ xát làm mòn đi mặt khắc chữ. Nhờ sự bảo quản và lưu giữ kì công như vậy mà trải qua chiến tranh, thời tiết khắc nghiệt suốt 300 năm, kho mộc bản kinh gần như vẫn còn nguyên vẹn, đảm bảo được một trong những tiêu chí của di sản tư liệu thế giới khi Việt Nam làm hồ sơ mộc bản kinh phật đệ trình lên UNESSCO.
Tuy nhiên, không phải là không có nguy cơ đe dọa những bản mộc kinh này, đặc biệt là tác động của thời gian. Thứ trưởng Lưu Trần Tiêu đã buồn rầu nói rằng chưa chắc phương pháp bảo quản hiện đại đã hiệu quả bằng cách lưu giữ truyền thống. Thế nên cách bảo quản để mộc thư được mãi mãi nguyên vẹn hiện nay vẫn là một câu hỏi lớn khiến các cơ quan chức năng băn khoăn, tìm lời giải đáp.
Hoàn tất hồ sơ đề cử là Di sản Tư liệu thế giới
Dẫu biết đại tạng kinh là kho di sản tư liệu kinh phật quí báu và duy nhất của thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế nhưng chỉ sau khi nghe tin bia tiến sĩ tại Văn Miếu tiến hành làm hồ sơ đệ trình UNESSCO, Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang mới nghĩ đến việc đề cử mộc bản kinh phật là di sản tư liệu thế giới. Trước đó, năm 1964, kho mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di sản lịch sử - văn hóa cấp quốc gia
Tháng 4 năm 2009, Sở VHTTDL giao cho bảo tàng Bắc Giang tư liệu hóa kho ván in kinh phật. Các thành viên của sở, ban quản lý di tích và bảo tàng tỉnh đã về ăn nghỉ tại chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng – nơi cách thành phố Bắc Giang 20 km trong suốt tháng 5 để tiến hành in mộc bản ra giấy dó.
Ông Trần Văn Lạng, giám đốc bảo tàng tỉnh Bắc Giang cũng là người trực tiếp làm hồ sơ đề cử mộc bản là di sản tư liệu thế giới cho biết, các mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, được coi là âm bản nên chữ khắc ngược và khi in ra giấy sẽ thành chữ xuôi, được đóng sách và sử dụng theo truyền thống của người phương Đông xưa là đọc từ trái sang phải và từ trên xuống dưới.
Tuy nhiên trong suốt 1 tháng ròng rã dù ngày nào đoàn cũng làm việc từ sáng đến tối mà mới chỉ in chưa đến 1/10 của đại tạng kinh, nên dự tính nếu có làm hết năm cũng chưa in xong được kho mộc bản để tư liệu hóa di sản. Sau khi đã bàn bạc, quyết định chuyển kho Mộc bản lên Sở VHTTDL để tiếp tục tiến hành công việc.
Cuối năm 2009, sau 6 tháng miệt mài làm việc, tòa bộ nội dung kho mộc bản kinh phật đã được in ra giấy bản. Sau đó, mộc thư được Viện Hán Nôm xếp vào từng bộ, và phân loại thành 10 đầu sách.
Ngày 31/3/2010 vừa qua tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã công bố hoàn thành hồ sơ mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm đề nghị UNESCO công nhận là Di sản tư liệu trong chương trình ký ức thời gian thế giới. Kho mộc bản kinh phật có được công nhận là di sản tư liệu thế giới hay không có lẽ phải chờ đến phiên họp thường niên của UNESSCO vào năm 2011.
Tuy nhiên “kết quả xét duyệt đối với nhà chùa không quan trọng bởi nếu được công nhận thì những giá trị của kho báu kinh phật sẽ được chia sẻ cho cả thế giới, đó là một điều tốt, nhưng dù thế nào và từ trước đến nay, mộc bản kinh phật vẫn là kho báu của Thiền phái Trúc Lâm, theo dự định, cuối năm 2010, chúng tôi sẽ xây một nhà riêng để bảo quản kho mộc bản này”- sư thầy Thích Thanh Vịnh bày tỏ.
Bài 2: Mỗi mộc bản kinh Phật cũng là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tinh xảo, thể hiện tài hoa của người thợ Việt xưa và là nguồn tư liệu để tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam thời Lê-Nguyễn