Lễ chùa đầu xuân

Lễ chùa đầu xuân
Giác Ngộ - Đi lễ chùa ngày đầu xuân là phong tục lâu đời, một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Còn gì thanh bình yên ả hơn trong ngày đầu năm vào buổi sáng sớm, đường phố yên ắng, người người còn chìm trong giấc ngủ muộn, ta thong dong đi lễ chùa.

Hương trầm và hương hoa ngan ngát, ta ngồi tĩnh tâm trong chánh điện, trước mặt Đức Phật từ bi. Ta cầu khấn Ngài ban những điều tốt đẹp cho một năm mới. "A Di Đà Phật", "Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát"… Đây đó tiếng lầm rầm khấn vái, tiếng chuông chùa đổ từng hồi ngân nga trong gió sớm, tiếng mõ đều đều của các vị sư già càng khiến lòng mình trở nên dịu hiền, thư thái hơn.

Hồi ở quê, tôi hay đến viếng những ngôi chùa nghèo. Chùa quê nho nhỏ xinh xinh cạnh bờ ao khóm trúc trông xa xa như bức tranh thủy mặc. Chùa nghèo nhưng tấm lòng của người tu thì quảng đại bao la, chùa thường là nơi cưu mang những người già yếu bệnh tật, trẻ mồ côi, người thất cơ lỡ vận, hốt thuốc cho người bệnh… Đến chùa những ngày rằm, lễ Vu lan hoặc ngày Tết, khách thập phương luôn được đãi bữa cơm chay với những món ăn nấu theo kiểu "cây nhà lá vườn", bữa ăn chay tịnh giản dị mà ngon miệng lạ lùng. Ăn xong, uống ly nước đậu rang nóng thơm rồi ra chiếc võng chuối bên hông chùa, dưới bóng mát của vườn cây, nghe tiếng chim líu lo trên cành mà thiu thỉu một giấc ngon lành. Đi chùa quê được hưởng niềm vui của miền thôn dã, lòng thật an nhiên, tự tại.

Chùa phố Sài Gòn luôn nhộn nhịp tưng bừng. Những ngôi chùa lớn nổi tiếng có lối kiến trúc vừa hiện đại vừa cổ kính, đa số có phong cảnh thanh nhàn, nội thất u nhã, cột và các bao lam gỗ được chạm trổ tinh vi. Mỗi chùa có một sắc thái riêng và nề nếp tu tập cũng khác nhau. Nhiều chùa có bề dày lịch sử đấu tranh, đóng góp rất lớn công sức vào sự nghiệp cứu nước như Việt Nam Quốc Tự, Vĩnh Nghiêm, Ấn Quang, Xá Lợi…

Đi viếng các chùa lớn phải đi sớm hoặc đi trễ, nhất là những ngày rằm, Tết nhất lễ lộc, lượng người đi chùa rất đông. Để tránh cảnh chen lấn trong những ngày đầu xuân, nhiều người đi chùa vào giờ giao thừa, họ tin rằng giữa đêm giao thừa là giờ linh thiêng, đi chùa và xin lộc là rước được Phật về nhà, sẽ tan hết mọi xúi quẩy trong năm và cũng không sợ những người có vía xấu xông đất đầu năm. Những ngày đông vui này, một hệ thống "kinh doanh ăn theo" làm cho cảnh chùa càng thêm huyên náo, những người ăn xin có "thu nhập" khá cao, những người bán chim, bán cá không ngơi tay, mấy chỗ giữ xe lấy giá cắt cổ nhưng người gởi vẫn không phàn nàn vì mấy ngày Tết, ngày rằm ai cũng muốn hỷ xả một chút cho người nghèo.

Thời sinh viên, tôi thường rủ đám bạn đi chùa Hưng Phú (gần cầu chữ Y, quận 8). Ngôi chùa này thuộc loại bậc trung, kiến trúc giản dị nhưng khuôn viên chùa thì rất mát mẻ, sạch đẹp. Hòa thượng trụ trì chùa vui vẻ, lịch lãm, thích sáng tác và ngâm nga thơ Đường. Mỗi lần bọn tôi đến thầy thường đọc thơ giao lưu, thơ của thầy lời lẽ tao nhã, kiến thức thâm sâu, đa số thơ có nội dung nói về quê hương đất nước đang bị giặc ngoại xâm giày xéo, thầy giảng đạo cho bọn tôi nghe rồi hỏi việc ăn chay niệm Phật của bọn tôi như thế nào. Thầy hỏi, tôi lúng túng đáp: "Thưa thầy! Mỗi tháng con ăn chay một đợt 7 ngày, còn kinh kệ thì con… không thuộc". Thầy hỏi đứa khác, bọn nó cũng nói bâng quơ không đâu vào đâu khiến thầy bật cười. Thầy bảo: "Ăn chay niệm Phật là để tự nhắc nhở, hồi hướng tâm mình bớt vọng động, nhớ tới việc thiện mà làm lành lánh dữ chớ không ai bắt buộc cả. Ăn chay sẽ thấy cơ thể nhẹ nhàng thanh thản, ăn không đúng ngày cũng được nhưng thường thì ăn chay những ngày rằm, ngày đầu tháng và cuối tháng. Các con nhớ tu tâm dưỡng tánh từ bây giờ thì mới làm nên nghiệp lớn sau này". Chúng tôi dạ dạ rồi đâu lại vào đấy, chỉ những khi tới ngày thi cử, muốn cầu xin Đức Phật điều may mắn mới nhớ tới việc ăn chay. Cả bọn bảo nhau, mấy đứa mình tu hành kiểu này Phật Trời nào chứng cho.

Đạo Phật ở Việt Nam rất thịnh hành, riêng Sài Gòn là đất của chùa chiền, đình miếu. Người theo đạo Phật khá đông, phần lớn đều là Phật tử thuần thành, họ là những tập thể thường đứng đầu trong các công tác từ thiện, cứu trợ lũ lụt, góp phần nuôi dưỡng người già yếu cô đơn, người bệnh nghèo, nuôi dạy trẻ khuyết tật, lang thang cơ nhỡ không nhà…

Hệ thống chùa chiền của Sài Gòn hiện nay được trùng tu kiến tạo ngày một khang trang, sạch đẹp. Người theo đạo Phật ngày càng đông, có nhiều dạng tu hành chớ không nhất thiết phải vào khổ hạnh ở chùa, có thể tu tại gia, hoặc tu tâm dưỡng tánh trong lòng mình. Người không có đạo những khi rảnh rỗi cũng thường viếng cảnh chùa, nghe các sư giảng đạo để hiểu thêm nhiều điều huyền nhiệm, và để đầu óc được thư giãn. Trước sự ô nhiễm môi trường và thức ăn trầm trọng, người đời nay rất chuộng món ăn chay để nhẹ nhàng cơ thể, ít độc tố và được khỏe mạnh.

Những khi lo lắng ưu tư chuyện đời, ta nên nhín chút thời gian về nơi cửa Phật, đọc vài câu kinh, nghe tiếng chuông chùa và tiếng mõ gõ đều đều nơi chánh điện, nhìn Đức Phật Di Lặc tươi cười hoan hỷ, sẽ thấy lòng thanh thản hơn nhiều.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày