Bắt đầu từ ngày mồng 4, khi không khí Tết vẫn còn phảng phất trong các gia đình, già trẻ, gái trai các làng đã tất bật với việc chuẩn bị mâm quả cho lễ rước hôm sau. Những người khéo tay nhất trong thôn được triệu tập tham gia bày mâm quả, sao cho vừa đẹp, vừa có ý nghĩa để thi tài cùng thôn khác. Lễ rước trước đây là rước “long đình” của các dòng họ trong xã chứ không rước cỗ như bây giờ. Ngày nay, lễ hội rút ngắn trong thời gian hai ngày, việc rước “long đình” được thay bằng rước “cỗ” do long đình của nhiều dòng họ bị hỏng, không thể di chuyển. Cỗ là các mâm quả, được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt như: quần long tụ hội, hạc ngậm phong thư... Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng, tại sân các nhà văn hóa thôn đã chật cứng người. Các cụ già mặc áo the, khăn xếp, các bà đi chùa mặc áo nâu, thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống của lễ hội, ai nấy đều hân hoan, sẵn sàng chung tay tham gia đám rước. Ngoài 5 cỗ của 5 thôn, người ta còn rước bài vị của 3 vị thành hoàng, cũng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng và dạy dân Thanh Xá nghề tằm tơ thuở trước từ đình Sụn tới sân chùa. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ... được thực hiện ngay tại chùa.
Lễ hội chùa Hào thu hút được nhiều khách thập phương đến dự, ngoài ý nghĩa tâm linh còn bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian trong phần hội. Trong đó hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải là một nét đẹp văn hoá. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Vận động viên (VĐV) tham gia bao gồm cả nam và nữ, nhưng thi riêng. Độ tuổi của VĐV cũng không bị giới hạn, có thể là người vẫn còn độc thân hoặc đã có gia đình. Thậm chí nhiều gia đình có tới hai hoặc ba thế hệ cùng tham gia thi. Số VĐV trên mỗi thuyền đua cũng giảm xuống chỉ còn 12 -14 VĐV, bao gồm 10-12 tay chèo, một người cầm lái (còn gọi là "phách mũi" và một người tát nước). Trước đây toàn xã chỉ có ba đội đua (đại diện cho 3 giáp) thì nay đã có 10 đội (đại diện cho 5 thôn của xã, mỗi thôn một đội tuyển nam và một đội tuyển nữ). Một thời gian dài, do kinh tế khó khăn, thuyền đua không phải là chải gỗ mà là thuyền nan. Song từ năm 1985 đến nay, địa phương đã đầu tư kinh phí để đóng "chải" phục vụ lễ hội.
Hội thi bơi chải thường gắn liền với phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông. Đây cũng là phần thi sôi nổi nhất. Chỉ các đội về nhất nhì mới được tham dự phần thi này. Khi vịt được tung xuống nước, các VĐV trên chải đua phải nhanh chóng nhảy xuống bắt vịt, trong khi đó các thành viên còn lại của đội bạn liên tục té nước, gây khó khăn. Trước đây, VĐV nào bắt được vịt và móc được "mề" của con vịt đó mới được trao giải nhất, thì nay quy định này đã được bãi bỏ. Sau phần thi bắt vịt, các đội chuẩn bị sẵn bó đóm và niêu cơm, vừa chèo, vừa nấu trong tiếng trống, tiếng cổ vũ reo hò của nhân dân hai bên đường đua. Đội nào không khéo, để đội bạn té nước, làm tắt lửa phải nhóm lại thì nguy cơ cơm sống là điều chắc chắn. Hết thời gian quy định, các niêu cơm được đem về để ban tổ chức chấm và trao giải. Hiện nay, một số trò chơi dân gian tổ chức cùng với hội bơi chải như leo cầu thùm, bắt chạch... không còn được tổ chức vì lý do mất nhiều thời gian và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Thay vào đó là các môn thể thao hiện đại như bóng đá mi-ni, cầu lông, thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, được tổ chức từ ngày mồng 4 Tết để khai xuân và kéo dài cho đến hết lễ hội. Ngoài các hoạt động thể thao, vào buổi tối mồng 5 tháng Giêng, lễ hội chùa Hào còn diễn ra các hoạt động văn nghệ. Trước đây các gánh hát, các phường chèo ở khắp các nơi trong tỉnh thường kéo về biểu diễn phục vụ bà con, còn nay là những tiết mục “cây nhà lá vườn” do đội văn nghệ các thôn tự biên tự diễn để giao lưu trong đêm hội chung của xã nhà. Năm 2010 này, lễ hội chùa Hào được tỉnh chọn để tổ chức điểm lễ hội truyền thống theo kịch bản, nhằm phục dựng một số nghi lễ vốn có của lễ hội trước đây. Để chuẩn bị cho lễ hội 2010, ngay từ những ngày cuối năm 2009, ban văn hóa xã cùng với Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu các tài liệu về lễ hội chùa Hào xưa và nay để xây dựng kịch bản mới cho lễ hội. Các ngành chức năng của tỉnh, huyện và xã đầu tư để tôn tạo, sửa chữa một số hạng mục trong quần thể di tích chùa Bạch Hào, thành lập lại đội tế theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn... Dự kiến, lễ hội năm nay có thêm cả màn đốt cây bông và biểu diễn rối nước. Những hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi này, cùng với hội bơi chải truyền thống đã làm nên nét văn hoá độc đáo cho lễ hội chùa Hào, để hội chùa thực sự là ngày hội mừng xuân của người dân Thanh Xá nói riêng và Thanh Hà nói chung khi bước vào năm mới. |